Dàn bài nghị luận: Suy nghĩ về hiện tượng học sinh lười đọc sách
I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề: Trước sự phát triển như vũ bảo của nền công nghệ, con người cần không ngừng học hỏi để không bị lạc hậu. Đọc sách là một thói quen quan trọng giúp mở rộng tri thức và phát triển tư duy, có đủ năng lực để thành công trong cuộc sống.
– Nêu hiện tượng: Thế nhưng, hiện nay, nhiều học sinh ngày càng lười đọc sách, thay vào đó là dành thời gian cho các thiết bị công nghệ. Hiện trạng đó khiến gia đình, nhà trường và xã hội không khỏi lo lắng.
II. Thân bài:
Hiện tượng học sinh lười đọc sách là gì?
Lười đọc sách là hiện tượng học sinh không có thói quen hoặc không muốn đọc sách, dù có điều kiện tiếp cận. Họ thường cảm thấy đọc sách là nhàm chán, mất thời gian và không mang lại hứng thú.
Thực trạng học sinh lười đọc sách
– Học sinh ít quan tâm đến sách vở, chưa có thói quen đọc sách hàng ngày, ít khi chủ động tìm kiếm sách để đọc, đặc biệt là sách ngoài chương trình học.
– Khi đọc sách, học sinh thiếu sự tập trung cần thiết, đọc so sài, qua loa đại khái, không kiên nhẫn để hoàn thành việc đọc hết một cuốn sách dài.
– Nhiều học sinh thích tiếp cận thông tin sách thông qua video, mạng xã hội, các trang tìm kiến hơn là đọc từng trang sách.
– Tỷ lệ đọc sách ở lứa tuổi học sinh ngày càng giảm sút đáng kể so với trước đây.
→ Hiện tượng học sinh lười đọc sách đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong giáo dục.
Nguyên nhân của hiện tượng
– Trước hết, do sự phát triển của công nghệ số, sách điện tử, mạng xã hội khiến học sinh dần xa rời sách in. Học sinh có xu hướng thích các nội dung giải trí hơn là đọc những cuốn sách mang tính học thuật, giáo dục. Học sinh thiếu kiên nhẫn, không có thói quen đọc sách từ nhỏ.
– Chương trình học tập mới nặng nề. Học sinh phải đối mặt với khối lượng bài tập lớn, lịch học thêm dày đặc, khiến các em không còn nhiều thời gian và động lực để đọc sách ngoài giờ học. Sách giáo khoa và tài liệu học tập thường khô khan, thiếu tính hấp dẫn, làm mất đi hứng thú đọc sách của học sinh.
– Gia đình, nhà trường ít khuyến khích hoặc không xây dựng văn hóa đọc sách, khiến trẻ em không hình thành thói quen đọc từ nhỏ. Thư viện trường học chưa thực sự phong phú hoặc chưa có những chương trình kích thích sự hứng thú đọc sách của học sinh.
Hậu quả của việc lười đọc sách
– Ít đọc sách, học sinh bị hạn chế về kiến thức, tư duy phản biện, khả năng ngôn ngữ và kỹ năng viết.
– Sách cung cấp nhiều kiến thức, ý tưởng mới mẻ, kích thích trí tưởng tượng. Khi không đọc sách, học sinh ít có cơ hội tiếp cận với những quan điểm khác nhau, từ đó tư duy sáng tạo cũng bị hạn chế.
– Ít đọc sách, học sinh không có cơ sở để kiểm chứng thông tin, từ đó dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch từ mạng xã hội.
– Ít đọc sách làm ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển nhân cách, tình cảm của cá nhân.
Giải pháp khắc phục
– Trước hét, bản thân học sinh cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách và tạo thói quen đọc sách mỗi ngày. Xây dựng kế hoạch đọc sách phù hợp và kiên trì thực hiện kế hoạch ấy.
– Nhà trường và gia đình cần khuyến khích học sinh đọc sách qua các hoạt động như xây dựng tủ sách, tổ chức cuộc thi đọc sách. Giới thiệu những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi. Chọn sách có nội dung gần gũi, khơi gợi sự tò mò, khám phá của học sinh.
– Xã hội cần nâng cao văn hóa đọc, tổ chức các chương trình, sự kiện khuyến đọc cho học sinh. Đa dạng hóa hình thức đọc sách, kết hợp đọc sách giấy với sách điện tử, truyện tranh giáo dục. Tận dụng công nghệ, phát triển sách điện tử, truyện tranh giáo dục để kích thích hứng thú đọc sách.
Bàn luận mở rộng, đề xuất ý kiến
– Dù đã nhận thức rất rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, thế nhưng nhiều học sinh vẫn thờ ơ với sách, không chịu đọc sách. Một số học sinh lại đọc sách qua loa, đại khái, tuy có đọc nhưng chẳng hiểu biết gì về sách. Một số khác chỉ mua mua sách để trừn bày, khoe mẽ chứ không đọc. những người như thế thật đáng chê trách.
III. Kết bài:
– Khẳng định lại vai trò quan trọng của việc đọc sách trong sự phát triển tri thức và nhân cách: Đọc sách giúp nâng cao kiến thức, hoàn thiện kỹ năng, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn con người.
– Lời kêu gọi: Mỗi học sinh cần có thói quen đọc sách mỗi ngày, dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách để mở mang tầm hiểu biết và phát triển bản thân, mai này đem sức mình xây dựng cuộc sống thành công, góp phần phát triển quê hương, đất nước.
Bài văn tham khảo:
Suy nghĩ về hiện tượng lười đọc sách của học sinh hiện nay
Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, sách – một trong những kho tàng tri thức vô giá của nhân loại – đang dần bị lãng quên, đặc biệt là trong giới học sinh. Hiện tượng học sinh lười đọc sách đang trở thành một thực trạng đáng báo động, đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về thói quen và nhận thức của giới trẻ đối với việc học tập và trau dồi kiến thức.
Không khó để nhận thấy rằng ngày nay, học sinh dành ít thời gian hơn cho việc đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách ngoài chương trình học. Nếu trước đây, hình ảnh một học sinh say sưa bên những trang sách dày đặc chữ là điều quen thuộc, thì nay, thay vào đó là những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng hay tivi với vô vàn chương trình giải trí hấp dẫn. Khi được hỏi về sở thích cá nhân, không ít học sinh tỏ ra thờ ơ với việc đọc sách và cho rằng sách không còn quan trọng như trước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh lười đọc sách. Trước hết là do công nghệ thông tin bùng nổ đã tạo ra những phương tiện giải trí hấp dẫn hơn so với việc đọc sách. Chỉ với một chiếc điện thoại, học sinh có thể xem video, chơi game hay lướt mạng xã hội suốt nhiều giờ đồng hồ mà không cảm thấy nhàm chán. Bên cạnh đó, áp lực từ chương trình học cũng khiến nhiều em không còn thời gian dành cho sách vở ngoài những bài giảng trên lớp.
Mặt khác, một bộ phận học sinh chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc đọc sách. Các em xem việc đọc sách là một hoạt động tẻ nhạt, không mang lại nhiều lợi ích tức thời như các hình thức giải trí khác.
Ngoài ra, thói quen lười đọc cũng xuất phát từ việc gia đình và nhà trường chưa thực sự chú trọng đến việc xây dựng văn hóa đọc, chưa có nhiều hoạt động khuyến khích học sinh tìm đến sách một cách tự nhiên.
Lười đọc sách dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển của học sinh. Trước hết, khi ít đọc sách, vốn từ vựng và khả năng diễn đạt của học sinh bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, viết lách và tư duy logic. Hơn nữa, không có thói quen đọc sách đồng nghĩa với việc học sinh dễ bị thiếu hụt kiến thức nền tảng, khiến tư duy trở nên rời rạc, khó tiếp cận với những lĩnh vực chuyên sâu. Đáng lo ngại hơn, việc không đọc sách khiến nhiều em tiếp nhận thông tin một cách thụ động, dễ bị cuốn theo những luồng thông tin sai lệch trên mạng xã hội, dẫn đến những nhận thức và hành vi lệch lạc.
Để khắc phục hiện tượng học sinh lười đọc sách, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội.
Về phía học sinh: Mỗi học sinh cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đọc sách và tạo cho mình thói quen đọc sách hằng ngày. Bắt đầu từ những cuốn sách nhẹ nhàng, phù hợp với sở thích, dần dần mở rộng ra những loại sách mang tính học thuật cao hơn.
Về phía gia đình và nhà trường: Cha mẹ cần khuyến khích con cái đọc sách từ nhỏ, tạo môi trường thuận lợi để con tiếp cận với những cuốn sách bổ ích. Nhà trường cũng cần tổ chức nhiều hoạt động như ngày hội đọc sách, cuộc thi kể chuyện theo sách để kích thích niềm yêu thích đọc sách ở học sinh.
Về phía xã hội: Cần xây dựng nhiều không gian đọc sách, thư viện cộng đồng với sách phong phú, đa dạng. Đồng thời, các phương tiện truyền thông nên đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa đọc, giúp học sinh hiểu rằng đọc sách không chỉ giúp ích trong học tập mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức của nhân loại.
- Kết bài:
Hiện tượng học sinh lười đọc sách là một thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi sự quan tâm và thay đổi từ nhiều phía. Sách không chỉ cung cấp tri thức mà còn bồi đắp tâm hồn, giúp con người hoàn thiện bản thân. Vì vậy, mỗi học sinh cần chủ động tìm lại niềm vui từ những trang sách, bởi đọc sách chính là cách tốt nhất để chuẩn bị hành trang vững chắc cho tương lai.
»»»Xem thêm: Hậu quả của việc lười đọc sách