Thơ trữ tình là một thể loại văn học độc đáo, giàu cảm xúc, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện thế giới nội tâm của con người. Với khả năng lay động tâm hồn bằng lời thơ ngắn gọn mà hàm súc, thơ trữ tình đã trở thành tiếng nói sâu thẳm của cảm xúc cá nhân, đồng thời phản ánh những vấn đề rộng lớn của xã hội và nhân sinh.
I. Khái niệm
– Thơ: là hình thức tổ chức ngôn từ đặc biệt, tuân theo một mô hình thi luật hoặc nhịp điệu nhất định. Mô hình này làm nổi bật mối quan hệ giữa âm điệu và ý nghĩa của ngôn từ thơ ca. Với hình thức ngôn từ như thế, thơ có khả năng diễn tả được những tình cảm mãnh liệt hoặc những ấn tượng, xúc động tinh tế của con người trước thế giới.
– Thơ trữ tình: là loại tác phẩm thơ thường có dung lượng nhỏ, thể hiện trực tiếp cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình.
II. Đặc trưng của thơ trữ tình
1. Đặc trưng về nội dung
a. Thơ là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức
– Tình cảm là yếu tố quan trọng nhất trong thơ; là sinh mệnh của thơ “ ta cho thơ ba điều chính: một tình, hai cảnh, ba sự”. Thơ không miêu tả sự vật bên ngoài, không kể các sự việc xảy ra mà chỉ biểu hiện các xúc động nội tâm những tình cảm cảm nhận của con người trước sự việc, giúp ta hiểu con người chủ thể ở bên trong (vd: sgk).
+ Vai trò của tình cảm trong thơ đã được nhiều nhà thơ cổ kim phương Đông cũng như phương Tây nhận biết và đề cao. Lê Quý Đôn cho rằng: “Thơ khởi phát tự trong lòng người ta”; Ngô Thì Nhậm nhận xét: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngòi bút có thần”; Đuy Belây khẳng định:“Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”; Goorki lại nói: “Thơ trước hết phải mang tính chất tình cảm”.
+ Thiếu tình cảm thơ không còn là thơ nữa mà chỉ là sự ghép vần như jose Marti (nhà thơ Cu Ba) nói: “Thiếu tình cảm thì có thể trở thành người thợ làm những câu có vần, chứ không làm được nhà thơ”.
– Song tình cảm trong thơ không phải là thứ tình cảm hời hợt, nông cạn mà phải là sự rung động mãnh liệt ở bên trong, sự giày vò chấn động trong tâm hồn. “Thơ sinh ra từ tình yêu hay lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay giọt nước mắt đắng cay”. Có nghĩa là nhà thơ phải sống rất sâu vào tâm hồn mình, lắng nghe những xao động trong tâm hồn mình, đau đớn sướng vui với nhưng gì trong đấy → Tình cảm mãnh liệt là điều kiện hàng đầu của thơ.
– Tình cảm trong thơ gắn trực tiếp với chủ thể sáng tạo nhưng không phải là một yếu tố đơn độc, tự nó nảy sinh và phát triển ( theo kiểu không đau mà rên) mà là quá trình tích tụ những cảm xúc suy nghĩ của nhà thơ do cuộc sống tác động và tạo nên. Không có cuộc sống thì không có thơ ( nhà thơ chính là con ong hút nhuỵ từ những bông hoa của đời sống). Phải có những sự kiện, sự việc hoàn cảnh làm chấn động tâm hồn nhà thơ thì tình cảm thơ mới nảy sinh như Nguyễn Đình Thi từng khẳng định: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi động chạm đến cuộc sống. Tóe lên ở nơi giao nhau giữa tâm hồn và ngoại vật trước hết ở cảm xúc” (Đắm mình trong cuộc đời nhà thơ rung động mãnh liệt trước vẻ đẹp của thiên nhiên hay con người, đau nỗi đau của kiếp người, trăn trở day dứt trước những số phận éo le. Những rung động đó tạo nên cảm hứng buộc nhà thơ phải cầm bút và dòng thơ tuôn chảy). “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim
ta cuộc sống đã thật đầy” (Tố Hữu)
VD: Tình cảm đau đớn xót xa đến tột cùng của nhà thơ Hoàng Cầm trong bài thơ Bên kia sông Đuống cũng phải bắt nguồn từ sự kiện nhà thơ nghe tin quê hương bị giặc tàn phá.
VD: Tình cảm vui sướng hân hoan của Tố Hữu trong bài thơ Từ ấy cũng nhờ giác ngộ lí tưởng của Đảng (sự kiện nhà thơ vào Đảng)
– Thiếu tình cảm thì không thể có thơ nhưng thơ không phải là sự bộc lộ tình cảm một cách bản năng, trực tiếp. Tình cảm trong thơ là tình cảm được ý thức, được lắng lọc qua cảm xúc thẩm mĩ gắn liền với khoái cảm của sự tự ý thức về mình và về đời. Nhà thơ không bị tình cảm mãnh liệt của mình chi phối, trái lại ý thức nhà thơ làm chủ tình cảm của mình bằng một tư tưởng
VD: Thơ Nguyễn Khuyến mang tâm trạng bất lực trước bất công đen tối của cuộc đời nhưng thay vì nguyền rủa xã hội ông đã cười nhạo “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ / Đời trước làm quan cũng thế a?” (Vịnh Kiều)
VD: Trong bài đi hát mất ô, trước sự thật trơ trẽn Tú Xương nâng mình lên thành kẻ si tình khoáng đạt “chỉn e rày gió mai mưa / Lấy gì đi sớm về trưa với tình”
– Tình cảm, cảm xúc trong thơ trữ tình vừa mang tính cá thể hoá vừa mang tính khái quát hoá. Nó là nỗi niềm riêng của nhân vật trữ tình nên nó mãnh liệt, nồng cháy như Hàn Mặc Tử từng viết: “Khi tôi sáng tác là tôi phản bội lại những gì mà máu tôi và hồn tôi giấu kín” nhưng từ tình cảm riêng tư phải nói được nỗi niềm của số đông “thơ là một điệu….điệu” “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình”. Ví dụ như bài thơ Tự tình là tiếng lòng riêng của Xuân Hương nhưng đã trở thành nỗi lòng chung của nhưng người phụ nữ đem thân làm lẽ trong xã hội xưa khi hp với họ là một chiếc chăn quá hẹp, người này co, người kia sẽ lạnh. Hay Nguyệt cầm của Xuân Diệu được sáng tác trong nỗi cô đơn tột độ của thi nhân và nỗi cô đơn ấy cũng tìm được tiếng nói chung với nhiều người
– Tình cảm trong thơ phải là tình cảm lớn, đẹp đẽ, cao thượng, thấm nhuần bản chất nhân văn, chính nghĩa.Tình cảm tầm thường không làm nên thơ. Có người nói: “Một cô gái có thể hát ca về tình yêu đã mất của mình, còn một kẻ keo kiệt thì không thể hát ca về món tiền đã mất”. Plekhanov giải thích: “Đó là vì tình yêu của cô gái là tình yêu cao thượng, có thể khiến mọi người cảm động, còn tình cảm bị mất tiền thì tầm thường, chỉ gây sự buồn cười”. Do đó tình cảm trong thơ phải gắn với tình cảm của nhân dân, nhân loại mới có sức vang động trong tâm hồn người.
Như vậy, một tình cảm mãnh liệt được ý thức, siêu thoát, không lệ thuộc vào đối tượng miêu tả cụ thể, làm cho thơ trở thành nghệ thuật đẹp, nghệ thuật tự do nhất trong các nghệ thuật
b. Thơ – Nghệ thuật của trí tưởng tượng
– Nếu tình cảm là sinh mệnh của thơ thì tưởng tượng là đôi cánh của thơ “Thơ là nghệ thuật kì diệu nhất của trí tưởng tượng” (Sóng Hồng)
+ Tưởng tượng trong thơ chủ yếu là liên tưởng; giả tưởng; huyễn tưởng. Nó mở rộng thế giới thực để người đọc có thể cảm nhận đến nhiều phạm vi rộng rãi hơn, bao la hơn của hôm qua, hôm nay và ngày mai. Tố Hữu có lần nói: “Thơ phải chăng là điều ấy mơ ở trong thực, cái vô hình trong cái hữu hình. Những màu trong thơ không sáng cũng không tối, lờ mờ nhưng lại rõ, cái chính xác của sự mơ hồ, cái bảng lảng có thể nói như vậy khi người ta là thi sĩ”.
+ Tưởng tượng mở thêm nhiều năng lực mới, ý hướng mới tạo cho nhà thơ có thể tiếp cận với cuộc sống bằng nhiều khả năng kì lạ và từ đó bài thơ cũng bộc lộ nhiều phẩm chất mới “cái lĩnh vực phong phú ít được biết nhất, cái lĩnh vực có một chiều rộng không bờ là tưởng tượng, vì vậy không có gì lạ nếu người ta đã dành danh hiệu nhà thơ chủ yếu là cho những người đi tìm nhưng niềm vui mới rải rác trên những kg đồ sộ của sự tưởng tượng” ( Apôline)
VD: Những ngọn cỏ hàng ngày sống đâu đó trong hoang daị đã trở thành gần gũi biết bao với con người qua những ý thơ mềm mại giàu tưởng tượng:
“Trong tiếng khóc chào đời của tôi
Có mùi thơm cỏ mật
Trong tiếng cười thứ nhất
Có hương vị cỏ gừng
Lần đầu xoè đôi mắt
Gặp cỏ gà rưng rưng
Rồi khi tôi đi học
Cỏ trong trang sách dày
Khi mái tóc tôi lần đầu biết bay
Nhiều loài cỏ đều hoá thành con gái
Trong mối tình tôi lần đầu vụng dại
Có hương cỏ mặt trời”
(Tôi và cỏ – Lê Thị Kim)
– Tuy nhiên mọi tưởng tượng trong thơ đều phải bắt nguồn từ sự sống. Bản thân đời sống thực tế ở những mặt tiêu biểu, tính chất nên thơ đã góp phần trực tiếp tạo nên những tưởng tượng đẹp cho thơ và những tưởng tượng ấy lại được chắp cánh thêm qua tâm hồn thơ bay bổng.
c. Tính cá thể hoá của tình cảm trong thơ
– Thơ bao giờ cũng tự biểu hiện cái tôi tác giả của nó, dù nhà thơ có ý thức điều đó hay không. Thơ là gương mặt riêng của mỗi con người vì thế mới có một Tú Xương trào phúng quyết liệt, sâu cay; một Nguyễn Khuyến trào phúng nhẹ nhàng mà thâm thúy; một Huy Cận ảo não; một Nguyễn Bính quê mùa; một Nguyễn Nhược Pháp trong sáng; một Huy Thông hùng tráng; một Xuân Diệu thiết tha rạo rực …. Qua từng trang thơ, dòng thơ người đọc như được tiếp xúc với
một cá tính, một cuộc đời một tâm hồn.
– Trong thực tiễn sáng tác, cuộc đời nhà thơ và thơ luôn gắn bó với nhau: cuộc đời từng trải và tấm lòng nhân ái của Nguyễn Du cũng thống nhất với những điều trông thấy mà đau đớn lòng trong thơ ông; hay Nhật kí trong tù là những ghi chép bằng thơ phản ánh chân thực cuộc đời và tình cảm của Hồ Chí Minh trong cảnh tù đày; Thơ Hồ Xuân Hương chính là cuộc đời ba chìm bảy nổi và cá tính phóng khoáng táo bạo của bà…. Vì thế không thể tác rời và đối lập giữa cuộc
đời nhà thơ và thơ
+ Mỗi nhà thơ đều có một quan niệm về mối liên hệ giữa thơ và cuộc đời mình và một con đường đi riêng để đến với thơ: Tố Hữu đã có lần phát biểu “chính vì lí tưởng cộng sản, vì sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà tôi yêu thơ”; các nhà thơ mới tìm đến với thơ như một lời chia sẻ một nơi gửi gắm tình cảm lãng mạn cô đơn, nhà thơ nào cũng đặt nhiệm vụ đi tìm và biểu hiện cái tôi: tôi là con nai bị chiều đánh lưới; tôi là một cô hồn; tôi là chiếc thuyền say; tôi là kẻ lạc loài…
– Song chúng ta cũng không thể đồng nhất một cách máy móc giữa nhà thơ và đời thơ vì cái tôi trong thơ là một vũ trụ riêng khác với cái tôi thực tại của nhà thơ, là cái tôi thứ hai của nhà thơ. Ví dụ có người trong thơ là một tình nhân say đắm ngoài đời lại là một ông chủ tính toán chi li; hay như Mác có lần nhận xét thơ ca của Phơrâyligrát thì nhẹ nhàng, kín đáo tế nhị nhưng ngoài đời thì tgiả lại là người thoải mái ưa nghe những chuyện tục tĩu.
d. Chất thơ của thơ
– Chất thơ nằm ở ngoài lời (ý tại ngôn ngoại). Thơ không nói ở những điều nó viết ra mà nói ở những chỗ trống không viết ra, ở chỗ trắng, chỗ im lặng giữa các chữ, các lời.
Vd: Mời trầu: chất thơ không toát ra ở những thứ đem mời, cách mời mà ở sự cảm nhận đời sống toát ra từ sự mời trầu ấy. Đó là niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi… Cái ý nghĩa có tính thơ là ý nghĩa ngoài lời, ngoài hình ảnh do chính lời và hình ảnh gợi lên
2. Đặc trưng hình thức của thơ
a. Ngôn ngữ:
– Ngôn ngữ thơ trữ tình giàu cảm xúc: Bởi lời thơ là lời đánh giá trực tiếp, thể hiện mối quan hệ giữa chủ thể với cuộc đời. Sự lựa chọn từ ngữ, phương thức tu từ trong thơ bao giờ cũng làm cho cảm xúc thái độ đánh giá, sự đồng cảm hay phê phán của chủ thể trở nên nổi bật.
– Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính: với những âm thanh luyến láy, những từ trùng điệp, sự phối hợp bằng trắc và cách ngắt nhịp có giá trị gợi cảm
VD: Sự phối hợp bằng trắc trong khổ đầu bài thơ Tống Biệt Hành: Câu thơ mở đầu toàn thanh bằng tạo âm điệu trầm lắng như tình cảm nghẹ ngào mà người đưa tiễn đang cố nén; thanh trắc điểm vào những vị trí thích hợp ở những câu thơ sau: có, tiếng, sóng, bóng, thắm, mắt làm nên những điểm nhấn lạ, làm cho điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi, gân guốc tô đậm thêm tư thế, ánh vẻ, tâm trạng của con người trong buổi tiễn đưa nhất là người li khách
Vd: Sự phối hợp bằng trắc trong khổ thơ “Dốc lên……….khơi”
– Ngôn ngữ thơ có nhịp điệu: sự phân dòng góp phần tạo nhịp điệu. Tùy vào số chữ ( tiếng) trong dòng thơ mà thơ có nhịp điệu khác nhau
– Ngôn ngữ thơ không có tính liên tục mà có tính nhảy vọt gián đoạn tạo thành những khoảng lặng giàu ý nghĩa.
– Ngôn ngữ thơ không phải ngôn ngữ tuyến tính mà là ngôn ngữ phức hợp. Vì thế đọc thơ là phải thả hồn theo cảm xúc, chứ đừng chỉ tìm mạch lôgíc, mạch chữ của lời thơ. Do đặc điểm này mà thơ sử dụng nhiều phép tu từ ẩn dụ; nhiều tỉnh lược, nhiều định ngữ
b. Nhân vật trữ tình
– Nhân vật trữ tình là người trực tiếp thổ lộ những suy nghĩ và cảm xúc trong bài thơ. Nhân vật trưc tình không có diện mạo, tiểu sử, hành động, lời nói, quan hệ cụ thể nhưng được thể hiện qua giọng điệu, cảm xúc, cách cảm, cách nghĩ.
– Phân biệt nhân vật trữ tình với nhân vật trong thơ trữ tình:
+ Nhân vật trong thơ trữ tình là đối tượng để nhà thơ gửi gắm tình cảm, là nguyên nhân trực tiếp khơi dậy nguồn tình cảm của tác giả: những bà Bầm, bà Bủ; chú bé Lượm…trong thơ Tố Hữu đều là nhân vật trong thơ trữ tình
+ Nhân vật trữ tình trong thơ thường là hiện thân của tác giả (bài thơ Cảm hoài; Đò Lèn…)
– Khi phát ngôn trữ tình, nhà thơ thường hướng tới một cái gì lớn lao hơn, tức tự nâng mình lên thành người mang tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ cho một loại người, một thế hệ, một thời đại. Nhân vật trữ tình do đó còn là người đại diện cho một lớp người, một giai cấp, một dân tộc để phát biểu
Vd: Lời của Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng cũng là lời của biết bao người phụ nữ đang yêu
III. Phân loại thơ trữ tình
1. Thơ trữ tình tâm tình
– Đây là loại thơ phản ánh sâu sắc những tình cảm riêng tư, gắn với các mối quan hệ gần gũi trong đời sống cá nhân của con người. Những cảm xúc thường gặp trong thơ trữ tình tâm tình là:
- Tình yêu đôi lứa: Với những cung bậc phong phú như say đắm, nhớ nhung, khắc khoải, chia ly, đợi chờ… → Ví dụ: “Sóng” (Xuân Quỳnh); “Tôi yêu em” (Puskin).
- Tình mẫu tử, phụ tử, tình cảm gia đình: Thể hiện sự gắn bó, biết ơn, hy sinh và yêu thương trong mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái, vợ – chồng → Ví dụ: “Con cò” (Chế Lan Viên); “Bếp lửa” (Bằng Việt).
- Những hồi ức, kỷ niệm cá nhân: Gắn với tuổi thơ, quê hương, những điều đã qua trong đời sống thường ngày → Ví dụ: “Ánh trăng” (Nguyễn Duy).
– Loại thơ này thường sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, ngôn từ gần gũi nhưng giàu chất biểu cảm.
2. Thơ trữ tình phong cảnh
– Thơ trữ tình phong cảnh là dòng thơ thể hiện cảm xúc của con người trước vẻ đẹp thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ không chỉ là đối tượng miêu tả mà còn là không gian để nhà thơ gửi gắm tâm trạng.
– Thiên nhiên có thể được miêu tả theo hướng tả cảnh ngụ tình – cảnh vật hiện lên qua cảm xúc chủ quan của con người.
– Nhà thơ không chỉ “ngắm nhìn” thiên nhiên mà còn “đối thoại”, “giao cảm” với thiên nhiên để tìm sự an ủi, sẻ chia hoặc thăng hoa tâm hồn.
→ Ví dụ: “Sang thu” (Hữu Thỉnh); “Thu điếu” (Nguyễn Khuyến); “Tràng giang” (Huy Cận).
– Loại thơ này thường giàu hình ảnh, âm thanh, mang nhạc tính cao và dễ gợi cảm xúc sâu xa.
3. Thơ trữ tình thế sự
– Thơ trữ tình thế sự phản ánh những suy tư, trăn trở của con người trước cuộc đời, xã hội, thế thái nhân tình. Nội dung thường đề cập đến:
- Nỗi đau về sự tha hóa, giả dối, lừa lọc trong xã hội.
- Cảm giác bế tắc, lạc lõng hoặc bi quan trước dòng đời xô bồ.
- Sự đồng cảm với số phận con người, những thân phận nhỏ bé, bất hạnh.
→ Ví dụ: “Hai chữ nước nhà” (Trần Tuấn Khải); “Đây mùa thu tới” (Xuân Diệu); thơ của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử…
– Thơ trữ tình thế sự thường mang nặng màu sắc triết lý, giàu chất suy tưởng và giàu chiều sâu cảm xúc.
4. Thơ trữ tình công dân
– Đây là dòng thơ thể hiện tình cảm yêu nước, tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân của nhà thơ trước vận mệnh dân tộc. Những đặc điểm tiêu biểu:
- Thơ viết về chiến đấu, cách mạng, lý tưởng sống cao đẹp.
- Lời thơ mang tính kêu gọi, cổ vũ hành động.
- Bày tỏ sự tự hào dân tộc, niềm tin vào tương lai, lên án tội ác kẻ thù.
→ Ví dụ: “Tổ quốc nhìn từ biển” (Nguyễn Việt Chiến); “Việt Bắc” (Tố Hữu); thơ kháng chiến của Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi…
– Thơ trữ tình công dân kết hợp hài hòa giữa chất cảm xúc cá nhân và tinh thần trách nhiệm tập thể, thường sử dụng lối biểu đạt mạnh mẽ, hào hùng.
* Lưu ý: Cách phân loại chỉ mang tính tương đối. Trong thực tế sáng tác và tiếp nhận, các loại thơ trữ tình không tồn tại tách biệt tuyệt đối. Nội dung thơ phản ánh thế giới nội tâm con người – vốn rất đa dạng, phức tạp và thường đan xen nhiều trạng thái:
- Trong thơ tình yêu có thể chứa đựng tinh thần công dân (tình yêu quê hương – đất nước).
- Trong thơ phong cảnh vẫn hàm chứa suy tư về thế sự hoặc triết lý sống.
- Có thể vừa có cái riêng (cảm xúc cá nhân) vừa có cái chung (tình cảm cộng đồng).
→ Vì vậy, việc phân chia các loại thơ trữ tình chỉ nhằm mục đích nhận diện khuynh hướng biểu hiện chính, giúp người đọc hiểu và cảm nhận thơ sâu sắc hơn, không nên máy móc, cứng nhắc.
IV. Bài tập vận dụng
Một nhà thơ Pháp từng khẳng định: “Thơ là nghệ thuật tuyệt diệu và hoàn mĩ, là bức tranh biết hoạt động và âm nhạc biết suy tư”
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? bằng việc cảm nhận một bài thơ yêu thích nhất hãy làm sáng tỏ.
1. Giải thích:
– Thơ là nghệ thuật tuyệt diệu và hoàn mĩ: Có sức hấp dẫn và ám ảnh.
– Là bức tranh biết hoạt động và âm nhạc biết suy tư: Thơ có sự sinh động và sâu sắc nhờ việc vươn ra ngoài nó và chiếm lĩnh linh hồn của các ngành nghệ thuật khác là hội họa và âm nhạc.
→ Bằng cách nói ví von, liên tưởng độc đáo nhà thơ Pháp đã đề cao sức cuốn hút mãnh liệt và vẻ đẹp của thơ với tư cách là một loại hình nghệ thuật, đồng thời chỉ ra mối quan hệ giữa thơ với hội họa, âm nhạc. Hình tượng và ngôn ngữ thơ kết tinh các giá trị và thế mạnh của các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc. Thậm chí thơ còn có khả năng nâng âm nhạc và hội họa lên một tầm cao mới trên đôi cánh nghệ thuật của mình
2. Bình luận:
– Thơ là loại hình nghệ thuật thuộc phương thức trữ tình, lấy việc bộ lộ thế giới nội tâm của nhà thơ trước cuộc đời làm điểm tựa. Thơ tác động đến người đọc vừa bằng nhận thức cuộc sống, vừa bằng khả năng gợi cảm sâu sắc, vừa trực tiếp với những cảm xúc, suy nghĩ cụ thể vừa gián tiếp qua liên tưởng với những tưởng tượng phong phú, vừa theo mạch cảm nghĩ, vừa bằng những rung động và ngôn từ giàu nhạc điệu. Sự tuyệt diệu và hoàn mĩ được tạo nên từ những đặc trưng nổi bật như phản ánh những tinh túy của cuộc sống, hướng tới vẻ đẹp cao thượng, là tiếng nói mãnh liệt của tình cảm và cũng là sợi dây ràng buộc tình cảm mọi người, là nghệ thuật kì diệu của trí tưởng tượng, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm, giàu hình ảnh.
– Thơ là bức tranh biết hoạt động: Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thơ ca phản ánh cuộc sống qua hệ thống ngôn từ giàu hình ảnh. Không có thể loại văn học nào ta bắt gặp nhiều hình ảnh nổi bật như thơ ca. Hình ảnh trong thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm bởi thế giới tinh thần vốn vô hình nên nhất thiết phải đưa vào những điểm tựa tạo hình cụ thể để hữu hình hóa. Hình ảnh trong thơ nổi bật vì còn mang màu sắc của cảm xúc mãnh liệt và trí tưởng tượng phong phú.
– Thơ là âm nhạc biết suy tư: Thơ ca là sự biểu hiện trực tiếp cảm xúc, tình cảm của con người. Cảm xúc biểu lộ mạnh mẽ ở thanh điệu, nhịp điệu của lời nói (ngôn từ). Tính nhạc là đặc thù cơ bản của việc phô diễn tình cảm trong thơ ca. Âm thanh và nhịp điệu làm tăng hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều từ ngữ không nói hết. Nhạc điệu trong thơ thể hiện nhịp vận động của đời sống, của nhịp đập trái tim, bước đi của tình cảm con người.
3. Chứng minh:
* Dẫn dắt: Đây là một ý kiến đánh giá có sức thuyết phục bởi nó gần gũi với quan niệm thơ phương Đông “thi trung hữu họa” hay “ Thơ đi giữa ý và nhạc”; “ Tôi muốn sát nhập thơ ca vào lĩnh vực của âm nhạc” .Từ ca dao đến văn học Trung đại và hiện đại thơ bao giờ cũng bộc lộ tính hoạ đặc sắc của mình . Đôi khi thơ không dùng đến những từ chỉ màu sắc nhưng vẫn mở ra trước mắt người đọc những bức tranh giàu chất hội hoạ. Không chỉ giàu chất hoạ mà có rất nhiều vần thơ còn giàu chất nhạc đọc lên nghe như một bản dương cầm “thơ là sự hùng biện du dương” (Vônte). Tính nhạc trong thơ cơ bản được tạo nên từ nhịp điệu. Nhịp thơ với các biểu hiện phong phú của nó đã đẩy tính nhạc trong thơ đến đỉnh cao.Có thể nói “ nhịp thơ đó là sức mạnh cơ bản, là năng lượng của câu thơ”. Nhịp thơ làm nên nhạc thơ (Truyện Kiều: ta như được thưởng thức “thiên đoản mệnh” của Thúy Kiều với những khúc nhạc ai oán tê lòng; Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ: đủ làm lòng ta chơi vơi giữa miền không gian rộng lớn chốn bồng lai; Nguyệt cầm của Xuân Diệu… Thơ không chỉ rung động lòng ta bằng những âm thanh bật ra thành tiếng mà cả những âm thanh không lời)
* Chứng minh ở diện rộng: Những bài thơ tuyệt diệu có mối quan hệ với thế giới hội họa và âm nhạc: Sóng (Xuân Quỳnh), Tự tình (Hồ Xuân Hương), Vội vàng (Xuân Diệu), Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo)
* Chứng minh Qua một bài thơ cụ thể: Tây Tiến (Quang Dũng)
– Tây Tiến là bài thơ tuyệt diệu và hoàn mĩ.
+ Sức hấp dẫn ở nội dung:
- Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa hũng vĩ, dữ dội, hiểm trở vừa mĩ lệ, nên thơ;
- Khắc họa thành công hình tượng con người: bức tượng đài về người lính Tây Tiến, những cô gái Tây Bắc duyên dáng, tình tứ trong những đêm hội đuốc hoa…;
- Cái tôi trữ tình tràn đầy cảm hứng: tình cảm tha thiết chân thành mà Quang Dũng dành cho đồng đội, cho binh đoàn Tây Tiến và miền biên cương Tây Bắc của Tổ quốc.
+ Tuyệt mĩ về hình thức: ngôn ngữ, giọng điệu, hình ảnh, hệ thống từ ngữ giàu tính tạo hình, biểu cảm. Cách hiệp vần, hiệp thanh, ngắt nhịp, búp pháp lãng mạn với các thủ pháp cường điệu, đối lập…
– Tây Tiến là bài thơ giàu chất họa, chất nhạc:
+ Những câu thơ, đoạn thơ là bằng chứng trong thơ có họa “Người đi Châu Mộc……hoa đong đưa” tạo nên bởi búp pháp nhẹ và thoáng, thủ pháp đối lập, ngôn ngữ giàu tính tạo hình, gợi liên tưởng, phát huy trí tưởng tượng, màu sắc, đường nét, ánh sáng hài hòa, hình ảnh sống động
+ Đọc Tây Tiến của Quang Dũng, trong lòng ngan lên âm nhạc: Tính nhạc được tạo nên bởi thể thơ thất ngôn mang âm hưởng trầm hùng phù hợp với việc biểu đạt nội dung; cách hiệp vần, phối thanh B – T nhịp nhàng, ngắt nhịp sáng tạo, nhạc điệu còn được tạo nên từ chính cảm xúc, tình cảm dạt dào của tác giả (đó là nhạc điệu tâm hồn của thi nhân): “Dốc lên….mưa xa khơi”
4. Đánh giá, mở rộng nâng cao vấn đề
– Sức hấp dẫn của thơ không chỉ ở chính đặc trưng thể loại mà còn ở sự phối kết với nhạc, họa. Nhưng không phải chạy theo tính nhạc, hoạ mà thơ quên mất chính mình. Khi thơ đạt đến chất thơ vẹn toàn thì tự thân nó đã mang các yếu tố nói trên.
– Bài học đối với người nghệ sĩ và người tiếp nhận:
- Người nghệ sĩ chân chính không chỉ “ Xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần” mà cần có một khả năng tổng hòa nhạc và họa trong thơ khi cần thiết.
- Đối với người tiếp nhận cũng cần hiểu rõ hình tượng âm nhạc, hội hoạ trong thơ không tồn tại ở dạng vật chất. Nó tồn tại trong tưởng tượng, trong thế giới vô hình. Điều đó đòi hỏi phải có một năng lực cụ thể nào đó của tâm hồn của trí tuệ mới nắm bắt được đầy đủ tính phong phú của hình tượng.
* Kết luận:
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định nhận định của nhà thơ Pháp là một sự tổng kết sâu sắc và tinh tế về bản chất của thơ ca – một loại hình nghệ thuật độc đáo, giàu cảm xúc, hàm súc và giàu khả năng biểu hiện. Thơ không chỉ là lời nói đẹp, là tiếng lòng ngân vang của con người trước cuộc sống, mà còn là sự kết tinh, hòa quyện giữa hình ảnh của hội họa và âm thanh của âm nhạc. Chính điều đó làm nên sức sống mãnh liệt, vẻ đẹp toàn bích và sức ám ảnh lâu dài của thơ trong lòng người đọc.
Thông qua bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, ta càng thấm thía nhận định ấy: thơ thực sự là một bức tranh biết hoạt động, là một bản nhạc biết suy tư. Thơ không chỉ ghi lại vẻ đẹp cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật sinh động mà còn làm rung lên những cung bậc sâu lắng của tâm hồn. Bởi vậy, muốn cảm và hiểu thơ đến tận cùng, người đọc không chỉ cần lý trí để phân tích, mà còn cần trái tim để rung động và tâm hồn để đồng điệu. Cũng từ đây, người nghệ sĩ làm thơ càng phải trau dồi tài năng, nuôi dưỡng cảm xúc, nâng cao khả năng thẩm mỹ để mỗi bài thơ không chỉ là lời nói có vần mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đích thực – vừa đẹp, vừa sâu, vừa sống động và lay động.
Bài viết chi tiết:
“Thơ là bức tranh biết hoạt động và âm nhạc biết suy tư” – Một cách nhìn sâu sắc về nghệ thuật thơ ca
- Mở bài:
Một nhà thơ Pháp từng khẳng định: “Thơ là nghệ thuật tuyệt diệu và hoàn mỹ, là bức tranh biết hoạt động và âm nhạc biết suy tư”. Câu nói ví von độc đáo này không chỉ thể hiện tình yêu sâu sắc dành cho thơ ca mà còn là một cách hình tượng hóa những đặc trưng cốt lõi nhất của thơ – loại hình nghệ thuật giàu cảm xúc và sức truyền cảm đặc biệt.
- Thân bài:
1. Giải thích ý kiến:
“Thơ là nghệ thuật tuyệt diệu và hoàn mỹ”: Thơ ca, với ngôn từ tinh luyện và giàu chất biểu cảm, không chỉ ghi lại cảm xúc mà còn chưng cất những gì tinh tuý nhất của cuộc sống. Từ cảm xúc cá nhân, thơ nâng tầm đến chân – thiện – mỹ, hướng con người đến những giá trị cao cả, vì thế được ví như một hình thái nghệ thuật hoàn mỹ.
“Là bức tranh biết hoạt động”: Ý nói thơ không chỉ là ngôn từ tĩnh tại mà là sự kết tinh của hình ảnh sống động. Thơ hiện lên trước mắt người đọc như một bức tranh có chuyển động, có nhịp sống. Hình ảnh trong thơ không chỉ phản ánh hiện thực mà còn là kết quả của sự rung động nội tâm, giàu màu sắc, đường nét và sức gợi.
“Là âm nhạc biết suy tư”: Đây là cách nói về tính nhạc trong thơ – đặc điểm nổi bật làm nên linh hồn thơ ca. Nhưng khác với âm nhạc thuần túy, âm nhạc trong thơ là âm nhạc của cảm xúc, của ý niệm, của suy tư nội tại, là những nhịp đập của trái tim được hòa quyện trong vần, điệu, nhịp thơ.
⟶ Bằng cách liên tưởng độc đáo, nhà thơ Pháp đã tôn vinh thơ như một loại hình nghệ thuật tổng hòa: mang cái đẹp thị giác của hội họa, cái lung linh xúc cảm của âm nhạc, và cái sâu sắc của tư duy trữ tình. Thơ ca không chỉ hấp dẫn ở nội dung mà còn chinh phục người đọc bằng vẻ đẹp hình thức, giàu chất tạo hình và giai điệu.
2. Bình luận và phân tích:
* Thơ là tiếng nói của cảm xúc và nội tâm
Thơ là hình thức nghệ thuật chủ yếu của phương thức trữ tình, nơi nhà thơ mượn ngôn từ để bộc lộ cảm xúc, tâm trạng, thái độ trước cuộc sống. Khác với văn xuôi hay tự sự, thơ thường ít chú trọng kể chuyện mà nghiêng về diễn tả cảm xúc trong một không gian, thời gian nghệ thuật cô đọng. Nhờ đó, thơ có sức tác động sâu sắc đến cảm xúc người đọc, chạm tới những tầng sâu trong tâm hồn.
* Thơ là bức tranh biết hoạt động
Thơ phản ánh hiện thực đời sống bằng ngôn ngữ cô đọng, giàu tính tạo hình. Không gian và cảnh vật trong thơ hiện lên qua những hình ảnh giàu chất hội họa – đôi khi chỉ một vài nét chấm phá cũng đủ dựng lên cả khung trời cảm xúc.
Hình ảnh trong thơ là kết quả của quá trình nội cảm, vừa thực vừa ảo, vừa chân thật vừa phảng phất mộng tưởng. Đó là sự “khách thể hóa” những rung động vô hình.
Nhờ đặc trưng đó, mỗi bài thơ là một bức tranh sống, nơi con người và thiên nhiên hòa quyện, chuyển động trong không gian giàu cảm xúc.
* Thơ là âm nhạc biết suy tư
Thơ ca là nghệ thuật của ngôn ngữ, nhưng không chỉ là ngôn ngữ thông thường, mà là ngôn ngữ thăng hoa, giàu nhạc điệu và biểu cảm.
Nhịp điệu, vần luật, thanh bằng – trắc, cách ngắt nhịp… tất cả tạo nên một bản nhạc ẩn sâu trong từng câu chữ.
Không dừng lại ở “nghe được”, nhạc trong thơ còn được cảm nhận bằng tâm hồn và trí tuệ – đó chính là lý do gọi thơ là “âm nhạc biết suy tư”.
3. Chứng minh qua cảm nhận thơ ca
– Nhìn rộng: Chất họa và chất nhạc trong thơ ca truyền thống và hiện đại
+ Từ ca dao, thơ Trung đại đến thơ hiện đại, chất họa và chất nhạc là hai yếu tố không thể tách rời trong nghệ thuật thơ ca.
+ Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, mỗi câu thơ như một bức tranh gấm vóc, đồng thời là một khúc nhạc u hoài, day dứt.
+ Trong “Vội vàng” của Xuân Diệu, bức tranh thiên nhiên đầy nắng, ong, hoa, bướm không chỉ rực rỡ mà còn ngân lên khúc ca tình yêu cuộc sống.
+ Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh dập dềnh nhịp điệu, vừa như sóng nước vừa như nhịp con tim – mang chất nhạc và chiều sâu suy tư.
+ “Đàn ghi ta của Lorca” (Thanh Thảo) là minh chứng rõ ràng nhất: thơ như bản nhạc và bức họa siêu thực hòa quyện, tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo, đầy cảm xúc và ám ảnh.
* Chứng minh qua bài thơ cụ thể: Tây Tiến – Quang Dũng
– “Tây Tiến” là bài thơ tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa chất họa, nhạc và tư tưởng sâu sắc, xứng đáng là minh chứng sống động cho nhận định của nhà thơ Pháp.
+ Về nội dung, thơ tái hiện bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ mà nên thơ, gắn với hình ảnh người lính Tây Tiến dũng cảm, lãng mạn. Tình đồng đội, tình yêu quê hương, hoài niệm một thời chiến đấu đã được thể hiện đầy xúc cảm và chân thành.
+ Về hình thức nghệ thuật:
- Hình ảnh thơ giàu chất tạo hình: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi / Mường Lát hoa về trong đêm hơi” – ánh sáng, màu sắc, đường nét và chuyển động hòa quyện tinh tế.
- Thủ pháp đối lập, tượng trưng, ước lệ kết hợp với nét vẽ mềm mại gợi nên “bức tranh biết hoạt động”.
- Nhạc điệu thơ ngân vang qua thể thơ thất ngôn, ngắt nhịp linh hoạt, phối âm uyển chuyển (B – T), tạo cảm giác vừa mạnh mẽ vừa lãng mạn: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm / Heo hút cồn mây súng ngửi trời”…
⟶ Tây Tiến chính là minh chứng điển hình cho một bài thơ “tuyệt diệu và hoàn mỹ”, mang trong mình cái đẹp thị giác của hội họa, âm vang của bản nhạc và chiều sâu của tư tưởng trữ tình.
4. Đánh giá và mở rộng:
Thơ không đơn thuần là lời nói có vần điệu, mà là nơi hội tụ tinh hoa của ngôn ngữ, nhạc điệu và hình ảnh, tạo nên một không gian nghệ thuật toàn diện.
Tuy nhiên, chất họa và chất nhạc không phải là mục tiêu để nhà thơ phô diễn, mà là phương tiện để truyền tải cảm xúc, tư tưởng và tâm hồn. Khi chất thơ đạt đến sự vẹn toàn, thì yếu tố họa – nhạc tự nhiên thấm đẫm trong từng dòng.
5. Bài học dành cho người sáng tác và người đọc thơ
– Với người nghệ sĩ: Không chỉ cần sự rung cảm tâm hồn mà còn cần biết vận dụng nhạc – họa để làm giàu hình ảnh thơ. Cảm xúc chân thành phải đi kèm khả năng biểu đạt tinh tế.
– Với người tiếp nhận: Để cảm thơ trọn vẹn, cần trí tưởng tượng linh hoạt và tâm hồn nhạy cảm, biết lắng nghe nhịp tim, âm thanh, màu sắc ẩn sau từng con chữ.
- Kết bài:
Lời nhận định “Thơ là bức tranh biết hoạt động và âm nhạc biết suy tư” không chỉ là một ví von đẹp đẽ mà còn là một cách định danh đặc trưng mỹ học của thơ. Thơ, bằng chính bản chất giàu cảm xúc và hình tượng, đã vượt qua ranh giới của ngôn từ để hòa mình vào thế giới hội họa và âm nhạc – tạo nên một không gian nghệ thuật đa chiều, đầy mê hoặc.