Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn: PHẦN ĐỌC HIỂU (Đầy đủ, chi tiết)

tai-lieu-on-thi-vao-lop-10-mon-ngu-van-day-du-chi-tiet

CÁC DẠNG CÂU HỎI ĐỌC HIỂU THƯỜNG GẶP TRONG ĐỀ THI

1. Dạng câu hỏi phân biệt các thể loại văn học

– Tác phẩm văn học bao gồm: tự sự, trữ tình, kịch.

+ Các thể loại trữ tình: ca dao, thơ cách luật, thơ tự do, thơ trào phúng…

+ Các thể loại tự sự: truyện ngắn, truyện truyền kỳ, truyện lịch sử, truyện trinh thám,  tiểu thuyết, tản văn, tùy bút, bút kí, phóng sự…

+ Các thể loại kịch: Bi kịch, hài kịch.

* Lưu ý: khi làm dạng này các em không nên đọc văn bản trước, mà đọc câu hỏi ở đề bài trước để tránh trường hợp phải đọc lại rất tốn thời gian

Cách làm:

Bước 1: Quan sát kĩ đặc điểm văn bản dung lượng, hình thức (văn xuôi, thơ, kịch), ngôn ngữ, ngôi kể, nhân vật….

Bước 2: Đối chiếu với kiến thức lý thuyết thể loại mình đã học

Bước 3: Thể loại của văn bản là:….

(nếu là thơ, thì đếm số chữ trong câu xuyên suốt văn bản đề bài cho là xác định được.

VD1: 7 chữ 1 dòng xuyên suốt văn bản ⇒ thơ 7 chữ

VD2: dòng 3 chữ, dòng 7 chữ, dòng 1 chữ… ⇒ thơ tự do)

* Lưu ý: Các thể loại truyện, thơ hiện đại.

Bảng hệ thống kiến thức thể loại:

2. Dạng câu hỏi xác định câu chủ đề của văn bản

– Muốn xác định được câu chủ đề của đoạn chúng ta cần xác định xem đoạn văn đó trình bày theo kiểu đoạn văn gì.

+ Nếu là đoạn văn trình bày theo cách diễn dịch thì câu chủ đề thường ở đầu đoạn.

+ Nếu là đoạn văn trình bày theo cách quy nạp thì câu chủ đề nằm ở cuối đoạn.

+ Nếu đoạn văn trình bày theo kiểu song hành hay móc xích thì không có câu chủ đề.

– Nếu đoạn văn trình bày theo cách tổng-phân-hợp, thì câu chủ đề ở đầu hoặc cuối đoạn văn.

Cách làm:

– Bước 1: Xác định hình thức đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, tổng – phân-  hợp ….

Lưu ý: căn cứ vào vị trí câu chủ đề (ở: đầu đoạn → diễn dịch, cuối đoạn → quy nạp, Đầu – cuối → tổng phân hợp)

– Bước 2: Câu chủ đề của đoạn trích là:…(chép đủ/nguyên văn cả câu )

Ví dụ: Con lớn hơn rồi hạnh phúc theo đó cũng lớn hơn, đủ đầy hơn nhưng nhiều khó khăn hơn. Hạnh phúc không phải là khi con cố gắng để trở nên mạnh mẽ, kiên cường để tiến về phía trước. Mà là khi con ngã đau có người nâng con dậy, đỡ lấy bờ vai nhỏ nhắn của con, thầm thì với con: “Gắng lên nào!” rồi cùng con tiến về phía trước, Là mỗi lần thất bại, mọi thứ xung quanh con sụp đổ, khi tất cả những nỗ lực của con trở về vạch xuất phát. Có người có thể ôm con để con khóc một trận thật to, nức nở, như trút hết những tủi thân ấm ức mà còn phải chịu đựng rồi vỗ về con: Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi! Là mỗi lần đổ vỡ, cãi nhau rồi chia tay… Người ta bỏ con lại với những giọt nước mắt nghẹn cứng cả tim. Có người dạy con cách yêu thì cũng có người làm con đau nhưng nếu con không biết đau con sẽ không biết được hạnh phúc thực sự là như thế nào?…

 (Nguồn: https://www.cuasotinhyeu.vn)

Câu chủ đề của đoạn trích là: Con lớn hơn rồi hạnh phúc theo đó cũng lớn hơn, đủ đầy hơn nhưng nhiều khó khăn hơn.

3. Dạng câu hỏi xác định nội dung/chủ đề của văn bản

–  Muốn xác định được nội dung của văn bản học sinh cần căn cứ vào tiêu đề của văn bản. Căn cứ vào những hình ảnh đặc sắc, câu văn câu thơ được nhắc đến nhiều lần. Đây có thể là những từ khóa chứa đựng nội dung chính của văn bản

–  Đối với văn bản là một đoạn, hoặc một vài đoạn, việc cần làm là học sinh cần phải xác định được đoạn văn trình bày theo cách nào: diễn dịch, quy nạp, móc xích hay song hành… Xác định được kiểu trình bày đnạn văn học sinh sẽ xác định được câu chủ đề  nằm ở vị trí nào.

– Thường câu chủ đề sẽ là câu chưa đựng hoặc bao quát nội dung chính của cả đoạn. Xác định bố cục của đoạn cũng là căn cứ để chúng ta tìm ra các nội dung chính của đoạn văn bản đó (chú ý đôi khi không phải cứ câu chủ đề là mang nội dung chính mà còn phải căn cứ vào các từ ngữ, hình ảnh, nhanh đề, chi tiết được lặp đi lặp lại nhiều lần, ý nghĩa bao hàm toàn bộ nội dung của văn bản nữa nhé).

Cách làm:

Bước 1: Đọc nhan đề + đọc văn bản để tóm tắt thành một câu khái quát nội dung bề mặt (căn cứ vào nhan đề/cụm từ khóa, hình ảnh được lặp lại, câu chủ đề…)

Bước 2: Qua đó tác giả bộc lộ/gửi gắm thông điệp….(nội dung ngầm)

Ví dụ: Con lớn hơn rồi hạnh phúc theo đó cũng lớn hơn, đủ đầy hơn nhưng nhiều khó khăn hơn. Hạnh phúc không phải là khi con cố gắng để trở nên mạnh mẽ, kiên cường để tiến về phía trước. Mà là khi con ngã đau có người nâng con dậy, đỡ lấy bờ vai nhỏ nhắn của con, thầm thì với con: “Gắng lên nào!” rồi cùng con tiến về phía trước; Là mỗi lần thất bại, mọi thứ xung quanh con sụp đổ, khi tất cả những nỗ lực của con trở về vạch xuất phát… Người ta bỏ con lại với những giọt nước mắt nghẹn cứng cả tim. Có người dạy con cách yêu thì cũng có người làm con đau nhưng nếu con không biết đau con sẽ không biết được hạnh phúc thực sự là như thế nào?

Nội dung chính/chủ đề của văn bản là: Lời tâm tình dạy bảo của người cha dành cho người con về những cung bậc khác nhau của hạnh phúc với những biểu hiện đa dạng và giá trị của hạnh phúc gắn với thời điểm khi con đã lớn khôn. Qua đó tác giả muốn gửi gắm thông điệpphải biết tự tin, cố gắng vững bước trên đôi chân của mình trong chặng đường đi tìm hạnh phúc.

4. Dạng câu hỏi đặt nhan đề cho văn bản

– Văn bản thường là một chỉnh thể thống nhất về nội dung, hài hòa về hình thức. Khi hiểu rõ đươc văn bản, học sinh dễ dàng tìm được nhan đề cũng như nội dung chính của văn bản

– Đặt nhan đề cho văn bản chẳng khác nào người cha khai sinh ra đứa con tinh thần của mình. Đặt nhan đề sao cho đúng,cho hay không phải là dễ. Vì nhan đề phải khái quát được nội dung chủ đề tư tưởng của văn bản. Cần lựa chọn nhan đề phù hợp với văn bản bạn đưa ra, mang sắc thái cảm xúc, chiều sâu và thông điệp tích cực.

– Học sinh chỉ có thể đặt tên được nhan đề cho văn bản khi hiểu được nó. Vì thế học sinh đọc văn bản để hiểu được ý nghĩa của văn bản sau đó mới xác định nhan đề. Nhan đề của văn bản thường nằm ở những từ ngữ, những câu lặp đi, lặp lại nhiều lần trong văn bản

Cách làm:

– Bước 1: Phải xác định được từ khoá/ nội dung của văn bản.

Yêu cầu:

+ Dạng: từ/ cụm từ/ câu (ngắn gọn)

+ Có tính khái quát, thể hiện nội dung của văn bản.

Bước 2: Nhan đề của văn bản là:….(tên nhan đề)

Ví dụ: Con lớn hơn rồi hạnh phúc theo đó cũng lớn hơn, đủ đầy hơn nhưng nhiều khó khăn hơn. Hạnh phúc không phải là khi con cố gắng để trở nên mạnh mẽ, kiên cường để tiến về phía trước. Mà là khi con ngã đau có người nâng con dậy, đỡ lấy bờ vai nhỏ nhắn của con, thầm thì với con: “Gắng lên nào!” rồi cùng con tiến về phía trước, Là mỗi lần thất bại, mọi thứ xung quanh con sụp đổ, khi tất cả những nỗ lực của con trở về vạch xuất phát. Có người có thể ôm con để con khóc một trận thật to, nức nở, như trút hết những tủi thân ấm ức mà còn phải chịu đựng rồi vỗ về con: Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi! Là mỗi lần đổ vỡ, cãi nhau rồi chia tay… Người ta bỏ con lại với những giọt nước mắt nghẹn cứng cả tim. Có người dạy con cách yêu thì cũng có người làm con đau nhưng nếu con không biết đau con sẽ không biết được hạnh phúc thực sự là như thế nào?…

 (Nguồn: https://www.cuasotinhyeu.vn)

  • Từ khoá: Hạnh phúc, đối tượng: người con.
  • Nội dung: Lời nhắn nhủ của cha với con về hạnh phúc trong cuộc sống.

Nhan đề của văn bản là: Nghĩ về hạnh phúc/ Giá trị của hạnh phúc/ Hạnh phúc của con/Đi qua tổn thương để hiểu thế nào là hạnh phúc.

5. Dạng câu hỏi xác định ngôi kể

Dạng xác định ngôi kể là 1 dạng câu hỏi dễ nhưng học sinh thường bị nhầm lẫn do không được luyện nhiều và không nắm vững kiến thức lý thuyết.

– Trong quá trình học tập, giảng dạy thầy cô và các em học sinh nên chú ý học thật thuộc+luyện nhiều do đề vào 10 cũng hay hỏi.

Cách làm:

Bước 1: Xác định người kể là ai?

Bước 2: Xác định dấu hiệu: người kể xưng/gọi tên các nhân vật là gì? + Gạch dưới các tên gọi ấy.

Bước 3: Ngôi kể được dùng trong văn bản là:…

Ví dụ 1:  Vua và đình thần chịu thằng bé là thông minh lỗi lạc, nhưng vua vẫn còn muốn thử cho đến cùng. Qua hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở nhà công quán, bỗng có sứ nhà vua mang tới một con chim sẻ và lệnh chỉ bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé bảo cha lấy cho mình một cái kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo:

Ông cầm lấy cái này về tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim.

Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn.

– Bước 1: Xác định người kể là ai?

 chưa xác định được

– Bước 2: Xác định dấu hiệu: người kể xưng/gọi tên các nhân vật là gì? + Gạch dưới các tên gọi ấy.

+ Gọi tên nhân vật bằng chính tên của họ (vua, thằng bé, hai cha con, sứ giả, chim sẻ…)

người kể không phải là một nhân vật trong truyện.

– Bước 3: Ngôi kể được dùng trong văn bản là: ngôi 3.

Ví dụ 2: Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. Chẳng bao lâu tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Ðôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Ðôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã.

Xác định người kể là ai?

⇒ Dế Mèn.

Xác định dấu hiệu: người kể xưng/gọi tên các nhân vật là gì? + Gạch dưới các tên gọi ấy.

⇒ Tôi.

Ngôi kể được dùng trong văn bản là: thứ nhất.

6. Dạng câu hỏi xác định từ ngữ/hình ảnh biểu đạt nội dung trong văn bản

– Phần này trong đề thi thường hỏi anh,chị hãy chỉ ra một từ ngữ, một hình ảnh, một câu văn nào đó có sẵn trong văn bản.

– Vì thế học sinh đọc kĩ đề, khi lý giải phải bám sát vào văn bản để trả lời.

Cách làm:

– Bước 1: Xác định rõ yêu cầu, nội dung của câu hỏi.

– Bước 2: Tìm, gạch chân từ ngữ/ hình ảnh/ chi tiết. (đáp án nằm trong văn bản)

– Bước 3: Các từ ngữ thể hiện…..trong văn bản là:….(chỉ ra chính xác từ ngữ, hình ảnh, chi tiết-liệt kê ra cho bằng hết.)

Ví dụ:

Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò…sung chát…đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Hãy chỉ ra những chi tiết thể hiện hình ảnh người mẹ trong đoạn thơ trên ?

Các từ ngữ thể hiện hình ảnh người mẹ giản dị được khắc họa qua những chi tiết trong văn bản là: không có yếm đào, nón mê, tay bí tay bầu, váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu, câu ca mẹ hát, lời mẹ ru.

7. Dạng câu hỏi xác định và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ (thường xuyên xuất hiện trong đề thi)

BIỆN PHÁP SO SÁNH

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Tác dụng:

  • So sánh tạo ra những hình ảnh cụ thể sinh động.
  • So sánh còn giúp cho câu văn hàm súc gợi trí tưởng tượng của ta bay bổng. Vì thế trong thơ thể hiện nhiều phép so sánh bất ngờ.

Ví dụ:

Công cha /như núi Thái Sơn
A                              B

⇒ So sánh: “Công cha” với “núi Thái sơn”

BIỆN PHÁP NHÂN HÓA

– Nhân hóa là cách gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật, hiện tượng thiên nhiên bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối đồ vật… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ tình cảm của con người.

Tác dụng:

  • Làm cho câu văn, bài văn thêm cụ thể, sinh động gợi cảm.
  • Làm cho thế giới đồ vật, cây cối, con vật được gần gũi với con người hơn.

Ví dụ 1:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã

⇒ Ở đây sự vật là “sông” và “chim” mang đặc điểm về trạng thái, suy nghĩ của co người “dềnh dàng, vội vã”Ví dụ 2:Đã ngủ chưa hả trầu? Tao hái vài lá nhé Cho bà và cho mẹ Đừng lụi đi trầu ơi!⇒ Ở đây sự vật là “trầu” mang hành động “ngủ” và được gọi như con người “Nhé, trầu ơi”

BIỆN PHÁP ẨN DỤ.

– Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ví dụ:  

     Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
     Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

“Mặt trời” trong câu thơ thứ nhất là mặt trời thực của tự nhiên. “Mặt trời” ở câu thứ 2 là chỉ Bác. Vậy hình ảnh “mặt trời” trong câu thơ thứ 2 ẩn dụ, lấy đặc điểm của mặt trời tự nhiên là sáng, bất diệt, đem lại sự sống cho muôn loài để chỉ sự vĩnh hằng, bất diệt trong trái tim con người Việt Nam, đem lại tự do cho dân tộc của Bác.

Ẩn dụ: so sánh hai sự vật khác xa nhau (mặt trời – Bác Hồ), không liên quan đến nhau nhưng giống nhau ở một đặc điểm nào đó (Đem lại sự sống, trường tồn, vĩnh hằng…)

– Ẩn dụ làm cho câu văn thêm giàu hình ảnh và mang tính hàm súc. Sức mạnh của ẩn dụ chính là mặt biểu cảm. Cùng một đối tượng nhưng ta có nhiều cách thức diễn đạt khác nhau.

BIỆN PHÁP HOÁN DỤ

– Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

– Tác dụng:  Diễn tả sinh động nội dung thông báo và gợi những liên tưởng ý vị, sâu sắc.

Ví dụ:

Đầu xanh có tội tình gì
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

“Đầu xanh”: Ý chỉ người còn trẻ. Đầu là bộ phận của con người, người trẻ tóc “Xanh” (tuổi xanh), “Má hồng”: Ý chỉ người thiếu nữ.

⇒ Vậy “đầu xanh”, “má hồng” hoán dụ lấy đặc điểm của sự vật để chỉ nó.

⇒ Hoán dụ: sự vật được chỉ phải liên quan, phải gắn liền phải là đặc điểm nào đó đặc trưng của đối tượng (người trẻ, người thiếu nữ -bị ẩnn đi) được hoán đổi, được thay bằng cách gọi khác (“má hồng”, “đầu xanh” – được gọi thay cái bị ẩn).

Lưu ý: Phân biệt ẩn dụhoán dụ đơn giản:

Đặt từ “như” vào giữa A và B

Xét nghĩa câu: B như A

⇒ Nếu có nghĩa: ẩn dụ

⇒ Nếu vô nghĩa: hoán dụ

Ví dụ 1:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

⇒ “Mặt trời” ở đây ý chỉ Bác Hồ

⇒ Bác Hồ như mặt trời ⇒ có nghĩa ⇒ Ẩn dụ

Ví dụ 2:

Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha

⇒ Từ “Miền Nam” ở đây ý chỉ “đồng bào Miền Nam”

⇒ đồng bào miền Nam như miền Nam ⇒ không rõ nghĩa ⇒ Hoán dụ

BIỆN PHÁP ĐIỆP TỪ/ĐIỆP NGỮ

– Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ; từ ngữ được lặp lại gọi là điệp ngữ.

– Tác dụng:

  • Nhấn mạnh, tô đậm ấn tượng, tăng hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh, tạo ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc, biểu cảm.
  • Tạo tính nhạc, nhịp điệu cho câu/ đoạn văn bản.

BIỆN PHÁP ĐỐI LẬP/TƯƠNG PHẢN

– Đối lâp/tương phản là cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, vế câu song song, cân đối trong lời nói nhằm nhấn mạnh về ý, sinh động…

– Tác dụng: 

  • Gợi sự phong phú về ý nghĩa (tương đồng và tương phản).
  • Tạo ra sự hài hoà về thanh.
  • Nhấn mạnh ý, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu cho lời nói…

Ví dụ:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

⇒ Trèo lên ><  bước xuống ⇒ Đối lập

BIỆN PHÁP LIỆT KÊ

– Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả đầy đủ, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay tư tưởng, tình cảm.

– Tác dụng: Diễn tả cụ thể hơn, toàn diện hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế cuộc sống hay của tư tưởng, tình cảm.

Ví dụ:

Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu)

⇒ Liệt kê: Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê…

BIỆN PHÁP NÓI QUÁ/PHÓNG ĐẠI

– Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

– Tác dụng: Tô đậm, phóng đại về đối tượng một cách lớn hơn nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm.

Ví dụ:

Bài toán này khó quá, nghĩ nát óc mấy tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa tìm ra cách giải.

Nói quá: “Nghĩ nát óc” ⇒ Quá sự thật lên

NÓI GIẢM, NÓI TRÁNH

– Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, nhằm tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.

– Tác dụng: biểu đạt một cách nhẹ nhàng và tế nhị, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ hay nặng nề, đồng thời tránh sự thô tục và thiếu lịch sự. Biện pháp này được sử dụng rất nhiều trong giao tiếp hàng ngày của chúng ta, và được sử dụng trong cả thơ ca, văn chương

Ví dụ: 

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

⇒ Nói giảm nói tránh: “Giấc ngủ bình yên” ý chỉ Bác đã qua đời.

BIỆN PHÁP ĐẢO NGỮ

– Đảo ngữ là biện pháp tu từ thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu, nhằm nhấn mạnh ý, nhấn mạnh đặc điểm của đối tượng và làm câu thơ, câu văn thêm sinh động, gợi cảm, hài hòa về âm thanh… mà không làm thay đổi nội dung thông báo của câu.

– Tác dụng:

nhằm nhấn mạnh đặc điểm (màu sắc, đường nét,…), hoạt động, trạng thái của sự vật, hiện tượng, gợi ấn tượng rõ hơn hoặc bộc lộ cảm xúc của người viết (người nói).

Ví dụ:  

    Lom khom dưới núi tiều vài chú
    Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

⇒ Đảo ngữ: Chủ ngữ “tiều vài chú”,”Chợ máy nhà” đẩy ra sau để VN: “lom khom” và “lác đác” lên trước

BIỆN PHÁP CHƠI CHỮ

– Chơi chữ là biện pháp tu từ thể hiện ở việc người nói (người viết) khai thác nét đặc sắc về mặt ngữ âm, chữ viết, ngữ nghĩa của các từ ngữ để tạo nên sự bất ngờ, làm cho câu nói dí dỏm, hài hước và thú vị… Chơi chữ thường được sử dụng trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày và trong văn chương, đặc biệt là trong thơ trào phúng, tục ngữ, ca dao, câu đối, câu đố. 

– Tác dụng:

  • Tạo sắc thái dí dỏm, hài hước; làm câu văn hấp dẫn và thú vị.
  • Thể hiện thái độ tình cảm của người viết.

– Các lối chơi chữ thường gặp là: 

+ Dùng từ ngữ đồng âm. Ví dụ: “Ruồi đậu mâm xôi đậu – Kiến đĩa thịt .” (Câu đối). 

+ Dùng lối nói trại âm (gần âm). Ví dụ: “Sánh với Na-va (Navarre) “ranh tướng” Pháp / Tiếng tăm nồng nặc ở Đông Dương.” (Tú Mỡ) 

+ Dùng cách điệp âm. Ví dụ: “Mênh mông muôn mẫu một màu mưa / Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ.” (Tú Mỡ) 

+ Dùng lối nói lái. Ví dụ: “Kiển tố vừa đố giừa giảng.” (Câu đố) 

+ Dùng từ đa nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa. Ví dụ, dùng từ đa nghĩa để tạo ra hai cách hiểu: “Còn trời, còn nước, còn non / Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.” (Ca dao) 

+ Sử dụng các tiếng hay từ chỉ những sự vật có quan hệ gần gũi với nhau. Ví dụ: “Con trai Văn Cốc, lên dốc bắn , đứng lăm le, cười khanh khách. / Con gái Bát Tràng, bán hàng thịt ếch, ngồi chầu chẫu, nói ương ương.” (Câu đối) 

Lưu ý: Khi làm dạng này các em phải thật sự chú ý, đọc thật kĩ đề xem đề hỏi về biện pháp tu từ nào, nếu đề không yêu cầu chỉ ra tác dụng thì trong khi làm chúng ta vẫn phải chỉ ra. Các em phải làm tuần tự theo các bước ở dưới thì mới được điểm tối đa, không bị sót ý.

Cách làm:

Bước 1: Gọi tên biện pháp tu từ sử dụng trong văn bản.

Bước 2: (Dẫn chứng) Chỉ ra cụ thể tác giả đã sử dụng biện pháp đó như thế nào?  Ví dụ từ ngữ nhân hóa ở đâu?  Ẩn dụ qua từ ngữ/hình ảnh nào, ý nghĩa ẩn dụ?

Bước 3: Nêu tác dụng(về nội dung và nghệ thuật) của biện pháp tu từ + tình cảm của tác giả.

Ví dụ:                            

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Bước 1:  Biện pháp ẩn dụ.

Bước 2: Thể hiện ở hình ảnh: “mặt trời trong lăng rất đỏ”

Bước 3: : Ý nghĩa

+ Tác dụng nghệ thuật: tạo ấn tượng, làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

+ Giá trị nội dung: ca ngợi sự lớn lao, vĩ đại của Bác Hồ, bất tử hóa hình ảnh Bác trong lòng dân tộc thể hiện niềm. Thể hiện lòng tôn kính thiêng liêng và sự biết ơn vô hạn của tác giả đối với Bác

Cách làm:

Bước 1 (xác định): Biện pháp tu từ (tên biện pháp tu từ) được sử dụng trong văn bản trên là: …. (Ở chỗ “…..”)

Bước 2 (nêu tác dụng): Biện pháp tu từ (tên biện pháp tu từ)làm cho lời thơ/văn/ lời diễn đạt trở nên sinh động, gợi hình gợi cảm, hấp dẫn, ấn tượng, thú vị, dễ hiểu,có hồn, cụ thể, tăng nhạc tính- tạo âm hưởng nhịp nhàng, nhấn mạnh vào…(nd);đồng thời thể hiện…của tác giả.

Ví dụ:   (1) “Hoà bình giống như bầu không khí xung quanh chúng ta. Chúng ta sống với nó mỗi ngày, nghĩ về nó mỗi ngày nhưng đôi khi lại không nghĩ đến việc mình có trách nhiệm phải bảo vệ nền hoà bình. Chúng ta phải đứng lên đấu tranh cho tình yêu và hòa bình. (2)“Việc không sống cùng bố mẹ đã dạy tôi tầm quan trọng của tình yêu. Ngày hôm nay tôi đứng ở đây để sát cánh với những ai cảm thấy mình bị bỏ rơi và cả những ai lan toả sự đau đớn cho người khác. Hãy để tình yêu và sự cảm thông trỗi dậy trong bạn để chiến tranh và bạo lực không còn xảy ra nữa.”

Ghi tên và nêu 1 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên?

Hướng dẫn

– Bước 1 (xác định): Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên là: so sánh (ở chỗ “Hòa bình giống như bầu không khí xung quanh chúng ta”)

– Bước 2 (nêu hiệu quả nghệ thuật): làm cho lời diễn đạt trở nên sinh động, gợi hình gợi cảm, hấp dẫn, ấn tượng, thú vị, dễ hiểu,có hồn, cụ thể,nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hòa bình đồng thời thể hiện tình yêu hòa bình của tác giả.

8. Phương pháp làm phần biện pháp tu từ có 2 phép trở lên

Phương phápChiến thuật
Bước 1:

– Chỉ tên + dẫn chứng + Tác dụng biện pháp tu từ thứ nhất

.

– Chỉ tên + dẫn chứng + tác dụng biện pháp tu từ thứ 2

 

– Chỉ tên + dẫn chứng + tác dụng của biện pháp tu từ thứ 3

Bước 2: Nêu tác dụng chung của các biện pháp tu từ đã dùng ở trên.

Bước 1: 

– Tác giả + đã khéo léo/ tài tình sử dụng + tên biện pháp + để đem đến những hình ảnh độc đáo về + đối tượng phân tích thứ nhất.

– Bằng việc sử dụng + tên biện pháp + từ ngữ thể hiện + tác giả + đã đem đến cho bạn đọc những hình dung mới mẻ/sâu sắc + đối tượng phân tích

– Biện pháp + từ ngữ thể hiện + đã khắc họa về hình ảnh + đối tượng phân tích….

Bước 2: Các bptt này làm cho lời thơ/văn/ lời diễn đạt trở nên sinh động, gợi hình gợi cảm, hấp dẫn, ấn tượng, thú vị, dễ hiểu,có hồn, cụ thể, tăng nhạc tính- tạo âm hưởng nhịp nhàng – dùng cho phép điệp và liệt kê, nhấn mạnh vào…(nd);đồng thời thể hiện…của tác giả.

Ví dụ:                               

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ như thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?

Chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ trong khổ thơ trên?

* Lưu ý:

Về nghệ thuật : Nó được dùng để làm gì? Hình thức nghệ thuật; chú ý chức năng chung như: làm cho câu văn/thơ trở nên bóng bẩy, giàu hình ảnh, cụ thể, sinh động,gợi hình gợi cảm, và chức năng cơ bản của biện pháp đó.

Về nội dung: nó giúp diễn tả hay  gợi ra cái gì? Thường dùng các cách diễn đạt như: Biện pháp tu từ đó đã diễn tả/ nhấn mạnh/ khẳng định/làm nổi bật….;

Về tác giả: nó thể hiện điều gì ở tác giả như: tư tưởng, tình cảm, thái độ, con người…

Cách làm:

* Bước 1:

– Tác giả đã khéo léo sử dụng biện pháp điệp từ “nỗi nhớ”để đem đến những hình ảnh độc đáo về nỗi nhớ thương tha thiết, ngập tràn trong tâm trạng của nhân vật trữ tình.

– Bằng việc sử dụng biện pháp câu hỏi tu từ “Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?” tác giả đã đem đến cho bạn đọc những hình ảnh độc đáo về những nỗi suy tư, băn khoăn, trăn trở trong tâm trạng nhân vật trữ tình.

* Bước 2: Các bptt này làm cho lời thơ trở nên sinh động, gợi hình gợi cảm, hấp dẫn, ấn tượng, thú vị, dễ hiểu,có hồn, cụ thể, tăng nhạc tính- tạo âm hưởng nhịp nhàng, nhấn mạnh vào sự xúc động trào dâng tưởng như không thể kìm nén nỗi băn khoăn trăn trở nghẹn ngào của nhân vật trữ tình  khi nhớ về những kỉ niệm tuổi học trò mơ mộng đồng thời thể hiện sự trân trọng trân quý những tình cảm những kỉ niệm đẹp tuổi hoa niên  cắp sách tới trường của tác giả.

Cách nhận xét chung về chức năng của các bienj pháp tu từ: làm cho lời thơ/văn/ lời diễn đạt trở nên sinh động, gợi hình gợi cảm, hấp dẫn, ấn tượng, thú vị, dễ hiểu,có hồn, cụ thể, tăng nhạc tính- tạo âm hưởng nhịp nhàng, nhấn mạnh vào…(nd); đồng thời thể hiện … của tác giả.

9. Dạng câu hỏi xác định nội dung của từ/cụm từ khóa

Dạng này có câu hỏi là: Theo tác giả/theo anh chị “A” là gì?

– Phần này không có ở trong đề vì vậy các em phải suy nghĩ trả lời theo cách hiểu của mình.

– Thế nhưng không phải trả lời bừa theo ý của mình là được mà phải căn cứ vào dữ liệu, nội dung của văn bản nữa thì mới chuẩn xác nhất

– Nên trả lời nhiều cách hiểu của bạn để có nhiều cơ hội trúng với đáp án

Mẹo: Theo anh chị “A” là gì  =  ý hiểu của mình + ý trong văn bản

Cách làm:

– Bước 1: Thật bình tĩnh, đọc kỹ và hiểu nội dung của văn bản (Trong đoạn trích thường có một số từ đã gợi ý)

– Bước 2: Căn cứ vào hình ảnh, nội dung,từ khóa, nhan đề, nguồn trích để xác định rõ +gạch chân vào những ý cần thiết trong đề bài

– Bước 3: Theo em  “A” là….

Ví dụ:

(1) Chúng ta thường đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để có được ngoại hình đẹp, nhà cửa khang trang, xe cao cấp, quần áo giày dép đắt tiền. Nhưng còn nền tảng cho hạnh phúc thực sự của chúng ta, điều không thể nhìn thấy bằng mắt thường “những mối quan hệ tốt”, chúng ta đã đầu tư được bao nhiêu rồi?

(2) Cho dù gặp khó khăn trong cuộc sống, chỉ cần bạn biết rằng bên cạnh mình có người hiểu được giá trị con người bạn và ủng hộ bạn bằng sự quan tâm chân thành thì bạn có thể nhận được hạnh phúc và dùng khi to lớn để sống tiếp.

(Trích: Bước chậm lại giữa thế gian vội vã, Hae Min, Nxb Hội nhà văn, 2017, tr.60)

Theo anh (chị), thế nào là những mối quan hệ tốt?

Từ khoá: Mối quan hệ tốt, nội dung: bên cạnh mình có người hiểu được giá trị con người bạn và ủng hộ bạn bằng sự quan tâm chân thành thì bạn có thể nhận được hạnh phúc và dùng khi to lớn để sống tiếp” + Lập luận của bản thân.

Theo em, những mối quan hệ tốt phải có sự hòa hợp, đồng cảm, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ về quan điểm, tình cảm hay cảm xúc từ hai phía. Hai bên luôn tôn trọng và sẵn sàng góp ý, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn; không mưu cầu tư lợi cho bản thân hoặc toan tính những điều ác, điều xấu có thể gây ảnh hưởng cho mình hoặc người khác. Mối quan hệ tốt luôn được bắt đầu từ sự chân thành, tin tưởng..

10. Dạng câu hỏi đưa ra cách hiểu/ suy nghĩ của bản thân

Dạng này ở đề câu hỏi sẽ là: Anh, chị suy nghĩ thế nào về…/Anh chị hiểu thế nào về…

– Câu trả lời không nằm trong ngữ liệu mà nằm sẵn trong đầu của bạn.

– Hãy thật bình tĩnh để lục tìm câu trả lời đó

– Nên trả lời nhiều cách hiểu của bạn để có nhiều cơ hội trúng với đáp án.

Cách làm:

– Bước 1: Theo em,….có ý nghĩa như:….

– Bước 2:

+ Giải thích từ khóa (Dùng các từ đồng nghĩa)

+ Giải thích vế câu (Giải thích nghĩa từng vế)

+ Cả câu muốn khuyên/nhắn nhủ/khẳng định / phê phán…

– Bước 3:

+ Điều này là đúng/ sai ? (tùy đề)

+ Giúp em hiểu được điều gì ? 

Ví dụ:

Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này? Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá trên chuyến hành trình ấy. Hãy dành thời gian quan tâm đến người khác và luôn nhớ rằng, thời gian không chờ đợi một ai!

Anh (chị) suy nghĩ gì về ý kiến: Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình?

– Giải thích từ khoá:

  • Hạnh phúc: Niềm vui, sự lạc quan.
  • “Con đường đi”, “hành trình”: cách chúng ta trinh phục cuộc sống, là tương lai phí trước. (màu đỏ)

– Thông điệp: Cần có những trải nghiệm, cần phải khám phá và vượt qua khó khăn.(màu xanh)

⇒ Câu trả lời: Theo em ý kiến cho rằng: Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình vừa có ý nghĩa khẳng định mỗi chũng ta muốn có được niềm vui, lạc quan trên hành trình chinh phục tương lai như một lời nhắc nhở, vừa là một thông điệp giúp chúng ta định hình, nhận thức đúng đắn về cuộc sống. Hạnh phúc chính là những trải nghiệm của cuộc đời trần thế, không phải tự nhiên mà có, muốn có hạnh phúc, ta phải trải qua hành trình kiếm tìm, vượt qua khó khăn, chông gai và thử thách.

11. Dạng câu hỏi giải thích ý kiến tác giả

Dạng 1: Dạng này có câu hỏi là: Theo tác giả thì A được hiểu là gì?

– Phần này có ở trong đề, các em chỉ cần đọc kĩ tìm đúng từ khoá là sẽ tìm được câu trả lời.

– Cần phải căn cứ vào dữ liệu, nội dung của văn bản mới chuẩn xác nhất

– Nên tìm đúng từ khoá trong câu hỏi tương ứng với câu văn được đưa ở ngữ liệu, tuyệt đối không đưa lời văn của cá nhân vào

Cách làm:

Bước 1: Thật bình tĩnh, đọc kỹ và tìm ngữ liệu trong đề để trả lời – gạch chân ngữ liệu để xác định rõ hơn

Bước 2: Chép nguyên văn ngữ liệu của đề ra (Vì đáp án có sẵn trong đề bài )

Bước 3: Theo tác giả  “A” là….

Ví dụ:

Tự trọng nghĩa là biết coi trọng mình, nhưng không phải theo nghĩa vị kỷ (chỉ biết đến danh lợi của bản thân mình) mà là coi trọng phẩm giá/đạo đức của mình. Một người có tự trọng hay không cũng thường được thể hiện qua câu trả lời hay qua hành xử của anh ta cho những câu trả lời như: “Điều gì khiến tôi sợ hãi/ xấu hổ?” “Điều gì khiến tôi tự hào /hạnh phúc?”…

(Trích: Đúng việc – Giản Tư Trung, NXB Tri thức, 2016, tr.27)

Theo tác giả, tự trọng là gì?

⇒ Theo tác giả, tự trọng là biết coi trọng mình, nhưng không phải theo nghĩa vị kỷ (chỉ biết đến danh lợi của bản thân mình) mà là coi trọng phẩm giá/đạo đức của mình.

Dạng 2: Dạng này có câu hỏi là: Tại sao tác giả lại nói…?

– Đây là dạng câu hỏi khó nhất trong đề đọc hiểu

– Bạn hãy xem kĩ lại văn bản rồi lý giải: nếu câu có nhiều vế thì lý giải từng vế, nếu câu có mọt vế thì chọn những từ khóa để lý giải rồi rút ra ý nghĩa cả câu nói.

– Nên quan tâm câu này suy nghĩ thật chuẩn rồi mới viết vì câu này thường có điểm cao hơn các câu khác (thường chiếm một điểm)

– Cũng nên trả lời nhiều ý để có cơ hội trúng với đáp án nhiều hơn. (nếu chưa hiểu rõ mấy)

Cách làm:

– Kết hợp quan niệm của tác giả trong văn bản và hiểu biết của bản thân (ngoài văn bản), có thể dùng 1 phần lời diễn đạt tự do của bản thân, có lý giải vì sao ?

Trả lời:

– Bước 1: Theo em tác giả cho rằng “….”

– Bước 2:

+ Giải thích được từ khoá: Vì…. (tìm ý trong văn bản trước)

+ Tưduy, liên tưởng: Vì….(tìm ý trong đầu mình sau)

– Bước 3: Tổng kết: Vì….(lật ngược lại vấn đề  – nếu không như thế thì sao) (nếu cần)

Ví dụ:

THỜI GIAN LÀ VÀNG

Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá. Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết. Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, đễ mất thời cơ là thất bại…

        Theo anh (chị), tại sao tác giả cho rằng: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được?

⇒ Giải thích từ khoá: Vàng: kim loại có giá trị, quý giá, là thứ hữu hình. Thời gian là giây, phút, thời điểm trôi qua trong cuộc đời, là thứu vô hình.

⇒ Tư duy: Vàng có giá trị ai cũng muốn có nhưng có là mua được, còn thời gian trôi qua vô hình ta không nắm bắt đuọc, có tiền không mua được.

⇒ Tổng kết: Vàng không quý bằng thời gian

Câu trả lời: Theo em, tác giả cho rằng: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được vì thời gian quý như vàng. Hơn nữa, vàng là thứ vật chất hữu hình dù đẹp và rất có giá trị nhưng vẫn có thể mua bán, trao đổi. Còn thời gian là vô hình, không ai có thể mua bán trao đổi, đã trôi qua là không thể quay trở lại.

12. Dạng câu hỏi rút ra bài học / thông điệp cho bản thân

Dạng này hay hỏi là: Rút ra bài học / một thông điệp ý nghĩa nhất với anh, chị.

– Để rút ra được bài học, ta cần hiểu rõ văn bản nói gì, tác giả muốn truyền đi điều gì

– Nên rút ra một (hoặc nhiều hơn) bài học/ thông điệp có tầm khái quát

– Nêu hành động để thực hiện thông điệp

CÔNG THỨC: câu trả lời gồm 4 ý:

– Thông điệp sâu sắc nhất mà em rút ra sau khi đọc văn bảnY là: chúng ta cần……; nên……; phải…….; đừng …..

– Ý nghĩa: Thông điệp này đã giúp em hiểu rằng…/nhận ra rằng….

– Hành động để thực hiện thông điệp

– Đánh giá: (Ngắn gọn)Thiết nghĩ thông điệp này không chỉ có ý nghĩa với riêng em mà còn hữu ích với tất cả mọi người.

Ví dụ:                            

THỜI GIAN LÀ VÀNG

Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá. Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết. Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, dễ mất thời cơ là thất bại…)

Thông điệp nào trong văn bản có ý nghĩa nhất với anh (chị) ? Vì sao?

Hướng dẫn

 Xác định thông điệp: Thông điệp có ý nghĩa nhất mà em rút ra được sau khi đọc văn bản là:Thời gian là vô giá.

– Ý nghĩa thông điệp: Thông điệp này đã giúp em nhận ra thời gian có giá trị lớn như thế nào, không thể mua bán hay trao đổi , đã trôi qua là mất đi mãi mãi.

– Hành động để thực hiện:Vậy nên phải biết trân trọng từng phút từng giây để sống, học tập, làm việc sao cho hiệu quả và ý nghĩa; không nên phung phí thời gian vào những việc làm vô ích.

– Đánh giá:Thiết nghĩ thông điệp này không chỉ có ý nghĩa với riêng em mà còn hữu ích với tất cả mọi người.

⇒ Câu trả lời: Thông điệp có ý nghĩa nhất mà em rút ra được sau khi đọc văn bản là:Thời gian là vô giá. Thông điệp này đã giúp em nhận ra thời gian có giá trị lớn như thế nào, không thể mua bán hay trao đổi , đã trôi qua là mất đi mãi mãi. Vậy nên phải biết trân trọng từng phút từng giây để sống, học tập, làm việc sao cho hiệu quả và ý nghĩa; không nên phung phí thời gian vào những việc làm vô ích. Thiết nghĩ thông điệp này không chỉ có ý nghĩa với riêng em mà còn hữu ích với tất cả mọi người.

13. Câu hỏi đồng tình/ không đồng tình với 1 ý kiến/ quan điểm.

Dạng câu hỏi này ở đề thi sẽ hỏi: Anh chị có đồng tình với….? Tại sao?

Cách làm:

Bước 1: Em đồng tình/ ko đồng tình/vừa đồng tình vừa ko đồng tình.

Bước 2:

Vì…….( tìm trong đề chép ra)

Vì…….(tìm trong đầu – viết nhiều lên)

Vì ……(lật ngược lại vấn đề  – nếu không như thế thì sao) (nếu cần)

Ví dụ.

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:

Khi tới thăm những bản làng nghèo khổ lạc hậu khủng khiếp trên miền núi cao, tôi cứ nghĩ có phải do họ ít đi quá. Nếu giúp đỡ họ, nên chăng thay vì cho tiền cho gạo, chúng ta tổ chức cho họ những chuyến đi? Biết đâu sau những chuyến đi họ sẽ tự muốn thay đổi tập quán sinh sống?

Tóm lại, mọi chuyến đi đều đáng giá. Đi để con được choáng ngợp trước đại dương mênh mông…rung động trước một cánh đồng xanh mướt… hồi hộp nín thở trước những rặng núi hùng vĩ… Đi để còn biết mùi mặn của mồ hôi, mùi gió ngai ngái trước cơn dông… đi để con biết kết nối với người lạ, thì những món chưa từng ăn. Đi để con biết cách leo núi, lội ruộng, luồn hang, đốt lửa, nấu cơm, sơ cứu vết thương… Đi để khi trở về con thấy yêu thêm cái nhà nhỏ của mình.

Tại sao người ta phải bỏ cả đống tiền, khổ sở đày ải để leo lên đỉnh Everest? Tại sao người ta phải luyện tập thể lực cả tháng trời rồi đáp máy bay tới Việt Nam, mò mẫm trèo đèo lội suối để tới hang Sơn Đoòng? Cảnh đẹp chỉ là một phần. Quan trọng là cái thú vị của quá trình chinh phục và khám phá. Sống là phải được nếm trải cảm giác sung sướng không thể diễn tả của khoảnh khắc “a ha, ta đã làm được!”. Nó đã lắm. Không ngôn từ nào làm được! Mấy mùa Tết gần đây nhà mình sắm Tết chỉ khoảng vài trăm ngàn. Dọn tủ lạnh và thùng rác thật sạch để có thể đi 10 ngày về không bị bốc mùi. Lên đường! Những chuyến đi, luôn luôn tốt hơn! Nước chảy là nước trong, nước đọng là nước bẩn. Có câu nói rằng: “Nếu con người sinh ra chỉ để ở chết đi ở một chỗ, thì người ta đã không cần đôi chân làm gì”. Dù với ngàn năm văn hóa lúa nước, ông bà mình khá lười dịch chuyển thì cũng phải công nhận “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.

(Trích Con nghĩ đi, mẹ không biết)

Suy nghĩ về giải pháp giúp những con người vùng cao thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tác giả cho rằng: Nếu giúp đỡ họ, nên chẳng thay vì cho tiền cho gạo, chúng ta tổ chức cho họ những chuyến đi. Anh/Chị có đồng tình với giải pháp trên hay không? Vì sao?

Hướng dẫn:

Bước 1: Tôi đồng tình với quan điểm trên.

Bước 2:

– Vì: biết đâu sau những chuyến đi họ sẽ tự muốn thay đổi tập quán sinh sống lạc hậu của họ.

– Vì những chuyến đi sẽ gặp đồng bào vùng cao bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia mở mang tầm mắt, họ sẽ tiếp cận những cái mới, nhìn thấy những điều hiện đại, học hỏi được những điều tiên tiến, để khi quay trở về họ thay đổi tư duy cũ kĩ, áp dụng những điều tốt để xây dựng cuộc sống theo hướng tích cực.

– Vì: nếu không tổ chức cho họ những chuyến đi khám phá, chúng ta sẽ không thể cho họ hay cứu trợ giúp đỡ họ cả đời được. Gạo ăn vài bữa cũng hết, tiền tiêu vài hôm cũng không còn. Nên thay vì cho con cá thì cho họ cái cần câu. Họ đi nhiều, học hỏi nhiều, sẽ tự biết cách thay đổi cuộc sống, giàu có văn minh hơn.

Bước 3:

– Hành động: Cần tiếp xúc nhiều hơn, hiểu nhiều hơn những người ở vùng cao, nghèo khó để dần dần đồng cảm và giúp đỡ họ bằng cả tấm lòng, trái tim mình.

14. Dạng câu hỏi nhận xét về tình cảm của tác giả

Dạng câu hỏi này ở đề thi sẽ hỏi: Anh chị cảm nhận tình cảm, tư tưởng của tác giả được thể hiện qua…

Cách làm:

Tác giả thể hiện tình cảm……..dành cho ai?

Lưu ý: chọn được càng nhiều các từ sau đây càng tốt: yêu thương, ca ngợi, tự hào, trân trọng, yêu mến, lo lắng, xót xa, căm phẫn, bâng khuâng, tức giận….

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang