Phân tích bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.

Phân tích bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

Dàn bài 1:

I. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Bà Huyện Thanh Quan: một trong những nữ sĩ xuất sắc nhất của nền thơ trung địa Việt Nam.

– Giới thiệu bài thơ Qua đèo Ngang.

II. Thân bài:

1. Hai câu đề: Cảnh vật thiên nhiên nơi Đèo Ngang.

– Thời gian: “Bóng xế tà”, đây là thời điểm kết thúc của một ngày, khi con người thường trở về nhà sau một ngày lao động vất vả. Vậy mà nhà thơ lại một mình tại nơi đèo Ngang càng khiến cho nỗi cô đơn trở nên tột cùng.

– Khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang:

+ “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” là hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng.

+ Điệp từ: cỏ cây “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” gợi ra một thiên nhiên tuy hoang sơ nhưng lại tràn đầy sức sống.

+ Khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang được nhà thơ khắc họa chỉ bằng vài nét nhưng lại hiện ra đầy chân thực và sinh động.

2. Hai câu thực: Cuộc sống con người nơi Đèo Ngang

– Giữa thiên nhiên hoang sơ và rộng lớn con người xuất hiện với nghệ thuật đảo ngữ:

+ Lom khom… tiều vài chú: hình ảnh vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi.

+ Lác đác….chợ mấy nhà: hình ảnh vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông.

– Nhấn mạnh vào sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn. Con người chỉ nằm là một chấm buồn lặng lẽ giữa một thiên nhiên rộng lớn. Cảnh vật và con người dường như có sự xa cách khiến cho không khí càng thêm hoang vu, cô quạnh.

3. Hai câu luận: Tâm trạng nhớ nhà của nhà thơ khi đứng trước Đèo Ngang

– Hình ảnh “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa).

– Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh: tiếng kêu “quốc quốc”, “gia gia” để qua đó bộc lộ nỗi lòng nhớ thương của mình với đất nước, quê hương.

– Hai câu thơ diễn tả nhớ nhung sâu đậm của Bà Huyện Thanh Quan.

4. Hai câu kết: Nỗi cô đơn tột cùng của nhà thơ trước bao la trời đất

– Câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông).

– Sự cô đơn của nhà thơ: “một mảnh tình riêng” – tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ, “ta với ta” – đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình, cô đơn và lẻ loi.

– Hai câu kết khẳng định lại nỗi cô đơn, trống trải của tác giả trước thiên nhiên rộng lớn.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Qua Đèo Ngang.

– Nêu cảm nhận của bản thân.

Dàn bài 2:

I. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Bà Huyện Thanh Quan:

– Giới thiệu bài thơ “Qua Đèo Ngang”.

II. Thân bài:

– Bài thơ được viết bằng chữ Nôm, thuộc thể thơ Đường thất ngôn bát cú với thanh điệu, vần điệu, bố cục, đối xứng rất hài hòa, tự nhiên, đúng niêm luật. Bài thơ như một bức tranh vẽ lại một vùng non nước miền Trung đất Việt hùng vĩ mà hoang sơ, gợi cảm.

a. Bốn câu thơ đầu:

– Trên con đường từ Bắc vào Nam tác giả đặt chân tới Đèo Ngang vào thời điểm bóng xế Đây là thời điểm cuối ngày khi hoàng hôn buông xuống, nắng nhạt màu sắp tắt đó là khoảng thời gian gợi buồn cho lòng người nhất là với người lữ khách trên chặng đường xa. Âm ”a” kết hợp với thanh bằng tạo âm hưởng trầm lắng gợi mở không gian lặng lẽ mênh mang của trời chiều nơi Đèo Ngang.

– Cảnh vật có lá, hoa, cỏ với những đường nét nhẹ nhàng, thanh đạm. Dường như cây cối như đang chen chúc vươn lên một sức sống hoang dã.

– Hai câu thơ đầu đã phô bày sự hoang dã núi rừng, cái ngút ngàn của câu cỏ.Trong không gian ấy, tâm trạng bắt đầu hé mở.

– Hai câu thơ tiếp theo là những nét phác họa cảnh Đèo Ngang nhìn từ xa, nhìn từ trên xuống ” Lom khom.. nhà”

– Các từ láy “lom khom”, “lác đác” mô tả trạng thái của cảnh vật và con người nơi đây. Con người đã xuất hiện. Các lượng từ “mấy, vài” càng gợi thêm sự thưa thớt, tiêu điềm.

Sự đối lập giữa núi sông ngút ngàn với sự xuất hiện ít ỏi của sự sống, con người đã nhấn mạnh thêm sự vắng vẻ, heo hút nơi đây.

c. Bốn câu thơ cuối:

– Đằng sau bức tranh tả cảnh là nỗi niềm của người lữ khách có chút gì đó buồn thương cho cuộc sống nơi đây.

– Tiếng chim quốc nhớ nước, tiếng chim đa đa thương nhà cũng chính là tiếng lòng thiết tha của nhà thơ nhớ gia đình, nhớ về một thời vàng son của đất nước đã qua. Hai từ ” quốc quốc , gia gia” vừa tả thực nói về hai loại chim, cũng là một hình ảnh ẩn dụ gợi liên tưởng tới “quốc -gia”, Tổ Quốc và gia đình, nước và nhà đã và đang cất tiếng kêu.

– Hai câu thơ cuối nhân vật trữ tình đã bày tỏ trực tiếp cảm xúc, tâm trạng. Ngòi bút tả cảnh ngụ tình chuyển sang ngòi bút tâm trạng hướng vào nội tâm. Đứng trước cảnh ” trời, non, nước ” bao la, hùng vĩ, nhà thơ cảm thấy mình như nhỏ bé hẳn lại, nỗi nhớ nhà, thương nước càng thêm da diết, thẳm sâu. Vậy mà không có ai, không tìm được ai để san sẻ tâm tình chỉ còn” ta với ta” . Ở đây lại xuất hiện sự đối lập của cảnh ” trời, non, nước ” rộng lớn với ” một mảnh tình riêng ” nhỏ bé. Cảnh càng rộng lớn, hùng vĩ bao nhiêu thì mảnh tình riêng càng nặng nề, khép kín bấy nhiêu. Cụm từ ” ta với ta” bộc lộ nỗi cô đơn gần như tuyệt đối của tác giả. Nhưng đây không phải là nỗi cô đơn tiêu cực, bị lụy mà là tấm lòng đau đáu, thiết tha của nữ sĩ Thanh Quan đối với đất nước, đối với gia đình, đáng cảm thông và trân trọng.

c. Nhận xét chung:

– Thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú.

– Sử dụng từ láy độc đáo, hình ảnh ẩn dụ , nghệ thuật đối lập.

– Cảnh vật rộng lớn bao la nổi bật tâm trạng của con người với nỗi buồn riêng.

III. Kết bài:

– Khẳng định ý nghĩa và giá trị của bài thơ.

– Nêu suy nghĩ em về tác phẩm.

Bài văn tham khảo 1:

  • Mở bài:

Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nữ thi sĩ tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam. Dù số lượng tác phẩm còn lại không nhiều, nhưng thơ của bà mang phong vị trang nhã, hàm xúc, thể hiện những nỗi niềm sâu kín của một người phụ nữ tài hoa sống trong thời kỳ phong kiến. Qua Đèo Ngang là một trong những bài thơ tiêu biểu của bà, thể hiện rõ phong cách thơ trang nhã, cổ điển, đồng thời bộc lộ tâm trạng cô đơn, hoài cổ của tác giả khi đi qua một miền đất lạ. Bài thơ không chỉ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ mà còn khắc họa nỗi niềm của một lữ khách xa quê, một con người mang nặng nỗi nhớ nước, thương nhà.

  • Thân bài:

Bà Huyện Thanh Quan sáng tác bài thơ này khi trên đường vào kinh thành Huế để nhận chức quan trong triều Nguyễn. Trên đường đi, bà dừng chân tại Đèo Ngang – một địa danh hiểm trở nằm giữa ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trước cảnh vật hoang sơ, hùng vĩ nhưng vắng vẻ, tĩnh lặng, lòng thi nhân trào dâng nỗi cô đơn, luyến tiếc quá khứ, thương nhớ quê nhà. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, với ngôn từ trang nhã, hàm xúc, thể hiện sâu sắc tâm trạng của tác giả.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Hai câu thơ mở đầu gợi lên một khung cảnh rộng lớn nhưng hoang vắng. Tác giả dùng từ “bước tới” để diễn tả hành trình của mình, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự chậm rãi, trĩu nặng tâm tư. Không gian thời gian được xác định rõ: hoàng hôn – thời điểm gợi nhiều cảm xúc man mác buồn.

Hình ảnh “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” tạo nên một cảnh tượng tự nhiên nhưng cũng đầy hoang sơ. Động từ “chen” được lặp lại hai lần không chỉ miêu tả sự phát triển của cây cối mà còn gián tiếp nhấn mạnh sự đơn độc, nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn. Sự sống tuy vẫn tồn tại nhưng có phần hoang dại, không có bàn tay con người chăm sóc, tạo cảm giác hoang vắng, cô liêu.

Mở rộng tầm nhìn về phía xa xa chân núi, người lữ khách phát hiện thấy dấu vết sự sống nhưng nhỏ bé, lạc lõng:

Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Bức tranh thiên nhiên được mở rộng ra hướng về phía dưới, nhưng lần này có sự xuất hiện của con người. Tuy nhiên, con người trong bức tranh này không đông đúc, sôi động mà chỉ xuất hiện thưa thớt, lẻ loi. Hình ảnh “tiều vài chú” – những người tiều phu lom khom kiếm củi dưới chân núi, kết hợp với “chợ mấy nhà” – những mái nhà ít ỏi bên dòng sông, tạo nên một không gian vắng vẻ, tĩnh mịch.

Các từ láy “lom khom”, “lác đác” gợi lên sự nhỏ bé, yếu ớt của con người giữa thiên nhiên bao la. Những con người ấy chỉ như những chấm nhỏ đơn độc giữa bức tranh rộng lớn, càng làm tăng thêm nỗi cô đơn trong lòng thi nhân.

Lắng nghe trong không gian bạt ngàn rừng núi, vọng về từ xa là tiếng chim cuốc kêu não nùng, khuấy động tâm tư người lữ khách, gợi về nối nhớ nước, thương nhà da diết:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Tiếng kêu của chim quốc và chim đa đa trong hai câu thơ này không đơn thuần chỉ là âm thanh của tự nhiên, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho tâm trạng của tác giả. Chim “quốc quốc” gợi lên âm vang của từ “quốc” – đất nước, trong khi chim “gia gia” gợi nhớ đến “gia” – gia đình. Cách chơi chữ tinh tế này giúp tác giả bộc lộ nỗi nhớ nước, thương nhà một cách kín đáo nhưng sâu sắc.

Hình ảnh tiếng chim vang vọng giữa không gian rộng lớn càng làm tăng thêm sự cô đơn, trống trải. Nỗi nhớ ấy không chỉ là nỗi nhớ đơn thuần, mà còn là nỗi đau day dứt, khiến lòng người trĩu nặng.

Kết thúc bài thơ, người lữ khách bất giác “dừng chân đứng lại”. Cảm vì nỗi xa quê lạc lõng, cảm vì nỗi nhớ thương, bước chân chùng chình nửa muốn bước tới, nửa chừng như định quay về. Đối diện với không gian bao là, bất tận “trời, non, nước”, đôi mắt như đãm lệ, nhạt nhòa khói mây:

Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Hai câu thơ cuối khép lại bài thơ với một hình ảnh đầy tâm trạng. Tác giả dừng chân giữa không gian mênh mông của trời, non, nước – ba yếu tố rộng lớn bao trùm vạn vật, nhưng lại càng làm cho con người trở nên nhỏ bé, đơn độc.

Câu thơ cuối “Một mảnh tình riêng ta với ta” là một câu thơ đầy ám ảnh. “Ta với ta” – chỉ có chính mình đối diện với chính mình, không ai thấu hiểu, không ai sẻ chia. Đây là một trong những cách thể hiện nỗi cô đơn đặc trưng của thơ trung đại, giống như câu thơ “Bách niên tâm sự tại” (Trăm năm tâm sự ai người biết) trong thơ Nguyễn Du.

Bài thơ Qua Đèo Ngang mang đậm phong cách thơ trung đại với thể thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn từ trang nhã, hàm xúc. Nghệ thuật đối trong thơ được vận dụng linh hoạt, làm nổi bật sự đối lập giữa con người và thiên nhiên, giữa hiện tại và quá khứ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng hình ảnh thiên nhiên để diễn tả tâm trạng cũng là một nét đặc trưng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. Thiên nhiên không chỉ là phông nền, mà còn là phương tiện để bộc lộ cảm xúc một cách tinh tế và sâu sắc.

  • Kết bài:

Bài thơ Qua Đèo Ngang không chỉ là một bức tranh thiên nhiên đẹp nhưng buồn, mà còn là một bức tranh tâm trạng đầy hoài niệm, cô đơn của Bà Huyện Thanh Quan. Với những hình ảnh gợi cảm, ngôn từ trang nhã và cách thể hiện tinh tế, bài thơ đã khắc họa thành công nỗi buồn của một người xa quê, nỗi nhớ nước, thương nhà thấm đượm trong từng câu chữ. Qua Đèo Ngang là một tác phẩm tiêu biểu của thơ trung đại Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những bài thơ hay nhất thể hiện nỗi lòng của một con người mang tâm sự hoài cổ giữa dòng đời biến động.

Bài văn tham khảo 3:

Phân tích bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

  • Mở bài:

Qua đèo Ngang là một trong số ít tác phẩm còn sót lại của Bà Huyện Thanh Quan, một nữ sĩ xuất sắc của nền thơ trung đại Việt Nam. Mượn cảnh đèo hoang vu, tác giả kín đáo thể hiện tâm trạng nhớ nước, thương nhà của mình.

  • Thân bài:

Mở đầu bài thơ, tác giả đã khắc họa thiên nhiên nơi đèo Ngang tràn đầy sức sống:

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Thời điểm mà Bà Huyện Thanh Quan bước đến đèo Ngang là khi “bóng xế tà” – kết thúc của một ngày. Đó là khi con người trở về nhà để nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi. Trước mắt tác giả là thiên nhiên nơi đèo Ngang trần đầy sức sống. Cách sử dụng điệp từ “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” cho thấy sự sống đang trỗi dậy. Khung cảnh đèo Ngang được khắc họa chỉ bằng vài nét nhưng lại hiện ra đầy chân thực và sinh động.

Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Và trong nền bức tranh thiên nhiên đó, con người xuất hiện. Nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật đảo ngữ trong hai câu thơ tiếp theo: “lom khom – tiều vài chú”, “lác đác – chợ mấy nhà” cho thấy hình ảnh vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi, vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông. Cách sử dụng nhằm nhấn mạnh sự nhỏ bé của con người giữa thiên nhiên rộng lớn. Từ đó, sự cô đơn của tác giả càng được thể hiện rõ hơn.

Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

Hình ảnh “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa). Tiếng kêu “quốc quốc”, “đa đa” nghe da diết đã còn bộc lộ nỗi lòng nhớ thương của mình với đất nước, quê hương.

Đến câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông). Sự cô đơn của nhà thơ: “một mảnh tình riêng” – tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ:

Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Không gian mênh mông khiến con người lại càng trở nên bé nhỏ, cô đơn hơn. Sự vật tưởng là hòa quyện, gắn kết với nhau mà thực chất lại đang chia lìa đôi ngả, trời, non, nước được tách biệt với nhau bằng những dấu phẩy, đó là cái nhìn mang tính tâm trạng của chính tác giả.

Câu thơ cuối như là một lời khẳng định trực tiếp nỗi cô đơn đó “một mảnh tình riêng, ta với ta”. Đại từ “ta” không còn mang ý nghĩa chỉ chung, cộng đồng mà là cá nhân, chỉ một mình tác giả. Trong hai câu kết, tất cả là một sự gián cách, là một thế giới riêng, cô đơn đến tuyệt đối.

Không chỉ đặc sắc về nội dung, tác phẩm còn là điển hình mẫu mực về nghệ thuật cổ điển Đường thi. Tác giả sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú, chuẩn mực về niêm, luật, đối, ngôn ngữ trau chuốt, mượt mà mặc dù đã được Việt hóa. Sử dụng thành công đảo ngữ, chơi chữ. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình xuất sắc, tả cảnh vật mà bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng của tác giả.

  • Kết bài:

Qua bài thơ Qua đèo Ngang, ta không chỉ ấn tượng bởi nghệ thuật tài tình, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất cổ điển đường thi và chất dân dã của dân tộc, mà còn bị cuốn hút bởi nội dung. Bức tranh phong cảnh đèo Ngang hiu quanh, mênh mông đã thể hiện tâm trạng buồn bã, nỗi niềm nhớ nước, thương nhà của tác giả.

Bài văn tham khảo 3:

Phân tích bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

  • Mở bài:

Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nữ thi sĩ nổi tiếng trong nền văn học trung đại Việt Nam. Bà để lại không nhiều tác phẩm, nhưng thơ của bà mang phong vị trang nhã, hoài cổ, thể hiện nỗi niềm tâm sự sâu lắng. Bài thơ Qua Đèo Ngang là một tác phẩm tiêu biểu, thể hiện tâm trạng cô đơn, hoài cảm của tác giả khi đặt chân đến một miền đất xa lạ.

  • Thân bài:

Bài thơ được sáng tác khi Bà Huyện Thanh Quan đi ngang qua Đèo Ngang – một địa danh hiểm trở, hoang sơ, nằm giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Bài thơ thể hiện nỗi cô đơn, lẻ loi của nhà thơ trước cảnh thiên nhiên hoang vắng, đồng thời bộc lộ tâm trạng hoài niệm về quá khứ vàng son của đất nước.

Hai câu thơ đầu mở ra không gian hùng vĩ nhưng hoang sơ:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Khung cảnh Đèo Ngang lúc hoàng hôn hiện lên trong ánh sáng hiu hắt cuối buổi chiều – thời điểm gợi nhiều cảm xúc bâng khuâng, man mác. Cảnh vật hiện lên với hình ảnh “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” cho thấy sự đan xen, hoang sơ của thiên nhiên. Không có dấu hiệu của con người, không gian càng trở nên tĩnh lặng, tạo cảm giác cô đơn.

Hai câu tiếp theo khắc họa dấu vết sự sống của con người nhưng nhỏ bé, lạc lõng:

Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Hình ảnh con người xuất hiện nhưng nhỏ bé và thưa thớt: “tiều vài chú”, “chợ mấy nhà”. Những từ láy “lom khom”, “lác đác” càng nhấn mạnh sự đơn độc, vắng vẻ của không gian. Dù có sự sống nhưng không đủ để xua tan nỗi cô quạnh mà cảnh vật mang lại.

Trong không gian vắng lặng, nỗi niềm hoài cổ và cô đơn choáng lấy tâm hồn của người lữ khách:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Tiếng chim “quốc quốc”“gia gia” không chỉ là âm thanh của thiên nhiên mà còn gợi lên nỗi nhớ nước, thương nhà của tác giả. Cách sử dụng điệp từ và nhân hóa khiến tiếng chim trở thành tiếng lòng, thể hiện nỗi sầu vương vấn, nỗi đau về vận mệnh đất nước và gia đình.

Kết thúc bài thơ là âm trạng lữ khách cô đơn trước bao la vũ trụ:

Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Hình ảnh “trời, non, nước” rộng lớn nhưng con người lại đơn độc giữa thiên nhiên bao la. “Một mảnh tình riêng ta với ta” thể hiện sự cô đơn đến tột cùng. Không có ai để sẻ chia, tác giả chỉ còn lại chính mình với nỗi niềm riêng tư.

  • Kết bài:

Bài thơ Qua Đèo Ngang không chỉ là bức tranh thiên nhiên đẹp nhưng buồn mà còn là bức tranh tâm trạng đầy hoài niệm, cô đơn của Bà Huyện Thanh Quan. Với ngôn ngữ tinh tế, giàu hình ảnh và cảm xúc, bài thơ thể hiện nỗi niềm của một người xa quê, đồng thời gợi lên tâm trạng chung của những con người sống trong thời kỳ xã hội phong kiến suy tàn.

»»» Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang