Phân tích bài thơ “Cảnh chiều hôm” của Bà Huyện Thanh Quan

phan-tich-bai-tho-chieu-hom-nho-nha-cua-ba-huyen-thanh-quan

PHÂN TÍCH NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT BÀI THƠ “CẢNH CHIỀU HÔM” CỦA BÀ HUYỆN THANH QUAN

CẢNH CHIỀU HÔM

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẩn trống đồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

(Bà Huyện Thanh Quan, Dẫn theo SGK Văn 8 NXBGD)

Dàn bài 1:

I. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Bà Huyện Thanh Quan: Một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam, nổi tiếng với giọng thơ trang nhã, hoài cổ, đượm buồn.

– Giới thiệu bài thơ “Cảnh chiều hôm” (có bản ghi là “Buổi chiều lữ thứ”, “Chiều hôm nhớ nhà”): Là một trong những bài thơ tiêu biểu của bà, thể hiện nỗi nhớ nhà da diết, tâm trạng cô đơn, lẻ loi của người lữ khách giữa thiên nhiên rộng lớn.

II. Thân bài:

1. Giới thiệu khái quát về bài thơ:

– Thể loại: Thất ngôn bát cú Đường luật.

– Hoàn cảnh sáng tác: Bà Huyện Thanh Quan viết “Cảnh chiều hôm” trong một buổi chiều trên hành trình xa quê, thể hiện tâm trạng cô đơn, nhớ nhà của tác giả.

– Giá trị nội dung: Bài thơ vừa khắc họa bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà, vừa bộc lộ tâm trạng buồn man mác, nhớ quê hương da diết của người xa xứ.

– Giá trị nghệ thuật: Ngôn từ trang nhã, hình ảnh gợi cảm, sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc.

2. Phân tích chi tiết bài thơ:

a. Phân tích nội dung bài thơ:

– Hai câu đề: Không gian rộng lớn, thời gian gợi buồn

“Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn”

+ “Trời chiều” “bóng hoàng hôn”: Thời điểm giao thoa giữa ngày và đêm, gợi nỗi buồn, sự cô đơn, lẻ loi.

+ “Bảng lảng”: Từ láy giàu tính tượng hình, diễn tả trạng thái mờ ảo, nhập nhòe của cảnh vật.

+ Âm thanh trong không gian: Tiếng ốc (kèn) và tiếng trống dồn tạo nên sự đối lập giữa xa và gần, gợi cảm giác xa xôi, vời vợi, làm nỗi nhớ nhà càng thêm da diết.

→ Hai câu thơ đã vẽ nên một bức tranh chiều tà nhuốm màu cổ kính, trầm lắng. Hình ảnh gợi một không gian mơ hồ, mờ ảo, vừa thực vừa hư tạo cảm giác buồn man mác. Âm thanh cuộc sống bình dị như vọng lại từ nơi xa xăm, càng làm không gian thêm phần tĩnh lặng nhưng lại gợn chút lo âu, thấp thỏm. Cách dùng từ láy “xa đưa”, “vẳng” rất tinh tế, khiến âm thanh như loãng vào không gian, tăng thêm nét buồn u hoài và cảm giác về một buổi chiều vắng vẻ, lạnh lẽo. Hai câu thơ vừa tả cảnh vừa gợi tình, khéo léo kết hợp giữa thị giác và thính giác, thể hiện tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến trước sự đổi thay của thiên nhiên và lòng người.

– Hai câu thực: Cảnh vật hiu quạnh, cô đơn

“Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn”.

Hình ảnh con người trong bức tranh chiều tà:

+ Ngư ông gác mái chèo: Gợi hình ảnh người dân chài nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, tạo cảm giác bình dị.

+ Mục tử (người chăn trâu) gõ sừng: Tiếng gõ sừng thay cho tiếng sáo, gợi sự lặng lẽ, đơn côi.

+ Hai câu thơ sử dụng thủ pháp tả cảnh ngụ tình: Cảnh thiên nhiên tuy có người nhưng vẫn tĩnh lặng, hiu quạnh, phản ánh tâm trạng cô đơn của tác giả.

→ Hai câu thơ đã vẽ nên một bức tranh sinh hoạt bình dị của làng quê lúc chiều muộn. Con người sau một ngày lao động trở về với mái ấm gia đình vừa đơn sơ, mộc mạc vừa mang chút gì đó thong thả, bình yên. Tiếng “gõ sừng” của trẻ chăn trâu vang vọng trong không gian chiều tàn càng làm nổi bật sự vắng lặng, đơn sơ của “cô thôn” (ngôi làng nhỏ, vắng vẻ). Cả hai câu thơ sử dụng nghệ thuật đối rất chỉnh: “ngư ông” đối với “mục tử”, “viễn phố” đối với “cô thôn”, vừa cân xứng về hình thức, vừa hài hòa về ý nghĩa. Không chỉ tả cảnh đẹp thanh bình, thơ còn gợi được nhịp sống yên ả, đậm màu sắc thôn quê xưa.

– Hai câu luận: Không gian núi non hoang vắng

“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn”.

+ “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”: Hình ảnh cánh chim mệt mỏi trong chiều muộn gợi lên sự xa xôi, cô độc.

+ “Dặm liễu sương sa”: Cây liễu thường gợi buồn, kết hợp với sương sa tạo nên khung cảnh nhạt nhòa, lạnh lẽo.

+ “Khách bước dồn”: Hình ảnh người lữ khách vội vã bước đi trong sương chiều, như muốn nhanh chóng trở về nhà nhưng vẫn xa vời vợi.

→ Hai câu thơ thể hiện tâm trạng mệt mỏi, nỗi cô đơn và nỗi nhớ nhà tha thiết của tác giả.Hai câu thơ mở ra một khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, khoáng đạt nhưng cũng nhuốm màu buồn bã, vội vã. Không gian núi rừng trập trùng trong cơn gió lộng, cánh chim chiều mệt mỏi vừa gợi cái bao la của không gian vừa ngầm diễn tả sự nhọc nhằn, mỏi mệt của thiên nhiên và lòng người. Trên dặm đường xa, người lữ khách bơ vơ, lạc lõng. Hình ảnh yếu đuối, mơ hồ làm tăng thêm vẻ mờ ảo, lạnh lẽo của không gian, gợi sự vội vàng, gấp gáp của lữ khách giữa tiết trời giá lạnh và đường sá xa xôi. Hai câu thơ phối hợp nhuần nhuyễn giữa tả cảnh và gợi tình: cảnh vật thiên nhiên rộng lớn nhưng hoang vắng, mệt mỏi, đồng thời phản ánh tâm trạng ngậm ngùi, vội vã và cô đơn của con người khi lữ hành nơi xứ lạ.

– Hai câu kết: Nỗi nhớ nhà da diết

“Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”.

+ “Kẻ chốn trang đài”: chỉ người ở nơi lầu son gác tía, gợi hình ảnh nhàn nhã nhưng cô quạnh, nhớ mong.

+ “Người lữ thứ”: Chỉ tác giả – người xa quê, cô đơn trên hành trình phiêu bạt.

+ “Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”: Câu hỏi tu từ diễn tả sự cô đơn tột cùng, không có ai để sẻ chia tâm tư, nỗi nhớ quê hương càng thêm sâu đậm.

→ Hai câu thơ đã gợi lên một nỗi buồn chia xa, cô đơn và lạnh lẽo trong cảnh ngộ cách biệt. Người ở nơi lầu son gác tía, gợi hình ảnh nhàn nhã nhưng cô quạnh, ngày đêm nhớ mong; còn kẻ bôn ba xứ lạ, gió sương vất vả. Sự đối lập về hoàn cảnh (một bên yên ổn, một bên phiêu bạt) càng làm nổi bật nỗi cô đơn chung mà cả hai phải gánh chịu. Câu thơ cuối chất chứa nỗi niềm thấm thía: cái lạnh lẽo không chỉ là giá rét của thời tiết, mà còn là cái lạnh trong tâm hồn khi vắng bóng tri âm, không người sẻ chia. Từ “hàn ôn” (lạnh giá) được dùng rất tinh tế, vừa tả thực vừa gợi tình cảm. Nhìn chung, hai câu thơ thấm đẫm tâm trạng buồn thương, cô đơn, thể hiện sâu sắc nỗi nhớ nhung, khắc khoải của con người trong cảnh chia lìa.

– Phân tích giá trị nghệ thuật:

+ Bài thơ sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật rất chuẩn mực, với kết cấu chặt chẽ, nhịp điệu hài hòa, thể hiện khả năng vận dụng thi luật tinh tế của tác giả.

+ Từ ngữ giàu sức gợi cảm và tạo hình. Các động từ như “bảng lảng”, “gác mái”, “gõ sừng”, “gió cuốn”, “sương sa”… đều gợi ra những chuyển động nhẹ nhàng mà sâu sắc, góp phần làm cho cảnh vật hiện lên sinh động, chân thực nhưng vẫn thấm đẫm chất thơ.

+ Hình ảnh thơ giàu sức gợi tả. Bài thơ phối hợp nhuần nhuyễn giữa cảnh và tình. Cảnh vật buổi chiều vừa rộng lớn (ngàn mai, dặm liễu), vừa gần gũi (gác mái thuyền, mục đồng về làng), thấm đượm không khí hoang vắng, man mác buồn. Những chi tiết đời thường (tiếng ốc, trống đồn, tiếng gõ sừng) được miêu tả khéo léo, góp phần làm bức tranh chiều quê vừa thực vừa mộng.

+ Nghệ thuật đối ngẫu rất nhịp nhàng và chuẩn chỉnh: “Gác mái” đối với “Gõ sừng”, “Ngư ông” đối với “Mục tử”, “Ngàn mai” đối với “Dặm liễu”, “Kẻ chốn trang đài” đối với “Người lữ thứ”..., cho thấy tài nghệ điêu luyện trong cách vận dụng thủ pháp cổ điển.

+ Bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Bài thơ khéo léo gợi tình qua cảnh, gửi gắm nỗi niềm cô đơn, lạnh lẽo và khắc khoải trong tâm hồn con người khi đối diện với thiên nhiên mênh mông và cuộc đời chia biệt.

III. Kết bài:

– Khẳng định: Bài thơ “Cảnh chiều hôm” vừa vẽ nên một bức tranh thiên nhiên buổi chiều buồn, vừa thể hiện nỗi nhớ nhà, nỗi cô đơn của người lữ khách xa quê. Tác phẩm thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa hình thức nghệ thuật chặt chẽ, ngôn từ tinh tế và chiều sâu tâm trạng, tạo nên một thi phẩm vừa đẹp về cảnh, vừa sâu về tình.

– Ý nghĩa thời đại: Dù được sáng tác từ thế kỷ XIX, nhưng bài thơ vẫn mang giá trị sâu sắc về tâm trạng hoài cổ, nỗi nhớ nhà mà ai cũng có thể đồng cảm.

Dàn bài 2:

I. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Bài thơ “Cảnh chiều hôm” là tác phẩm tiêu biểu của Bà Huyện Thanh Quan.

– Khái quát về nội dung và nghệ thuật: Bài thơ gợi lên nỗi buồn thương, nhớ nhà của người lữ khách (người đi xa) ở nơi đất khách quê người khi buổi chiều dần buông xuống. Với ngôn ngữ tinh tế, cổ kính, bài thơ làm rung động trái tim người đọc bao thế hệ.

II. Thân bài:

1. Phân tích nội dung bài thơ

– Hai câu đề:

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,

Tiếng ốc xa đưa lẩn trống đồn.

+ “Chiều trời bảng lảng”: buổi chiều nhạt nắng, mờ mịt, gợi nên khung cảnh mờ mịt, mông lung, không rõ nét – tạo không khí buồn man mác của buổi hoàng hôn Thời gian gợi nhớ thương về quê nhà, người thân, cảm giác muốn đoàn tụ.

+ “Tiếng ốc xa đưa”“trống đồn” là những âm thanh quen thuộc trong đời sống xưa – âm thanh vang vọng từ xa, càng làm rõ nét sự cô tịchgợi cảm giác xa cách.

→ Hai câu mở đầu vẽ nên khung cảnh không gian của một quê yên bình, xa lạ trong buổi chiều tàn, tạo nên nền cho tâm trạng nhớ nhà, buồn bã, cô đơn của người lữ khách (nhân vật trữ tình).

– Hai câu thực:

“Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn”.

Gác mái”: gác mái chèo, kết thúc công việc đánh cá của một ngày.

ngư ông: người đánh cá.

viễn phố: làng xa.

– Gõ sừng: hành động gõ vào sừng trâu.

mục tử: Trẻ chăn trâu.

cô thôn: xóm nhỏ.

Miêu tả hình ảnh làng quê trong buổi chiều buông xuống, mọi người (người chài lưới, trẻ chăn trâu) đều trở về với ngôi nhà của mình. Còn lữ khách thì vẫn bơ vơ.

– Hai câu này sử dụng cặp hình ảnh đối xứng: “ngư ông” – “mục tử”, “viễn phố” – “cô thôn”.

Thủ pháp đối lập càng làm tăng thêm nỗi buồn bã, hiu quạnh, nhớ thương của người lữ khách. Chính điều đó lại làm nổi bật nỗi cô đơn, cảm giác tha hương của người lữ khách – trong khi người khác có nơi để trở về nương tựa khi màn đêm buông xuống thì người lữ khách vẫn còn lẻ loi nơi đất khách quê người.

Hai câu luận:

“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn”.

– Ngàn mai: rừng mai → chỉ khoảng cách rất lớn

Gió cuốn: gợi lên sự chia lìa.

Chim bay mỏi: cánh chim đã mỏi mệt nhưng chưa tìm được chốn nghỉ trong khi chiều đã muộn .

Buổi chiều dần tắt, đêm dần buông xuống, cánh chim đã mỏi mà rừng thì còn ở xa. Người lữ khách trong buổi chiều chưa tìm được chốn nghỉ → lo lắng, buồn bã.

Dặm liễu: người phụ nữ yếu đuối trên bước đường xa → chỉ nhà thơ

Sương sa: không gian lạnh lẽo.

Khách bước dồn: bước chân vội vã.

→ Cảnh vừa thực mà vừa không thực. Người lữ khách đã mệt mỏi, mà thôm xóm hãy còn xa. Chợt nhiên thấy buồn thêm → gợi thân phận bơ vơ, lạc lõng của tác giả trên hành trình vào phương Nam. 

Hai câu kết:

Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

Chốn trang đài: nơi bình yên, ấm áp, cao sang.

Người lữ thứ: người nói phương xa lạ.

– Câu thơ đầy nỗi niềm: người ở “trang đài” (ý chỉ quê nhà, nơi yên ấm) thì cách biệt với người “lữ thứ” (kẻ xa quê).

– Câu hỏi tu từ “Lấy ai mà kể…” thể hiện nỗi cô đơn đến tột cùng, tâm trạng u uẩn, nỗi nhớ không biết tỏ cùng ai của nhà thơ.

2. Nghệ thuật nổi bật:

– Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với niêm, luật, đối rất chỉn chu, cân đối, hài hòa.

– Sử dụng ngôn từ mang màu sắc cổ điển, hình ảnh gợi tả, gợi cảm.

– Thủ pháp tả cảnh ngụ tình: tác giả đã khéo léo lồng ghép cảm xúc cá nhân trong cảnh vật thiên nhiên.

– Sử dụng từ láy, từ Hán Việt góp phần tạo chất trang nhã, trầm lắng, gợi hình, gợi cảm.

– Câu hỏi tu từ: “Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?” giàu sức gợi cảm và âm hưởng.

III. Kết bài:

– Qua bài thơ “Cảnh chiều hôm”, tác giả không chỉ bộc lộ nỗi cô đơn của người tha hương mà còn gợi nên những suy ngẫm sâu xa về kiếp người, thời cuộc, và thân phận con người trong xã hội phong kiến. Với ngôn ngữ tinh tế, hình ảnh thơ cổ kính, bài thơ đã chạm đến trái tim bao thế hệ độc giả.

Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nữ thi sĩ hiếm hoi của nền văn học trung đại Việt Nam. Bà nổi tiếng với những bài thơ đường luật trang nhã, mang nặng nỗi niềm hoài cổ và tâm trạng u hoài trước cảnh sắc thiên nhiên. “Cảnh chiều hôm” là một trong những bài thơ tiêu biểu thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của bà trong hành trình xa xứ. Bài thơ không chỉ là bức tranh thiên nhiên đầy cảm xúc mà còn phản ánh tâm trạng cô đơn, khắc khoải của một người phụ nữ tài hoa trước thời thế đổi thay.

  • Thân bài:

1. Giới thiệu khái quát về bài thơ

– “Cảnh chiều hôm” là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, đặc trưng bởi bố cục chặt chẽ và cách sử dụng hình ảnh tinh tế. Qua bài thơ, Bà Huyện Thanh Quan đã tái hiện khung cảnh thiên nhiên lúc chiều tà và gửi gắm vào đó nỗi nhớ nhà sâu sắc, nỗi niềm tâm tư của người lữ khách xa quê.

– Bài thơ là một minh chứng rõ nét cho tài năng và phong cách thơ trang nhã, hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan, đồng thời cũng là một tiếng lòng chung của những người con xa quê, luôn mong mỏi một ngày được trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

2. Phân tích nội dung bài thơ

a. Hai câu đề: Khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng và u buồn

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẩn trống đồn.

Bài thơ mở đầu bằng một không gian mênh mông, vắng lặng vào buổi chiều tà. Cụm từ “bảng lảng bóng hoàng hôn” gợi tả sắc trời nhập nhoạng lúc chiều xuống, khi ánh sáng yếu dần nhường chỗ cho màn đêm. Từ “bảng lảng” không chỉ miêu tả cảnh vật mà còn thể hiện tâm trạng mơ hồ, man mác của nhân vật trữ tình.

Bên cạnh đó, âm thanh “tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn” tạo nên một bức tranh âm thanh đặc sắc. Tiếng ốc và tiếng trống đều là những âm thanh quen thuộc của buổi chiều trong xã hội phong kiến xưa, gợi lên sự vội vã, hối hả, càng làm tăng thêm cảm giác cô đơn của người xa xứ.

b. Hai câu thực: Cảnh vật hoang sơ, gợi nỗi buồn xa xứ

Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

Hai câu thực tiếp tục mở rộng bức tranh thiên nhiên buổi chiều nhưng nay đã có sự xuất hiện của con người. Hình ảnh “ngư ông về viễn phố” gợi lên khung cảnh một lão ngư phủ chèo thuyền về bến sau một ngày dài lao động. “Mục tử” (người chăn trâu) thong thả gõ sừng trâu, đưa đàn trâu về làng khi hoàng hôn buông xuống. Những hình ảnh này tuy có sự sống động nhưng lại gợi lên sự lẻ loi, xa cách, càng làm nổi bật tâm trạng cô đơn của nhân vật trữ tình.

c. Hai câu luận: Nỗi nhớ nhà qua hình ảnh thiên nhiên

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.

Hình ảnh “chim bay mỏi” gợi lên sự mệt mỏi, rã rời, như chính tâm trạng của con người khi phải sống xa quê. Cánh chim cũng giống như tâm hồn người lữ khách, mỏi mệt trên chặng đường dài, luôn hướng về tổ ấm nhưng vẫn chưa thể về được. Trong khi đó, “dặm liễu sương sa” gợi lên cảnh sắc thiên nhiên lạnh lẽo, phủ đầy sương, càng tô đậm thêm cảm giác hiu quạnh, cô đơn.

d. Hai câu kết: Tâm trạng hoài cổ và nỗi nhớ quê da diết

Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

Hai câu kết mang đậm nỗi niềm hoài cổ. “Kẻ chốn trang đài” chỉ những người ở chốn xa hoa, quyền quý, có cuộc sống an nhàn, ấm áp. “Người lữ thứ” là hình ảnh nhân vật trữ tình – một người đang phiêu bạt, sống trong cảnh tha hương, cô độc. Hình ảnh “Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ” càng nhấn mạnh sự chia xa, cô đơn, không chỉ giữa con người với quê hương mà còn giữa những người thân yêu. Bà như một người xa lạ, lạc lõng giữa cuộc đời.

Câu hỏi tu từ: “Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?” gợi sự cô đơn, thiếu vắng người tâm sự, thể hiện sự bế tắc, trống trải: Khi sống xa quê, không có người thân bên cạnh, nỗi buồn biết san sẻ cùng ai?

Hai câu thơ kết đã khép lại bài thơ trong một không gian đầy hoài niệm và nỗi buồn xa quê. Nhân vật trữ tình cảm thấy lẻ loi, cô đơn, không tìm được ai để chia sẻ tâm tư. Qua đó, bài thơ không chỉ thể hiện nỗi nhớ quê hương mà còn phản ánh tâm trạng của những con người tài hoa nhưng cô đơn trong thời đại phong kiến.

3. Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ

Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật giúp bài thơ có bố cục chặt chẽ, nhịp nhàng, thể hiện rõ từng cung bậc cảm xúc. Sử dụng từ ngữ gợi tả tinh tế như “bảng lảng”, “sương sa”, “gió cuốn” để khắc họa không gian và tâm trạng một cách chân thực. Hình ảnh thơ giàu sức gợi với những chi tiết thiên nhiên kết hợp hài hòa giữa cảnh và tình, thể hiện tâm trạng cô đơn và nỗi nhớ quê. Biện pháp đối ngẫu được sử dụng linh hoạt ở hai câu thực và hai câu luận, tạo nên sự cân đối và nhấn mạnh nội dung bài thơ.

4. Ý nghĩa của bài thơ

“Cảnh chiều hôm” không chỉ là bài thơ miêu tả thiên nhiên mà còn là tiếng lòng của một người phụ nữ tài hoa, giàu tình cảm nhưng lại phải chịu cảnh xa quê, sống trong cô đơn và hoài niệm. Tác phẩm thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết, đồng thời phản ánh tâm trạng chung của con người trong xã hội phong kiến xưa, khi những giá trị truyền thống đang dần phai nhạt trước thời thế đổi thay.

Bài thơ cũng góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học trung đại Việt Nam, đặc biệt là dòng thơ hoài cổ với những áng thơ tinh tế, sâu lắng. Qua đó, ta cảm nhận được tấm lòng tha thiết của Bà Huyện Thanh Quan đối với quê hương, cũng như sự nhạy cảm, tinh tế trong tâm hồn nữ sĩ.

  • Kết bài:

“Cảnh chiều hôm” là một bài thơ đầy xúc động, thể hiện sâu sắc nỗi nhớ quê hương của người lữ khách xa xứ. Với những hình ảnh thiên nhiên tinh tế, giàu sức gợi, kết hợp với bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, Bà Huyện Thanh Quan đã thành công trong việc khắc họa tâm trạng cô đơn, khắc khoải của con người trong xã hội phong kiến. Tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khiến người đọc hôm nay vẫn không khỏi bồi hồi trước nỗi niềm của người xưa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang