Hướng dẫn viết đoạn văn/bài văn phân tích, cảm nhận đoạn thơ, bài thơ (Tuyển sinh 10)

huong-dan-viet-doan-van-bai-van-doan-van-phan-tich-cam-nhan-tac-pham-tho-tuyen-sinh-10

I. Khái quát về dạng đề nghị luận văn học

STTCác dạng đề bàiVí dụ
1Phân tích/Cảm nhận về một tác phẩm thơ

⇒ Dạng đề cơ bản nhất.

– Phân tích bài “Tiếng đàn mưa” của Bích Khê
2Phân tích khía cạnh của một vấn đề trong bài viết– Cảm nhận của em về hình ảnh người chiến sĩ trong thi phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu

II. Yêu cầu của bài văn phân tích/cảm nhận một tác phẩm thơ

– Xác định được thể thơ: thể loại thơ hiện đại khá đa dạng có thể là bốn chữ, bảy chữ, tự do….

– Giới thiệu khái quát về tác giả và bài thơ (nhan đề, đề tài, thể thơ,…); nêu cảm nhận chung của người viết về bài thơ.

– Phân tích được ý nghĩa nội dung chủ đề của bài thơ (đặc điểm của hình tượng thiên nhiên, con người; tâm trạng, tình cảm của nhà thơ); khái quát chủ đề bài thơ.

– Phân tích được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (một số yếu tố các biện pháp nghệ thuật hay được sử dụng như: So sánh, nhân hoá, ẩn dụ…), ngôn ngữ mang tiếng nói đời sống, ít tính hàn súc, trang nhã trong thơ Trung Đại.

– Khẳng định được vị trí, ý nghĩa của bài thơ.

– Tình cảm, suy nghĩa của bản thân về vấn đề được nói đến bài thơ.

III. Hướng dẫn quy trình viết

  • Bước 1: Phân tích đề
  • Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
  • Bước 3: Viết bài
  • Bước 4: Đọc lại và soát lỗi

* Các bước tiến hành:

Bước 1: Phân tích đề

– Vấn đề nghị luận: đề bài yêu cầu làm rõ điều gì? (thường nằm sau chữ “về…”, “cảm nhận của em về…”, “phân tích về…”)

– Phạm vi phân tích: những khổ thơ nào, đoạn trích nào, nhân vật nào… cần phân tích

Ví dụ 1: Phân tích bài thơ “Người tử sĩ” của Nguyễn Đình Thi sau đây:

Mũ sắt mờ trong sương phủ
Anh nằm yên như ngủ say
Máu thấm đầy manh áo cũ
Nửa đường anh ngã xuống đây
Để anh trên sườn núi vắng
Không biết có bao giờ trở lại
Một ngày về tìm anh ở đâu
Giữa rừng nghìn lối cỏ lau
Nắm súng chào anh lần cuối
Chúng tôi lại đi mê mải
Nắng lên nhuộm đỏ hàng cây
Véo von những tiếng chim rừng.
 

⇒ Vấn đề nghị luận: Nội dung và nghệ thuật của bài thơ

⇒  Phạm vi phân tích: Cả bài thơ

Ví dụ 2: Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ “Hương lúa” của Trương Thị Anh:

Nồng nàn hương lúa đồng quê
Ngày mùa vất vả lúa về đầy sân
Đồng xa cho đến ruộng gần
Lúa vàng trải thảm hương nồng cốm quê
Cò vui sải cánh bay về
Tình quê hương lúa như mê hoặc lòng
Bóng ai ngả lộng trên đồng
Hiu hiu gió thổi tóc bồng bềnh bay
Cánh đồng lộng gió chiều nay
Lâng lâng bỗng thấy như say cảnh làng.

⇒  Vấn đề nghị luận: Bức tranh thiên nhiêntrong bài thơ.

⇒  Phạm vi phân tích: 6 câu thơ đầu trong bài thơ “Hương lúa”

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý:

Cách xác định bố cục:

+ Cách 1: Chia bố cục theo cách cắt ngang từng phần của bải thơ (4 câu thành 1 phần hoặc 3 câu thành một phần dựa vào nội dung)

+ Cách 2: Bổ dọc phân tích theo hình ảnh thơ (Vẫn dựa vào nội dung, tuy nhiên không cần phân tích lần lượt thơ câu thơ từ trên xuống dưới)

Cách xác định nội dung chính và một số biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ:

+ Chia tách bài thơ thành các phần và xác định nội dung chính của từng phần.

+ Tìm những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ (và gạch chân (thông thường bài thơ hiện đại sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật: So sánh, ẩn dụ, điệp từ, nhân hoá…cần chú ý vào các biện pháp này)

Lập dàn ý:

I. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

II. Thân bài:

– Luận điểm 1: Giới thiệu qua về hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề của bài thơ.

– Luận điểm 2,3,4…: Phân tích, làm sáng tỏ giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

– Luận điểm 5: Đánh giá nội dung và nghệ thuật.

III: Kết bài: Khẳng định lại vấn đề + Cảm nhận, suy nghĩ của bản thân về chủ đề nghị luận.

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Chiếc bóng thu vàng” của Võ Anh Tài:

Thu về khi lá còn non
Gió hiu hiu lạnh làm con nhớ nhiều
Dáng Mẹ gầy gò thân yêu
Áo nâu trăm mảnh sớm chiều gian nanMẹ chưa được phút thanh nhàn
Cơm thì khoai độn với ngàn đắng cay
Cái nghèo quanh quẩn đâu đây
Bữa kia còn thiếu bữa này đã sang
Đời như chiếc bóng thu vàng
Chợ khuya quang gánh nhịp nhàng Mẹ rao
Vang xa từng tiếng ngọt ngào
Dứt câu nghe lệ dâng trào… ai hay.

Cách 1: Phân tích theo bố cục 3 phần:

  • 4 Câu đầu: Mùa thu gợi nhớ mẹ
  • 4 Câu sau: Tái hiện sự vất vả của người mẹ
  • 4 câu cuối: Chiệm nghiệm, suy tư về lẽ đời

* Lưu ý: HS nên làm bài theo phương pháp này để phân tích dễ nhất và không bị sót ý.

– Cách 2: Bổ dọc phân tích theo hình ảnh thơ (Vẫn dựa vào nội dung, tuy nhiên không cần phân tích lần lượt thơ câu thơ từ trên xuống dưới)

Ví dụ: Nêu cảm nhận của em về bài thơ “Thơm mùi hoa sữa” của Đình Khải.

Em đừng tiếc những cánh hoa lộc vừng
Đã rơi xuống, rắc hồng trên hè phố
Bởi em ơi, cuộc đời là thế
Cái cũ qua đi, cho cái mới sinh sôi.
Em nhìn kìa hoa sữa đã nở rồi
Cho mùi hương dịu dàng bay khắp ngõ
Mùi hoa sữa đã thoảng qua cửa sổ
Như ru ta vào giấc ngủ đêm Đông.

Bố cục: 2 phần

– Hình ảnh về thiên nhiên trong bài thơ:

  • Em đừng tiếc những cánh hoa lộc vừng
  • Đã rơi xuống, rắc hồng trên hè phố
  • Em nhìn kìa hoa sữa đã nở rồi
  • Cho mùi hương dịu dàng bay khắp ngõ

– Thông điệp về cuộc sống được gửi gắm qua bài thơ:

  • Bởi em ơi, cuộc đời là thế
  • Cái cũ qua đi, cho cái mới sinh sôi.
  • Mùi hoa sữa đã thoảng qua cửa sổ
  • Như ru ta vào giấc ngủ đêm Đông.

* Lưu ý: Cách này khó, khi phân tích hay bị sót ý, cần thời gian nghiên cứu lâu, không phù hợp khi thi HSG trong khoảng thời gian nhanh.

Xác định nội dung chính và một số biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ.

  • Bước 1: Chia tách bài thơ thành các phần và xác định nội dung chính của từng phần.

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Về thăm vườn Bác” của Nguyễn Đức Mậu?

Về thăm nhà Bác, làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng
Có con bướm trắng lượn vòng
Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời.
Ngôi nhà thuở Bác thiếu thời
Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa
Chiếc giường tre quá đơn sơ
Võng gai ru mát những trưa nắng hè.
Làng Sen như mọi làng quê
Ngôi nhà lẫn với hàng tre bóng tròn.
Kìa hàng hoa đỏ màu son,
Kìa con bướm trắng chập chờn như mơ.

– Xác định nội dung ba phần:

  • Bốn câu đầu:Hình ảnh làng Sen trong bước chân đầu tiên về thăm quê Bác của tác giả
  • Bốn câu sau: Hình ảnh căn nhà đơn sơ nơi Bác sống
  • Bốn câu cuối: Hình ảnh làng quê Việt Nam qua bức tranh làng Sen

Bước 2.1: Tìm những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ

(Thông thường bài thơ hiện đại sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật: So sánh, ẩn dụ, điệp từ, nhân hoá…cần chú ý vào các biện pháp này)

Ví dụ: Hãy cảm nhận về các câu thơ sau trong bài Về thăm nhà Bác”  của Nguyễn Đức Mậu.

⇒ Nghệ thuật:

  • Liệt kê: “hàng râm bụt”, “bướm trắng”, “ổi”, “mái lá”, “giường tre”…
  • Điệp từ: “có”.
  • Ẩn dụ: “Hàng dâm bụt thắp lên lửa hồng”, “ổi chín vàng ong sắc trời”…
  • So sánh: “Làng Sen” với “mọi làng quê”, Điệp lại hình ảnh: “Cánh bướm trăng”, “hoa đỏ”…

Bước 2: Từ việc tìm được nghệ thuật ta bám sát vào đó phân tích diễn giải ra nội dung kết hợp với lời văn của bản thân thì sẽ có được 1 đoạn văn hoàn chỉnh không bị diễn xuôi.

(Nguyên tắc trong văn học nghệ thuật luôn đi nhấn mạnh nội dung, làm cho nội dung sáng tổ và hay hơn)

Ví dụ: Hãy cảm nhận về các câu thơ sau trong bài Về thăm nhà Bác” của Nguyễn Đức Mậu

Nghệ thuật:

  • Liệt kê: “hàng râm bụt”, “bướm trắng”, “ổi”, điệp từ “có”: Gợi lên nét đặc trưng của quê hương, giản dị, chân thực. Màu sắc tươi sáng, có hương thơm phảng vào trong gió.
  • Ẩn dụ: Hàng dâm bụt thắp lên lửa hồng, ổi chín vàng ong sắc trời: Hình ảnh rực rỡ, dạt dào sức sống, làm tâm điểm của mọi ánh nhìn, bức tranh làng quê tươi sáng.
  • Liệt kê:mái lá”, “giường tre”: Hiện lên căn nhà đơn sơ, giản dị gắn với tuổi thơ của Bác.
  • Nhân hoá: “Võng gai ru”: Tựa con người, có linh hồn, tình cảm giống như người mẹ ru con ngủ mỗi đêm.
  • Ẩn dụ:Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa”: Sự mạnh mẽ, cứng cỏi của ngôi nhà cũng như con người trước khó khăn, gian khổ.
  • So sánh: “Làng Sen” với “mọi làng quê”: kéo gần sự thiêng liêng, cao lớn với cái gần gũi thân thuộc.
  • Điệp lại hình ảnh: Cánh bướm trăng, hoa đỏ: Dấu ấn khó phai trong lòng nhà thơ

* Dàn ý tham khảo:

I. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và chủ đề nghị luận.

II. Thân bài:

1. Giới thiệu khái quát về hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề của bài thơ.

2. Phân tích ý nghĩa nội dung và giá trị nghệ thuật.

– Hình ảnh làng Sen trong bước chân đầu tiên về thăm quê Bác của tác giả.

+ Về thăm: như về nhà của chính mình, tạo sự gần gũi, thân quen.

+ Liệt kê “hàng râm bụt”, “bướm trắng”, “ổi”, điệp từ “có”: Gợi lên nét đặc trưng của quê hương, giản dị, chân thực. Màu sắc tươi sáng, có hương thơm phảng vào trong gió.

+ Ẩn dụ: Hàng dâm bụt thắp lên lửa hồng, ổi chín vàng ong sắc trời: Hình ảnh rực rỡ, dạt dào sức sống, làm tâm điểm của mọi ánh nhìn

⇒ Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, hài hòa

– Hình ảnh căn nhà đơn sơ nơi Bác sống:

+ Mái lợp: thô sơ, chống chọi qua bao bão giông, ghi dấu ấn tưởi thơ của Bác

+ Chiếc giường đơn sơ: giản dị như chính tính cách và con người Bác vậy

+ Võng gai: gợi bóng dáng thân quên của mẹ, ấm áp tình yêu thương

Biện pháp nhân hóa, ẩn dụ tạo nên tiếng thơ độc đáo, đặc biệt về căn nhà tuổi thơ của Bác

– Hình ảnh làng quê Việt Nam qua bức tranh làng Sen

+ So sánh: “Làng Sen” với “mọi làng quê” có tác dụng kéo gần sự thiêng liêng, cao lớn với cái gần gũi thân thuộc.

+ Hình ảnh: lũy tre gợi nhớ, gợi thương về làng quê Việt, là sức sống mạnh mẽ bền bĩ của mỗi con người Việt Nam

+ Điệp lại hình ảnh: Cánh bướm trăng, hoa đỏ: Dấu ấn khó phai trong lòng nhà thơ

⇒ Ấn tượng mạnh mẽ về quê hương của Bác trong trái tim nhà thơ

3. Đánh giá ý nghĩa nội dung và đặc sắc nghệ thuật.

– Nội dung:

– Nghệ thuật:

III. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề:

– Cảm nhận, suy nghĩa của bản thân vầ vấn đề nghị luận.

Bước 3: Viết bài

– Khi viết bài, cần bám sát dàn ý đã lập; sử dụng đa dạng các hình thức trích dẫn; kết hợp phân tích với nhận xét, đánh giá

– Sử dụng từ ngữ chính xác, chọn lọc; diễn đạt sáng rõ, thể hiện được cảm xúc của người viết

– Chú ý sự khác nhau về yêu cầu, mục đích của kiểu bài ghi lại cảm xúc sau khi đọc thơ và phân tích tác phẩm thơ

Bước 4: Đọc lại và soát lỗi

– Chú ý đọc lại những câu mở bài, thân bài, kết kết xem đã viết đúng, rõ ràng chưa.

– Soát lỗi chính tả.

– Nếu có lỗi cần sửa thì gạch đi sửa lại thật sạch sẽ.

IV. Phương pháp viết từng đoạn văn trong bài văn phân tích

1. Cách viết mở bài:

* Yêu cầu:

– Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề nghị luận, cần giới thiệu được tên tác giả, tác phẩm

– Đánh giá chung về cảm xúc, tình cảm đối với bài thơ.

b. Các cách viết mở bài.

  • Cách 1: Vận dụng kiến thức về quy luật sáng tạo nghệ thuật

Ví dụ: Âm nhạc là một phương tiện diệu kì xoa dịu mọi trái tim thương tổn, còn văn chương sẽ nâng đỡ chúng ta trên vạn dặm hành trình vượt qua những đau đớn, thổn thức. Thế nên, nếu nhà soạn nhạc thiên tài Bethoven dừng chân tại kiếp sống này và để lại cho đời khúc hào tấu sonanta “Ánh trăng” còn mãi với thời gian,  nhà văn Banzac trước khi về với đất mẹ, đã kịp lưu lại cho đời tác phẩm kinh điển “Tấn trò đời”. Thì hôm nay giữa dòng chảy khắc nghiệt, đầy giông bão ẩn mình trong bầu trời tươi xanh vẫn sẽ còn lưu lại bản tình ca đẹp đẽ, nhẹ nhàng, du dương mang tên “Hương lúa” của Trương thị Anh đi xuyên qua trái tim người đọc, để lại một lẽ sống cao cả của tâm hồn một bến đậu yên bình về quê hương tha thiết.

  • Cách 2: Dẫn dắt mang tính liên tưởng

Ví dụ: Có những bài thơ chỉ đi thoảng qua trí óc người đọc như một cơn gió, nhưng cũng có những thi phẩm đã neo lại vững chắc trong tâm hồn, trí tuệ người đọc, trụ mãi với thời gian, khiến trái tim ta thổn thức trong nỗi nhớ xanh thẳm của thi nhân. “Nghe thầy đọc thơ” của Trần Đăng Khoa là một tác phẩm tràn đầy lưu luyến như thế, để rồi dù cho thời gian đã qua đi rất lâu thì đến tận bây giờ những dòng thơ ấy vẫn cứ ngân vang trong tâm hồn ta như một khúc nhạc êm đềm về người thầy, khiến mỗi người chẳng thể nào quên.

2. Cách viết thân bài:

* Yêu cầu:

– Thân bài phải có hệ thống luận điểm rõ ràng, đầy đủ 3 luận điểm chính:

+ Luận điểm 1: Khái quát (bằng 1 đoạn văn)

+ Luận điểm 2: Phân tích ý nghĩa nội dung chủ đề và đặc sắc nghệ thuật (Bám sát vào bố cục, mỗi nội dung được chia trong bố cục ta căn cứ là một luận cứ để phân tích)

+ Luận điểm 3: Đánh giá (bằng 1 đoạn văn)

* Lưu ý: Thân bài bao gồm nhiều đoạn văn, mỗi đoạn làm rõ một nội dung nhất định (1 luận điểm hoặc 1 luận cứ, Luận điểm quan trọng nhất là luận điểm phân tích)

b. Cách viết:

  • Luận điểm 1: Nêu khái quát

Dẫn lí luận (Ngôn từ*): Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của một người làm thơ/viết văn. Người làm thơ/ viết văn cũng như người làm vườn vậy, muốn vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những bông hoa đẹp nhất thì phải bỏ nhiều tâm huyết, phải trải qua “những cơn địa chấn của tâm hồn” mới có thể tạo ra “những vang ngân” tựa như “những bước sóng” đến gõ cửa tâm hồn người đọc. Để tạo ra ……. , ….. cũng phải trải qua một quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc như vậy.

Hoặc dẫn lí luận: “Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu”. Để làm ra được một tác phẩm cho đời, nhà văn phải như “con ong chăm chỉ một giọt mật cho đời từ vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên). Gian khổ, khó nhọc, có khi cả những trăn trở của cảm xúc người nghệ sĩ mới có thể làm ra một tác phẩm cho cuộc đời. Và, tôi tin …… – đứa con tinh thần của … cũng được hình thành từ quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc như vậy.

Sau đó khái quát về: Tác giả, tác phẩm; hoàn cảnh sáng tác; nhan đề bài thơ để người đọc có cái nhìn về tổng thể, tạo tiền đề dẫn dắt sang luận điểm phân tích…

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Về thăm nhà Bác”

Về thăm nhà Bác, làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng
Có con bướm trắng lượn vòng
Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời.

Ngôi nhà thuở Bác thiếu thời
Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa
Chiếc giường tre quá đơn sơ
Võng gai ru mát những trưa nắng hè
.

Làng Sen như mọi làng quê
Ngôi nhà lẫn với hàng tre bóng tròn.
Kìa hàng hoa đỏ màu son,
Kìa con bướm trắng chập chờn như mơ.

* “Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu”. Để làm ra được một tác phẩm cho đời, nhà văn phải như “con ong chăm chỉ một giọt mật cho đời từ vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên). Gian khổ, khó nhọc, có khi cả những trăn trở của cảm xúc người nghệ sĩ mới có thể làm ra một tác phẩm cho cuộc đời. Và, tôi tin bài thơ “Về thăm Bác” – đứa con tinh thần của Nguyễn Đức Mậu cũng được hình thành từ quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc như vậy. Với giọng thơ tâm tình, thủ thỉ, chan chứa biết bao tình cảm thi nhân đã cho ta cái nhìn đầu tiên về nơi Bác ở: ngôi nhà lá đơn sơ, cảnh vật hữu tình đã làm lên tâm hồn phong phú của người lãnh tụ vĩ đại.

  • Luận điểm 2,3,4…: Phân tích, làm sáng tỏ giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

– Phân tích ý nghĩa nội dung chủ đề:  phân tích từng hình ảnh, từ ngữ, hành động, chi tiết trong bài thơ + mở rộng (liên hệ so sánh với các tác phẩm khác) nên phân tích từng câu, từng hình ảnh một theo thứ tự xuất hiện trong bài thơ để không bị xót ý.

– Phân tích đặc sắc nghệ thuật: Xác định những đặc sắc nghệ thuật của dẫn chứng đã phân tích, nêu tác dụng của từng biện pháp nghệ thuật xuất hiện trong bài (nên đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho những đặc sắc nghệ thuật đó), đánh giá về thể thơ, hình ảnh thơ, các dùng từ, nhịp điệu, các biện pháp tu từ, giọng điệu, tình cảm của tác giả…

Lưu ý: Bám sát cách lập dàn ý: Đi từ nghệ thuật ra nội dung, nghệ thuật nhằm nhấn mạnh nội dung.

Sau đó kết luận:

+ Dẫn dắt/tổng kết vấn đề (Hoa): Ai đó đã từng nói rằng: Hoa phong lữ ở lại giữa cuộc đời nhờ hương thơm của nó cuộc đời nhờ hương thơm của nó; chim sơn tước ở lại giữa cuộc đời nhờ tiếng hót vút cao của nó giữa dàn đồng ca của núi rừng. Cũng như vậy, một tác phẩm muốn neo đậu thật lâu trong tâm trí người đọc thì phải mang trong nó một sứ mệnh riêng. Và sứ mệnh của….. là đánh thức ……. 

+ Dẫn dắt/tổng kết vấn đề (Cá):Trong truyền thuyết, nếu cá chép muốn hoá rồng thì phải rút đi toàn bộ lớp vảy cá và vây cá trên người mình mới có thể thành kim long vút bay lên trời cao. Người Ai Cập tin rằng có môt loài chim nọ cũngphải tự đốt cháy mình, trải qua cơn đau thiêu đốt của ngọn lửa mới có thể hoá thành phượng hoàng cao quý làmtổ trên cây ngô đồng trước hoàng thành uy nghi bằng những nhành quế thơm. Tôi luôn tin, câu chữ của …. trong….. sẽ thành những điều sâu thẳm mà người đọc nào cũng khắc cốt ghi tâm.

+ Dẫn dắt/tổng kết vấn đề(đá): Hẳn rằng chúng ta đều biết một tảng đá chắn ngang dòng sông có thể làm thay đổi dòng chảy của sông suối. Một cơn gió tưởng như vô hình lại có thể làm bật gốc cổ thụ trăm năm. Cũng như vậy, một tác phẩm văn học dù chỉ là những câu chữ trên một trang giấy mỏng manh cũng có thể làm thay đổi tâm hồn của người đọc (gieo vào lòng ta những tình cảm chưa có, và nuôi dưỡng những tình cảm đẹp mà ta sẵn có). Tin rằng….. của …. cũng thắp lên trong chúng ta…….

Ví dụ: Ai đó đã từng nói rằng: Hoa phong lữ ở lại giữa cuộc đời nhờ hương thơm của nó cuộc đời nhờ hương thơm của nó; chim sơn tước ở lại giữa cuộc đời nhờ tiếng hót vút cao của nó giữa dàn đồng ca của núi rừng. Cũng như vậy, một tác phẩm muốn neo đậu thật lâu trong tâm trí người đọc thì phải mang trong nó một sứ mệnh riêng. Và sứ mệnh của bài thơ “Về thăm Bác” là đánh thức vẻ đẹp bình dị, sáng trong xung quanh chúng ta mà chưa từng được để ý như trong ngôi nhà của Bác và cuộc sống ngoài kia. Đồng thời còn là biểu hiện cho những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam giản đơn, gần gũi, có sức sống mãnh liệt nhưng cũng vô cùng lãng mạn,hào hoa.

⇒ câu dẫn này chúng ta có thể dùng để dẫn dắt trước khi phân tích vấn đề nghị luận hoặc để chốt tổng lại tích vấn đề nghị luận sau khi phân tích xong (1 bài văn ta dùng tối đa 3 đoạn lý luận bình sẵn thì sẽ rất hay, bài văn được dài ra, được cộng 0,5đ sáng tạo, các em không nên lạm dụng để chứng tỏ khả năng của bản thân điều đó sẽ làm bài viết của các em bị ngợp). Các em linh hoạt lúc để lý luận ở đầu đòạn, lúc cuối đoạn để không bị thành mô tip nha.

Ví dụ: Phân tích bài 4 câu thơ đầu bài thơ “Về thăm nhà Bác” của Nguyễn Đức Mậu:

Đoạn văn: Ngôi nhà sàn trong nắng, giữa mưa, dù đạn bom qua bao mùa giông bão vẫn lặng lẽ đứng yên nhìn ngắm làng Sen đổi thay, dạt dào sức sống một cách thâm trầm, suy tư và cũng thật trong trẻo, nhẹ nhàng. Phải chăng, đó cũng chính là cái đẹp được nhà thơ cảm nhận để rồi khe khẽ bằng chiếc chìa khoa ngôn từ đặc biệt cất lên giữa trái tim mình ông xúc động rưng rưng vì lần đầu ghé thăm quê Bác:

Về thăm nhà Bác, làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng
Có con bướm trắng lượn vòng
Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời.

Cái hay của thơ ca là khởi phát từ lòng người và phải chạm bằng được trái tim của vạn người, đó cũng chính là sức sống, chân lí bất diệt mà một tác phẩm văn học có thể sống mãi cùng thời gian, vĩnh hàng giữa cuộc đời. Với Nguyễn Đức Mậu cũng vậy, ông không mĩ lệ, gọt giũa câu chữ mà chỉ nhẹ nhàng trau chuốt bằng chính tình cảm chân thành nơi tâm hồn của mình dành cho Bác để rồi nhà thơ “về thăm nhà Bác” một cách giản dị, nghe thân thương làm sao? “Về” giống như hành trình trở lại, ấm áp với “nhà Bác” nơi tràn ngập yêu thương thân thiết, gần gũi, như gia đình của mình chứ chẳng phải “đến thăm” đầy xa lạ, rồi lại đi ngay, tình cảm ấy thật đẹp đẽ, thiêng liêng biết bao! Để rồi ta được theo chân tác giả trên hành trình thăm “làng Sen” ngát hương, đậm đà tình quê bằng hàng loạt hình ảnh đặc trưng mà cũng thật gần gũi, nhà thơ liệt kê cái phong cảnh hữu tình, nên thơ ấy một cách rất đặc biệt qua điệp từ “”, như thể hiện sự phong phú, bạt ngàn, rực rỡ của thiên nhiên, đất trời nơi đây. Đó là cảnh “hàng râm bụt” đang đỏ rực, phô mình dưới nắng mặt trời, hãnh diện bởi vẻ kiêu sa lộng lẫy, ẩn dụ tựa những ánh “lửa hồng” thắp sáng cả tim ta với bao đẹp đẽ, vô ngần trong buổi ban mai tinh sương lộng lẫy. Phải chăng đó cũng chính là sức sống mạnh mẽ của những con người nơi làng Sen yêu dấu, dù trong phong ba, bão táp, dù vũ trụ xoay vần, chuyển dời thì họ vẫn như những đóa “dâm bụt” lặng phô sắc cho đời bằng sức sống hiên ngang, chẳng bao giờ lu lờ trước cái tối tăm, nghiệt ngã. Không chỉ vậy, điểm dừng của nhà thơ còn được đọng lại trong cảm quan tinh tế trước từng cánh “bướm trắng” rập rờn, quấn quýt tựa đang nâng niu từng hạt phấn, làm thợ xây đời, say đắm bởi cái đẹp của hoa lá, như con người cảm mến trước khung cảnh thiên nhiên nên thơ, hài hòa, thân thương. Khổ thơ mở ra, ta tưởng đã bước trên cõi mộng, hư ảo mà lại rất thực trong ngòi bút tả cảnh có hồn của thi nhân, để rồi điểm tô vào sắc tròi hàng nhưng gam màu tươi sáng của lá xanh, trời cao, hoa đỏ, bướm trắng cùng chùm ổi “vàng ong” đẹp đẽ còn tỏa hương thơm ngào ngạt thoang thoảng trong gió bay vào tận trái tim ta. (LIÊN HỆ MỞ RỘNG) Khoảnh khắc đọc tiếng thơ này, ta lặng mình vài giây mà tận hưởng hương vị ngọt ngào, tuyệt mĩ của nhân gian trong phong cảnh yên bình nơi làng nhỏ, để rồi thả hồn mình theo gió tưởng nhớ tới nét đẹp đã từng được cất lên trong thơ Tố Hữu:

Có rào râm bụt đỏ hoa quê
Như cổng nhà xưa Bác trở về
Có bốn mùa rau tươi tốt lá
Như những ngày cháo bẹ măng tre…

(Thăm cõi Bác xưa)

Chỉ khác là, nếu Tố Hữu lướt trên những trang thơ có sắc xanh mơn mởn của vườn rau, mời gọi bạn đọc trong cảnh cổng rực đỏ săc hoa, mở cửa đón bao người trở về thăm nơi đây. Thì cái hay của Nguyễn Đức Dậu còn được tỏa ra khi nhà thơ không chỉ gợi hình, đem đến chất say nồng của gam màu sáng tươi mà còn là bản hòa phối của cả hương vị cùng cái long long, óng ả ẩn dụ trong hình dáng “chùm ổi” vàng như ong, đang được những người thơ chăm chỉ hút mật đầy mê say vây quanh mình để làm tâm điểm thu hút mọi ánh nhìn giữa “sắc trời trong xanh” khiến ai cũng phải đắm đuối.

  • Luận điểm 5: đánh giá nội dung và nghệ thuật

– Yêu cầu: Đánh giá tổng quan về vấn đề nghị luận, phạm vi phân tích và mở rộng nêu ra là những cảm nhận, đánh giá cá nhân về tác giả, tác phẩm.

Đánh giá cơ bản:

+ Nội dung: Khẳng định nội dung chính mà đề bài yêu cầu làm rõ (vấn đề nghị luận).

+ Nghệ thuật: Khẳng định những đặc sắc nghệ thuật của dẫn chứng đã phân tích (nên đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho những đặc sắc nghệ thuật đó). Đánh giá về thể thơ, hình ảnh thơ, nhịp điệu, các biện pháp tu từ, giọng điệu…

Đánh giá nâng cao:

+ Khẳng định về phong cách sáng tác/tấm lòng/tài năng của tác giả.

+ Cảm nhận cá nhân về vấn đề nghị luận (nếu có)

+ Nêu nhận định hoặc liên hệ mở rộng với các tác phẩm khác cùng đề tài hoặc cùng giai đoạn sáng tác (nếu có)

– Rút ra bài học nhận thức và hành động (nếu vấn đề nghị luận có thể liên hệ tới cuộc sống ngày nay, những phẩm chất đáng quý, truyền thống dân tộc cần phát huy…)

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Về thăm nhà Bác” của Nguyễn Đức Mậu

* Đánh giá cơ bản:

– Nội dung: Miêu tả hình ảnh làng Sen quê Bác hiện lên gần gũi, giản dị, đơn sơ, qua đó nhà thơ bọc lộ tình yên thương tha thiết, kính trong đối với Bác Hồ-Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

– Nghệ thuật:

+ Lời thơ trầm lắng, tha thiết.

+ Biện pháp tu từ: liệt kê, nhân hoá: Hình ảnh, ẩn dụ, so sánh, điệp lại hình ảnh.

Đoạn văn: Chỉ với những câu thơ lục bát ngắn gọn nhưng tác giả gửi gắm biết bao tình cảm thân tương, tha thiết, biết ơn tới người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Lời thơ trầm lắng, nhẹ nhàng, du dương như tiếng hát, cùng một trái tim tha thiết, tràn ngập yêu thương, đáng trân trọng trong các hình ảnh ngôn từ độc đáo kết hợp với biện pháp ẩn dụ, cùng điệp từ, nhân hoá như con người vẫn sống, hiện hữu cùng thiên nhiên tươi đẹp nơi đây tiếng thơ cũng vì thế mà thổn thức, nức nở, tràn ngập băn khoăn, khiến ta tỏ hoe đôi mắt trước tấm lòng quá nhân hậu, đẹp đẽ của nhà thơ. Để rồi, ta hiểu hơn trái tim yêu thương tha thiết của tác giả đối với Bác, từ đó bồi đắp những cảm hứng tốt đẹp cho mỗi con người về lòng biết ơn, yêu thương những người Bác và trân trọng miền quê mà tuổi thơ Người đã sống còn mãi trong tâm trí của mình hôm nay và mai sau.

3. Cách viết kết bài:

* Yêu cầu:

+ Tổng kết lại vấn đề nghị luận và phạm vi phân tích là phần BẮT BUỘC phải nêu.

+ Liên hệ mở rộng là phần không bắt buộc nhưng nên có để tạo sự cân xứng với mở bài.

  • Kết bài liên tưởng từ ý thơ của tác giả khác:

Viết bài văn cảm nhận về bài thơ “Người tử sĩ” của Nguyễn Đình Thi?

Có nhà thơ đã từng viết:

“Sách cũ trăm lần xem chẳng chán
Thuộc lòng ngẫm nghĩ một mình hay”

Quả thật đúng như vậy, dù cho bụi thời gian đóng dày trên cảo thơm thưở nào, thì ngẫm mấy câu thơ ý vị đầy đủ hương sắc trần gian vẫn khiến lòng ta xao xuyến, đắm say. Thế nên, chắc chắn bài thơ “Người tử sĩ” của tác giả Nguyễn Đình Thi với sức sống, trầm tích để lại cho ta hôm nay vẫn sẽ còn mãi mãi sống cùng thời gian và năm tháng muôn đời…

  • Kết bài vận dụng kiến thức lí luận văn học:

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Hương lúa” của Trương Thị Anh.

Hemingway từng nói: “tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều có sự bất tử của riêng nó”, bởi vì đó là sản phẩm bền vững của lao động và trí tuệ con người. Rồi mai này, các tranh tượng có thể tiêu tan, các đền đài có thể sụp đổ, chỉ có những tác phẩm văn học chân chính mới có khả năng vượt qua được quy luật băng hoại của thời gian để tồn tại vĩnh viễn. May thay, trong số các tác phẩm ấy, chúng ta có “hương lúa” đậm đà, ngan ngát của Trương Thị Anh vẫn luôn bền bỉ  “cắm một cây sào sáng tạo” vào mảnh đất màu mỡ của nghệ thuật để đem đén cho ta những thông điệp cao quý về lòng nhân ái, cùng những giá trị cao đẹp còn mãi với thời gian để ta hiểu rằng:

Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như những đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu

  • Kết bài bằng cách đối chiếu qua các môn nghệ thuật khác:

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Chiếc bóng thu vàng” của Võ Anh Tài.

Nếu họa sĩ dùng màu sắc rồi vẽ tranh, nhà điêu khắc cùng đường nét để khai họa, nhạc sĩ mang âm nhạc nói lên nỗi lòng của mình thì nhà văn lại gửi tâm tình ngòi bút mà tạo ra đứa con tinh thần bằng ngôn ngữ – chìa khóa vạn năng để thi nhân mở ra cánh cửa của muôn vàn cảm xúc. Và có lẽ, bài thơ “Chiếc bóng thu vàng” mà Võ Anh Tài đã viết, cũng chính là một tuyệt bích nhân gian với muôn vàn cảm xúc cao đẹp của nhà thơ đủ khiến lòng người rộn rã, đắm say và cứ thế mãi neo đậu nơi thế giới này trong trái tim vạn người!

  • Kết bài bằng cách khẳng định sức sống của thơ ca:

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Nghe thầy đọc thơ” của Trần Đăng Khoa.

Mỗi áng thơ là một dòng thác chảy nhẹ nhàng, len lỏi vào từng ngách nhỏ trong tim ta ấm nồng những giá trị nhân văn cao đẹp của đời. Nếu đúng như thế, thì “nghe thầy đọc thơ” của Trần Đăng Khoa sẽ mãi là một suối nguồn thiêng liêng, cao lớn được lưu lại mãi mãi trong lòng người đọc bao thế hệ và sống cùng dòng văn học Việt Nam muôn đời mà ta không thể nào quên trong hành trình cuộc đời chính mình hôm nay, mai sau…

V. Phương pháp viết đoạn dẫn vào vấn đề phân tích

Cách 1: Phải chăng trong cuộc đời này, ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của một người nghệ sĩ  chân chính, bởi với họ sáng tác cũng như người thợ làm vườn vậy, muốn vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những tuyệt phẩm, rực rỡ, đẹp đẽ nhất thì cần phải chăm chút từ những hạt mầm đầu tiên nhú chồi non xanh, phải trải qua “những cơn địa chấn của tâm hồn” mới có thể tạo ra “những vang ngân” tựa như “ bước sóng” đến gõ cửa tâm hồn người đọc.Và có lẽ gửi lại cho bạn đọc hôm nay những dư âm say đắm về tác phấm A năm nào, nhà thơ B cũng phải trải qua một quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc như vậy. Để rồi, khi thả mình cùng… (nội dung hình ảnh phân tích) + Trích thơ 

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Hương Lúa” của Trương Thị Anh

Phải chăng trong cuộc đời này, ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của một người nghệ sĩ  chân chính, bởi với họ sáng tác cũng như người thợ làm vườn vậy, muốn vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những tuyệt phẩm, rực rỡ, đẹp đẽ nhất thì cần phải chăm chút từ những hạt mầm đầu tiên nhú chồi non xanh, phải trải qua “những cơn địa chấn của tâm hồn” mới có thể tạo ra “những vang ngân” tựa như “ bước sóng” đến gõ cửa tâm hồn người đọc.Và có lẽ gửi lại cho bạn đọc hôm nay những dư âm say đắm về “hương lúa” năm nào, nhà thơ Trương Thị Anh cũng phải trải qua một quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc như vậy. Để rồi, khi thả mình cùng cánh đồng quê bát ngát trong mùa gặt nhà thơ nao nao tận hưởng khoảnh khắc say đắm trong cảnh ngày mùa thật vui tươi, rộn rã:

Nồng nàn hương lúa đồng quê
Ngày mùa vất vả lúa về đầy sân
Đồng xa cho đến ruộng gần
Lúa vàng trải thảm hương nồng cốm quê
Cò vui sải cánh bay về
Tình quê hương lúa như mê hoặc lòng.

→ Phân tích chi tiết….

Cách 2: Cuộc đời đã cho ta những dòng sông hiền hòa, uốn mình ru cả một khúc quê, thiên nhiên ban tặng cánh diều rập rờn trong gió, say mình bên nắng chiều, vạn vật hòa tấu ngọt ngào dâng lên nhân gian khung cảnh nên thơ, đằm thắm để rồi từ đó, lòng người say sưa tự mình xây lên những lâu đài ngôn từ bất tận về thi ca rực cháy với thời gian năm tháng. Chẳng vậy mà, lâu đài bằng tiếng thơ của tác giả A trong tác phẩm B đã cất lên (Nội dung khái quát của đoạn phân tích) bằng tiếng nhạc nhẹ nhàng (Trích thơ)

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Về thăm nhà Bác” của Nguyễn Đức Mậu?

Cuộc đời đã cho ta những dòng sông hiền hòa, uốn mình ru cả một khúc quê, thiên nhiên ban tặng cánh diều rập rờn trong gió, say mình bên nắng chiều, vạn vật hòa tấu ngọt ngào dâng lên nhân gian khung cảnh nên thơ, đằm thắm để rồi từ đó, lòng người say sưa tự mình xây lên những lâu đài ngôn từ bất tận về thi ca rực cháy với thời gian năm tháng. Chẳng vậy mà, lâu đài bằng tiếng thơ của Nguyễn Đức Mậu đã lung linh bằng cảnh sắc thiên nhiên, nay lại góp nhặt niềm vui giản dị nơi căn nhà đơn sơ trải mưa, dầm nắng của Bác suốt tuổi ấu thơ bằng tiếng nhạc nhẹ nhàng:

Ngôi nhà thuở Bác thiếu thời
Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa

Chiếc giường tre quá đơn sơ
Võng gai ru mát những trưa nắng hè.

→ Phân tích chi tiết

Cách 3: Nếu ai đó hỏi tôi trên cuộc đời này điều gì kì diệu và tuyệt với nhất? Thứ nào khiến lòng ta trong trẻo, thanh sơ, êm đềm hơn? Chắc chắn tôi xin được chọn những vần thơ tiếng hát vẫn ngày ngày rót vào tim ta. Chẳng êm đềm, trong trẻo hay sao khi ngôn từ kì diệu ấy làm thức tỉnh tâm hồn non nớt của một đứa trẻ, rồi dâng cho đời cảm nhận thật tinh khôi độc đáo giống như tiếng thơ bay bổng của tác giả A, qua lời giãi bày.

(Trích thơ)

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Nghe thầy đọc thơ” của Trần Đăng Khoa

Nếu ai đó hỏi tôi trên cuộc đời này điều gì kì diệu và tuyệt với nhất? Thứ nào khiến lòng ta trong trẻo, thanh sơ, êm đềm hơn? Chắc chắn tôi xin được chọn những vần thơ tiếng hát vẫn ngày ngày rót vào tim ta. Chẳng êm đềm, trong trẻo hay sao khi ngôn từ kì diệu ấy làm thức tỉnh tâm hồn non nớt của một đứa trẻ, rồi dâng cho đời cảm nhận thật tinh khôi độc đáo của Trần Đăng Khoa qua lời giãi bày:

Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà
Mái chèo nghiêng mặt sông xa
Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà năm xưa
Nghe trăng thở động tàu dừa
Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời.

VI. Phương pháp bình luận tạo điểm nhấn, gây ấn tượng đối với người đọc.

1. Bình luận về hình ảnh nhân vật: Chỉ một bóng dáng, chỉ một nét thơ, một ảo ảnh nhỏ bé hiện lên mà hình ảnh….(con người cần phân tích) đã đủ để ta xao xuyến, băn khoăn, lưu luyến đến hết đời này.

Ví dụ: Phân tích hai câu thơ sau trong bài “Hương lúa”:

“Bóng ai ngả lộng trên đồng
Hiu hiu gió thổi tóc bồng bềnh bay
Cánh đồng lộng gió chiều nay
Lâng lâng bỗng thấy như say cảnh làng”

Đoạn thơ vẽ nên một bức tranh quê dịu dàng và đầy chất thơ, gợi lên vẻ đẹp nên thơ và bình yên của làng quê trong một buổi chiều đầy gió, khiến lòng người bỗng chốc lắng lại giữa nhịp sống vội vã. “Bóng ai ngả lộng trên đồng” là hình ảnh mở đầu vừa thực vừa mơ, gợi nên dáng hình thân thuộc của một người quê – có thể là mẹ, là chị, hay chính là ký ức tuổi thơ đang trở về trong tâm tưởng. Chỉ một ánh mắt, chỉ một nét thơ, một ảo ảnh nhỏ bé hiện lên mà hình ảnh mà người con gái hiện lên trong dáng vẻ “tóc bồng bềnh bay” đã đủ để ta xao xuyến, băn khoăn, lưu luyến đến hết đời này. Gió “hiu hiu thổi” không chỉ làm tóc “bồng bềnh bay”, mà còn lay động cả miền ký ức, đưa lòng người trôi theo dòng cảm xúc miên man. Phép điệp “cánh đồng lộng gió chiều nay” không chỉ nhấn mạnh vẻ đẹp khoáng đạt của thiên nhiên, mà còn như một khoảng lặng để người đọc cảm nhận được cái hồn của làng quê – nơi yên bình, thân thuộc và sâu lắng. Để rồi, trong khoảnh khắc ấy, “lâng lâng bỗng thấy như say cảnh làng” – say không vì rượu men mà vì vẻ đẹp mộc mạc, dung dị mà chan chứa yêu thương. Cảnh vật như có hồn, thấm đẫm tình quê, khiến trái tim người con xa xứ bồi hồi xao xuyến. Đoạn thơ không chỉ là bức tranh đồng quê, mà còn là tiếng lòng thổn thức, là sự rung động sâu xa trước vẻ đẹp rất đỗi quen thuộc của làng quê thân yêu, là tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng đến vô ngần.

2. Bình luận về hình ảnh quê hương: Trong cuộc sống này có muôn nẻo đường để đi, có muôn nghìn vùng đất để đến, có muôn vạn hành trình mà ta muốn khám phá, thế nhưng chắc chắn với mỗi chúng ta chỉ tồn tại một nơi để về, tồn tại một góc nhỏ êm đềm, một chốn bình yên mãi mãi đó là quê hương.

Ví dụ: Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Bức tranh quê”:

“Quê hương đẹp mãi trong tôi
Dòng sông bên lỡ bên bồi uốn quanh
Cánh cò bay lượn chòng chành
Đàn bò gặm cỏ đồng xanh mượt mà
“.

Trong cuộc sống này có muôn nẻo đường để đi, có muôn nghìn vùng đất để đến, có muôn vạn hành trình mà ta muốn khám phá, thế nhưng chắc chắn với mỗi chúng ta chỉ tồn tại một nơi để về, tồn tại một góc nhỏ êm đềm, một chốn bình yên mãi mãi đó là quê hương. Đoạn thơ gợi lên một bức tranh quê hương đầy ắp yêu thương và hoài niệm, in đậm trong tâm trí người con xa xứ. Chỉ bằng vài hình ảnh giản dị mà chân thực, tác giả đã khắc họa thành công vẻ đẹp bình dị nhưng đầy sức sống của quê hương. Dòng sông “bên lỡ bên bồi uốn quanh” không chỉ là hình ảnh thiên nhiên gần gũi mà còn gợi lên sự mềm mại, duyên dáng của cảnh vật làng quê, gắn liền với cuộc sống lam lũ của bao thế hệ. Hình ảnh “cánh cò bay lượn chòng chành” gợi nhớ đến sự nhọc nhằn của người nông dân, đồng thời là biểu tượng cho sự thanh bình, yên ả. Tất cả như được đặt trong nền xanh mướt của “đồng cỏ”, nơi “đàn bò gặm cỏ” một cách thư thái, mang đến cảm giác thanh bình, êm đềm. Những hình ảnh thân quen ấy không chỉ làm sống dậy trong người đọc ký ức tuổi thơ mà còn khơi dậy tình yêu sâu nặng với quê hương – nơi chốn bình yên luôn sống mãi trong tim mỗi con người. Đoạn thơ không chỉ đẹp bởi ngôn từ mà còn đẹp bởi cảm xúc chân thành, mộc mạc mà người viết gửi gắm.

3. Bình luận về hình ảnh thiên nhiên: Trên nền không gian im ắng, thời gian ngừng trôi, ánh mặt trời ngừng thở, chỉ còn đọng lại đó bức tranh bất tử về hình ảnh…. (Thiên nhiên được miêu tả)

Ví dụ: Phân tích câu thơ sau trong bài “Về thăm nhà Bác”:

“Về thăm nhà Bác, làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng
Có con bướm trắng lượn vòng
Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời”.

Đoạn thơ như một lời kể nhẹ nhàng, tha thiết khi người con đất Việt trở về thăm quê hương của Bác – làng Sen giản dị mà thiêng liêng. Hình ảnh “hàng râm bụt thắp lên lửa hồng” không chỉ gợi vẻ đẹp mộc mạc của làng quê, mà còn như thắp sáng lên tình yêu, sự ấm áp lan tỏa từ mảnh đất đã sinh ra một con người vĩ đại. Những bông hoa râm bụt đỏ rực bên hàng rào làng nhỏ mang theo ký ức tuổi thơ và cũng là biểu tượng cho tình cảm chân thành, rực rỡ của nhân dân dành cho Bác. Trên nền không gian im ắng, thời gian ngừng trôi, ánh mặt trời ngừng thở, chỉ còn đọng lại đó bức tranh bất tử về hình ảnh từng cánh “bướm trắng” rập rờn, quấn quýt tựa đang nâng niu từng hạt phấn, làm thợ xây đời, say đắm bởi cái đẹp của hoa lá, như con người cảm mến trước khung cảnh thiên nhiên nên thơ, hài hòa, thân thương. Khổ thơ mở ra, ta tưởng đã bước trên cõi mộng, hư ảo mà lại rất thực trong ngòi bút tả cảnh có hồn của thi nhân, để rồi điểm tô vào sắc tròi hàng nhưng gam màu tươi sáng của lá xanh, trời cao, hoa đỏ, bướm trắng cùng chùm ổi “vàng ong sắc trời” đẹp đẽ còn tỏa hương thơm ngào ngạt thoang thoảng trong gió bay vào tận trái tim ta. “Sắc trời” không chỉ hiện ra qua màu vàng của ổi chín, mà còn như phản chiếu sự an hòa, tươi sáng của quê hương trong lòng người. Từng hình ảnh thơ đều giản dị, bình dân, nhưng chứa đựng niềm xúc động sâu xa – bởi nơi ấy không chỉ là làng Sen, mà là nơi bắt đầu hành trình của một vĩ nhân, là cội nguồn yêu thương mà cả dân tộc hằng kính nhớ. Đoạn thơ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp làng quê, mà còn thấm đẫm tình cảm thiêng liêng với Bác Hồ – người đã làm rạng danh mảnh đất thân thương ấy.

4. Hình ảnh người lính: Dù có hàng trăm lời thơ, hàng nghìn câu hát, hàng vạn tiếng hô vang sức sống bất diệt của những người lính trong trái tim ta thì cũng chẳng thể đủ đầy mà nói hết tình yêu, niềm khâm phục mà con người Việt Nam bao đời nay dành tặng cho họ.

Ví dụ: Phân tích câu thơ sau trong bài “Hành quân giữa mùa xuân”:

“Mùa xuân đẫm lá nguỵ trang,
Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai.
Ba lô nặng, súng cầm tay,
Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương”.

Dù có hàng trăm lời thơ, hàng nghìn câu hát, hàng vạn tiếng hô vang sức sống bất diệt của những người lính trong trái tim ta thì cũng chẳng thể đủ đầy mà nói hết tình yêu, niềm khâm phục mà con người Việt Nam bao đời nay dành tặng cho họ. Đoạn thơ là một bức tranh mùa xuân rất đặc biệt – mùa xuân của chiến trường, của những người lính lên đường ra trận, mang theo cả tình yêu quê hương và nỗi nhớ khôn nguôi. Hình ảnh “mùa xuân đẫm lá ngụy trang” vừa gợi không khí rừng núi xanh ngắt, vừa gợi bóng dáng người lính ẩn mình trong thiên nhiên để chuẩn bị cho những trận đánh cam go. Câu thơ tiếp theo “Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai” mang vẻ đẹp đối lập giữa chiến tranh và mùa xuân – giữa gian khổ và hy vọng. Hoa mai – biểu tượng của mùa xuân miền Nam – như một lời tiễn đưa lặng lẽ, dịu dàng, tiếp thêm sức mạnh cho người lính. “Ba lô nặng, súng cầm tay” là hình ảnh quen thuộc, giản dị mà đầy xúc động, thể hiện hành trang của người lính – vừa là vật chất, vừa là trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc. Và khổ thơ khép lại bằng nỗi niềm sâu lắng: “Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương” – đó là nỗi nhớ gia đình, quê hương, là tình cảm chân thật, sâu sắc và rất đỗi con người trong lòng người lính. Bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc, đoạn thơ đã khắc họa sinh động vẻ đẹp kiên cường nhưng cũng đầy tình cảm, yêu thương của người lính trong những ngày xuân ra trận.

5. Hình ảnh người mẹ: Có ai đo nổi hi sinh, có ai đếm hết nhọc nhằn, có ai kể được gian khổ mà mỗi người mẹ trên thế gian này đã gồng gánh nuôi con khôn lớn thành người. Vậy nên, gửi lại thanh xuân, khép lại ước mơ, gói lại niềm vui người mẹ nơi trang thơ hiện lên thật vĩ đại trong….(Hình ảnh, bóng dáng)…

Ví dụ: Phân tích câu thơ sau trong bài “Chiếc bóng thu vàng” của Võ Anh Tài:

“Thu về khi lá còn non
Gió hiu hiu lạnh làm con nhớ nhiều
Dáng Mẹ gầy gò thân yêu
Áo nâu trăm mảnh sớm chiều gian nan”

Có ai đo nổi hi sinh, có ai đếm hết nhọc nhằn, có ai kể được gian khổ mà mỗi người mẹ trên thế gian này đã gồng gánh nuôi con khôn lớn thành người. Vậy nên, gửi lại thanh xuân, khép lại ước mơ, gói lại niềm vui người mẹ nơi trang thơ hiện lên thật vĩ đại trong dáng vẻ “gầy gò” nhưng thật tha thiết “thân yêu”. Đoạn thơ chan chứa nỗi nhớ thương da diết, như một lời thầm thì của người con dành cho Mẹ khi thu về. Không phải lúc lá úa tàn, mà “thu về khi lá còn non” – một hình ảnh gợi cảm xúc dịu dàng, non tơ, báo hiệu sự chuyển mùa nhẹ nhàng, tinh tế. Trong làn gió thu “hiu hiu lạnh”, nỗi nhớ dâng lên, lan tỏa, thấm vào tâm hồn người con, khiến “con nhớ nhiều” – nhớ Mẹ, nhớ quê hương, nhớ cả những vất vả, nhọc nhằn Mẹ từng gánh chịu. Hình ảnh “dáng Mẹ gầy gò thân yêu” như bóp nghẹt trái tim người đọc bởi sự chân thật, bởi tình thương sâu nặng nhưng chẳng thể nói thành lời. “Áo nâu trăm mảnh” không chỉ là hình ảnh cụ thể về tấm áo nâu sờn bạc theo năm tháng mà còn là biểu tượng cho bao gian nan, lam lũ Mẹ đã trải qua trong đời. Câu thơ “sớm chiều gian nan” khép lại đoạn thơ với cảm xúc nghẹn ngào, như lời tri ân thầm lặng nhưng đầy yêu thương của người con dành cho Mẹ. Đoạn thơ ngắn nhưng lắng đọng, đậm chất trữ tình, lay động trái tim bởi tình mẫu tử thiêng liêng và sâu sắc.

VII. Phương pháp bình luận mở rộng

1. Bình luận bằng cách so sánh: Như bông hoa khẽ nở long lanh trong trang thơ từ…. cất lên trong không gian của thi phẩm mới đẹp đẽ, thi vị làm sao? Chắc phải yêu thương lắm, xuýt xao thật nhiều, vấn vương mãi không thôi nên nhà thơ mới vội vàng như muốn ôm trọn (Nội dung câu thơ, khổ thơ) ngây ngất mãi không nguôi.

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Hương lúa” của Trương Thị Anh, khi phân tích tới câu thơ:

“Cánh đồng lộng gió chiều nay
Lâng lâng bỗng thấy như say cảnh làng”.

Đoạn thơ ngắn nhưng chan chứa tình yêu quê hương tha thiết, như một tiếng thở dài nhẹ nhàng vang lên giữa không gian thanh bình của buổi chiều trên cánh đồng. “Cánh đồng lộng gió chiều nay” mở ra một khung cảnh khoáng đạt, mênh mang, nơi thiên nhiên như cũng đang thầm thì kể chuyện làng quê. Gió không chỉ là gió của trời đất, mà còn là làn gió của ký ức, của hoài niệm tuổi thơ. Trong khoảnh khắc ấy, lòng người bỗng chốc “lâng lâng” – một cảm giác mơ hồ nhưng đầy xúc động, như men say dịu nhẹ khiến tâm hồn thăng hoa trong tình quê mộc mạc. Câu thơ “bỗng thấy như say cảnh làng” không chỉ là cảm xúc ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bình dị của làng quê, mà còn là sự rung động sâu sắc của người con trước nơi mình đã lớn lên. Đó là tình yêu chân thành, là sợi dây vô hình gắn kết con người với quê hương – nơi không chỉ có cảnh vật mà còn có cả linh hồn, ký ức, và những năm tháng tuổi thơ không thể nào quên. Đoạn thơ như một lời nhắn nhủ đầy yêu thương: hãy biết trân quý những gì gần gũi nhất, bởi đó chính là cội nguồn của mỗi chúng ta.

2. Bình luận bằng cách lí luận: Khi âm nhạc cất lên nốt nhạc khẽ trầm bổng, xao xuyến vương vào hồn ta, khi mặt trời ló rạng ta biết bình minh đã buông mình xuống nhân gian tươi đẹp. Chẳng vậy mà khi chạm….. (Hình ảnh, từ ngữ) ta biết trái tim đã thổn thức, khắc khoải trước (nội dung) quá đỗi nhẹ nhàng/ngọt ngào/ long lanh đến thế.

Ví dụ: Phân tích bài “người sĩ tử” của Nguyễn Đình Thi (Ở bốn câu đầu, ta có thể bình giảng và khen từ “ngủ say”

“Mũ sắt mờ trong sương phủ
Anh nằm yên như ngủ say
Máu thấm đầy manh áo cũ
Nửa đường anh ngã xuống đây”.

→ Khi âm nhạc cất lên nốt nhạc khẽ trầm bổng, xao xuyến vương vào hồn ta, khi mặt trời ló rạng ta biết bình minh đã buông mình xuống nhân gian tươi đẹp. Chẳng vậy mà khi chạm đến hình ảnh “Anh nằm yên như ngủ say” ta biết trái tim đã thổn thức, khắc khoải trước hình ảnh cái chết quá đỗi nhẹ nhàng. Người lính “nằm yên như ngủ say” – một cách nói nhẹ nhàng, đầy nhân văn để diễn tả cái chết, như thể anh chỉ đang tạm nghỉ giữa cuộc chiến dài. Nhưng phía sau giấc ngủ ấy là sự hy sinh lớn lao, là “máu thấm đầy manh áo cũ” – câu thơ khiến người đọc không khỏi nghẹn ngào. Chiếc áo cũ mòn theo năm tháng hành quân, giờ đây lại thấm đẫm máu đỏ, như minh chứng bi thương cho sự hy sinh thầm lặng mà vĩ đại. Câu thơ cuối “nửa đường anh ngã xuống đây” kết lại bằng một khoảng lặng xót xa: anh chưa kịp đến đích, chưa kịp nhìn thấy hòa bình, nhưng chính sự ngã xuống ấy đã làm nên con đường vững chãi cho đất nước đi lên. Đoạn thơ không chỉ là lời tiếc thương, mà còn là bản anh hùng ca lặng lẽ về tinh thần bất khuất, về sự hy sinh cao cả của những người lính – những con người đã viết nên lịch sử bằng máu và lòng yêu nước sâu nặng.

3. Bình luận theo cách đối lập/ tương phản: Lá lìa cành khiến cây xơ xác, bóng tối tràn về làm vạn vật im hơi, ấy vậy mà khi (Hình ảnh, từ ngữ) khẽ điểm mình duyên dáng trên trang thơ lại khiến ta bồi hồi, xúc động trước cái đẹp chẳng thể thay thế, rất đắt giá của nó trong chỉnh thể của kiệt tác mà nhà thơ A đã gửi trao cho mỗi bạn đọc đến vậy….

Ví dụ 1: Phân tích đoạn thơ đầu bài thơ Đêm Côn Sơn của Trần Đăng Khoa.

“Tiếng chim vách núi nhỏ dần
Rì rầm tiếng suối khi gần khi xa
Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”

Đoạn thơ là một bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng, nhẹ nhàng mà thấm đượm chiều sâu triết lý về thời gian, sự sống và cảm nhận tinh tế của con người trước cuộc đời. Phép tương phản được vận dụng khéo léo giữa âm thanh và tĩnh lặng, giữa động và tĩnh, giữa gần và xa. “Tiếng chim vách núi nhỏ dần” như lời giã từ khẽ khàng của thiên nhiên, gợi cảm giác xa xăm, mất mát. Trái lại, “rì rầm tiếng suối khi gần khi xa” lại đưa người đọc vào dòng chảy liên tục của thời gian và cuộc sống – dù ẩn hiện, mờ tỏ nhưng không bao giờ ngưng nghỉ. Từ không gian rộng, âm thanh dần thu hẹp lại về một chi tiết rất nhỏ: “Ngoài thềm rơi cái lá đa” – một hình ảnh bình dị, đời thường, nhưng đầy chất thơ. Và rồi, âm thanh “tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” khép lại đoạn thơ trong một sự im lặng đến vô hình, như thể cả không gian chỉ còn lại một chuyển động duy nhất, mong manh và tinh tế đến nao lòng. Sự tương phản giữa âm thanh và lặng lẽ, giữa cái hữu hình và cái mờ ảo ấy không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp thanh tao của thiên nhiên, mà còn gợi lên những chiêm nghiệm sâu xa về sự biến đổi, về thời gian trôi chảy và nỗi cô tịch trong lòng người. Đoạn thơ như một khúc nhạc trầm buồn, ngân nga mãi trong lòng người đọc, khiến ta thêm trân trọng từng khoảnh khắc lặng lẽ của cuộc đời.

Ví dụ 2: Phân tích bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, khi phân tích tới câu thơ:

Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.

→ Đoạn thơ là lời tri ân thầm lặng mà sâu sắc của người con dành cho mẹ – người đã hy sinh cả cuộc đời mình để nuôi nấng, chở che con khôn lớn. “Thời gian chạy qua tóc mẹ” là một hình ảnh đầy chất thơ, khiến người đọc không khỏi xúc động. Thời gian không được đo bằng năm tháng nữa, mà được nhìn thấy rõ ràng qua những sợi tóc mẹ bạc dần theo năm tháng nhọc nhằn. Màu trắng ấy không phải chỉ là màu của tuổi tác, mà còn là màu của những hy sinh, tảo tần, lo toan – khiến người con không khỏi “nôn nao”, xót xa, nghẹn ngào. Từng ngày, “lưng mẹ cứ còng dần xuống”, không chỉ bởi gánh nặng cơm áo mà còn vì tình thương dành trọn cho con. Trong khi đó, “con ngày một thêm cao” – một sự đối lập giàu sức gợi: chiều cao của con là kết quả của bao nhọc nhằn mẹ tích cóp, là sự đánh đổi âm thầm không lời. Bốn câu thơ ngắn, nhưng xúc động đến nao lòng, như một nốt trầm tha thiết trong bản nhạc tình mẫu tử thiêng liêng. Đọc lên, ta không chỉ thấy được hình ảnh người mẹ tảo tần, mà còn thấy được bóng dáng của chính những người đã vì ta mà lặng lẽ già đi trong từng khoảnh khắc đời thường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang