Hướng dẫn viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết – Luyện thi tuyển sinh vào lớp 10

huong-dan-viet-bai-van-nghi-luan-ve-mot-van-de-can-giai-quyet-luyen-thi-tuyen-sinh-vao-lop-10

I. Khái niệm

Bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết thuộc kiểu bài nghị luận xã hội, trong đó, người viết nêu lí lẽ, bằng chứng để phân tích một vấn đề cần giải quyết (thực trạng, nguyên nhân, những tác động đối với cuộc sống), từ đó, đưa ra những giải pháp khả thi, thuyết phục cho vấn đề.

II. Yêu cầu đối với kiểu văn bản

Về nội dung: xác định, phân tích được vấn đề cần giải quyết và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi, thuyết phục.

Về hình thức: lập luận chặt chẽ, đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm; các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

Bố cục bài viết cần đảm bảo:

+ Mở bài: giới thiệu vấn đề cần giải quyết, tầm quan trọng của việc khắc phục, giải quyết vấn đề.

+ Thân bài: giải thích vấn đề cần giải quyết, phân tích vấn đề (thực trạng, nguyên nhân, tác động đối với cuộc sống) và đề xuất các giải pháp khả thi, thuyết phục; rút ra bài học (về suy nghĩ, hành động); bàn luận mở rộng, phản đề,…

+ Kết bài: khẳng định lại ý kiến về tầm quan trọng của việc khắc phục, giải quyết vấn đề; liên hệ bản thân, nêu thông điệp (lời kêu gọi hành động)

III. Hướng dẫn viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết

Các bước thực hiện viết một bài văn nghị luận trình bày một vấn đề cần giải quyết trong đời sống

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

– Căn cứ vào tính mở của đề bài, học sinh có thể lựa chọn một vấn để phù hợp với bản thân để trình bày. Lưu ý các tiêu chí có tính định hướng dưới đây:

+ Vấn đề cụ thể, thiết thực, cần giải quyết và có thể giải quyết.

+ Vấn đề thuộc phạm vi hiểu biết của học sinh, học sinh có thể trình bày rõ các biểu hiện của vấn đề và đề xuất giải pháp.

– Mục đích viết của bài này là gì? Đối tượng người đọc là ai? Họ mong đợi gì từ bài viết của em? Trên cơ sở đó, học sinh chuẩn bị cách viết phù hợp.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Đề bài yêu cầu: trình bày vấn để cần giải quyết và đề xuất giải pháp khả thi để giải quyến vấn đề (học sinh có thể tách riêng hai nội dung này để dễ dàng đặt câu hỏi, tìm ý).

Dưới đây là một số gợi ý cụ thể:

Tìm ý cho việc bàn luận về vấn đề dựa trên các câu hỏi:

– Tại sao phải quan tâm đến vấn đề này/ tại sao đây là vấn đề cần phải giải quyết?

– Cần nhận thức vấn đề/ thực chất của vấn đề như thế nào cho đúng?

– Vấn đề gồm những khía cạnh, phương diện nào? Các khía cạnh, phương diện của vấn đề có liên quan, liên hệ gì với nhau?

– Theo đó, thân bài cần triển khai thành các ý / luận điểm nào? Lí lẽ và bằng chứng cho mỗi ý/ luận điểm là gì?

– …

Tìm ý cho việc đề xuất giải pháp về vấn đề dựa trên các câu hỏi:

– Để giải quyết vấn đề cần có (các) giải pháp thế nào?

– Giải pháp được đưa ra có ích lợi ra sao?

– Dựa vào đâu để cho rằng giải pháp được đưa ra là khả thi?

-…

Lập dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu vấn đề và sự cần thiết của việc giải quyết vấn đề.

+ Thân bài: giải thích vấn đề; lần lượt trình bày các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng thuyết phục nhằm mang lại nhận thức đúng đắn về vấn đề; đề xuất được giải pháp khả thi, thuyết phục; rút ra bài học cho bản thân và thế hệ trẻ; bàn luận mở rộng, lật ngược vấn đề, nhìn nhận vấn đề ở nhiều mặt,…

* Lưu ý: về trình tự, có thể trình bày nhận thức về vấn đề trước, đề xuất giải pháp sau hoặc kết họp trình bày nhận thức với đề xuất giải pháp.

+ Kết bài: khẳng định ý nghĩa của việc nhận thức đúng về vấn đề và tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp khả thi trong cách giải quyết vấn đề; liên hệ bản thân; ra lời kêu gọi cùng chung tay hành động,…

Bước 3: Viết bài       

– Học sinh dựa vào dàn ý đã lập ở bước 2 để viết bài nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; chú ý kết hợp nghị luận với miêu tả, biểu cảm.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

– Học sinh xem lại bài viết, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.

* Dàn bài hướng dẫn cụ thể cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết:

I. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề (nên đi từ chủ đề chung đến vấn đề cụ thể cần giải quyết).

Nêu tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc nhận thức và giải quyết vấn đề đó trong đời sống cá nhân và xã hội hiện nay.

– Dẫn dắt người đọc đến nội dung chính sẽ triển khai trong bài viết.

II. Thân bài:

1. Giải thích vấn đề được nêu trong đề bài.

– Định nghĩa, làm rõ khái niệm hoặc nội dung cốt lõi của vấn đề.

– Đặt vấn đề trong hoàn cảnh cụ thể (thời đại, xã hội, môi trường sống, giáo dục…).

2. Phân tích các khía cạnh của vấn đề.

– Thực trạng: Mô tả tình hình hiện tại liên quan đến vấn đề (số liệu, dẫn chứng, hiện tượng cụ thể…).

– Nguyên nhân: Phân tích các nguyên nhân chủ quankhách quan dẫn đến thực trạng.

– Tác động đối với cuộc sống: Chỉ rõ hậu quả hoặc ảnh hưởng của vấn đề đối với cá nhân, cộng đồng, xã hội, đất nước,…

3. Đề xuất các giải pháp khắc phục, giải quyết vấn đề.

– Giải pháp thứ nhất: (Liên quan đến cá nhân: nhận thức, hành động, lối sống…)

– Giải pháp thứ hai: (Liên quan đến gia đình: giáo dục, định hướng…)

– Giải pháp thứ ba: (Liên quan đến nhà trường: chương trình, môi trường học tập…)

– Giải pháp thứ tư: (Liên quan đến xã hội: pháp luật, truyền thông, tổ chức…)

– Giải pháp thứ năm: (Đề xuất mô hình/hoạt động cụ thể có thể áp dụng… (nếu có))

4. Bàn luận mở rộng, đề xuất ý kiến, phê phán.

– Cần phân biệt với những vấn đề có biểu hiện tương tự đề có nhận thức và hành động đúng đắn.

– Khẳng định những giá trị đúng đắn, tích cực nên được phát huy.

– Phê phán những nhận thức sai lệch, hành động tiêu cực đang tồn tại.

– Đưa ra góc nhìn đa chiều hoặc liên hệ với các vấn đề tương đồng.

5. Rút ra bài học nhận thức và hành động.

– Bài học dành cho bản thân và thế hệ trẻ:

+ Nhấn mạnh sự cần thiết, khẩn cấp của việc thay đổi tư duy, hành vi.

+ Hướng đến sự phát triển bền vững, văn minh của cá nhân và xã hội.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại tầm quan trọng và tính cấp bách của việc nhận diện và giải quyết vấn đề.

– Liên hệ bản thân: thái độ, nhận thức, cam kết hành động cụ thể.

– Lời kêu gọi hành động: hướng đến cá nhân, cộng đồng, tổ chức cùng chung tay giải quyết vấn đề.

Bài văn tham khảo:

Đề bài: Viết một bài văn nghị luận xã hội bàn về ảnh hưởng hai mặt (tích cực và tiêu cực) của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là ChatGPT, trong học tập, đồng thời đề xuất những giải pháp giúp học sinh sử dụng công cụ này một cách hiệu quả, tích cực và có trách nhiệm.

Bài làm:

  • Mở bài:

– Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là khái niệm xa lạ mà đã len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là giáo dục và học tập. Trong số đó, ChatGPT – một công cụ đối thoại ứng dụng AI – đang ngày càng được học sinh, sinh viên trên toàn thế giới sử dụng như một trợ thủ đắc lực trong việc tìm kiếm thông tin, giải bài tập, luyện viết và nâng cao kỹ năng học tập.

– Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà AI mang lại, việc sử dụng công cụ này cũng đặt ra nhiều thách thức, nguy cơ nếu không được định hướng đúng đắn. Việc nhận rõ cái lợi và cái hại khi sử dụng AI, đặc biệt là ChatGPT và tìm kiếm các giải pháp phù hợp giúp học sinh sử dụng công cụ này một cách hiệu quả, tích cực và có trách nhiệm là điều cần thiết và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

  • Thân bài:

1. Giải thích vấn đề

Trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực công nghệ mô phỏng trí thông minh của con người thông qua máy móc, phần mềm. ChatGPT là một sản phẩm nổi bật trong số đó, có khả năng hiểu và sinh phản hồi theo ngữ cảnh hội thoại một cách linh hoạt, chính xác.

– Việc học sinh sử dụng AI trong học tập không còn là điều mới mẻ, mà đang trở thành xu hướng phổ biến toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là cách thức sử dụng: AI là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn tư duy và ý thức học tập của con người.

2. Phân tích các khía cạnh của vấn đề

– Thực trạng: Hiện nay, rất nhiều học sinh sử dụng ChatGPT để tra cứu thông tin, luyện viết tiếng Anh, lập dàn bài văn, giải toán, làm đề cương ôn tập,… Một số học sinh đã biết cách tận dụng công cụ này để rèn luyện kỹ năng tự học. Tuy nhiên, không ít trường hợp lại phụ thuộc hoàn toàn vào AI: chép nguyên văn nội dung ChatGPT trả lời vào bài làm, không đọc hiểu, không phân tích, dần hình thành thói quen học thụ động và thiếu tư duy phản biện.

– Nguyên nhân: Sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghệ số và việc dễ dàng tiếp cận của công nghệ khiến AI trở thành công cụ “trong tầm tay” của nhiều học sinh. Bên cạnh đó, áp lực điểm số, khối lượng bài tập lớn khiến học sinh chọn giải pháp nhanh chóng là sao chép lời giải từ AI thay vì tự mình suy nghĩ. Việc thiếu sự hướng dẫn cụ thể từ giáo viên và phụ huynh cũng khiến học sinh dễ sa vào lối sử dụng sai lệch công cụ.

– Tác động đối với cuộc sống:

+ Ở mặt tích cực, AI giúp tiết kiệm thời gian, mở rộng tri thức, nâng cao hiệu quả học tập nếu được sử dụng đúng cách. Với khả năng xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác, AI hỗ trợ học sinh tra cứu kiến thức, giải thích các khái niệm phức tạp và gợi ý cách tiếp cận bài học một cách linh hoạt, sáng tạo. Những công cụ như ChatGPT còn có thể giúp học sinh luyện kỹ năng viết, cải thiện khả năng ngôn ngữ, ôn tập kiến thức hiệu quả và phát triển tư duy phản biện thông qua việc đặt câu hỏi, kiểm tra lại thông tin hoặc so sánh các quan điểm. Quan trọng hơn, AI tạo điều kiện cho việc học tập cá nhân hóa – mỗi học sinh có thể học theo tốc độ và phong cách riêng, từ đó nâng cao tính chủ động và khả năng tự học trong quá trình tiếp thu tri thức.

+ Ở mặt tiêu cực: Tuy nhiên, nếu học sinh lạm dụng AI sẽ dần đánh mất khả năng suy nghĩ độc lập, tư duy sáng tạo và tinh thần tự học, kỹ năng giải quyết vấn đề, dễ dẫn đến gian lận trong thi cử và lệch chuẩn đạo đức học tập. Hơn nữa, việc sao chép nguyên văn nội dung từ AI mà không hiểu bản chất dễ tạo ra một thế hệ học sinh thụ động, có kết quả học tập cao nhưng thiếu kiến thức và kỹ năng thực tế. Về lâu dài, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai – những con người có thể có bằng cấp, có kiến thức trên giấy tờ, nhưng lại thiếu năng lực thực sự để thích nghi, sáng tạo và đóng góp hiệu quả cho xã hội trong thế giới đầy biến động.

3. Đề xuất giải pháp khắc phục, giải quyết vấn đề

Giải pháp thứ nhất (đối với giáo viên): Giáo dục ý thức sử dụng AI có trách nhiệm cho học sinh thông qua các tiết học kỹ năng sống, định hướng công nghệ trong trường học. Giáo viên cần đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá: khuyến khích học sinh trình bày quan điểm cá nhân, lập luận logic, thay vì chỉ kiểm tra kiến thức lý thuyết. Điều này hạn chế việc sao chép máy móc và thúc đẩy tư duy độc lập.

Giải pháp thứ ba (đối với phụ huynh và nhà trường): Phụ huynh và nhà trường nên đồng hành cùng học sinh trong việc sử dụng công nghệ: kiểm soát thời gian, mục đích truy cập AI; tổ chức các buổi hướng dẫn cách khai thác AI hiệu quả để tự học.

Giải pháp thứ tư (đối với học sinh): Học sinh cần chủ động nâng cao nhận thức, hình thành thói quen học tập chủ động, biết phân biệt giữa hỗ trợ và lệ thuộc. Tự mình đặt câu hỏi, đối chiếu kết quả của AI với kiến thức sách vở và bài giảng là cách tốt để sử dụng ChatGPT một cách hiệu quả, tích cực và có trách nhiệm. Học sinh cần hiểu rằng AI là công cụ hỗ trợ, không phải là phương tiện thay thế tư duy.

4. Bàn luận mở rộng, đề xuất ý kiến, phê phán

– Chúng ta không thể phủ nhận AI nói chung và ChatGPT nói riêng là thành tựu đáng kinh ngạc của nhân loại. Rồi đây, chính AI sẽ làm cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn nền sản xuất của thế giới, đưa đời sống nhân loại phát triển lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, mỗi công cụ đều như con dao hai lưỡi – lợi hay hại đều hoàn toàn phụ thuộc vào cách sử dụng của con người. Nếu thiếu định hướng, AI có thể dẫn tới sự lệ thuộc và lười biếng. Trái lại, nếu biết tận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo, AI có thể trở thành bệ phóng cho tư duy và sự phát triển toàn diện.

– Cần lên án và nghiêm khắc phê phán những hành vi gian lận học đường, sao chép nội dung từ AI mà không hiểu biết, không cải biến.

5. Bài học nhận thức và hành động

– Với học sinh – thế hệ công dân số tương lai – việc hiểu và ứng xử đúng đắn với công nghệ là bài học sống còn. Thay vì quay lưng với AI, ta cần học cách hợp tác và làm chủ nó. Chúng ta phải xây dựng một thái độ học tập trung thực, chủ động và cầu tiến, coi AI là người bạn đồng hành chứ không phải là một công cụ thay thế suy nghĩ. Hãy tự bước đi trên đôi chân của chính mình, những bước đi trung thực, tự tin, mạnh mẽ và có trách nhiệm.

III. Kết bài:

– Trong thời đại công nghệ bùng nổ, trí tuệ nhân tạo là xu hướng không thể đảo ngược. Việc sử dụng ChatGPT và các công cụ AI khác trong học tập là điều tất yếu, nhưng đòi hỏi mỗi học sinh phải tỉnh táo, có trách nhiệm và hiểu biết. Khắc phục sự lạm dụng, lệ thuộc vào AI không chỉ là bảo vệ chất lượng học tập mà còn là gìn giữ giá trị của tư duy con người.

– Là một học sinh trong thời đại số, tôi ý thức được trách nhiệm của bản thân: học cách sử dụng công nghệ một cách thông minh, đạo đức và hiệu quả. Đã đến lúc mỗi người chúng ta cần hành động để biến AI thành “trợ thủ đắc lực”, chứ không phải “kẻ thay thế tư duy”, góp phần xây dựng một nền giáo dục tiến bộ và bền vững.

»»» Xem thêm: Nghị luận: Những tác động tiêu cực của Chatgpt đối với vấn đề học tập và sự phát triển toàn diện của học sinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang