1. Dạng câu hỏi xác định thể loại văn bản
* Dạng câu hỏi thường gặp:
– Văn bản trên được viết theo thể loại gì?
– Hãy xác định thể loại của văn bản.
– Đoạn trích thuộc thể loại nào?
* Cách làm:
– Nêu ít nhất 2 đặc điểm của thể loại.
+ 1 đặc điểm nhận biết qua nội dung.
+ 1 đặc diểm nhận biết qua hình thức.
* Gợi ý cách trả lời:
– Văn bản/đoạn trích trên được viết theo thể loại (tên thể loại) vì có đặc điểm: …
Ví dụ mẫu:
Văn bản trên được viết theo thể loại truyện ngắn, vì có cốt truyện, nhân vật và diễn biến sự việc rõ ràng.
Đoạn trích thuộc thể loại thơ trữ tình, vì được viết theo thể thơ tự do, có ngôn ngữ giàu hình ảnh và thể hiện cảm xúc cá nhân.
Văn bản trên là văn nghị luận, vì có luận điểm rõ ràng, sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.
2. Dạng câu hỏi xác định và nêu tác dụng của từ ngữ, hình ảnh, chi tiết
* Dạng câu hỏi thường gặp:
– Xác định và nêu tác dụng của một từ ngữ trong văn bản.
– Phân tích tác dụng của một hình ảnh nghệ thuật.
– Nêu ý nghĩa của một chi tiết tiêu biểu trong truyện/đoạn trích.
– Tác dụng của từ/cụm từ/chi tiết nghệ thuật trong việc thể hiện nội dung và cảm xúc
* Cách làm:
– Giải thích nội dung, nghĩa của từ/hình ảnh/chi tiết đó. Trình bày ngắn gọn, dễ hiểu bằng lời của mình.
– Nêu tác dụng (theo 2 khía cạnh):
+ Về nội dung: Làm nổi bật điều gì? Góp phần thể hiện chủ đề, tư tưởng gì? Gợi lên cảm xúc, suy nghĩ gì?
+ Về nghệ thuật: Gợi hình, gợi cảm, gợi liên tưởng thế nào? Tạo giọng điệu ra sao (thiết tha, xót xa, mạnh mẽ…)? Tăng tính biểu cảm, thẩm mỹ, liên tưởng hình ảnh?
* Gợi ý cách trả lời:
– Từ ngữ/hình ảnh/chi tiết “…” có nghĩa là…
– Tác dụng của từ ngữ/hình ảnh/chi tiết là:
- Làm nổi bật…
- Thể hiện rõ…
- Gợi lên cảm xúc…
- Tăng sức gợi hình, gợi cảm…
* Lưu ý:
– HS dựa vào ngữ liệu để xác định.
– Không ghi lại máy móc cả câu/ đoạn thơ nếu đề chỉ hỏi từ ngữ, hình ảnh, chi tiết.
3. Dạng câu hỏi nêu nội dung chính của văn bản
* Dạng câu hỏi thường gặp:
– Nêu nội dung chính của văn bản trên.
– Đoạn trích/ văn bản trên thể hiện nội dung gì?
– Qua văn bản, tác giả muốn gửi gắm điều gì?
* Cách làm:
– Bước 1: Đọc kỹ văn bản hoặc đoạn trích. Chú ý nhân vật, sự việc chính, hình ảnh nổi bật, cảm xúc/tư tưởng được thể hiện. Xác định thể loại văn bản (truyện, thơ, nghị luận…) để hiểu hướng thể hiện nội dung.
– Bước 2: Tóm lược ngắn gọn nội dung chính. Trả lời được câu hỏi: “Văn bản nói về điều gì?”
* Lưu ý: Diễn đạt bằng lời văn của mình, không chép nguyên văn. Chỉ nêu 1–3 câu ngắn gọn, đầy đủ ý.
– Bước 3: Nếu cần, kết hợp nhận xét hoặc cảm xúc (1 câu). Gợi ý thêm về ý nghĩa tư tưởng, bài học từ nội dung vừa nêu.
* Gợi ý cách trả lời:
– Nội dung chính của văn bản là: …
– Văn bản đề cập đến vấn đề… và thể hiện…
– Qua văn bản, tác giả muốn gửi gắm thông điệp: …
* Một số cụm từ gợi ý:
– Thể hiện tình cảm (mẹ – con, cha – con, thầy – trò, bạn bè, tình yêu quê hương…)
– Nêu bài học cuộc sống (ý chí, nghị lực, lòng nhân ái, khát vọng sống…)
– Phản ánh thực trạng xã hội (bạo lực học đường, lối sống thờ ơ, ô nhiễm…)
– Ca ngợi vẻ đẹp (thiên nhiên, con người lao động, tinh thần chiến đấu…)
4. Dạng câu hỏi nêu cảm hứng chủ đạo của văn bản thơ
* Dạng câu hỏi thường gặp:
– Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
– Cảm hứng chính mà tác giả thể hiện trong bài thơ là gì?
– Qua bài thơ, tác giả đã thể hiện cảm xúc, suy nghĩ chủ đạo nào?
* Cách làm:
– Đọc kỹ bài thơ hoặc đoạn trích. Chú ý cảm xúc bao trùm: vui, buồn, biết ơn, tự hào, yêu mến… Xem tác giả nói nhiều nhất về điều gì, gắn với hình ảnh, sự vật, con người nào.
– Xác định cảm hứng chủ đạo:
+ Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm văn học là tình cảm, cảm xúc mãnh liệt được tác giả thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm, có tác động sâu sắc đến cảm xúc của người đọc. Hiểu đơn giản: Cảm hứng chủ đạo là tình cảm chính được tác giả thể hiện trong bài thơ.
* Gợi ý cách trả lời:
– Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm xúc… đối với…
– Toàn bộ bài thơ thể hiện tình cảm (gì), suy ngẫm (gì) của tác giả trước…
– Qua hình ảnh… và giọng điệu…, tác giả thể hiện cảm hứng…
5. Dạng câu hỏi nêu ý nghĩa của một câu thơ/ một đoạn thơ/ từ ngữ/ hình ảnh/ chi tiết
* Dạng câu hỏi thường gặp:
– Câu thơ/đoạn thơ sau có ý nghĩa gì?
– Từ ngữ / hình ảnh / chi tiết trong đoạn thơ nói lên điều gì?
– Qua hình ảnh “…”, tác giả muốn nhấn mạnh điều gì?
* Yêu cầu:
Bài làm cần đạt được những ý chính sau:
+ Giới thiệu được câu thơ/ hình ảnh/ chi tiết
+ Xác định được nội dung chính của câu thơ/ giải thích nghĩa của từ ngữ/ hình ảnh/ chi tiết
+ Xác định được dụng ý của tác giả khi viết câu thơ/ lựa chọn từ ngữ, hình ảnh, chi tiết đó: thể hiện tình cảm gì? nhắc nhở người đọc điều gì?
* Cách làm:
– Bước 1: Giải nghĩa / diễn giải câu thơ hoặc chi tiết. Dùng lời văn của mình để giải thích nội dung, cảm xúc hoặc hình ảnh được nói tới. Có thể phân tích từ ngữ, biện pháp tu từ nếu cần.
Ví dụ: Câu thơ “Con cò đi lặn lội bờ sông” → gợi hình ảnh người mẹ tảo tần, vất vả nuôi con.
– Bước 2: Nêu ý nghĩa nội dung
- Làm nổi bật thông điệp / tình cảm / đặc điểm nhân vật… được thể hiện.
- Giúp người đọc hiểu hơn về chủ đề, tư tưởng của toàn bài.
Ví dụ: Hình ảnh “bếp lửa” trong bài thơ cùng tên không chỉ gợi lên không gian ấm áp quen thuộc mà còn là biểu tượng của tình bà cháu gắn bó, thiêng liêng.
Bước 3: (Nếu cần) Nêu thêm ý nghĩa biểu cảm hoặc nghệ thuật
- Gợi cảm xúc gì? Gây ấn tượng ra sao?
- Có tạo được tính biểu tượng, hàm nghĩa, liên tưởng sâu sắc không?
Ví dụ: Chi tiết “lá cuối cùng không rụng” trong “Chiếc lá cuối cùng” mang ý nghĩa biểu tượng về sự sống và hy vọng.
* Gợi ý cách trả lời:
– Câu thơ / hình ảnh / chi tiết “…” có ý nghĩa là…
– Qua hình ảnh này, tác giả thể hiện…
– Nó góp phần nhấn mạnh / làm nổi bật…
– Đồng thời gợi lên… (cảm xúc, liên tưởng, bài học…) cho người đọc.
6. Dạng câu hỏi rút ra bài học
* Dạng câu hỏi thường gặp:
– Anh/chị rút ra được bài học gì sau khi đọc văn bản?
– Qua văn bản, điều quan trọng nhất mà anh/chị học được là gì?
– Văn bản để lại cho anh/chị bài học gì trong nhận thức và hành động?
* Cách làm:
– Nêu bài học hoặc thông điệp rút ra. Dựa trên nội dung chính, tư tưởng của văn bản.
– Có thể bắt đầu bằng cụm từ:
- Thông điệp sâu sắc nhất em rút ra là…
- Qua văn bản, em hiểu rằng/chúng ta cần…
* Gợi ý một số bài học thường gặp:
- Phải biết sống yêu thương, nhân ái
- Cần có ý chí, nghị lực vượt khó
- Trân trọng những điều giản dị, thân thương
- Không bỏ cuộc trước thử thách
- Biết ơn cha mẹ, thầy cô, cội nguồn
– Phân tích ý nghĩa của bài học.
+ Giải thích vì sao bài học đó quan trọng, sâu sắc.
+ Liên hệ với thực tế bản thân hoặc xã hội:
- Thông điệp này giúp em nhận ra rằng…
- Bài học ấy có ý nghĩa vì…
– Nêu hành động cụ thể để thực hiện bài học:
- Hành động trong học tập, giao tiếp, lối sống…
- Nên viết rõ ràng, thiết thực, phù hợp với học sinh.
Ví dụ: Em sẽ… / Em luôn cố gắng… / Từ nay, em sẽ biết…
– Đánh giá, mở rộng ý nghĩa:
+ Đánh giá bài học có tính giáo dục, nhân văn, phù hợp mọi người: Thiết nghĩ, bài học này không chỉ ý nghĩa với riêng em mà còn với tất cả mọi người trong cuộc sống.
* Gợi ý cách trả lời:
Ví dụ: Văn bản nói về tình cảm cha mẹ: Bài học sâu sắc nhất mà em rút ra được sau khi đọc văn bản là: chúng ta cần biết trân trọng, yêu thương và biết ơn cha mẹ – những người đã hy sinh thầm lặng để nuôi ta khôn lớn. Thông điệp này giúp em nhận ra rằng cha mẹ chính là những người luôn bên cạnh, che chở và dành trọn tình thương cho con cái mà không bao giờ đòi hỏi sự báo đáp. Vì thế, em sẽ cố gắng học tập thật tốt, biết quan tâm và bày tỏ tình cảm với cha mẹ mỗi ngày. Thiết nghĩ, bài học này không chỉ có ý nghĩa với riêng em mà còn là lời nhắc nhở dành cho tất cả mọi người: hãy sống hiếu thảo khi còn có thể.
7. Dạng câu hỏi về thông điệp văn bản
* Dạng câu hỏi thường gặp:
– Văn bản gửi đến người đọc thông điệp gì?
– Anh/chị (em) rút ra được thông điệp có ý nghĩa gì từ văn bản?
– Qua văn bản, tác giả muốn nhắn nhủ điều gì đến người đọc?
Cách làm:
– Nêu rõ thông điệp chính: Thông điệp là điều mà tác giả muốn truyền đạt, nhắn gửi tới người đọc thông qua nội dung, hình ảnh, chi tiết tiêu biểu trong văn bản.
– Cách mở đầu gợi ý:
- Thông điệp sâu sắc nhất mà em rút ra là…
- Qua văn bản, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp rằng…
- Điều mà em nhận ra sau khi đọc văn bản là: chúng ta cần… / nên… / phải…
* Một số dạng thông điệp phổ biến:
+ Tình cảm gia đình: Trân trọng, yêu thương và biết ơn cha mẹ
+ Cuộc sống, nghị lực: Không bỏ cuộc, vươn lên vượt khó
+ Giá trị sống: Biết sống nhân ái, yêu thương, vị tha
+ Quê hương, đất nước: Yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân
+ Thời gian, tuổi trẻ: Biết quý trọng thời gian, sống ý nghĩa từng ngày
– Phân tích ý nghĩa của thông điệp: Giải thích tại sao thông điệp đó lại có giá trị hoặc cần thiết trong cuộc sống hiện nay.
- Thông điệp này giúp em hiểu rằng…
- Điều này có ý nghĩa vì…
- Từ thông điệp ấy, em nhận ra…
– Nêu hành động cụ thể để thực hiện thông điệp
– Liên hệ bản thân hoặc đề xuất hành động phù hợp với người đọc, học sinh, cộng đồng.
- Em sẽ cố gắng…
- Từ nay, em sẽ sống… / học tập… / cư xử…
– Đánh giá và mở rộng (tùy chọn): Đánh giá giá trị chung của thông điệp đối với bản thân và người khác: Thiết nghĩ, thông điệp này không chỉ có ý nghĩa với riêng em mà còn hữu ích cho tất cả mọi người trong xã hội.
* Gợi ý cách trả lời:
Ví dụ 1: Văn bản về thời gian: Thông điệp sâu sắc nhất mà em rút ra từ văn bản là: chúng ta cần biết trân trọng thời gian, sống và học tập thật ý nghĩa trong từng khoảnh khắc. Thông điệp này giúp em hiểu rằng thời gian là tài sản quý giá nhất – một khi đã trôi qua thì không thể lấy lại. Vì vậy, em sẽ luôn nhắc nhở bản thân không lãng phí thời gian, không trì hoãn mà phải hành động ngay để chạm đến ước mơ. Thiết nghĩ, đây là bài học mà bất cứ ai cũng nên ghi nhớ để sống trọn vẹn mỗi ngày.
Ví dụ 2: Văn bản về nghị lực sống: Thông điệp mà văn bản gửi đến người đọc là: mỗi con người cần có ý chí, tinh thần vượt lên hoàn cảnh, không đầu hàng trước khó khăn. Thông điệp này có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống, vì ai cũng có lúc vấp ngã. Chỉ cần chúng ta không bỏ cuộc thì sẽ tìm thấy ánh sáng. Từ bài học ấy, em sẽ không ngại thử thách và luôn tin vào bản thân. Đây là thông điệp có sức lan tỏa lớn và cần thiết với mọi thế hệ.
8. Dạng câu hỏi về tình cảm, cảm xức, suy nghĩ của người đọc
+ Giới thiệu được đoạn thơ (1)
+ Đoạn thơ khơi gợi trong ta tình cảm gì?(2)
+ Vì sao ta lại có tình cảm như vậy?(3)
9. Dạng câu hỏi về tình cảm, cảm xúc, tư tưởng của tác giả
Một số từ ngữ thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả: Yêu, thương, tự hào, biết ơn, xót xa, thương cảm, tin tưởng, căm ghét…
+ Câu trả lời cần trả lời đc 2 ý:
– Qua đoạn thơ/ đoạn trích trên, người đọc cảm nhận được tình cảm … của tác giả… dành cho… (1)
– Tình cảm ấy được bộc lộ như thế nào?(2)
+ Tình cảm ấy trước hết được bộc lộ trực tiếp qua các từ ….(từ ngữ diễn tả tình cảm), các từ cảm thán…., câu cảm thán…. (nếu có)
+ Tình cảm ấy được bộc lộ gián tiếp qua các biện pháp nghê thuật được tác giả sử dụng trong đoạn thơ/ đoạn trích (các BPTT – phân tích các BPNT để thấy được tình cảm của tác giả)
-Có thể mở rộng thêm 1 ý để nói về tình cảm của bản thân (3)
10. Dạng câu hỏi về ngôi kể, người kể chuyện
– Ngôi thứ nhất: xưng “tôi, chúng tôi” trong lời kể.
– Ngôi thứ 3: không có “tôi, chúng tôi” trong lời kể
– Người kể: nêu rõ nhân vật nào kể chuyện (Người kể chỉ có ở ngôi thứ nhất. Ngôi thứ 3 không xác định được người kể)
11. Dạng câu về điểm nhìn trần thuật
+ Điểm nhìn trần thuật là một vị trí mà từ đó, người trần thuật lại câu chuyện có thể nhìn ra và miêu tả lại sự vật, sự việc trong tác phẩm.
+ Mỗi văn bản tự sự đều có một người đóng vai người kể chuyện để kể lại câu chuyện diễn ra ở đâu, vào lúc nào, như thế nào, có những nhân vật nào tham gia vào câu chuyện. Người kể chuyện đó kể chuyện gì và kể như thế nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của truyện kể. Do vậy, vị trí và xuất phát điểm mà từ đó sự kiện được quan sát, được cảm nhận và được kể lại là rất quan trọng. Đó là “điểm nhìn” theo cách hiểu thông dụng nhất.
12. Dạng câu hỏi về nhân vật truyện
+ Đề có thể hỏi nhân vật chính (nhân vật có vai trò quan trọng nhất, không thể thiếu trong ngữ liệu)
+ Đề có thể hỏi nhân vật gắn với hành động … (đọc ngữ liệu để tìm câu trả lời)
+ Đề có thể hỏi nhân vật chính diện là nhân vật đại diện cho lực lượng chính nghĩa trong xã hội, cho cái thiện, cái tiến bộ. Khi nhân vật chính diện được xây dựng với những phẩm chất hoàn hảo, có tính chất tiêu biểu cho tinh hoa của một giai cấp, một dân tộc, một thời đại, mang những mầm mống lí tưởng trong cuộc sống…có thể được coi là nhân vật lí tưởng.
+ Đề có thể hỏi nhân vật phản diện là nhăn vật đại diện cho lực lượng phi nghĩa, cho cái ác, cái lạc hậu, phản động, cần bị lên án.
13. Dạng câu hỏi về lời kể (lời người kể chuyện)
Lời người kể chuyện đảm nhận việc thuật lại các sự việc trong câu chuyện bao gồm cả việc thuật lại mọi hoạt động của nhân vật.
14. Dạng câu hỏi về lời nhân vật (lời thoại)
+ Lời nhân vật (lời thoại) là lời nói trực tiếp của nhân vật (đối thoại, độc thoại):
✔ Đối thoại là hình thức đối đáp trò chuyện giữa hai hoặc nhiều người. Trong văn bản tự sự, đối thoại được thể hiện bằng các gạch đầu dòng ở đầu lời trao và lời đáp (mỗi lượt lời là một lần gạch đầu dòng).
✔ Độc thoại là lời của một người nào đó nói với chính mình hoặc nói với một ai đó trong tưởng tượng. (có nói thành lời, có gạch đầu dòng trước lời độc thoại)
+ Lời của nhân vật có thể được trình bày tách riêng hoặc xen lẫn với lời người kể chuyện.
15. Dạng câu hỏi về chủ đề, đề tài của truyện
16. Dạng câu hỏi về cốt truyện
Có hai kiểu cốt truyện:
– Cốt truyện đơn tuyến: Tác giả tập trung thể hiện quá trình phát triển tính cách của nhân vật chính, có khi chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời nhân vật chính. Cốt truyện đơn tuyến thường có dung lượng nhỏ hoặc vừa; thường là cốt truyện của các truyện ngắn, truyện vừa, thậm chí cả tiểu thuyết
– Cốt truyện đa tuyến: Tác giả trình bày một chuỗi sự kiện, nhằm phản ánh nhiều bình diện của đời sống; tái hiện những diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật; có dung lượng lớn. Chuỗi sự kiện trong cốt truyện đa tuyến được chia thành nhiều dòng, nhiều tuyến gắn liền với số phận các nhân vật chính trong tác phẩm có nhiều chủ đề.
– Nhận xét về cốt truyện:
Một số thao tác cơ để bạn có thể làm bài nhận xét về cốt truyện một cách hiệu quả:
+ Phân tích cấu trúc cốt truyện. Hãy phân tích cách mà câu chuyện được xây dựng, bao gồm sự phát triển của nó từ mở đầu, sự leo thang của tình tiết và bước giảm dần về cuối.
+ Đánh giá tính logic và mạch lạc của cốt truyệ. Kiểm tra xem cốt truyện có logic không, các sự kiện có được nối tiếp mạch lạc và hợp lý hay không. Nếu có các khuyết điểm, hãy chỉ ra và đưa ra nhận xét của bạn.
+ Đánh giá sự phát triển nhân vật. Nhận xét về cách mà nhân vật chính và các nhân vật khác được phát triển qua câu chuyện. Điều này bao gồm sự thay đổi của họ, hành động và quan điểm.
+ Đánh giá ý nghĩa và thông điệp của câu chuyện. Phân tích ý nghĩa sâu xa hơn của câu chuyện, những bài học mà tác giả muốn truyền đạt qua cốt truyện.
+ Cuối cùng, hãy làm rõ quan điểm về cốt truyện dựa trên các phân tích và đánh giá đã được thực hiện.
17. Dạng câu hỏi về tình huống truyện
18. Dạng câu hỏi: là gì, vì sao, như thế nào, làm gì…
+Nếu trong câu hỏi có “theo văn bản, theo đoạn trích, theo tác giả…”=> thì HS tìm câu trả lời trong ngữ liệu và ghi lại
+ Nếu trong câu hỏi có “ theo em” => thì câu trả lời dựa theo ý hiểu của bản thân mình)
Dạng câu hỏi: “Em có đồng ý với ý kiến/ hành động của nhân vật không? Vì sao?”
+ Trích dẫn ý kiến (Bước 1)
+ Em/ tôi đồng ý/không đồng ý với ý kiến/ quan điểm trên(Bước 2)
+ Vì: (Bước 3)
– Lí do thứ nhất: dựa vào tình huống, sự việc trong văn bản để lí giải
– Lí do thứ 2: Nêu quan điểm bản thân….
– Lí do thứ 3: Nếu ngược lại thì sao?
19. Dạng câu hỏi về nghệ thuật kể chuyện
Để nhận xét về nghệ thuật kể truyện trong một đoạn trích,ta có thể làm theo các bước sau:
+ Xác định ngôi kể của câu chuyện và tác dụng của việc lựa chọn ngôi kể đó
+ Đánh giá cấu trúc câu chuyện được kể. Lưu ý các yếu tố như mở đầu, phát triển sự kiện, đỉnh điểm, và kết thúc. Có sự chuyển tiếp mạch lạc giữa các phần không?
+ Đánh giá cách diễn đạt và ngôn từ. Phân tích cách mà tác giả sử dụng từ ngữ để kể lại các tình huống và cảm xúc của nhân vật.
+ Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật. Chỉ ra xem nhân vật được xây dựng dựa trên những yếu tố nào? Qua đó nhân vật hiện lên như thế nào?
+ Nếu cần thiết, bạn có thể so sánh đoạn trích này với các đoạn khác trong cùng tác phẩm hoặc so sánh với các tác phẩm khác của cùng tác giả để làm rõ điểm nổi bật và đặc biệt của nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích đề yêu cầu.