Hướng dẫn phân tích đoạn truyện, văn bản truyện (Tuyển sinh 10)

huong-dan-phan-tich-doan-truyen-van-ban-truyen-tuyen-sinh-10

I. Khái quát về dạng đề nghị luận văn học

Có 4 dạng đề nghị luận văn học thường gặp về truyện ngắn hiện đại xuyên suốt chương trình THCS, tuy nhiên đối với đề thi 9 lên 10 chủ yếu tập trung vào dàng đề cơ bản và có thể yêu cầu phân tích các văn bản đưa ra sẽ không nằm trong sách giáo khoa.

Dạng 1: Phân tích / Cảm nhận một đoạn trích / tác phẩm truyện → Dạng đề cơ bản nhất.

VD1: Phân tích truyện ngắn mà em đã được học trong chương trình Ngữ văn 9. (Đây là dạng một số tình thành khi thi cuối kì rất hay ra)

VD2: Phân tích truyện ngắn được cho dưới đây: (Truyện được cho vào đề) (Đây là dạng đề khó và khả năng cao sẽ ra trong kì thi vào 10 theo chương trình mới)

Dạng 2: Qua tác phảm truyện, hãy làm rõ một nhận định → Dạng đề hay gặp trong đề thi HSG

VD: Từ truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long nêu cảm nhận về truyện ngắn trên để làm sáng tỏ nhận định của Giáo sư, nhà giáo, nhà lí luận – phê bình văn học Lê Ngọc Trà đã từng chắc chắn: “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói tình cảm của con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư”.

II. Yêu cầu của bài văn phân tích một tác phẩm văn học (Truyện ngắn)

– Xác định được thể loại: thể loại truyện ngắn.

– Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm (nhan đề, đề tài, thể loại,…); nêu ý kiến chung của người viết về tác phẩm.

– Phân tích được nội dung cơ bản của truyện ngắn  (nhân vật, sự kiện, chi tiết…), khái quát chủ đề truyện ngắn.

– Phân tích được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (một số yếu tố các biện pháp nghệ thuật hay được sử dụng như: cốt truyện, ngôi kể, xây dựng tình huống truyện, khắc họa nhân vật mang tính chất điển hình, nghệ thuật kể truyện, ngôn ngữ…)

– Khẳng định được vị trí, ý nghĩa của truyện ngắn.

* Lưu ý: Dạng 1 là dạng cơ bản nhất, là tiền đề để làm được tất cả các dạng còn lại, tuy nhiên vì dạng đề phân tích một truyện ngắn trong SGK thông thường các em đã được thầy cô định hướng kiến thức. Bởi vậy những phương pháp dưới đây sẽ tập trung giúp học sinh làm thành thạo dạng ngoài văn bản (dạng đề phân tích, cảm nhận), tạo nền tảng kiến thức để tiếp cận với các dạng còn lại trong đề thi 9 lên 10

III. Hướng dẫn quy trình viết

Bước 1: Phân tích đề

+ Vấn đề nghị luận: đề bài yêu cầu làm rõ điều gì? (thường nằm sau chữ “về…”, “cảm nhận của em về…”, “phân tích về…”)

+ Phạm vi phân tích: những chi tiết nào, đoạn trích nào, nhân vật nào… cần phân tích

* Lưu ý: Ở lớp 9 đối với học sinh bình thường chủ yếu các em sẽ đi phân tích cả truyện ngắn, nhưng cũng không thể tránh khỏi phân tích dạng nhân vật. Khi phân tích dù là truyện hay nhân vật nên bám vào nhân vật chính, các sự việc, sự kiện, biến cố đối với nhân vật. Vì, tác phẩm tập trung khai thác nhân vật để chuyển tải thông điệp nào đó.

Ví dụ 1: Phân tích truyện ngắn mà em đã học và yêu thích nhất trong chương trình THCS?

– Vấn đề nghị luận: Truyện ngắn

– Phạm vi phân tích: Toàn bộ tác phẩm

Hình thức: Bài văn

Ví dụ 2: Phân tích nhân vật người con trong truyện “Bố mẹ li hôn rồi”?

– Vấn đề nghị luận: Nhân vật người con

– Phạm vi phân tích: Các sự việc, diễn biến xãy ra liên quan tới nhân vật người con.

– Hình thức: Bài văn

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

* Tìm ý:

Xác định đề tài, chủ đề:

+ Đề tài: Nên dựa vào phạm vi đời sống hoặc đối tượng nhân vật.

+ Chủ đề: Xem nội dung chính mà văn bản chuyển tải: Cần dựa vào nhan đề, nội dung hướng đến và thông điệp rút ra để tìm.

Xác định bố cục:

+ Tác phẩm đã học ta cần nhớ lại các kiến thức về văn bản.

+ Các tác phẩm ngoài sách giáo khoa nên ta cần đọc kĩ truyện ngắn được phân tích nhiều lần, nhớ cốt truyện để xác định bố cục, thông thường ta có các cách chia như sau:

  • Cách 1: Chia bố cục theo diễn biến câu truyện (Cốt truyện)
  • Cách 2: Bổ dọc phân tích theo chi tiết, hình ảnh trong tác phẩm

Xác định nội dung chính và một số chi tiết độc đáo được sử dụng trong truyện ngắn

+ Chia tách truyện ngắn thành các phần và xác định nội dung chính của từng phần, căn cứ vào phần chia bố cục ở bước 2 để xác định nội dung chính

+ Tìm những ý nhỏ trong từng phần bố cục (có thể xác định không gian, thời gian, hoàn cảnh, hành động, lời nói, tâm trạng của nhân vật… ứng với từng nội dung vừa tìm)+Nhận xét.

* Lập dàn ý:

I. Mở bài: Giới thiệu tên TG,TP + VĐNL

II. Thân bài:

– Luận điểm 1: Giới thiệu qua về hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề  của truyện, khái quát chủ đề, đề tài ( Nếu biết không thì thôi, bỏ qua, Không gộp vào mở bài)

– Luận điểm 2,3,4…: Phân tích, làm sáng tỏ giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

– Luận điểm 5: Nhận xét, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề + nêu cảm nhận bản thân

Ví dụ:

Bố và mẹ ly hôn rồi

Con ở với bố. Bố nói bố sẽ không tìm người về làm mẹ kế của con, vì bố lo con sẽ phải chịu tổn thương. Mẹ con cũng rời đi rồi. Trước khi đi, mẹ ôm chặt con khóc không ngừng, liên tục nói “Mẹ xin lỗi con”, mẹ còn nói “Con đợi mẹ nhé, đến khi nào mẹ đủ năng lực, mẹ sẽ quay lại dẫn con đi cùng”.

Một thời gian sau, bố con yêu rồi. Bố dẫn con đi gặp dì ấy, dì đối xử rất tốt với con, dì còn đảm bảo sẽ chăm sóc con, quan tâm con, không để con có chút cảm giác tủi thân nào. Rất nhanh, bố với dì kết hôn. Rất nhanh, bố và dì sinh một em bé. Bố bảo con nhường hết đồ chơi cho em bé nhé, rồi sau này bố mua cho con đồ chơi khác. Nhưng sau đó, bố lại quên mất, bố không mua cho con món đồ chơi nào nữa. Bố đã phải xếp hàng rất lâu để mua món bánh mà em bé thích ăn, còn món con thích bố nói “bố bận lắm, hôm nào rảnh bố mua cho con sau nhé!”. Em bé lớn rồi, một hôm em chạy đến nói với con, mẹ em dẫn em đi ăn kem ngon lắm, nhưng dặn em không được nói cho con biết. Đi công viên chơi, một bên bố nắm tay em, một bên bố nắm tay dì, còn con đi ở phía sau. Sinh nhật em, bố xin nghỉ hẳn một ngày để dẫn em đi chơi, còn đi ăn rất nhiều món ăn ngon nữa, thêm cả một đống đồ chơi mới. Con thì không có… Sắp nghỉ hè, bố bảo năm nay cả nhà mình đi du lịch nhé. Con cứ háo hức mãi, chỉ mong hè ơi đến thật nhanh. Con muốn đi biển, muốn ăn hải sản, ngắm mặt trời lặn dưới đáy đại dương, con đã chuẩn bị rất nhiều quần áo thật đẹp để đi chơi mấy hôm liền. Nhưng cuối cùng, con vẫn không đi, vì bố nói con chuẩn bị thi lên cấp rồi, phải ở nhà ôn thi. Bố, dì và em đi du lịch rồi, một mình con ở nhà ăn mì tôm hoặc thức ăn dì chuẩn bị từ trước… Con và em cãi nhau, em chạy về phía dì, khóc trong vòng tay và sự an ủi của dì, bố đứng trước mặt con, bảo con xin lỗi em đi, nhưng do em làm rách cuốn sổ của con mà. Em khóc càng to hơn, bố mắng con càng lớn, giận dữ nói con phải ra xin lỗi em ngay, đột nhiên con nghĩ, phải chăng bố đã thành bố của người khác rồi, vậy bố của con đâu?

Bảy năm sau, cuối cùng mẹ cũng đã quay trở về thăm con. Con muốn đi cùng mẹ, rời khỏi đây, nhưng mẹ không đồng ý… Hóa ra, mẹ cũng đã kết hôn cùng một người khác, cũng đã sinh một em bé nữa, cũng trở thành mẹ của người khác mất rồi….

(THU LA)

Hướng dẫn:

* Tìm ý:

– Đề tài: gia đình

– Nhân vật: Trẻ thơ

– Chủ đề: Nỗi đau của đứa trẻ trong cuộc hôn nhân tan vỡ

* Xác định bố cục:

Bố cục: 3 phần:

  • Mở đầu truyện: Từ đầu… “Con đợi mẹ nhé, đến khi nào mẹ đủ năng lực, mẹ sẽ quay lại dẫn con đi cùng”: Cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ
  • Diễn biến truyện: Tiếp …. Bố của con đâu: Những năm tháng con sống cùng bố
  • Kết thúc truyện: Còn lại:Nỗi đau ngày mẹ trở lại.

Xác định nội dung chính và một số chi tiết độc đáo được sử dụng trong truyện ngắn

– Luận điểm 1: Mở đầu truyện: Từ đầu… “Con đợi mẹ nhé, đến khi nào mẹ đủ năng lực, mẹ sẽ quay lại dẫn con đi cùng”: Cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ

– Luận điểm 2: Diễn biến truyện: Tiếp …. Bố của con đâu: Những năm tháng con sống cùng bố

– Luận điểm 3: Kết thúc truyện: Còn lại:Nỗi đau ngày mẹ trở lại

Tìm những ý nhỏ trong từng phần bố cục (có thể xác định không gian, thời gian, hoàn cảnh, hành động, lời nói, tâm trạng của nhân vật… ứng với từng nội dung vừa tìm)+Nhận xét

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn “bố mẹ li hôn rồi”, ta phân tích diễn biến câu truyện cần tìm các ý nhỏ (không gian, thời gian, hành động nhân vật…)

– Không gian: Trong căn nhà.

– Thời gian: từ khi nhân vật tôi còn nhỏ tới 7 năm sau.

– Sự việc:

+ Bố mẹ li hôn, nhân vật tôi sống cùng bố.

+ Bố lấy vợ khác, có thêm con, nhân vật tôi phải chịu cảnh chia tình yêu thương với em. Trở thành người thừa trong gia đình.

+ Ngày mẹ trở về sau 7 năm nhưng mẹ cũng có gia đình mới, không thể dẫn con đi cùng

* Nhận xét: Tình huống truyện hấp dẫn, gần gũi, khiến ta có nhiều trăn trở, day dứt. Chủ yếu đi khai thác tâm lí của nhân vật tôi để thấy được nỗi đau của đứa trẻ khi gia đình tan vỡ.

Lưu ý: Mỗi 1 luận điểm ta tìm thêm những chi tiết nhỏ như cô đã tìm như trên sau đó bình luận những chi tiết nhỏ ấy để phục vụ cho nội dung chính thì bài viết của các em sẽ vô cùng khoa học

* Lập dàn ý:

I. Mở bài:

– Giới thiệu tên tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

II. Thân bài:

Luận điểm 1: khái quát hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề  của truyện, khái quát chủ đề, đề tài

Luận điểm 2: cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ (hoàn cảnh)

– Không gian: nhỏ hẹp trong căn nhà gắn với kí ức của những ngày gí đình còn trọn vẹn

– Thời gian: Nối dài trong thời gian dài từ khi bố mẹ li hôn tới tận 7 năm sau

– Tình huống: Bố mẹ li hôn đứa con sống với bố, bố cũng lấy vợ khác có gia đình mới, con bị chia sẻ tình cảm, trở thành người thừa trong căn nhà ấm áp của mình ngày xưa.

⇒ Tình huống truyện hấp dẫn, lôi cuốn người đọc và gợi nhiều trăn trở, suy tư.

– Hình ảnh: Mẹ khóc trong chia li, ra đi: Cuộc chia li đầy xót xa, nghẹn ngào

– Chi tiết:

+ con ở lại với bố: Bấu víu ho vọng cuối cùng của bến đỗ bình yên

+ Lời hứa của bố và mẹ: Khiến con nuôi hi vọng sẽ được yêu thương, che chở, dù bố mẹ không còn sống với nhau.

⇒ Tình huống truyện gần gũi hiện thực, khiến người đọc trăn trở và gợi nhiều suy tư, phỏng đoán.

Luận điểm 3: Những năm tháng con sống cùng bố

– Bố có vợ mới: Hạnh phúc và tiếng cười tăng thêm trong căn nhà, nhưng lời hứa của bố đã không còn, tình yêu chia sẻ với con giờ đây vơi dần.

– Bố có em bé: Mọi quan tâm dồn hết cho em, con bị ngoài lề.

– Hình ảnh gia đình mới của bố bên nhau, đứa em cùng cha khác mẹ hạnh phúc: Nhân vật người con hiện ra đầy đáng thương, đau đớn, sụp đổ mọi người tin, tưởng như mình là người thưà trong căn nhà đáng ra mình được hưởng hạnh phúc

⇒ Từng chi tiết được ghi chép lại như từng mảnh ghép vụn vỡ xếp cùng với nhau khiến ta cảm nhận rõ nét nỗi đau trẻ thơ trong cuộc chia li.

Luận điểm 4: Nỗi đau ngày mẹ trở về

– Thời gian: Bảy năm sau: Rất lâu trong mỏi mòn chờ đợi của người con.

– Cuộc tái ngộ với mẹ: niềm vui hân hoan, rạng rỡ, nuôi thêm hi vọng về tháng ngày hạnh phúc sau này.

– Tâm trạng người con: Khi biết không thể đi cùng mẹ, sụp đổ, vỡ oà mọi niềm tin năm xưa mà bố và mẹ khi chia li đã nói.

⇒ Nỗi đau không thể dứt bỏ, sự tổn thương sâu sắc trong tâm hồn đứa trẻ

III. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề.

– Cảm nhận, suy nghĩ của bản thân.

Bước 3: Viết bài

– Khi viết bài, cần bám sát dàn ý đã lập; sử dụng đa dạng các hình thức trích dẫn; kết hợp phân tích với nhận xét, đánh giá

– Sử dụng từ ngữ chính xác, chọn lọc; diễn đạt sáng rõ, thể hiện được cảm xúc của người viết

– Chú ý sự khác nhau về yêu cầu, mục đích của kiểu bài ghi lại cảm xúc sau khi đọc văn bản và phân tích tác phẩm

Bước 4: Đọc lại và sửa chữa

– Chú ý đọc lại những câu mở bài, thân bài, kết kết xem đã viết đúng, rõ ràng chưa.

– Soát lỗi chính tả.

– Nếu có lỗi cần sửa thì gạch đi sửa lại thật sạch sẽ.

IV. Cách viết từng đoạn văn trong bài văn phân tích tác phẩm truyện

1. Cách viết mở bài

a. Yêu cầu:

– Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề nghị luận, cần giới thiệu được tên tác giả, tác phẩm

– Đánh giá chung về cảm xúc, tình cảm đối với văn bản.

b. Các cách:

Cách 1: Vận dụng kiến thức về quy luật sáng tạo nghệ thuật

Ví dụ:

Âm nhạc là một phương tiện diệu kì xoa dịu mọi trái tim thương tổn, còn văn chương sẽ nâng đỡ chúng ta trên vạn dặm hành trình vượt qua những đau đớn, thổn thức. Thế nên, nếu nhà soạn nhạc thiên tài Bethoven dừng chân tại kiếp sống này và để lại cho đời khúc hào tấu sonanta “Ánh trăng” còn mãi với thời gian,  nhà văn Banzac trước khi về với đất mẹ, đã kịp lưu lại cho đời tác phẩm kinh điển “Tấn trò đời”. Thì hôm nay giữa dòng chảy khắc nghiệt, đầy giông bão ẩn mình trong bầu trời tươi xanh vẫn sẽ còn lưu lại bản tình ca đẹp đẽ, nhẹ nhàng, du dương mang tên “Hương lúa” của Trương thị Anh đi xuyên qua trái tim người đọc, để lại một lẽ sống cao cả của tâm hồn một bến đậu yên bình về quê hương tha thiết.

Cách 2: Dẫn dắt mang tính liên tưởng

Ví dụ

Nếu một cơn mưa rào đầu hạ bất chợt ào ào dội xuống làm dịu đi cái nắng oi ả, gắt đầu hè thì một tác phẩm văn chương có giá trị cũng đủ sức sống khiến tâm hồn con người thêm trong trẻo, thanh cao trong cuộc sống buị trần đầy ồn ào, tất bật. Chẳng thế mà, trên hành trình mài ngọc cho đời người nghệ sĩ luôn trăn trở, miệt mài tìm kiếm chất riêng cho mình để gửi lại cuộc sống, đó cũng là điều mà tác phẩm Một đời người một rừng cây của nhà văn Quang Dũng chắt chiu, nhặt lượm để lại cho mỗi chúng ta ngày hôm nay.

2. Cách viết thân bài:

a. Yêu cầu: Thân bài phải có hệ thống luận điểm rõ ràng, đầy đủ 3 luận điểm chính:

– Luận điểm 1: Khái quát (1 đoạn văn)

– Luận điểm 2: Phân tích (Bám sát vào bố cục, mỗi nội dung được chia trong bố cục ta căn cứ là một luận cứ để phân tích)

– Luận điểm 3: Nhận xét, đánh giá nội dung và nghệ thuật (1 đoạn văn)

Lưu ý: Thân bài gồm nhiều đoạn văn, mỗi đoạn làm rõ một nội dung nhất định (1 luận điểm hoặc 1 luận cứ, Luận điểm quan trọng nhất là luận điểm phân tích)

b. Cách viết:

Dẫn lí luận (Ngôn từ*): Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của một người làm thơ/viết văn. Người làm thơ/ viết văn cũng như người làm vườn vậy, muốn vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những bông hoa đẹp nhất thì phải bỏ nhiều tâm huyết, phải trải qua “những cơn địa chấn của tâm hồn” mới có thể tạo ra “những vang ngân” tựa như “những bước sóng” đến gõ cửa tâm hồn người đọc. Để tạo ra ……….. , ……… cũng phải trải qua một quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc như vậy.

Hoặc dẫn lí luận: “Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu”. Để làm ra được một tác phẩm cho đời, nhà văn phải như “con ong chăm chỉ một giọt mật cho đời từ vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên). Gian khổ, khó nhọc, có khi cả những trăn trở của cảm xúc người nghệ sĩ mới có thể làm ra một tác phẩm cho cuộc đời. Và, tôi tin …… – đứa con tinh thần của … cũng được hình thành từ quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc như vậy.

Sau đó khái quát về:

+ Khái quát về tác giả, tác phẩm,

+ Hoàn cảnh sáng tác

+ Nhan đề truyện ngắn để người đọc có cái nhìn về tổng thể, tạo tiền đề dẫn dắt sang luận điểm phân tích

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn “Bố mẹ li hôn rồi” (Ta có thể khai thác nhan đề tác phẩm -Nếu biết thì ghi vào, tránh không hiểu rõ dễ bị sai)

Đoạn văn mẫu:

“Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu”. Để làm ra được một tác phẩm cho đời, nhà văn phải như “con ong chăm chỉ một giọt mật cho đời từ vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên). Gian khổ, khó nhọc, có khi cả những trăn trở của cảm xúc người nghệ sĩ mới có thể làm ra một tác phẩm cho cuộc đời. Và, tôi tin truyện ngắn “Bố mẹ ly hôn rồi” – đứa con tinh thần của tác giả Thu La cũng được hình thành từ quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc như vậy. Trong dòng đời vội vã lướt qua, đâu đó ta bỗng bắt gặp một ánh mắt bơ vơ, mệt mỏi, hoảng loạn của đứa trẻ vật mình cùng cuốc sống đầy khó khăn, nhọc nhằn. Xem một thước phim chỉ vài hình ảnh vô tình đọng lại ta sẽ mã ám ảnh bởi hơi thở khẽ khàng như sợ hãi mà bao trái tim non nớt thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ đọng lại. Có lẽ, niềm vui nhanh chóng quên nhanh nhưng nỗi buồn thì còn đọng lại mãi mãi, khiến ta thổn thức trước bất hạnh mà cuộc sống chẳng mỉm cười với rất nhiều con trẻ trên thế gian này, để rồi từ đó khi khẽ chạm vào cánh cửa tràn đầy khắc khoải của cuốc chia li giữa bố và mẹ, cất lên ngay trong nhan truyện ngắn tiếng “Bố và mẹ li hôn rồi” như thông báo về cuộc hôn nhân thất bại, một sự chấp nhận, một tiếng thở dài đã “rồi” của đứa trẻ sao khiến mắt ta rưng rưng, lòng bòng quặn thắt nghẹn ngào khi bầu trời vẫn xanh mà trong mắt nhân vật con như đã đổ xuống vụn vỡ.

Luận điểm 2,3,4…: Phân tích, làm sáng tỏ giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

Phân tích nội dung chính, phân tích từng hình ảnh, chi tiết trong trong truyện ngắn từ (Nên phân tích từng câu, từng hình ảnh một theo thứ tự xuất hiện theo bố cục để không bị xót ý, bám sát chi tiết để diễn giải, đánh giá).

Phân tích theo trình tự bố cục truyện (Mở đầu-diễn biến-kết thúc)

Phần diễn biến: (Khó nhất được coi là linh hồn của bài văn): Ta cần bám sát vào nhân vật chính, trung tâm (hình dáng, hành động, mối quan hệ với các nhân vật khác, tâm trạng…), mỗi ý cần có dẫn chứng, đánh giá, nhận xét.

Khi phân tích có thể so sánh liên hệ với các tác phẩm cùng nội dung hoặc khác nội dung để nhấn mạnh truyện ngắn mình phân tích.

Lưu ý: phân tích truyện khác với phân tích thơ, nên khi phân tích truyện sẽ ít nghệ thuật hơn, chủ yếu phân tích nội dung, trong quá trình viết thấy phần nào có nghệ thuật thì các em viết vào nhé)

Sau đó kết luận:

Dẫn dắt/tổng kết vấn đề (Hoa): Ai đó đã từng nói rằng: Hoa phong lữ ở lại giữa cuộc đời nhờ hương thơm của nó cuộc đời nhờ hương thơm của nó; chim sơn tước ở lại giữa cuộc đời nhờ tiếng hót vút cao của nó giữa dàn đồng ca của núi rừng. Cũng như vậy, một tác phẩm muốn neo đậu thật lâu trong tâm trí người đọc thì phải mang trong nó một sứ mệnh riêng. Và sứ mệnh của….. là đánh thức …….

Dẫn dắt/tổng kết vấn đề (Cá):Trong truyền thuyết, nếu cá chép muốn hoá rồng thì phải rút đi toàn bộ lớp vảy cá và vây cá trên người mình mới có thể thành kim long vút bay lên trời cao. Người Ai Cập tin rằng có môt loài chim nọ cũngphải tự đốt cháy mình, trải qua cơn đau thiêu đốt của ngọn lửa mới có thể hoá thành phượng hoàng cao quý làmtổ trên cây ngô đồng trước hoàng thành uy nghi bằng những nhành quế thơm. Tôi luôn tin, câu chữ của …. trong….. sẽ thành những điều sâu thẳm mà người đọc nào cũng khắc cốt ghi tâm.

Dẫn dắt/tổng kết vấn đề(đá): Hẳn rằng chúng ta đều biết một tảng đá chắn ngang dòng sông có thể làm thay đổi dòng chảy của sông suối. Một cơn gió tưởng như vô hình lại có thể làm bật gốc cổ thụ trăm năm. Cũng như vậy, một tác phẩm văn học dù chỉ là những câu chữ trên một trang giấy mỏng manh cũng có thể làm thay đổi tâm hồn của người đọc (gieo vào lòng ta những tình cảm chưa có, và nuôi dưỡng những tình cảm đẹp mà ta sẵn có). Tin rằng….. của …. cũng thắp lên trong chúng ta…….

Ví dụ: Hẳn rằng chúng ta đều biết một tảng đá chắn ngang dòng sông có thể làm thay đổi dòng chảy của sông suối. Một cơn gió tưởng như vô hình lại có thể làm bật gốc cổ thụ trăm năm. Cũng như vậy, một tác phẩm văn học dù chỉ là những câu chữ trên một trang giấy mỏng manh cũng có thể làm thay đổi tâm hồn của người đọc (gieo vào lòng ta những tình cảm chưa có, và nuôi dưỡng những tình cảm đẹp mà ta sẵn có). Tin rằng tác phẩm “bố mẹ ly hôn rồi” của tác giả Thu La cũng thắp lên trong trong tâm trí của mỗi chúng ta những điều hạnh phúc mà ta đang sở hữu, là có bố mẹ ở bên gia đình luôn hoà thuận, là niềm vui nhỏ kiến thiết cuộc đời hạnh phúc của mỗi người, là nhịp đập của trái tim chung dòng máu đỏ, là sự trân trọng trong những phút giây quây quần bên nhau.

⇒ câu dẫn này chúng ta có thể dùng để dẫn dắt trước khi phân tích vấn đề nghị luận hoặc để chốt tổng lại VĐNL sau khi phân tích xong (1 bài văn ta dùng tối đa 3 đoạn lý luận bình sẵn thì sẽ rất hay, bài văn được dài ra, được cộng 0,5đ sáng tạo, các em không nên lạm dụng để chứng tỏ khả năng của bản thân điều đó sẽ làm bài viết của các em bị ngợp). Các em linh hoạt lúc để lý luận ở đầu đòạn, lúc cuối đoạn để không bị thành mô tip nha.

Lưu ý: Phân tích nội dung chính, phân tích từng hình ảnh, chi tiết trong trong truyện ngắn từ (Nên phân tích từng câu, từng hình ảnh một theo thứ tự xuất hiện theo bố cục để không bị xót ý, bám sát chi tiết để diễn giải, đánh giá).

ĐOẠN VĂN 1: KHAI THÁC NHAN ĐỀ, TÌNH HUỐNG- ĐOẠN NÀY TÙY ĐỀ MỚI CÓ THỂ VIẾT ĐƯỢC

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn “Bố mẹ li hôn rồi”

Đoạn văn: Mở đầu câu truyện tác giả không dẫn dắt quá dài, chẳng lời cãi vã nảy lửa, tiếng chia chác đớn đau mà chỉ bằng lời kể tựa rất bình thản nhẹ nhàng nhưng đầy day dứt, với niềm tin “Con ở với bố. Bố nói bố sẽ không tìm người về làm mẹ kế của con, vì bố lo con sẽ phải chịu tổn thương”. Có lẽ, khi đọc từng âm vang trong tình huống quen thuộc trong đời sống, ngôn ngữ chủ yếu là độc thoại nội tâm của nhân vật mà nhà văn xây dựng, ta đấy đó đã từng ngưỡng mộ người bố hiện lên trong câu truyện có tình yêu bao la, bất tận sẵn sàng hi sinh vì đứa con chịu nhiều bất hạnh, thiệt thời đã phần nào giúp ta thôi xót xa, làm ánh mắt trẻ thơ kia hi vọng, đặt trọn niềm tin sẽ luôn ấm áp, đủ đầy dù tổ ấm chẳng còn trọn vẹn để vơi bớt nỗi đau chia cắt với lời tiễn biệt mong manh nơi lời nói nghẹn đắng “Con đợi mẹ nhé, đến khi nào mẹ đủ năng lực, mẹ sẽ quay lại dẫn con đi cùng”. Mở đầu câu truyện là kết thúc một hành trình hôn nhân không tươi đẹp, song lại bắt nhịp vào con đường mới của một gia đình không hạnh phúc, mà ở đó chính người đọc cũng bị thu hút bởi sức hấp dẫn của nó, ta không chờ đợi đứa con trưởng thành, chữa lành vết thương lòng ra sao, có lẽ cái độc giả mong ngóng chính là người lớn trong câu truyện thực hiện lời hứa như thế nào, để rồi cứ thế thả mình theo dòng chảy của mạch truyện tới khi khép lại.

 ĐOẠN VĂN 2: PHÂN TÍCH PHẦN MỞ ĐẦU

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn “Bố mẹ li hôn rồi”, ta cần dựa vào bố cục đã chia sau đó bám vào bố cục để phân tích:

Đoạn văn: Có lẽ, niềm vui nhanh chóng quên nhanh nhưng nỗi buồn thì còn đọng lại mãi mãi, khiến ta thổn thức trước bất hạnh mà cuộc sống chẳng mỉm cười với rất nhiều con trẻ trên thế gian này, để rồi từ đó khi khẽ chạm vào cánh cửa tràn đầy khắc khoải của đứa trẻ trong hoàn cảnh gia đình tan vỡcuộc chia li giữa bố và mẹ, cất lên trong truyện ngắn tiếng “Bố và mẹ li hôn rồi” sao mắt ta rưng rưng, lòng bòng quặn thắt nghẹn ngào khi bầu trời vẫn xanh mà trong mắt nhân vật con như đã đổ xuống vụn vỡ. Mở đầu câu truyện tác giả không dẫn dắt quá dài, chẳng lời cãi vã nảy lửa, tiếng chia chác đớn đau mà chỉ bằng lời kể tựa rất bình thản nhẹ nhàng nhưng đầy day dứt, với niềm tin “Con ở với bố. Bố nói bố sẽ không tìm người về làm mẹ kế của con, vì bố lo con sẽ phải chịu tổn thương”. Có lẽ, khi đọc từng âm vang trong tình huống mà nhà văn xây dựng, ta đấy đó đã từng ngưỡng mộ người bố hiện lên trong câu truyện có tình yêu bao la, bất tận sẵn sàng hi sinh vì đứa con chịu nhiều bất hạnh, thiệt thời đã phần nào giúp ta thôi xót xa, làm ánh mắt trẻ thơ kia hi vọng, đặt trọn niềm tin sẽ luôn ấm áp, đủ đầy dù tổ ấm chẳng còn trọn vẹn để vơi bớt nỗi đau chia cắt với lời tiễn biệt mong manh nơi lời nói nghẹn đắng “Con đợi mẹ nhé, đến khi nào mẹ đủ năng lực, mẹ sẽ quay lại dẫn con đi cùng”.

(Màu đỏ: dẫn dắt, Màu vàng: xác định tình huống truyện, hoàn cảnh của nhân vật, màu xanh: nhận xét, đánh giá chi tiết liên quan tới tình huống truyện)

ĐOẠN VĂN 3: TA PHÂN TÍCH PHẦN DIỄN BIẾN

Ví dụ: Khi phân tích bài thơ “Bố mẹ li hôn rời” ta cần xác định rõ hành động, tâm trạng của người mẹ, đánh giá từng chi tiết (có dẫn chứng từ văn bản)

Đoạn văn: Để rồi, như một dòng nước ào át tràn ra, nỗi ấm ức mỗi ngày một lớn mà tâm hồn đứa trẻ giờ đây chẳng còn đủ ngăn chứa, đứa con ghi lại đầy đủ trong trí nhớ của mình từng khoảnh khắc đau nhói chuyến du lịch đầy mong chờ, hớn hở gác lại chỉ còn Bố, dì và em đi du lịch rồi, một mình con ở nhà ăn mì tôm hoặc thức ăn dì chuẩn bị từ trước…”, có lẽ lúc này sự cô đơn lớn nhất của cô gái chuẩn bị thi đại học không phải là lạc lõng giữa dòng đời xa lạ với bao con người không quen. Mà phải chăng nó là sự tổn thương, thu mình lại trong chính ngôi nhà nhỏ bé, ấm áp mà trái tim mình lạnh giá, không người che chở, vỗ về. Bao nhiêu giọt nước mắt rơi, bấy nhiêu uất hận, bao nhiêu niềm tin, bấy nhiêu hụt hẫng, để rồi chỉ còn đó hình bóng con người kia in mình trên nền trời xanh ngát, mà trái tim tràn ngập bóng tối đau thương, dù lớn thổn thức vẫn chẳng vơi bớt thay vào đấy chỉ chồng chất lên mỗi ngày. Từ đó, đọng lại trong tâm tư của bạn đọc là câu hỏi đầy trăn trở sau cuộc cãi vã với đứa em cùng cha khác mẹ của nhân vật người con khiến bao người suy tư phải chăng bố đã thành bố của người khác rồi, vậy bố của con đâu?”

(Màu đỏ: nêu ý về hành động, tâm trạng, màu vàng: Trích dẫn dẫn chứng, màu tím: Dẫn dắt, màu xanh: nhận xét, đánh giá về chi tiết)

ĐOẠN VĂN 4: TA PHÂN TÍCH PHẦN KẾT THÚC

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn “Bố mẹ li hôn rồi” ta thấy kết thúc truyện khá bất ngờ

Đoạn văn: Nhà văn khép lại dòng nhật kí đau thương của đứa trẻ trong sự nức nở tuyệt vọng mà có lẽ người lướn chẳng bao giờ đủ bao dung, vị tha, nhân ái mà thấu hiểu nỗi đau của đứa con. Khi dòng thời gian dần trôi, thấm thoát cuộc li hôn năm nào đã “Bảy năm sau”, người con tưởng vỡ oà hạnh phúc bởi “cuối cùng mẹ cũng đã quay trở về thăm”, để rồi ánh mắt tiếp tục nuôi dưỡng hi vọng cho lời hứa năm nào mẹ đã trao, khiến con nao nao, hớn hở “muốn đi cùng mẹ, rời khỏi đây”, rời khỏi cõi địa ngụ trong tâm hồn suốt thời thơ ấu. Nhưng, vâng vẫn là chữ “nhưng” tắc nghẹn con đường sống ấy cất lên “mẹ không đồng ý” làm con rơi vào hố sâu tuyệt vọng không nơi bấu víu một lần nữa, cay đắng nhận ra “mẹ cũng đã kết hôn cùng một người khác” và “cũng đã sinh một em bé nữa”, đồng thời “cũng trở thành mẹ của người khác mất rồi”, từ “cũng” vang lên xót xa, nghẹn ngào mà đau thương buốt tận tim ta với bao bất lực khôn cùng. Câu truyện cứ thế khép lại, chẳng có điều kì điều kì diệu nào xảy ra như chính hiện thực phũ phàng mà người mãi chìm trong bóng tối của nó là những đứa con có chung số phận với nhân vật, để rồi từ đó ta nhận ra thông điệp thật sâu sắc mà nhà văn hướng tới gieo lịa ở đời: Hãy để mỗi đứa trẻ bình yên sống, bình yên cười và bình yên cảm thấy hạnh phúc ở đời này!

ĐOẠN VĂN 5: TA LIÊN HỆ SO SÁNH VỚI CÁC TÁC PHẨM KHÁC

Ví dụ: Khi phân tích bài thơ “Bố mẹ li hôn rồi”, ta có thể liên hệ với các bài thơ/truyện cùng chủ đề.

Đoạn văn 1: Hụt hẫng, mất mát, tồn thương những có lẽ người con trong câu truyện vẫn tự trấn án mình chấp nhận thực tại chẳng thể thay đổi, ngoan ngoãn sống với gia đình mới, với người vợ của bố mà không phải mẹ của mình, có lẽ sự tổn thương ấy đâu đó khiến ta nhớ lại tâm hồn vụn vỡ của cậu bé Hồng trong “Những ngày thơ ấu” khi cũng phải gánh chịu những bất hạnh từ tuổi ấu thơ của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, của sự tan tác nơi mái ấm chia lìa ba mất, mẹ đi tha hương cầu thực. Cái đau đớn của hai nhân vật dù sống khác thời đại, suy nghĩ và gia cánh đó là trở thành người thừa ngay trong chính nơi có những người thân cuối cùng để dựa dẫm, bấu víu.

Đoạn văn 2:  Từ đó, đọng lại trong tâm tư của bạn đọc là câu hỏi đầy trăn trở sau cuộc cãi vã với đứa em cùng cha khác mẹ của nhân vật người con khiến bao người suy tư “phải chăng bố đã thành bố của người khác rồi, vậy bố của con đâu?”, rồi ta bỗng hướng lòng mình chung cùng nỗi đau năm nào của trẻ thơ trong âm điệu đầy bi ai cùng bao khao khát của tác giả Dương Tuấn :

Còn đâu một mái nhà chung
Có cha có mẹ vui cùng trẻ thơ
Bữa cơm đạm bạc đơn sơ
Mà sao ấm cả giấc mơ tuổi hồng.

Có lẽ, bốn câu thơ đã góp nhặt thêm cho ta cái nhìn thật sâu lắng về đời và nỗi đau trẻ thơ, để từ đó chắp thêm nhịp đập hoà mình cùng tâm hồn người con, mỗi bạn đọc càng thâm thía vai trò của mình trong hành trình nuôi dưỡng trái tim một đứa trẻ hôm nay và mai sau.

Màu đỏ: dẫn dắt, màu đen: liên hệ, so sánh với tác phẩm khác,  màu vàng: trích tác phẩm cùng hoặc khác chủ đề, màu tím: Nhận xét sự khác biêt, giống nhau).

Luận điểm 5: Đánh giá nội dung và nghệ thuật

Truyện ngắn “Bố mẹ ly hôn rồi” của Thu La là một tác phẩm cảm động, giàu giá trị nhân văn, phản ánh chân thực nỗi đau thầm lặng của trẻ thơ khi chứng kiến sự tan vỡ của gia đình. Qua lời kể mộc mạc, ngây thơ của nhân vật chính – một cậu bé còn nhỏ tuổi – tác phẩm gợi lên nỗi buồn, sự trống trải và khát khao được sống trong vòng tay trọn vẹn của cả cha lẫn mẹ. Tác giả không trực tiếp lên án hay phán xét, mà để chính cảm xúc hồn nhiên của trẻ thơ nói lên những tổn thương sâu sắc ấy, từ đó gửi gắm thông điệp sâu xa về trách nhiệm của người lớn trong việc giữ gìn mái ấm và chăm lo đời sống tinh thần cho con cái.

Truyện nổi bật nhờ cách lựa chọn ngôi kể thứ nhất từ góc nhìn trẻ nhỏ, ngôn ngữ giản dị mà giàu sức gợi, cốt truyện không nhiều biến cố nhưng xúc động bởi chiều sâu cảm xúc. Chính sự kết hợp tinh tế giữa nội dung ý nghĩa và hình thức nghệ thuật gần gũi đã khiến truyện để lại dư âm lâu dài trong lòng người đọc.

III. Kết bài:

Kết bài bằng cách liên tưởng từ ý thơ của tác giả khác.

Ví dụ: Viết bài văn cảm nhận về câu truyện “Người đàn bà” của Nguyễn Minh Suy?

Có nhà thơ đã từng viết:

Sách cũ trăm lần xem chẳng chán
Thuộc lòng ngẫm nghĩ một mình hay

Quả thật đúng như vậy, dù cho bụi thời gian đóng dày trên cảo thơm thưở nào, thì ngẫm mấy câu thơ ý vị đầy đủ hương sắc trần gian vẫn khiến lòng ta xao xuyến, đắm say. Thế nên, chắc chắn bài thơ “Người đàn bà” của tác giả Nguyễn Minh Suy với sức sống, trầm tích để lại cho ta hôm nay vẫn sẽ còn mãi mãi sống cùng thời gian và năm tháng muôn đời…

– Kết bài bằng cách vận dụng kiến thức lí luận văn học.

Ví dụ: Phân tích câu truyện “Ma ma đô” của Anlajdie

Hemingway từng nói: “tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều có sự bất tử của riêng nó”, bởi vì đó là sản phẩm bền vững của lao động và trí tuệ con người. Rồi mai này, các tranh tượng có thể tiêu tan, các đền đài có thể sụp đổ, chỉ có những tác phẩm văn học chân chính mới có khả năng vượt qua được quy luật băng hoại của thời gian để tồn tại vĩnh viễn. May thay, trong số các tác phẩm ấy, chúng ta có “hương lúa” đậm đà, ngan ngát của Anlajdie vẫn luôn bền bỉ  “cắm một cây sào sáng tạo” vào mảnh đất màu mỡ của nghệ thuật để đem đén cho ta những thông điệp cao quý về lòng nhân ái, cùng những giá trị cao đẹp còn mãi với thời gian để ta hiểu rằng:

Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như những đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu

– Kết bài bằng cách đối chiếu qua các môn nghệ thuật khác.

Ví dụ: Phân tích câu truyện “Tôi gục ngã trước tình yêu” của tác giả Phạm Văn Sầu

Nếu họa sĩ dùng màu sắc rồi vẽ tranh, nhà điêu khắc cùng đường nét để khai họa, nhạc sĩ mang âm nhạc nói lên nỗi lòng của mình thì nhà văn lại gửi tâm tình ngòi bút mà tạo ra đứa con tinh thần bằng ngôn ngữ – chìa khóa vạn năng để thi nhân mở ra cánh cửa của muôn vàn cảm xúc. Và có lẽ, bài thơ “Tôi gục ngã trước tình yêu” mà Phạm Văn Sầu đã viết, cũng chính là một tuyệt bích nhân gian với muôn vàn cảm xúc cao đẹp của nhà thơ đủ khiến lòng người rộn rã, đắm say và cứ thế mãi neo đậu nơi thế giới này trong trái tim vạn người!

– Kết bài bằng cách khẳng định sức sống của thơ ca.

Ví dụ: Phân tích câu truyện “Chiếc quạt cây” của tác giả “Mã Muốn Bay”

Mỗi áng thơ là một dòng thác chảy nhẹ nhàng, len lỏi vào từng ngách nhỏ trong tim ta ấm nồng những giá trị nhân văn cao đẹp của đời. Nếu đúng như thế, thì “Chiếc quạt cây” của Mã Muốn Bay sẽ mãi là một suối nguồn thiêng liêng, cao lớn được lưu lại mãi mãi trong lòng người đọc bao thế hệ và sống cùng dòng văn học Việt Nam muôn đời mà ta không thể nào quên trong hành trình cuộc đời chính mình hôm nay, mai sau…

V. Phương pháp dẫn dắt trước khi phân tích truyện

Cách 1:

Đoạn dẫn: Một ngày tươi sáng không thể thiếu ánh mặt trời rực rỡ, biển êm đềm nhẹ ru chắc chắn sẽ được những con gió nhẹ ru và chắc hẳn văn chương cũng thế. Tác phẩm văn học chắc chắn phải là bản tình ca bắt nguồn từ cảm xúc của con người trước đời sống được “giãi bày và gửi gắm tâm tư” qua từng con chữ và truyện ngắn “Quà sinh nhât” cũng là một kiệt tác như vậy. Truyện mở đầu vô cùng đơn giản, nhẹ nhành xoay quanh tình huống (Nội dung tình huống+ Đi vào phân tích nội dung …)

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn “Quà sinh nhật”?

Đoạn dẫn: Một ngày tươi sáng không thể thiếu ánh mặt trời rực rỡ, biển êm đềm nhẹ ru chắc chắn sẽ được những con gió nhẹ ru và chắc hẳn văn chương cũng thế. Tác phẩm văn học chắc chắn phải là bản tình ca bắt nguồn từ cảm xúc của con người trước đời sống được “giãi bày và gửi gắm tâm tư” qua từng con chữ và truyện ngắn “Quà sinh nhật” cũng là một kiệt tác như vậy. Truyện mở đầu vô cùng đơn giản, nhẹ nhành xoay quanh tình huống món quà sinh nhật của người con gái muốn trao tặng mẹ. Song, điều độc đáo của tác phẩm được đẩy lên cao trào bắt đầu từ những nét káhc hoạ ngắn gọn trong hoàn cảnh của nhân vật người con khi phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề nuôi con đang “tuổi ăn học” mà lại không có chồng bên cạnh, điều này thật vất vả đối với một người phụ nữ như vậy.

Cách 2.

Đoạn dẫn: Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: điều gì khiến mỗi tác phẩm văn học mang hình hài của một chiếc lá thả mình vào dòng chảy miên viễn của thời gian? Một cốt truyện ly kì hấp dẫn hay một vần thơ rung cảm tận đáy tim? Để rồi một ngày kia, khi tìm đến những dòng văn của Tác giả A tôi chợt hiểu ra cái dáng lá chao mình ấy còn đọng lại + Nội dung cần phân tích, khiến ta phải lặng mình ngẫm về biết bao lẽ đời cao quý mà ta vội đánh rơi trong dòng thời gian vội vã. Mở đầu câu truyện…

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn “Áo tết” của Nguyễn Ngọc Tư?

Đoạn dẫn: Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: điều gì khiến mỗi tác phẩm văn học mang hình hài của một chiếc lá thả mình vào dòng chảy miên viễn của thời gian? Một cốt truyện ly kì hấp dẫn hay một vần thơ rung cảm tận đáy tim? Để rồi một ngày kia, khi tìm đến những dòng văn của Nguyễn Ngọc Tư tôi chợt hiểu ra cái dáng lá chao mình ấy còn đọng lại trong bóng dáng thân thương, nhỏ bé của nhân vật Bích, khiến ta phải lặng mình ngẫm về biết bao lẽ đời cao quý mà ta vội đánh rơi trong dòng thời gian vội vã. Mở đầu câu truyện…

Cách 3:

Đoạn dẫn: Khi bàn về giá trị của nghệ thuật nhà thơ Xuân Diệu đã từng thả hồn mình vào bầu trời ngôn từ mà cất tiếng tha thiết:

Tình tự quá, thiêng liêng êm ái quá
Thơ ở đâu thong thả xuống đường mưa
Những hoa quý tỏa hương vương giả
Mây đa tình, như thi sĩ đời xưa

(Tình mai sau – Xuân Diệu)

Phải chăng, tự bao giờ, người ta luôn bằng lòng với quan niệm: Nghệ sĩ suốt đời trăn trở săn tìm cái đẹp và chỉ đau đáu ước vọng về cái đẹp? Chẳng vậy mà, văn chương luôn bắt nguồn từ một men say, một tia chớp lóe sáng, một mạch nước ngầm âm ỉ khi tâm hồn mỗi con người chịu hạ mình lắng nghe dòng đời trôi chảy với bao ngân vang đẹp đẽ? Thế nên, mỗi tác phẩm phải mở ra được một hình sắc riêng, một cảm xúc riêng về cuộc sống, say mê trong khu vườn chữ nghĩa để ta tự tìm thấy bụi vàng lấp lánh cho viên ngọc trên trang văn thơ của đời mình. Nếu đúng như thế, thì Tác phẩm A có hàng ngàn hạt bụi vàng lung linh khiến chiếu rực rỡ trong tâm hồn ta triết lí sống nhân văn, cao cả. Lật mở từng dòng chữ nhỏ xinh, dung dị mà sâu sắc, thiêng liêng trong tác phẩm ta bắt gặp ngay tình huống truyện độc đáo (nêu tình huống truyện)

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn “Truyện người mẹ”?

Đoạn dẫn:  Khi bàn về giá trị của nghệ thuật nhà thơ Xuân Diệu đã từng thả hồn mình vào bầu trời ngôn từ mà cất tiếng tha thiết:

“Tình tự quá, thiêng liêng êm ái quá
Thơ ở đâu thong thả xuống đường mưa
Những hoa quý tỏa hương vương giả
Mây đa tình, như thi sĩ đời xưa…”

(Tình mai sau – Xuân Diệu)

Phải chăng, tự bao giờ, người ta luôn bằng lòng với quan niệm: Nghệ sĩ suốt đời trăn trở săn tìm cái đẹp và chỉ đau đáu ước vọng về cái đẹp? Chẳng vậy mà, văn chương luôn bắt nguồn từ một men say, một tia chớp lóe sáng, một mạch nước ngầm âm ỉ khi tâm hồn mỗi con người chịu hạ mình lắng nghe dòng đời trôi chảy với bao ngân vang đẹp đẽ? Thế nên, mỗi tác phẩm phải mở ra được một hình sắc riêng, một cảm xúc riêng về cuộc sống, say mê trong khu vườn chữ nghĩa để ta tự tìm thấy bụi vàng lấp lánh cho viên ngọc trên trang văn thơ của đời mình. Nếu đúng như thế, thì “Truyện người mẹ” có hàng ngàn hạt bụi vàng lung linh khiến chiếu rực rỡ trong tâm hồn ta triết lí sống nhân văn, cao cả. Lật mở từng dòng chữ nhỏ xinh, dung dị mà sâu sắc, thiêng liêng trong tác phẩm ta bắt gặp ngay tình huống truyện độc đáo.

Cách 4:

Đoạn dẫn: Một tác phẩm có sức lôi cuốn người đọc đó là hành trình người nghệ sĩ kí thác đời sống bằng tài năng riêng biệt, khiến độc giả chìm trong không gian của nó mà không thể thoát ra, đem đến sự băn khoăn cho số phận của nhân vật, như chính con người ngoài đời thực, để rồi từ đó cũng khóc, cùng cười với nhà văn, với số phận sau con chữ. Và quả thực, hành trình bạn đọc bước vào tác phẩm A cũng đem lại dư âm sâu sắc của một tuyệt phẩm đắt giá như vậy trong lòng người đọc.

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn “Bức tranh bị bôi bẩn”?

Đoạn dẫn: Một tác phẩm có sức lôi cuốn người đọc đó là hành trình người nghệ sĩ kí thác đời sống bằng tài năng riêng biệt, khiến độc giả chìm trong không gian của nó mà không thể thoát ra, đem đến sự băn khoăn cho số phận của nhân vật, như chính con người ngoài đời thực, để rồi từ đó cũng khóc, cùng cười với nhà văn, với số phận sau con chữ. Và quả thực, hành trình bạn đọc bước vào tác phẩm “Bức tranh bị bôi bẩn” cũng đem lại dư âm sâu sắc của một tuyệt phẩm đắt giá như vậy trong lòng người đọc.

VI. Phương pháp bàn luận mở rộng chủ đề nghị luận

– Vận dụng cách so sánh: Hạnh phúc của mỗi con người trong cuộc sống là được cống hiến, vui sướng của mỗi con người là chạm tay vào thành quả ngọt ngào, ước mơ của mỗi con người là được đặt tên mình vào núi non, sống nước, cũng như hành trình nhà văn khe khẽ điểm (hình ảnh, chi tiết) vào trang văn ta mới hiểu được sự đẹp đẽ, vô ngần của cuộc sống được cất lên dung dị biết bao!

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn “Quà tặng mẹ”, khi phân tích hình ảnh bức tranh bát canh cá nấu me chua:

Hạnh phúc của mỗi con người trong cuộc sống là được cống hiến, vui sướng của mỗi con người là chạm tay vào thành quả ngọt ngào, ước mơ của mỗi con người là được đặt tên mình vào núi non, sống nước, cũng như hành trình nhà văn khe khẽ điểm hình ảnh bát cánh cá nấu me chua xuất hiện trong trang văn ta mới hiểu được sự đẹp đẽ, vô ngần của cuộc sống được cất lên dung dị biết bao!

– Vận dụng lí luận: Khi âm nhạc cất lên nốt nhạc khẽ trầm bổng, xao xuyến vương vào hồn ta, khi mặt trời ló rạng ta biết bình minh đã buông mình xuống nhân gian tươi đẹp, chẳng vậy mà khi chạm….. (Hình ảnh, chi tiết) ta biết trái tim đã thổn thức, khắc khoải trước (nội dung) quá đỗi nhẹ nhàng/ngọt ngào/ long lanh đến thế.

Ví dụ: Phân tích bài “Ngân hàng ông Sáu Lục” ta có thể bình giảng và khen từ chi tiết ông Sáu mời nhân vật tôi đến làm cho cửa hàng mình.

Khi âm nhạc cất lên nốt nhạc khẽ trầm bổng, xao xuyến vương vào hồn ta, khi mặt trời ló rạng ta biết bình minh đã buông mình xuống nhân gian tươi đẹp, chẳng vậy mà khi đọc chi tiết đứa trẻ được ngỏ lời từ ông Sáu Lục “Sao? Có muốn ra tiệm của tao làm không?” ta biết trái tim đã thổn thức, khắc khoải trước hình ảnh người chiến sĩ vì mệt quá mà “ngủ” đấy thôi, chứ anh chẳng rời quên tổ quốc mà về với đất mẹ yên bình  quá đỗi nhẹ nhàng đến thế.

 

Ví dụ: Phân tích bài thơ “Truyện người mẹ”, khi phân tích tới hình ảnh đôi mắt mẹ hoá thành viên ngọc trai ta có thể viết:

Sâu xa hơn trong linh hồn của tác phẩm với bà mẹ sẵn sàng đánh đổi đôi mắt quý giá ấy vì sẽ chẳng còn gì quan trọng nếu không có con, bởi chính con mới là ngọn nguồn ánh sáng mà cả cuộc đời mẹ luôn dõi theo. Cái giá phải trả của người phụ nữ trong câu truyện và những người mẹ trên thế gian này thật quá đắt, một đôi mắt hay có khi là mạng sống, ánh sáng cuộc đời hay tuổi trẻ nhọc nhằn, chỉ để mang lại một hi vọng mong manh gặp được con nơi tử thần giăng lối. Vì thế, “viên ngọc” lấp lánh từ đôi mắt mẹ hiện lên mới đẹp làm sao? Đó chẳng phải, là giọt nước mắt của tình yêu thương, hi sinh vô bờ bến dành cho con, là thứ vô giá không gì có thể đánh đổi được trên thế gian này.

– Vận dụng cách khẳng định: Thật xúc động và thiêng liêng biết bao, khi được đắm mình trong hơi thở nghệ thuật, thấu rõ lẽ đời, chiêm nghiệm cuộc sống rồi tự cúi đầu trước sự hi sinh và tấm lòng vĩ đại vượt không gian, thời gian qua (hình ảnh, chi tiết) để sừng sững hiên ngang như một bức tượng đại của  nhân vật A, ở đó người đọc bỗng nhận ra trong thế giới bao la, rộng lớn này có hàng trăm cái đẹp, hàng vạn điều ngọt ngào nhưng đẹp đẽ và ngọt ngào nhất vẫn là ….(nội dung) mãi mãi bên đời ta.

Ví dụ: Phân tích bài “Truyện người mẹ” ta có thể bình giảng và khen từ chi tiết giọt nước mắt của mẹ biến thành giọt ngọc.

Thật xúc động và thiêng liêng biết bao, khi được đắm mình trong hơi thở nghệ thuật, thấu rõ lẽ đời, chiêm nghiệm cuộc sống rồi tự cúi đầu trước sự hi sinh và tấm lòng vĩ đại vượt không gian, thời gian qua hình ảnh giọt nước mắt biến thành giọt ngọc long lanh để sừng sững hiên ngang như một bức tượng đại của nhân vật người mẹ, ở đó người đọc bỗng nhận ra trong thế giới bao la, rộng lớn này có hàng trăm cái đẹp, hàng vạn điều ngọt ngào nhưng đẹp đẽ và ngọt ngào nhất vẫn là tình mẫu tử mãi mãi bên đời ta.

Đề văn tham khảo:

Phân tích truyện “Bố mẹ li hôn rồi”

Dàn bài hướng dẫn:

I. Mở bài:

Trong dòng chảy của văn học hiện đại, những tác phẩm viết về gia đình luôn mang một giá trị nhân văn sâu sắc bởi lẽ đó là nơi lưu giữ những tình cảm thiêng liêng nhất của con người. Truyện ngắn “Bố mẹ ly hôn rồi” của Thu La là một tác phẩm như thế – không ồn ào, không kịch tính, nhưng đủ sức lay động tâm hồn người đọc bằng giọng kể ngây thơ của một đứa trẻ đứng giữa sự tan vỡ của cha mẹ. Qua góc nhìn trong trẻo mà đau đáu ấy, tác giả không chỉ phản ánh hiện thực xã hội về các gia đình ly hôn, mà còn khơi dậy những suy tư sâu sắc về tình yêu thương, trách nhiệm và những tổn thương âm thầm của con trẻ. Bằng nghệ thuật kể chuyện tinh tế và cảm xúc chân thành, Thu La đã để lại một truyện ngắn giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật đáng suy ngẫm.

II. Thân bài:

1. Phân tích ý nghĩa nội dung:

– Tác phẩm phản ánh hiện thực về những đứa trẻ trong gia đình tan vỡ

Tác phẩm kể lại câu chuyện qua lời kể của một cậu bé – đứa con trong một gia đình có cha mẹ vừa ly hôn. Qua ánh nhìn của em, độc giả được tiếp cận một cách trung thực, sinh động với những gì mà một đứa trẻ phải trải qua khi cha mẹ không còn sống chung.

Truyện phản ánh một thực tế đau lòng đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại: sự tan vỡ của các gia đình trẻ và những hậu quả nặng nề mà con cái phải gánh chịu. Dưới góc nhìn trẻ thơ, mọi thứ trở nên bối rối, tổn thương và mất phương hướng.

– Tác phẩm khắc họa nỗi đau âm thầm của con trẻ

Nhân vật chính không hiểu rõ vì sao bố mẹ lại ly hôn. Em chỉ biết rằng mình bị tách khỏi người cha mà em yêu thương, không còn được sống trong vòng tay đủ đầy của một gia đình trọn vẹn. Em cảm thấy cô đơn, hụt hẫng và lạc lõng.

Tác phẩm thể hiện rõ: đứa trẻ không cần một ai thắng trong cuộc ly hôn, điều chúng cần chỉ là một gia đình, tình yêu thương không chia cắt. Tác giả không trách móc người lớn, nhưng bằng lối kể hồn nhiên, đã khiến người lớn phải tự vấn: “Chúng ta có nghĩ đến con mình khi chọn con đường ly hôn không?”

– Câu chuyện gợi lên giá trị của sự yêu thương và trách nhiệm gia đình

“Bố mẹ ly hôn rồi” gửi gắm một thông điệp nhân văn sâu sắc: trẻ con không cần nhiều điều, chỉ cần được yêu thương đúng nghĩa và sống trong vòng tay cha mẹ. Tác phẩm cũng gián tiếp lên tiếng về trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ – không chỉ trong lúc hạnh phúc mà cả khi sóng gió xảy đến, cần đặt lợi ích và cảm xúc của con cái lên hàng đầu.

2. Đặc sắc nghệ thuật

– Lựa chọn ngôi kể thứ nhất qua lời của một đứa trẻ

Tác phẩm gây ấn tượng mạnh bởi được kể bằng ngôi thứ nhất – lời của chính đứa trẻ trong câu chuyện. Đây là thủ pháp nghệ thuật tinh tế, giúp người đọc bước vào thế giới nội tâm của trẻ thơ một cách tự nhiên, gần gũi.

Ngôn ngữ kể chuyện hồn nhiên, ngây thơ, đôi khi vụng về, nhưng chính điều đó lại tạo nên sự chân thực đến ám ảnh. Đó là “giọng nói của con trẻ” – vừa ngô nghê, vừa chứa đầy những nỗi buồn mà trẻ không biết gọi tên.

– Xây dựng nhân vật chân thực, giàu tính biểu cảm

Cậu bé – nhân vật chính – được khắc họa chân thực qua từng suy nghĩ, hành động nhỏ. Dù là một đứa trẻ, em đã thể hiện một đời sống nội tâm phong phú, khát khao yêu thương mãnh liệt, và một nỗi buồn sâu sắc dù không nói thành lời.

Nhân vật bố và mẹ tuy không xuất hiện nhiều nhưng vẫn hiện lên rõ nét qua cách nhìn của con: người bố gần gũi, ấm áp; người mẹ lạnh lùng, xa cách – tất cả phản ánh cảm xúc thực của trẻ thơ khi đứng trước cuộc ly hôn.

– Cốt truyện đơn giản nhưng giàu cảm xúc

Không có tình tiết kịch tính, không có cao trào rõ rệt, truyện đi theo dòng hồi tưởng, suy nghĩ giản dị của cậu bé. Tuy nhiên, chính sự bình dị đó lại khiến truyện trở nên sâu lắng, ám ảnh, khơi gợi cảm xúc một cách âm thầm nhưng mãnh liệt.

– Ngôn ngữ trong sáng, tinh tế

Ngôn ngữ truyện phù hợp với tâm hồn trẻ thơ: giản dị, nhẹ nhàng, không hề lên gân. Tuy nhiên, chính sự mộc mạc đó lại chạm đến trái tim người đọc. Những đoạn miêu tả ngắn gọn nhưng giàu sức gợi – ví dụ như ánh mắt của bố, nụ cười buồn của mẹ, hay chiếc xe đạp của cậu bé – đều có chiều sâu biểu cảm cao.

3. Nhận xét đánh giá về nội dung và nghệ thuật

Truyện ngắn “Bố mẹ ly hôn rồi” của Thu La phản ánh chân thực hiện thực gia đình đổ vỡ, đồng thời gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của người lớn đối với cảm xúc và cuộc sống tinh thần của con cái. Tác phẩm giúp người đọc thấu hiểu rằng, đằng sau một cuộc ly hôn không chỉ là sự chia tay giữa hai người lớn, mà còn là những vết thương vô hình hằn sâu trong lòng trẻ nhỏ – những vết thương đôi khi không bao giờ lành.

Truyện gây ấn tượng bởi lựa chọn ngôi kể thứ nhất từ góc nhìn trẻ thơ, tạo nên giọng văn hồn nhiên nhưng đầy ám ảnh. Ngôn ngữ giản dị, gần gũi mà xúc động; cốt truyện đơn giản nhưng sâu sắc; nhân vật được khắc họa tinh tế thông qua lời kể mộc mạc mà giàu sức biểu cảm. Chính sự kết hợp hài hòa giữa nội dung cảm động và nghệ thuật kể chuyện tinh tế đã giúp tác phẩm để lại dư âm mạnh mẽ trong lòng người đọc.

III. Kết bài:

“Bố mẹ ly hôn rồi” không chỉ là một câu chuyện buồn của một gia đình tan vỡ. Đó là tiếng nói cất lên từ tâm hồn một đứa trẻ, là lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng mà sâu cay gửi đến những người lớn đang đứng trước ngưỡng cửa của chia ly. Với cách thể hiện tinh tế, nội dung nhân văn, và nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, truyện ngắn này không chỉ chạm tới trái tim người đọc mà còn để lại dư âm dài lâu về tình yêu thương, trách nhiệm và sự trọn vẹn của mái ấm gia đình.

Bài tham khảo 1:

Đã từng có người khi nhận ra chất liệu mà nghệ thuật xây dựng đều phải bắt nguồn từ hiện thực nên nhẹ nhàng khẳng định rằng: “Hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học”, phải chăng nhận định ấy đã bày tỏ rõ ràng quan niệm văn chương và sự sống luôn có một mối quan hệ hữu cơ gắn kết, khó có thể tách rời. Ví như con ong cần mẫn tìm mật ngọt cho đời, văn học- bằng chức năng và tác dụng diệu kì của mình, đã tiếp xúc, thu nhặt cái đẹp từ hiện thực mà khám phá, tái hiện và nâng thế giới tâm hồn con người lên một tầm cao mới, để tìm đến những giá trị chân- thiện- mĩ bởi “cuộc đời chính là điểm xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Thế nên, cảm nhận đủ đầy về hơi thở hoà quyện giữa cuộc sống và văn chương ấy tác giả đã đưa bạn đọc đến với tác phẩm “Bố mẹ li hôn rồi” – nỗi đau còn lại của đứa trẻ sau khi gia đình tan vỡ.

Trong dòng đời vội vã lướt qua, đâu đó ta bỗng bắt gặp một ánh mắt bơ vơ, mệt mỏi, hoảng loạn của đứa trẻ vật mình cùng cuốc sống đầy khó khăn, nhọc nhằn. Xem một thước phim chỉ vài hình ảnh vô tình đọng lại ta sẽ mã ám ảnh bởi hơi thở khẽ khàng như sợ hãi mà bao trái tim non nớt thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ đọng lại. Có lẽ, niềm vui nhanh chóng quên nhanh nhưng nỗi buồn thì còn đọng lại mãi mãi, khiến ta thổn thức trước bất hạnh mà cuộc sống chẳng mỉm cười với rất nhiều con trẻ trên thế gian này, để rồi từ đó khi khẽ chạm vào cánh cửa tràn đầy khắc khoải của cuốc chia li giữa bố và mẹ, cất lên trong truyện ngắn tiếng “Bố và mẹ li hôn rồi” sao mắt ta rưng rưng, lòng bòng quặn thắt nghẹn ngào khi bầu trời vẫn xanh mà trong mắt nhân vật con như đã đổ xuống vụn vỡ. Mở đầu câu truyện tác giả không dẫn dắt quá dài, chẳng lời cãi vã nảy lửa, tiếng chia chác đớn đau mà chỉ bằng lời kể tựa rất bình thản nhẹ nhàng nhưng đầy day dứt, với niềm tin “Con ở với bố. Bố nói bố sẽ không tìm người về làm mẹ kế của con, vì bố lo con sẽ phải chịu tổn thương”. Có lẽ, khi đọc từng âm vang trong tình huống mà nhà văn xây dựng, ta đấy đó đã từng ngưỡng mộ người bố hiện lên trong câu truyện có tình yêu bao la, bất tận sẵn sàng hi sinh vì đứa con chịu nhiều bất hạnh, thiệt thời đã phần nào giúp ta thôi xót xa, làm ánh mắt trẻ thơ kia hi vọng, đặt trọn niềm tin sẽ luôn ấm áp, đủ đầy dù tổ ấm chẳng còn trọn vẹn để vơi bớt nỗi đau chia cắt với lời tiễn biệt mong manh nơi lời nói nghẹn đắng “Con đợi mẹ nhé, đến khi nào mẹ đủ năng lực, mẹ sẽ quay lại dẫn con đi cùng”. Mở đầu câu truyện là kết thúc một hành trình hôn nhân không tươi đẹp, song lại bắt nhịp vào con đường mới của một gia đình không hạnh phúc, mà ở đó chính người đọc cũng bị thu hút bởi sức hấp dẫn của nó, ta không chờ đợi đứa con trưởng thành, chữa lành vết thương lòng ra sao, có lẽ cái độc giả mong ngóng chính là người lớn trong câu truyện thực hiện lời hứa như thế nào, để rồi cứ thế thả mình theo dòng chảy mạch truyện tới khi khép lại.

Con chim non trong lần đầu tập bay chẳng may mắn rơi xuống vực thẳm khiến cả đời sợ hãi đâu dám cất cánh, loài cả nhỏ bất chợt thoát khỏi lưới giăng của con người làm phần sống còn loại hoảng loạn, lo âu. Và có lẽ đó cũng là tâm lí của đứa con trong truyện ngắn, vì tan vỡ của bố mẹ, mà cuộc sống còn lại nó chẳng bao giờ bình an, chỉ vì sợ bị bỏ rơi, hoang mang níu lấy sợi dây duy nhất là lời hứa của người lớn, đặc biệt đặt mọi niềm tin vào bờ vai vững trãi nơi bố với hi vọng sẽ được yêu thương, bù đắp. Thế nhưng, câu nói của người cha ấy hôm nào vừa cất lên vội vàng quên nhanh như chính cơn gió thoảng qua dòng chảy thời gian xanh ngát, trời vẫn đỏ rực, may trôi nhẹ nhàng vạn vật chẳng đổi thay, mà giờ bố “yêu rồi”, còn “dẫn con đi gặp dì ấy, dì đối xử rất tốt với con, dì còn đảm bảo sẽ chăm sóc con, quan tâm con, không để con có chút cảm giác tủi thân nào”. Hụt hẫng, mất mát, tồn thương những có lẽ người con trong câu truyện vẫn tự trấn án mình chấp nhận thực tại chẳng thể thay đổi, ngoan ngoãn sống với gia đình mới, với người vợ của bố mà không phải mẹ của mình, có lẽ sự tổn thương ấy đâu đó khiến ta nhớ lại tâm hồn vụn vỡ của cậu bé Hồng trong “Những ngày thơ ấu” khi cũng phải gánh chịu những bất hạnh từ tuổi ấu thơ của một cuộc hôn nhân không hnahj phúc, của sự atn tác nơi mái ấm chia lìa ba mất, mẹ đi tha hương cầu thực. Có lẽ, giờ đây trái tim mong manh ấy chờ đợi, tự đánh cược cuộc sống để chọn nhắm mắt trong sự chăm lo của bàn tay người phụ nữ của bố mà hi vọng sẽ có một gia đình đủ đầy yêu thương như bao mái nhà khác. Lời hứa của bố dần thay đổi, người lướn cũng dần đổi thay, khi “bố và dì sinh một em bé”, niềm vui mới trong gia đình nhỏ, mà con giờ đây như một vật cản, bố chọn dành hết trái tim “bảo con nhường hết đồ chơi cho em bé nhé, rồi sau này bố mua cho con đồ chơi khác. Nhưng sau đó, bố lại quên mất, bố không mua cho con món đồ chơi nào nữa”. Từng dòng chữ hiện lên trước mắt chúng ta tựa như một mũi dao sắc nhọn đâm vào mỗi thớ thịt khiến ta đau đớn, rỉ máu, tức tưởi, để rồi hiểu được sự thất vọng cứu thế theo thời gian, năm tháng lớn dần chen vào tái tim người con, mà bao đêm đứa trẻ ấy khóc thầm, ướt gối lặng lẽ không người thấu hiểu. Để rồi ta ngộ ra rằng phải chăng chính người lớn và sự vô tâm, ích kỉ của mình đã cướp đi hạnh phúc nhỏ bé, nụ cười trong trẻo, ánh mắt tươi trong của một đứa trẻ chỉ vì những câu nói thờ ơ, vội mau quên như người bố trong câu truyện. Không những thế, dần dần đứa con còn cảm nhận được sự chia cắt tình yêu duy nhất mà nó luôn nâng niu, sợ hãi đánh mất trong đời từ hành động thiếu tinh tế ở người lớn mà thầm nghĩ trẻ con sẽ quên nhanh khi “Bố đã phải xếp hàng rất lâu để mua món bánh mà em bé thích ăn”, nhưng khi món con thích vội vàng xua đi bố nói “bố bận lắm, hôm nào rảnh bố mua cho con sau nhé!”. Từng mảnh vỡ vụn vặt của cuộc sống ghép vào nhau, như dòng nhật ghi cản thận ghi chép lại mỗi ngày, tất cả hiện lên gọn ghẽ, đầy đủ từ việc “được mẹ mua kem” nhưng không được khoe cho mình biết, hay cả nhà đi “công viên chơi, một bên bố nắm tay em, một bên bố nắm tay dì, còn con đi ở phía sau”, rồi  “Sinh nhật em, bố xin nghỉ hẳn một ngày để dẫn em đi chơi, còn đi ăn rất nhiều món ăn ngon nữa, thêm cả một đống đồ chơi mới”, nhưng ta không hề thấy đứa con ích kỉ vì so đo với em nhỏ, mà chỉ còn đọng lại ở đó cảm giác dư thừa, tiếch nuối, ấm ức cho một gia đình tươi xinh mà mình xứng đáng được có. Để rồi, như một dòng nước ào át tràn ra, nỗi ấm ức mỗi ngày một lớn mà tâm hồn đứa trẻ giờ đây chẳng còn đủ ngăn chứa, đứa con ghi lại đầy đủ trong trí nhớ của mình từng khoảnh khắc đau nhói chuyến du lịch đầy mong chờ, hớn hở gác lại chỉ còn “Bố, dì và em đi du lịch rồi, một mình con ở nhà ăn mì tôm hoặc thức ăn dì chuẩn bị từ trước…”, có lẽ lúc này sự cô đơn lớn nhất của cô gái chuẩn bị thi đại học không phải là lạc lõng giữa dòng đời xa lạ với bao con người không quen. Mà phải chăng nó là sự tổn thương, thu mình lại trong chính ngôi nhà nhỏ bé, ấm áp mà trái tim mình lạnh giá, không người che chở, vỗ về. Bao nhiêu giọt nước mắt rơi, bấy nhiêu uất hận, bao nhiêu niềm tin, bấy nhiêu hụt hẫng, để rồi chỉ còn đó hình bóng con người kia in mình trên nền trời xanh ngát, mà trái tim tràn ngập bóng tối đau thương, dù lớn thổn thức vẫn chẳng vơi bớt thay vào đấy chỉ chồng chất lên mỗi ngày. Từ đó, đọng lại trong tâm tư của bạn đọc là câu hỏi đầy trăn trở sau cuộc cãi vã với đứa em cùng cha khác mẹ của nhân vật người con khiến bao người suy tư “phải chăng bố đã thành bố của người khác rồi, vậy bố của con đâu?”, rồi ta bỗng hướng lòng mình chung cùng nỗi đau năm nào của trẻ thơ trong âm điệu đầy bi ai cùng bao khao khát của tác giả Dương Tuấn :

Còn đâu một mái nhà chung
Có cha có mẹ vui cùng trẻ thơ
Bữa cơm đạm bạc đơn sơ
Mà sao ấm cả giấc mơ tuổi hồng.

Có lẽ, bốn câu thơ đã góp nhặt thêm cho ta cái nhìn thật sâu lắng về đời và nỗi đau trẻ thơ, để từ đó chắp thêm nhịp đập hoà mình cùng tâm hồn người con, mỗi bạn đọc càng thâm thía vai trò của mình trong hành trình nuôi dưỡng trái tim một đứa trẻ hôm nay và mai sau.

Thạch Lam đã từng trăn trở về đời trên trang văn mà khẳng định “Thiên chức của người nghệ sĩ là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.”, phải chăng nhận xét ấy là cái nhìn sâu sắc khi xem xét đặc trưng nghệ thuật của văn học là lay động đến tận cùng những góc khuất của cuộc sống để tìm hạt ngọc quý ẩn sâu bên trong tâm hồn mỗi con người. Chẳng vậy mà, tác giả của dòng truyện ngắn “Bố và mẹ li hôn rồi” đã khơi ra cho ta đủ đầy tinh tế nơi trái tim hạt ngọc mang tên nỗi đau trẻ thơ thật độc đáo không chỉ ở mở đầu, diễn biến mà bất ngờ đến phút cuối cùng khi ta chạm vào lớp ngôn từ mong manh của kết truyện. Ở đó, nhà văn khép lại dòng nhật kí đau thương của đứa trẻ trong sự nức nở tuyệt vọng mà có lẽ người lướn chẳng bao giờ đủ bao dung, vị tha, nhân ái mà thấu hiểu nỗi đau của đứa con. Khi dòng thời gian dần trôi, thấm thoát cuộc li hôn năm nào đã “Bảy năm sau”, người con tưởng vỡ oà hạnh phúc bởi “cuối cùng mẹ cũng đã quay trở về thăm”, để rồi ánh mắt tiếp tục nuôi dưỡng hi vọng cho lờ hứa năm nào mẹ đã trao, khiến con nao nao, hớn hở “muốn đi cùng mẹ, rời khỏi đây”, rời khỏi cõi địa ngụ trong tâm hồn suốt thời thơ ấu. Nhưng, vâng vẫn là chữ “nhưng” tắc nghẹn con đường sống ấy cất lên “mẹ không đồng ý” làm con rơi vào hố sâu tuyệt vọng không nơi bấu víu một lần nữa, cay đắng nhận ra “mẹ cũng đã kết hôn cùng một người khác” và “cũng đã sinh một em bé nữa”, đồng thời “cũng trở thành mẹ của người khác mất rồi”, từ “cũng” vang lên xót xa, nghẹn ngào mà đau thương buốt tận tim ta với bao bất lực khôn cùng. Câu truyện cứ thế khép lại, chẳng có điều kì điều kì diệu nào xảy ra như chính hiện thực phũ phàng mà người mãi chìm trong bóng tối của nó là những đứa con có chung số phận với nhân vật, để rồi từ đó ta nhận ra thông điệp thật sâu sắc mà nhà văn hướng tới gieo lịa ở đời: Hãy để mỗi đứa trẻ bình yên sống, bình yên cười và bình yên cảm thấy hạnh phúc ở đời này!

Văn học thật diệu kì! Nó giúp ta thanh lọc tâm hồn, thắp lên bao yêu thương, khát vọng, chắp thêm đôi cánh trong ta để luôn vững vàng trước những khó khăn của cuộc sống, là người bạn thân thiết trên mọi nẻo đường, nuôi lớn và làm phong phú tâm hồn người đọc với thứ tình cảm giàu tính nhân văn cao cả! Chính vì thế mà văn học không thể đứng riêng lẻ, tách rời mà phải gắn với cuộc đời, phải hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng, đúng như hơi thở nức nở với niềm đồng cảm dành cho đứa con trong câu truyện “Bố và mẹ li hôn rồi”, sẽ mãi mãi là khúc tình ca tràn đầy tình yêu, tấm lòng nhân đạo sâu sắc hướng tới con người muôn đời hôm nay, mai sau…

Bài tham khảo 2:

Truyện ngắn “Bố và mẹ ly hôn rồi” không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về sự tan vỡ của gia đình mà còn là một bức tranh sinh động phản ánh những nỗi đau, mất mát và sự thay đổi trong tâm lý của một đứa trẻ khi phải đối mặt với sự ly hôn của bố mẹ. Qua lăng kính của nhân vật chính, tác giả đã khéo léo truyền tải những cảm xúc sâu sắc, tạo nên một tác phẩm đầy chất nhân văn.

Từ những dòng đầu tiên, người đọc đã cảm nhận được nỗi đau của nhân vật chính – một đứa trẻ phải đối diện với những biến cố lớn trong cuộc đời. Hình ảnh mẹ ôm chặt con và khóc nức nở khi rời xa càng làm nổi bật sự nuối tiếc và bất lực. Câu nói “Mẹ xin lỗi con” lặp đi lặp lại không chỉ thể hiện tình yêu thương mà còn cho thấy sự đau khổ của một người mẹ khi phải rời xa con. Những khoảnh khắc này khiến người đọc cảm nhận được sự khó khăn mà đứa trẻ phải trải qua khi gia đình không còn nguyên vẹn, tạo ra một cảm giác trống rỗng và hoang mang.

Suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật chính rất chân thực và gần gũi. Em cảm nhận được sự cô đơn, tủi thân khi bị bỏ lại với bố trong khi mẹ đã rời xa. Hứa hẹn của bố rằng sẽ không tìm mẹ kế cho con không thể xoa dịu nỗi đau của em khi mà thực tế lại khác xa. Khi bố bắt đầu yêu người khác và giới thiệu dì, cảm giác tủi thân và ghen tị trong lòng em càng trở nên rõ rệt. Nhân vật phải đối mặt với việc chia sẻ tình cảm với em bé mới ra đời, và dần dần cảm thấy mình trở nên vô hình trong chính gia đình của mình.

Khi bố kết hôn với dì, mối quan hệ giữa nhân vật chính và bố dần trở nên xa cách. Hình ảnh bố nắm tay em bé đi chơi, trong khi con phải ở lại nhà ôn thi, tạo ra một sự đối lập rõ rệt. Tình cảm giữa bố và em bé ngày càng trở nên gần gũi, trong khi đó, cảm giác bị bỏ rơi và không được quan tâm khiến nhân vật chính càng thêm tổn thương. Những câu nói như “Bố bận lắm, hôm nào rảnh bố mua cho con sau nhé!” thể hiện sự lãng quên, không còn chăm sóc như trước, khiến em cảm thấy mình không còn quan trọng trong mắt bố.

Nhân vật chính luôn khao khát được yêu thương và chú ý. Em mơ ước được đi du lịch cùng gia đình, nhưng lại phải ở lại một mình, chỉ ăn mì tôm hoặc thức ăn chuẩn bị từ trước. Cảm giác cô đơn khi nhìn thấy hạnh phúc của bố, dì và em bé càng làm nổi bật sự thiếu thốn tình cảm trong tâm hồn em. Qua những chi tiết nhỏ như việc em chuẩn bị quần áo cho chuyến đi biển, ta thấy được khát vọng mãnh liệt về tình cảm gia đình mà em đã không còn nữa.

Cuối cùng, bảy năm sau, khi mẹ trở lại, nhân vật lại một lần nữa phải đối mặt với thực tế phũ phàng: mẹ cũng đã lập gia đình mới và có con. Tình huống này khiến em nhận ra rằng không chỉ có mình em phải chịu tổn thương, mà cả bố và mẹ đều đã tìm cho mình một cuộc sống mới. Cảm giác bị phản bội và mất mát lại một lần nữa hiện về, khiến em cảm thấy hoàn toàn đơn độc trong thế giới của chính mình.

Truyện ngắn “Bố và mẹ ly hôn rồi” là một tác phẩm sâu sắc, không chỉ phản ánh sự tan vỡ của gia đình mà còn thể hiện những cảm xúc phức tạp của trẻ em khi phải đối mặt với ly hôn. Tác phẩm mở ra cho người đọc những suy ngẫm về tình yêu thương, trách nhiệm và sự thay đổi trong mối quan hệ gia đình. Qua đó, nó khơi gợi sự đồng cảm và hiểu biết về những nỗi đau mà nhiều đứa trẻ phải gánh chịu trong hoàn cảnh tương tự. Thực tế, câu chuyện khắc họa rõ nét những khía cạnh tinh tế của tình cảm, tình yêu và sự chia sẻ trong gia đình, từ đó khiến người đọc suy ngẫm về giá trị của sự gắn bó và yêu thương trong cuộc sống.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang