Hướng dẫn cách viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích một đoạn trích hoặc tác phẩm văn học – Tuyển sinh vào lớp 10

HƯỚNG DẪN CÁCH VIẾT ĐOẠN VĂN (KHOẢNG 200 CHỮ) PHÂN TÍCH MỘT ĐOẠN TRÍCH HOẶC MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN

* Dàn bài chi tiết:

I. Mở đoạn: Giới thiệu chung

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm truyện:

+ Tác giả: vài nét tiêu biểu về cuộc đời, phong cách sáng tác.

+ Tác phẩm/trích đoạn: vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp của tác giả, sức ảnh hưởng.

– Nêu ý kiến khái quát về tác phẩm/trích đoạn: tác phẩm/đoạn trích phản ánh vấn đề gì trong cuộc sống?

II. Thân đoạn: Phân tích chi tiết

Luận điểm 1. Phân tích nội dung và ý nghĩa:

– Truyện/đoạn trích kể về việc gì?

– Phân tích các sự kiện, biến cố liên quan đến nhân vật chính (các sự kiện, chi tiết, tình huống tiêu biểu, chi tiết nghệ thuật đặc sắc, hành động, lời thoại, suy nghĩ của nhân vật…) làm nổi bật chủ đề và giá trị tư tưởng.

– Nhận xét khái quát về nhân vật.

– Đánh giá giá trị nhân văn của tác phẩm: thể hiện qua thái độ trân trọng con người, đề cao đạo đức, sự cảm thông với số phận bất hạnh…

Luận điểm 2. Phân tích đặc sắc nghệ thuật:

– Nhận xét về cách đặt nhan đề của truyện, nghệ thuật kể chuyện, cách xây dựng cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện,

– Cách lựa chọn ngôi kể…

– Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật: số phận, tính cách, chiều sâu tâm lý…

– Làm rõ hiệu quả của các yếu tố nghệ thuật trong việc truyền tải nội dung: Nhận xét ngôi kể, giọng điệu, ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm: ngôi thứ mấy, giọng kể trữ tình hay khách quan, từ ngữ mộc mạc hay tinh tế…

– Làm rõ tác dụng của các yếu tố nghệ thuật trong việc truyền tải nội dung, tư tưởng, cảm xúc của tác giả.

– Nhận xét khái quát về giá trị nghệ thuật.

3. Tình cảm, tư tưởng của tác giả:

– Phân tích cách tác giả gửi gắm cảm xúc cá nhân, quan niệm sống, cái nhìn về con người và cuộc đời thông qua tình huống, nhân vật, chi tiết trong truyện.

– Nhận xét thái độ của nhà văn: là sự cảm thông, trân trọng con người, tinh thần nhân đạo sâu sắc, sự đấu tranh vì cái đẹp, cái thiện…

– Làm nổi bật giá trị nhân văn, nhân đạo, góp phần tạo nên chiều sâu tư tưởng của tác phẩm.

III. Kết đoạn: Khẳng định và liên hệ

– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm/đoạn trích: chủ đề tư tưởng sâu sắc, thông điệp nhân văn, nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, nhân vật sinh động…

– Nêu cảm nghĩ, liên hệ bản thân: Chỉ ra những thông điệp, bài học sâu sắc mà tác phẩm gửi gắm: về cách sống, cách nhìn nhận con người, cuộc đời, trách nhiệm cá nhân với bản thân và xã hội.

* Triển khai dàn bài cụ thể.

I. Mở đoạn:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và chủ đề đoạn truyện:  “Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ…” (Nguyễn Văn Siêu). Văn chương đích thực phải chuyên chú vào con người, hướng con người đến những giá trị cao quý. [Tên tác phẩm] của [Tên tác giả] là một truyện ngắn tiêu biểu cho tinh thần ấy.

II. Thân đoạn:

Luận điểm 1: Phân tích nhân vật chính để làm nổi bật chủ đề của truyện.

– Truyện kể về sự việc gì? Nhân vật chính là ai?

(Nhân vật [Tên nhân vật] – người gánh vác toàn bộ tuyến nội dung và tư tưởng của tác phẩm. Thông qua số phận và suy nghĩ của nhân vật, nhà văn thể hiện rõ vấn đề muốn bàn luận).

– Trong truyện, nhân vật được khắc họa qua các yếu tố, sự kiện nào?

  • Hành động: phân tích những hành động của nhân vật.
  • Lời nói và suy nghĩ: phân tích lời thoại (mang tính thể hiện cảm xúc/nhận thức), tâm trạng, dòng độc thoại nội tâm…
  • Trạng thái cảm xúc: phân tích những nét thay đổi tinh tế trong tâm hồn…

– Khẳng định phẩm chất của nhân vật: Những chi tiết ấy giúp người đọc nhận ra nhân vật là một con người [nhân hậu, bất hạnh, mạnh mẽ, kiên cường hoặc giàu lòng hy sinh…], thể hiện vẻ đẹp nhân cách sáng ngời giữa bối cảnh đầy khắc nghiệt.

* Chuyển đoạn: Không chỉ thành công ở khía cạnh nội dung, tác phẩm còn gây ấn tượng sâu sắc bởi những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc mà nhà văn đã vận dụng một cách tài tình…

Luận điểm 2. Phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện

– Ý nghĩa nhan đề: Nhan đề tác phẩm  giữ một vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ là tên gọi của tác phẩm mà còn là chiếc chìa khóa mở ra chiều sâu nội dung và giá trị tư tưởng mà nhà văn muốn truyền tải. (Nêu ý nghĩa nhan đề của truyện)

– Ngôi kể: Việc lựa chọn ngôi kể [thứ nhất/thứ ba toàn tri…] giúp tác phẩm tạo ra độ tin cậy và chiều sâu cảm xúc, mở ra không gian tiếp nhận chân thực cho người đọc.

– Cốt truyện: Cốt truyện được tổ chức chặt chẽ, logic, có điểm mở – phát triển – cao trào – kết thúc, tạo nên sức hấp dẫn lôi cuốn trong từng diễn biến.

– Tình huống truyện: Nhà văn đã khéo léo xây dựng một tình huống truyện giàu kịch tính và giàu sức gợi, từ đó giúp nhân vật bộc lộ rõ nét tính cách và tư tưởng.

– Giọng kể – lời kể: Giọng kể xuyên suốt mang sắc thái [đồng cảm/đa cảm/mộc mạc/đậm chất tự sự…], kết hợp ngôn ngữ giản dị nhưng sâu sắc, dễ khơi gợi cảm xúc nơi người đọc.

→ Nhận xét chung: Nhờ các phương tiện nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, tác phẩm không chỉ truyền đạt thành công nội dung, mà còn chạm đến chiều sâu cảm xúc, giúp người đọc chiêm nghiệm và thức tỉnh.

III. Kết đoạn:

– Khẳng định nội dung và nghệ thuật: Như vậy, dưới ngòi bút tài hoa của (tên tác giả), chủ đề về […] đã được thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc trong tác phẩm…

– Liên hệ bản thân: Gấp lại tác phẩm (tên tác phẩm) của (tên tác giả), (vấn đề nghị luận) giúp em cảm thấy lòng mình như dịu lại, như bừng lên một ánh sáng – ánh sáng của niềm tin, của lòng nhân ái (nêu cảm xúc), sự đồng cảm, sẻ chia và tình người giữa đời thường. Văn chương là thế, sống mãi không chỉ bởi những con chữ mà còn bởi sức mạnh tinh thần bất diệt mà nó trao tặng cho đời.

* Đoạn văn minh họa:

Viết đoạn văn nghị luận khoảng 250 chữ, phân tích nội dung và nghệ thuật tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

Bài làm:

“Chuyện người con gái Nam Xương” là thiên truyện thứ 16 trong 20 truyện của tập “Truyền kì mạn lục”, một kiệt tác văn học của Nguyễn Dữ. Qua câu chuyện về cuộc đời của Vũ Nương – người vợ hiền, mẹ đảm, giàu đức hy sinh nhưng lại chịu oan khuất, tác giả đã ca ngợi, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, đồng thời thể hiện niềm cảm thông sâu sắc của tác giả đối với thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Vũ Nương hiện lên với tất cả phẩm chất cao đẹp: thủy chung, hiếu thảo, hết lòng vì chồng con, vậy mà chỉ vì lời nói ngây thơ của con trẻ, nàng đã bị chồng nghi oan và phải tìm đến cái chết để chứng minh mình trong sạch. Bi kịch ấy không chỉ là nỗi oan cá nhân mà còn là lời tố cáo xã hội phong kiến nam quyền, bất công, tàn bạo chà đạp lên nhân cách, nhân phẩm và thân phận người phụ nữ. Về nghệ thuật, tác phẩm có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố hiện thực và yếu tố truyền kỳ. Yếu tố kỳ ảo không làm mất tính chân thực mà còn góp phần tô đậm nỗi oan và vẻ đẹp của nhân vật. Xây dựng cốt truyện có tính kịch tính, giàu cảm xúc, miêu tả tâm lý tinh tế và ngôn ngữ giàu cảm xúc. Nhà văn đã khắc họa nhân vật sinh động, có chiều sâu tâm lý, giúp người đọc cảm nhận được nội tâm sâu sắc và vẻ đẹp nhân cách của nhân vật. Ngôn ngữ truyện giàu tính tạo hình, thể hiện rõ phong cách văn xuôi trung đại với lời kể linh hoạt, giọng văn vừa trang trọng vừa thấm đẫm cảm xúc, giúp truyền tải hiệu quả nội dung tư tưởng và giá trị nhân văn của tác phẩm. Qua hình tượng nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ không chỉ cảm thương sâu sắc cho số phận người phụ nữ mà còn ngợi ca vẻ đẹp nhân cách của họ, đồng thời gửi gắm ước vọng về công lý và hạnh phúc. Tác phẩm đã để lại trong tôi nhiều tình cảm sâu sắc và những suy ngẫm thấm thía về tình người, về giá trị của sự thấu hiểu và yêu thương trong cuộc sống, giúp tôi biết trân trọng những người phụ nữ quanh mình – những người mẹ, người chị, người vợ luôn âm thầm hi sinh mà ít khi được thấu hiểu đúng mức. Tôi nhận ra rằng, trong bất kỳ mối quan hệ nào, đặc biệt là gia đình, sự tin tưởng và cảm thông là điều vô cùng quan trọng. Đọc xong truyện, tôi không những thấy xót thương cho Vũ Nương mà còn học được bài học về cách sống nhân hậu, biết lắng nghe và thấu cảm với người khác. Tác phẩm như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu xa, giúp tôi biết trân trọng những gì hiện có, sống sâu sắc và tử tế hơn mỗi ngày.

Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học

 Tiêu chíĐạtChưa đạt
Mở đoạn:– Giới thiệu tên tác phẩm, thể loại, tên tác giả.  
– Khái quát những nét đặc sắc của tác phẩm (chủ đề, hình thức nghệ thuật nổi bật)  
Thân bài:

 

– Trình bày luận điểm về nội dung chủ đề tác phẩm.  
– Phân tích lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các một vài khía cạnh nội dung chủ đề.  
– Trình bày luận điểm về những nét đặc sắc nghệ thuật.  
– Phân tích lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm.  
Kết bài:– Khẳng định lại ý kiến về chủ đề, những nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm  
– Nêu suy nghĩ, cảm xúc hoặc bài học rút ra từ tác phẩm  
Diễn đạt:– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ và đặt câu
– Cách mở đoạn lôi cuốn, hấp dẫn
– Cách kết đoạn đặc sắc, ấn tượng.
– Sử dụng hiệu quả các phép liên kết để tạo sự mạch lạc cho bài viết.

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT CÁCH VIẾT MỘT ĐOẠN VĂN KHOẢNG 200 CHỮ PHÂN TÍCH Ý NGHĨA NỘI DUNG VÀ ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT CỦA MỘT ĐOẠN THƠ HOẶC BÀI THƠ.

* Dàn bài chi tiết.

I. Mở đoạn (1–2 câu): Giới thiệu khái quát

– Giới thiệu tác giả và tác phẩm: Nêu vài nét cơ bản về tác giả (thời đại, phong cách sáng tác tiêu biểu) và giới thiệu bài thơ/đoạn thơ cần phân tích (vị trí trong tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác nếu có).

Nêu khái quát nội dung hoặc cảm nhận chung: Tóm lược ngắn gọn nội dung chính hoặc ấn tượng chung về đoạn thơ (thể hiện tình cảm gì, nói về vấn đề gì…).

II. Thân đoạn (khoảng 10–12 câu): Phân tích chi tiết

1. Nêu nội dung chủ đề của đoạn thơ/bài thơ (1–2 câu)

– Trình bày chủ đề trọng tâm hoặc nội dung khái quát mà đoạn thơ/bài thơ thể hiện (ví dụ: tình yêu quê hương, lòng biết ơn, nỗi nhớ, khát vọng sống, tinh thần chiến đấu…).

2. Phân tích ý nghĩa nội dung (5–6 câu)

– Làm rõ ý nghĩa các hình ảnh, chi tiết, ngôn từ tiêu biểu thể hiện cảm xúc, suy tư, thông điệp mà bài thơ muốn truyền tải.

– Phân tích diễn biến cảm xúc hoặc tư tưởng trong đoạn thơ (nếu có sự chuyển biến).

– Chỉ ra cách tác giả thể hiện tình cảm sâu sắc, chân thành như thế nào qua từ ngữ, giọng điệu.

– Nhận xét về chiều sâu tư tưởng: Tác giả đang hướng người đọc đến giá trị nào trong cuộc sống?

3. Phân tích một vài đặc sắc nghệ thuật (4–5 câu)

– Nhận xét về hình ảnh thơ: có giàu tính biểu cảm, gợi hình, gợi cảm không?

– Ngôn ngữ thơ: giản dị hay trau chuốt, bình dị hay trang trọng?

– Biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, điệp từ, nhân hóa, câu hỏi tu từ… được sử dụng như thế nào?

– Thể thơ, nhịp thơ, cách gieo vần, giọng điệu góp phần ra sao vào việc thể hiện nội dung?

– Chỉ ra hiệu quả của các yếu tố nghệ thuật trong việc khắc sâu cảm xúc và làm nổi bật tư tưởng của bài thơ.

4. Nhận xét về tình cảm, tư tưởng của tác giả qua bài thơ (2–3 câu)

– Khẳng định tình cảm chủ đạo mà tác giả thể hiện: yêu thương, biết ơn, tự hào, xúc động, trăn trở, lạc quan…

– Làm rõ tư tưởng, quan niệm sống của tác giả: có nhân văn không, có thể hiện cái nhìn yêu thương và trân trọng con người không?

– Nhận xét về cái tôi trữ tình: gần gũi, sâu sắc, có sự đồng điệu với người đọc không?

– Nêu được bài học, thông điệp nhân văn sâu sắc rút ra từ nội dung của bài thơ.

III. Kết đoạn (1–2 câu): Đánh giá và liên hệ

– Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ/bài thơ: Đoạn thơ/Bài thơ không chỉ giàu giá trị nội dung với những cảm xúc chân thành, sâu lắng, mà còn đặc sắc về nghệ thuật nhờ vào hình ảnh gợi cảm, ngôn ngữ tinh tế và giọng điệu biểu cảm. Chính sự kết hợp hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật đã làm nên sức sống lâu bền cho đoạn thơ trong lòng người đọc.

– Liên hệ cá nhân (nếu phù hợp): Trình bày cảm nhận, bài học hoặc suy ngẫm ngắn gọn mà bản thân rút ra từ việc đọc bài thơ.

* Triển khai dàn bài cụ thể.

I. Mở đoạn:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, xuất xứ đoạn thơ/bài thơ: Đoạn thơ (hoặc bài thơ) [tên tác phẩm] được trích từ bài thơ cùng tên của nhà thơ [tên tác giả], viết về [nội dung chính hoặc chủ đề của bài thơ].

– Nêu cảm nhận khái quát về hình ảnh thơ: Trong đoạn thơ, hình ảnh [tên hình ảnh] hiện lên [rõ nét như thế nào?], để lại ấn tượng sâu sắc về [ý nghĩa chung của hình ảnh].

II. Thân đoạn (chứng minh rõ cảm nhận về hình ảnh thơ)

–  Phân tích từng ý thơ, khổ thơ, câu thơ để làm rõ những nhận xét của mình về hình ảnh đề bài yêu cầu

+ Trong câu thơ thứ nhất, tác giả đã khắc hoạ hình ảnh… (phân tích chi tiết ý thơ/câu thơ cụ thể).

+ Tiếp đến, nhà thơ đã sử dụng các hình ảnh, từ ngữ… để cho thấy rõ hơn… (tiếp tục phân tích ý thơ tiếp theo).

+ Đặc biệt, qua những câu thơ [trích dẫn thơ cụ thể], người đọc nhận thấy rõ hình ảnh… hiện lên thật rõ nét…

– Qua hình ảnh đó, tác giả muốn cho người đọc thấy được điều gì?

→ Qua hình ảnh [tên hình ảnh], nhà thơ muốn cho người đọc thấy được [thông điệp, ý nghĩa sâu sắc nào].

– Qua hình ảnh đó, nhà thơ muốn thể hiện tình cảm, cảm xúc gì?

→ Với hình ảnh [tên hình ảnh], nhà thơ muốn thể hiện tình cảm [lòng yêu nước, tình yêu quê hương, sự biết ơn, sự tiếc thương…] sâu sắc của mình.

III. Kết đoạn (khái quát và nêu cảm xúc)

– Khái quát lại về hình ảnh thơ: Hình ảnh [tên hình ảnh] trong đoạn thơ không chỉ là [ý nghĩa nổi bật, biểu tượng…] mà còn [gợi nhắc, thức tỉnh điều gì…].

– Nêu cảm xúc của bản thân khi cảm nhận về hình ảnh đó: Cảm nhận hình ảnh này, bản thân em cảm thấy [xúc động, tự hào, biết ơn…], bởi vì…

* Bài tập minh họa:

Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của em về hình ảnh “cô gái mở đường” trong đoạn thơ sau:

Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù, hứng lấy những luồng bom…
Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên…

 (Trích “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ)

* Mở đoạn:

+ “Khoảng trời hố bom” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Lâm Thị Mĩ Dạ

+ Trong bài thơ này, hình ảnh “cô gái mở đường” hiện như một biểu tượng đẹp đẽ của lòng yêu nước và sự hy sinh anh dũng. Hình ảnh ấy đã cho thấy tinh thần chiến đấu và cống hiến của người phụ nữ Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.

* Thân đoạn:

+ Cô gái không chỉ là người mở đường, mà còn là người bảo vệ con đường và đồng đội bằng chính mạng sống của mình. Hình ảnh của cô chính là biểu tượng cho lòng yêu nước mãnh liệt và sự hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Đặc biệt, khi cô gái dùng “tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa” để đánh lạc hướng kẻ thù, ta thấy rõ sự hy sinh dũng cảm của cô. Cô gái đã chấp nhận hứng chịu những luồng bom, hi sinh bản thân để bảo vệ đoàn xe ra trận, giúp những người lính kịp thời lên đường. Một chi hành động thôi nhưng cũng đủ thể hiện một tinh thần quên mình vì Tổ quốc, một lòng trung kiên và một tình yêu quê hương sâu sắc.

+ Giờ đây khi “đơn vị tôi hành quân qua đường mòn” hình ảnh cô gái mở đường đã trở thành một nấm mộ “nắng ngời bao sắc đá”. Hình ảnh “Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá” không chỉ gợi lên sự mất mát mà còn tôn vinh sự hy sinh của cô như một biểu tượng bất diệt của tình yêu nước.

+ Em gái mở đường đã nằm mãi tại nơi đây – nơi con đường mòn chi viện cho tiền tuyến. Và em cũng còn sống mãi trong lòng người dân, như tình yêu thương bồi đắp không ngừng.

+ Qua hình ảnh cô gái mở đường trong đoạn thơ, tác giả không chỉ muốn tôn vinh sự hy sinh của những cô gái thanh niên xung phong mà còn nhắc nhở mọi người về giá trị của hòa bình, về những mất mát mà chiến tranh mang lại. Cảm nhận về hình ảnh này, ta không thể không xúc động và biết ơn trước sự hy sinh thầm lặng nhưng cao cả của những người con gái Việt Nam trong lịch sử.

* Kết đoạn:

+ Hình ảnh “cô gái mở đường” trong đoạn thơ không chỉ là một lời nhắc nhở về quá khứ đau thương mà còn là nguồn cảm hứng về lòng yêu nước và tinh thần bất khuất.

+ Cảm nhận về hình ảnh này, tôi không khỏi cảm thấy xúc động và biết ơn đối với những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của tổ quốc.

+ Hình ảnh cô gái mở đường là một tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm và tình yêu đất nước, khiến tôi càng thêm trân trọng và tự hào về quê hương Việt Nam.

Bảng kiểm kĩ năng viết đoạn văn ghi lại cảm nhận về một đoạn thơ, bài thơ

Tiêu chíĐạtChưa đạt
Mở đoạn:– Mở đoạn bằng chữ viết hoa lùi vào đầu dòng  
– Dùng ngôi thứ nhất để trình bày cảm nghĩ về bài thơ  
– Có câu chủ đề nêu tên bài thơ, tên tác giả và cảm nghĩ chung về bài thơ  
Thân đoạn:– Trình bày cảm xúc, suy nghĩ về một hoặc một vài độc đáo của bài thơ.  
– Làm rõ tác dụng của những biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ.  
Kết đoạn:– Khẳng định lại cảm nghĩ và ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân  
– Dùng dấu câu phù hợp để kết thúc đoạn văn  
Diễn đạt:– Sử dụng một vài phép liên kết phù hợp  
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu  

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang