Hướng dẫn cách viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích một đoạn trích hoặc một tác phẩm truyện – Luyện thi tuyển sinh vào lớp 10

huong-dan-cach-viet-doan-van-khoang-200-chu-phan-tich-mot-doan-trich-hoac-mot-truyen-ngan-luyen-thi-tuyen-sinh-vao-lop-10

I. Khái niệm

Đoạn văn phân tích một đoạn trích hoặc một tác phẩm truyện (nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ của nó) thuộc kiểu đoạn nghị luận văn học, trong đó người viết dùng lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm và hiệu quả của nó đối với việc thể hiện nội dung tác phẩm. Hình thức được quy định trong mọt đoạn văn.

II. Yêu cầu đối với kiểu đoạn văn

– Về nội dung: phân tích được nội dung chủ đề, nêu và phân tích được tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật đối với việc thể hiện nội dung.

– Về hình thức: lập luận chặt chẽ, có bằng chứng tin cậy từ tác phẩm, diễn đạt mạch lạc, sử dụng các phương tiện liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận của văn bản.

– Bố cục bài viết cần đảm bảo:

+ Mở bài: giới thiệu về tác phẩm văn học (tên tác phẩm, tác giả), nêu ý kiến khái quát về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

+ Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm và tác dụng của nó đối với việc thể hiện nội dung tác phẩm.

+ Kết bài: khẳng định lại ý kiến về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm; nêu suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm cá nhân hoặc bài học rút ra từ tác phẩm.

III. Hướng dẫn quy trình viết

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

* Trước tiên, hãy trả lời các câu hỏi sau:

– Đề tài bài viết là gì? Lựa chọn đề tài như thế nào để bài viết hấp dẫn, lôi cuốn?

– Mục đích viết đoạn này là gì?

– Người đọc có thể là ai? Họ mong đợi nhận được điều gì từ bài viết của em?

– Trên cơ sở đề tài, mục đích viết, người đọc đã xác định, em sẽ chọn cách viết nào cho phù hợp?

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

* Hãy tìm ý cho bài viết bằng cách trả lời những câu hỏi sau:

– Chủ đề chính của tác phẩm là gì? Chủ đề ấy được thể hiện như thế nào trong tác phẩm (qua nhân vật, hình ảnh, sự việc, cốt truyện,…) và gợi ra thông điệp, suy nghĩ, tình cảm gì ở người đọc?

– Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm thể hiện ở những phương diện nào? Những nét đặc sắc về nghệ thuật biểu hiện như thế nào trong tác phẩm? ( chú ý cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, ngôi kể, sự việc, chi tiết nghệ thuật,…).

* Chọn lọc và sắp xếp các ý vừa tìm được thành dàn ý hoàn chỉnh.

Với kiểu bài phân tích đoạn trích/tác phẩm truyện, có ba cách để triển khai luận điểm như sau:

– Cách 1: nêu luận điểm về nội dung chủ đề, sau đó nêu luận điểm về hình thức nghệ thuật.

– Cách 2: nêu luận điểm về hình thức nghệ thuật, nêu luận điểm về nội dung chủ đề.

– Cách 3: triển khai song song luận điểm về hình thức nghệ thuật và chủ đề (luận điểm 1 về chủ đề và hình thức nghệ thuật → luận điểm 2 về chủ đề và hình thức nghệ thuật → luận điểm… về chủ đề và hình thức nghệ thuật).

* Lưu ý: Khi triển khai lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm, cần tránh sự trùng lặp về ý giữa các luận điểm. Một số bằng chứng có thể dùng để làm sáng tỏ cho nhiều luận điểm, nhưng với mỗi luận điểm, cách triển khai lí lẽ để phân tích, lí giải cần khác nhau.

Bước 3: Viết thành đoạn văn

Từ dàn ý, em viết đoạn văn hoàn chỉnh. Khi viết cần chú ý:

– Kết hợp nêu luận điểm, lí lẽ, bằng chứng.

– Sử dụng các phương tiện liên kết để liên kết luận điểm, lí lẽ, bằng chứng.

– Sử dụng một số cách viết để mở đoạn và kết đoạn hấp dẫn như: trích những nhận xét, phê bình cùng chủ đề với tác phẩm cần phân tích, trích dẫn danh ngôn, nhận định về tác giả, tác phẩm,…

– Trong một số trường hợp, em có thể trao đổi với các ý kiến trái chiều về tác phẩm để làm cho nội dung bài viết thêm phong phú.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

– Đọc lại bài viết của mình và dùng bảng kiểm dưới đây để chỉnh sửa.

Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học:

Ý nghĩa chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật

 Tiêu chíĐạtChưa đạt
Mở đoạn:– Giới thiệu tên tác phẩm, thể loại, tên tác giả.  
– Khái quát những nét đặc sắc của tác phẩm (chủ đề, hình thức nghệ thuật nổi bật)  
Thân bài:

 

– Trình bày luận điểm về nội dung chủ đề tác phẩm.  
– Phân tích lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các một vài khía cạnh nội dung chủ đề.  
– Trình bày luận điểm về những nét đặc sắc nghệ thuật.  
– Phân tích lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm.  
Kết bài:– Khẳng định lại ý kiến về chủ đề, những nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm  
– Nêu suy nghĩ, cảm xúc hoặc bài học rút ra từ tác phẩm  
Diễn đạt:– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ và đặt câu
– Cách mở đoạn lôi cuốn, hấp dẫn
– Cách kết đoạn đặc sắc, ấn tượng.
– Sử dụng hiệu quả các phép liên kết để tạo sự mạch lạc cho bài viết.

– Ghi lại những điều cần lưu ý về cách viết kiểu đoạn văn nghị luận phân tích một đoạn trích hoặc truyện ngắn: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

* Dàn bài chi tiết:

I. Mở đoạn: Giới thiệu chung

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm truyện:

+ Tác giả: vài nét tiêu biểu về cuộc đời, phong cách sáng tác.

+ Tác phẩm/trích đoạn: vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp của tác giả, sức ảnh hưởng.

– Nêu ý kiến khái quát về tác phẩm/trích đoạn: tác phẩm/đoạn trích phản ánh vấn đề gì trong cuộc sống?

II. Thân đoạn: Phân tích chi tiết

Luận điểm 1. Phân tích nội dung và ý nghĩa:

– Truyện/đoạn trích kể về việc gì?

– Phân tích các sự kiện, biến cố liên quan đến nhân vật chính (các sự kiện, chi tiết, tình huống tiêu biểu, chi tiết nghệ thuật đặc sắc, hành động, lời thoại, suy nghĩ của nhân vật…) làm nổi bật chủ đề và giá trị tư tưởng.

– Nhận xét khái quát về nhân vật.

– Đánh giá giá trị nhân văn của tác phẩm: thể hiện qua thái độ trân trọng con người, đề cao đạo đức, sự cảm thông với số phận bất hạnh…

Luận điểm 2. Phân tích đặc sắc nghệ thuật:

– Nhận xét về cách đặt nhan đề của truyện, nghệ thuật kể chuyện, cách xây dựng cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện,

– Cách lựa chọn ngôi kể…

– Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật: số phận, tính cách, chiều sâu tâm lý…

– Làm rõ hiệu quả của các yếu tố nghệ thuật trong việc truyền tải nội dung: Nhận xét ngôi kể, giọng điệu, ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm: ngôi thứ mấy, giọng kể trữ tình hay khách quan, từ ngữ mộc mạc hay tinh tế…

– Làm rõ tác dụng của các yếu tố nghệ thuật trong việc truyền tải nội dung, tư tưởng, cảm xúc của tác giả.

– Nhận xét khái quát về giá trị nghệ thuật.

3. Tình cảm, tư tưởng của tác giả:

– Phân tích cách tác giả gửi gắm cảm xúc cá nhân, quan niệm sống, cái nhìn về con người và cuộc đời thông qua tình huống, nhân vật, chi tiết trong truyện.

– Nhận xét thái độ của nhà văn: là sự cảm thông, trân trọng con người, tinh thần nhân đạo sâu sắc, sự đấu tranh vì cái đẹp, cái thiện…

– Làm nổi bật giá trị nhân văn, nhân đạo, góp phần tạo nên chiều sâu tư tưởng của tác phẩm.

III. Kết đoạn: Khẳng định và liên hệ

– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm/đoạn trích: chủ đề tư tưởng sâu sắc, thông điệp nhân văn, nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, nhân vật sinh động…

– Nêu cảm nghĩ, liên hệ bản thân: Chỉ ra những thông điệp, bài học sâu sắc mà tác phẩm gửi gắm: về cách sống, cách nhìn nhận con người, cuộc đời, trách nhiệm cá nhân với bản thân và xã hội.

»»» Tham khảo: Phân tích truyện ngắn “Người cha” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

* Triển khai dàn bài cụ thể.

I. Mở đoạn:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và chủ đề đoạn truyện:  “Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ…” (Nguyễn Văn Siêu). Văn chương đích thực phải chuyên chú vào con người, hướng con người đến những giá trị cao quý. [Tên tác phẩm] của [Tên tác giả] là một truyện ngắn tiêu biểu cho tinh thần ấy.

II. Thân đoạn:

Luận điểm 1: Phân tích nhân vật chính để làm nổi bật chủ đề của truyện.

– Truyện kể về sự việc gì? Nhân vật chính là ai?

(Nhân vật [Tên nhân vật] – người gánh vác toàn bộ tuyến nội dung và tư tưởng của tác phẩm. Thông qua số phận và suy nghĩ của nhân vật, nhà văn thể hiện rõ vấn đề muốn bàn luận).

– Trong truyện, nhân vật được khắc họa qua các yếu tố, sự kiện nào?

  • Hành động: phân tích những hành động của nhân vật.
  • Lời nói và suy nghĩ: phân tích lời thoại (mang tính thể hiện cảm xúc/nhận thức), tâm trạng, dòng độc thoại nội tâm…
  • Trạng thái cảm xúc: phân tích những nét thay đổi tinh tế trong tâm hồn…

– Khẳng định phẩm chất của nhân vật: Những chi tiết ấy giúp người đọc nhận ra nhân vật là một con người [nhân hậu, bất hạnh, mạnh mẽ, kiên cường hoặc giàu lòng hy sinh…], thể hiện vẻ đẹp nhân cách sáng ngời giữa bối cảnh đầy khắc nghiệt.

* Chuyển đoạn: Không chỉ thành công ở khía cạnh nội dung, tác phẩm còn gây ấn tượng sâu sắc bởi những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc mà nhà văn đã vận dụng một cách tài tình…

Luận điểm 2. Phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện

– Ý nghĩa nhan đề: Nhan đề tác phẩm  giữ một vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ là tên gọi của tác phẩm mà còn là chiếc chìa khóa mở ra chiều sâu nội dung và giá trị tư tưởng mà nhà văn muốn truyền tải. (Nêu ý nghĩa nhan đề của truyện)

– Ngôi kể: Việc lựa chọn ngôi kể [thứ nhất/thứ ba toàn tri…] giúp tác phẩm tạo ra độ tin cậy và chiều sâu cảm xúc, mở ra không gian tiếp nhận chân thực cho người đọc.

– Cốt truyện: Cốt truyện được tổ chức chặt chẽ, logic, có điểm mở – phát triển – cao trào – kết thúc, tạo nên sức hấp dẫn lôi cuốn trong từng diễn biến.

– Tình huống truyện: Nhà văn đã khéo léo xây dựng một tình huống truyện giàu kịch tính và giàu sức gợi, từ đó giúp nhân vật bộc lộ rõ nét tính cách và tư tưởng.

– Giọng kể – lời kể: Giọng kể xuyên suốt mang sắc thái [đồng cảm/đa cảm/mộc mạc/đậm chất tự sự…], kết hợp ngôn ngữ giản dị nhưng sâu sắc, dễ khơi gợi cảm xúc nơi người đọc.

→ Nhận xét chung: Nhờ các phương tiện nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, tác phẩm không chỉ truyền đạt thành công nội dung, mà còn chạm đến chiều sâu cảm xúc, giúp người đọc chiêm nghiệm và thức tỉnh.

III. Kết đoạn:

– Khẳng định nội dung và nghệ thuật: Như vậy, dưới ngòi bút tài hoa của (tên tác giả), chủ đề về […] đã được thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc trong tác phẩm…

– Liên hệ bản thân: Gấp lại tác phẩm (tên tác phẩm) của (tên tác giả), (vấn đề nghị luận) giúp em cảm thấy lòng mình như dịu lại, như bừng lên một ánh sáng – ánh sáng của niềm tin, của lòng nhân ái (nêu cảm xúc), sự đồng cảm, sẻ chia và tình người giữa đời thường. Văn chương là thế, sống mãi không chỉ bởi những con chữ mà còn bởi sức mạnh tinh thần bất diệt mà nó trao tặng cho đời.

* Đoạn văn minh họa

Viết đoạn văn nghị luận khoảng 250 chữ, phân tích nội dung và nghệ thuật tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

Bài làm:

“Chuyện người con gái Nam Xương” là thiên truyện thứ 16 trong 20 truyện của tập “Truyền kì mạn lục”, một kiệt tác văn học của Nguyễn Dữ. Qua câu chuyện về cuộc đời của Vũ Nương – người vợ hiền, mẹ đảm, giàu đức hy sinh nhưng lại chịu oan khuất, tác giả đã ca ngợi, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, đồng thời thể hiện niềm cảm thông sâu sắc của tác giả đối với thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Vũ Nương hiện lên với tất cả phẩm chất cao đẹp: thủy chung, hiếu thảo, hết lòng vì chồng con, vậy mà chỉ vì lời nói ngây thơ của con trẻ, nàng đã bị chồng nghi oan và phải tìm đến cái chết để chứng minh mình trong sạch. Bi kịch ấy không chỉ là nỗi oan cá nhân mà còn là lời tố cáo xã hội phong kiến nam quyền, bất công, tàn bạo chà đạp lên nhân cách, nhân phẩm và thân phận người phụ nữ. Về nghệ thuật, tác phẩm có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố hiện thực và yếu tố truyền kỳ. Yếu tố kỳ ảo không làm mất tính chân thực mà còn góp phần tô đậm nỗi oan và vẻ đẹp của nhân vật. Xây dựng cốt truyện có tính kịch tính, giàu cảm xúc, miêu tả tâm lý tinh tế và ngôn ngữ giàu cảm xúc. Nhà văn đã khắc họa nhân vật sinh động, có chiều sâu tâm lý, giúp người đọc cảm nhận được nội tâm sâu sắc và vẻ đẹp nhân cách của nhân vật. Ngôn ngữ truyện giàu tính tạo hình, thể hiện rõ phong cách văn xuôi trung đại với lời kể linh hoạt, giọng văn vừa trang trọng vừa thấm đẫm cảm xúc, giúp truyền tải hiệu quả nội dung tư tưởng và giá trị nhân văn của tác phẩm. Qua hình tượng nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ không chỉ cảm thương sâu sắc cho số phận người phụ nữ mà còn ngợi ca vẻ đẹp nhân cách của họ, đồng thời gửi gắm ước vọng về công lý và hạnh phúc. Tác phẩm đã để lại trong tôi nhiều tình cảm sâu sắc và những suy ngẫm thấm thía về tình người, về giá trị của sự thấu hiểu và yêu thương trong cuộc sống, giúp tôi biết trân trọng những người phụ nữ quanh mình – những người mẹ, người chị, người vợ luôn âm thầm hi sinh mà ít khi được thấu hiểu đúng mức. Tôi nhận ra rằng, trong bất kỳ mối quan hệ nào, đặc biệt là gia đình, sự tin tưởng và cảm thông là điều vô cùng quan trọng. Đọc xong truyện, tôi không những thấy xót thương cho Vũ Nương mà còn học được bài học về cách sống nhân hậu, biết lắng nghe và thấu cảm với người khác. Tác phẩm như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu xa, giúp tôi biết trân trọng những gì hiện có, sống sâu sắc và tử tế hơn mỗi ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang