Trang-chu - Hướng dẫn các bước viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết

Hướng dẫn các bước viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết

huong-dan-cac-buoc-viet-bai-van-nghi-luan-ve-mot-van-de-can-giai-quyet

I. Yêu cầu chung của dạng bài

Dạng bài nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết là dạng đề thường xuất hiện trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Yêu cầu chính của dạng bài là:

– Học sinh cần trình bày suy nghĩ, nhận định, và thái độ của bản thân về một vấn đề xã hội đang tồn tại hoặc có tính thời sự.

– Đồng thời, học sinh phải phân tích thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và quan trọng nhất là đề xuất những giải pháp thiết thực, hợp lý để khắc phục hoặc cải thiện vấn đề đó.

Ví dụ đề bài thường gặp:

– Hiện tượng học sinh lạm dụng mạng xã hội gây ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe tinh thần. Hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về hiện tượng này và đề xuất giải pháp khắc phục.

– Tình trạng học sinh thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề xã hội. Em hãy nêu suy nghĩ và giải pháp để khắc phục.

II. Dàn bài hướng dẫn:

1. Mở bài:

Giới thiệu một cách ngắn gọn, trực tiếp về vấn đề cần nghị luận.

Có thể sử dụng các cách mở bài linh hoạt như:

+ Dẫn dắt bằng một câu chuyện nhỏ, một hiện tượng xã hội quen thuộc.

+ Trích dẫn một câu nói hay, một nhận định nổi tiếng có liên quan đến vấn đề.

+ Nêu cảm nhận cá nhân về tầm quan trọng của vấn đề.

Ví dụ:

– Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giới trẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội quá mức đang khiến nhiều học sinh sao nhãng học tập, mất cân bằng cuộc sống. Đây là một vấn đề cần được quan tâm và tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

2. Thân bài:

a. Giải thích vấn đề:

– Làm rõ nội dung và bản chất của vấn đề được nêu trong đề bài (Trả lời các câu hỏi như: Vấn đề đó là gì? Biểu hiện cụ thể ra sao? Nó diễn ra trong môi trường nào? Ai là người liên quan trực tiếp?)

Ví dụ:

– Mạng xã hội là một nền tảng trực tuyến cho phép mọi người có thể kết nối với nhau, đồng thời chia sẻ thông tin, hình ảnh, video và bày tỏ cảm xúc một cách nhanh chóng và thuận tiện. Thông qua mạng xã hội, người dùng có thể thiết lập các mối quan hệ, giao tiếp không giới hạn về không gian và thời gian, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cũng như nâng cao khả năng tương tác xã hội trong thời đại số.

b. Phân tích thực trạng:

– Nêu rõ mức độ phổ biến và tính nghiêm trọng của vấn đề (Có thể nêu các con số, thống kê (nếu biết) hoặc dẫn chứng từ thực tế, báo chí, đời sống học đường để làm rõ hơn).

Ví dụ:

– Phần lớn học sinh sử dụng mạng xã hội hàng ngày, nhiều em truy cập từ 2 – 4 giờ mỗi ngày, thậm chí có em dùng đến 6 – 8 giờ.

– Việc sử dụng mạng xã hội không còn chỉ giới hạn ở học sinh thành thị mà còn lan rộng đến học sinh nông thôn, miền núi nhờ vào sự phổ cập của smartphone và internet.

– Không ít học sinh thức khuya, bỏ học, thậm chí trầm cảm vì các ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội.

c. Nguyên nhân:

Trình bày rõ các nguyên nhân dẫn đến vấn đề, chia thành:

+ Nguyên nhân chủ quan: từ chính bản thân học sinh (thiếu ý thức, tò mò, thích thể hiện…)

+ Nguyên nhân khách quan: từ gia đình (thiếu quan tâm), nhà trường (thiếu định hướng), xã hội (công nghệ phát triển nhanh, thiếu kiểm soát…)

Ví dụ:

– Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý lứa tuổi: tò mò, thích thể hiện bản thân, tâm lí dễ bị lôi cuốn. Mặt khác, nhiều phụ huynh quá bận rộn, không kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con. Nhà trường chưa có những buổi hướng dẫn sử dụng mạng xã hội hiệu quả.

d. Hậu quả:

Phân tích những hệ quả tiêu cực của vấn đề đối với:

+ Đối với bản thân học sinh (sức khỏe, tinh thần, kết quả học tập, kỹ năng sống…) → Chủ yếu.

+ Đối với gia đình (mất gắn kết, mâu thuẫn…)

+ Đối với xã hội (suy giảm chất lượng thế hệ trẻ, gia tăng tệ nạn…)

Ví dụ:

– Học sinh sử dụng mạng xã hội quá mức dễ bị lệch lạc nhận thức, sa sút học tập, sống ảo, dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin độc hại, thậm chí có hành vi lệch chuẩn.

e. Đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề:

– Đề xuất những giải pháp thiết thực, rõ ràng và có thể thực hiện.

– Có thể chia giải pháp theo các đối tượng:

+ Bản thân học sinh: tự điều chỉnh thói quen, rèn kỹ năng tự học, tự kiểm soát.

+ Gia đình: quan tâm, định hướng, đồng hành cùng con.

+ Nhà trường: tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống.

+ Xã hội: quản lý, kiểm duyệt nội dung trên mạng, định hướng thông tin tích cực.

Ví dụ:

– Học sinh cần tự lập thời gian biểu hợp lý, nâng cao tinh thần tự học, giới hạn thời gian sử dụng mạng. Gia đình cần tạo môi trường sống lành mạnh, khuyến khích con tham gia hoạt động thể chất. Nhà trường cần lồng ghép các buổi ngoại khóa về kỹ năng sử dụng mạng xã hội hiệu quả.

f. Phản đề (nếu cần):

– Phê phán một số quan điểm phiến diện, sai lệch.

Ví dụ như:

+ Cho rằng mạng xã hội hoàn toàn có hại → nhìn nhận phiến diện.

+ Bỏ mặc hiện tượng, không can thiệp → thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm.

– Khẳng định lại sự cần thiết của việc nhìn nhận đúng và có giải pháp hợp lý.

h. Bài học nhận thức và hành động:

– Rút ra bài học nhận thực và hành động cho bản thân.

3. Kết bài:

– Khẳng định lại ý nghĩa và sự cần thiết phải giải quyết vấn đề.

– Bày tỏ thái độ, mong muốn của bản thân.

– Có thể kết bằng một câu nói giàu cảm xúc, một thông điệp tích cực.

Ví dụ:

– Giải quyết vấn đề học sinh lạm dụng mạng xã hội không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà là của cả cộng đồng. Mỗi học sinh cần tỉnh táo, chủ động xây dựng lối sống lành mạnh để trở thành người học trò có ích và công dân trách nhiệm trong tương lai.

III. Một số lưu ý khi làm bài

– Bám sát yêu cầu đề bài, tránh lạc đề.

– Lập luận chặt chẽ, sử dụng lý lẽ và dẫn chứng rõ ràng.

– Hành văn mạch lạc, giàu cảm xúc nhưng không sa vào kể chuyện lan man.

– Không sử dụng ngôn ngữ khẩu ngữ, cảm tính quá mức.

– Cân đối độ dài từng phần: Thân bài chiếm nhiều dung lượng nhất.

– Suy nghĩ độc lập, sáng tạo trong giải pháp và kết luận.

* Bài tập minh họa:

Đề bài: “Mạng xã hội là con dao hai lưỡi: nếu biết sử dụng đúng cách, nó sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực; nhưng nếu lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích, nó có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm”.

Em hãy viết một bài văn nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ của mình về nhận định trên, đồng thời đề xuất những giải pháp để học sinh sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả và lành mạnh.

I. MỞ BÀI:

– Dẫn dắt vấn đề bằng hiện tượng quen thuộc: mạng xã hội ngày nay xuất hiện khắp nơi – từ điện thoại, máy tính đến trường học và đời sống hằng ngày.

– Giới thiệu câu nói và nêu rõ luận điểm: Mạng xã hội thực sự là “con dao hai lưỡi” – vừa mang lại nhiều lợi ích, vừa tiềm ẩn không ít hiểm họa nếu bị sử dụng sai cách.

– Khẳng định tính thời sự và sự cần thiết phải nhìn nhận đúng, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh.

II. THÂN BÀI:

1. Giải thích nhận định

– “Mạng xã hội”: là nền tảng trực tuyến cho phép con người giao tiếp, chia sẻ thông tin, hình ảnh, cảm xúc…

“Con dao hai lưỡi” là hình ảnh ẩn dụ, cho thấy mạng xã hội vừa có thể mang lại điều tích cực, vừa có thể gây hại nếu dùng không đúng.

Mạng xã hội có tính hai mặt: Tùy vào mục đích và cách sử dụng, mạng xã hội có thể giúp ích hoặc gây hại cho người dùng.

2. Mặt tích cực: Mạng xã hội là công cụ hỗ trợ đắc lực khi sử dụng đúng cách

✔ Trong học tập:

– Dễ dàng tìm kiếm tài liệu, học online, trao đổi kiến thức.

– Kết nối với giáo viên, chuyên gia, bạn học.

✔ Trong phát triển bản thân:

– Cập nhật thông tin, rèn kỹ năng số, học thêm các kỹ năng mềm.

– Tham gia các diễn đàn truyền cảm hứng sống tích cực, định hướng nghề nghiệp.

✔ Trong giao tiếp và xã hội hóa:

– Giúp con người kết nối nhanh chóng, vượt qua khoảng cách địa lý.

– Tạo cơ hội bày tỏ chính kiến, tham gia các chiến dịch cộng đồng, thiện nguyện.

* Dẫn chứng: Nhiều học sinh sử dụng TikTok, YouTube để học tiếng Anh, luyện thuyết trình; nhiều bạn trẻ lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường qua mạng xã hội.

3. Mặt tiêu cực: Mạng xã hội gây ra hệ lụy nếu lạm dụng hoặc dùng sai mục đích

✔ Về sức khỏe và tinh thần:

– Nghiện mạng xã hội → thức khuya, stress, giảm tập trung.

– So sánh bản thân → tự ti, lo âu, trầm cảm.

✔ Về học tập và đạo đức:

– Sao nhãng việc học, giảm sút thành tích.

– Bị ảnh hưởng bởi thông tin giả, văn hóa lệch chuẩn, lừa đảo qua mạng.

✔ Về hành vi xã hội:

– Dễ bị lôi kéo vào hành vi tiêu cực: bắt nạt mạng, nói xấu, chia sẻ nội dung độc hại.

– Mất kiểm soát lời nói, hành vi → ảnh hưởng hình ảnh cá nhân và mối quan hệ.

* Dẫn chứng:

– Không ít học sinh bị lộ thông tin cá nhân, bị dụ dỗ qua mạng.

– Nhiều vụ việc bắt nạt trên mạng gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng.

4. Nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng mạng xã hội sai cách

✔ Từ phía cá nhân học sinh:

– Thiếu ý thức, tò mò, thích thể hiện.

– Thiếu kỹ năng chọn lọc thông tin và quản lý bản thân.

Từ phía gia đình và nhà trường:

– Cha mẹ thiếu quan tâm, kiểm soát.

– Nhà trường chưa có nhiều hoạt động giáo dục về mạng xã hội.

Từ xã hội:

Công nghệ phát triển quá nhanh, thiếu sự kiểm duyệt.

Thông tin xấu độc tràn lan chưa được xử lý kịp thời.

5. Giải pháp giúp học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hiệu quả

Với học sinh:

– Tự đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng.

– Chọn lọc thông tin, không chia sẻ, bình luận thiếu suy nghĩ.

– Học kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân.

Với gia đình:

– Quan tâm, định hướng, lắng nghe con.

– Làm gương trong cách sử dụng công nghệ.

Với nhà trường:

– Tổ chức hoạt động ngoại khóa, chuyên đề kỹ năng số.

– Tích hợp giáo dục về mạng xã hội trong môn học chính khóa.

Với xã hội:

– Cơ quan chức năng cần kiểm soát thông tin sai lệch, xử lý nội dung độc hại.

– Tạo thêm nền tảng mạng an toàn cho học sinh.

→ Khẳng định: Bản thân học sinh cần nhận diện đúng bản chất, không cực đoan, và có trách nhiệm trong việc hướng dẫn, gia đình, nhà trường, xã hội đồng hành cùng học sinh trong thời đại công nghệ.

6. Phản đề

– Phê phán quan điểm sai lầm:

+ Cho rằng mạng xã hội hoàn toàn có hại → cách nhìn nhận phiến diện và tiêu cực.

+ Thờ ơ, vô cảm, để học sinh tự “xoay xở” → Dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.

7. Bài học

– Nhận thức: không thể phủ nhận những lợi ích của mạng xã hội nhưng phải sử dụng đúng cách.

– Hành động: ưu tiên việc học, hạn chế sử dụng mạng xã hội.

III. KẾT BÀI:

– Khẳng định lại bản chất hai mặt của mạng xã hội: lợi hay hại phụ thuộc vào cách con người sử dụng.

– Kêu gọi học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội cùng hành động để xây dựng môi trường mạng văn minh, an toàn.

– Thông điệp tích cực: “Hãy làm chủ công nghệ, đừng để công nghệ chi phối cuộc sống của bạn.” 

»»»Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang