dodcj biểu

LUYỆN ĐỀ THI VÀO 10 (Có đáp án)

ĐỀ THAM KHẢO SỐ 17

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc bài thơ sau:
MÙA HẠ(1)
(Xuân Quỳnh(2))
Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn lên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả
Bước chân người bỗng mở những đường đi
Đó là mùa không thể giấu che
Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng
Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng
Từ những miền cay đắng hóa thành thơ.
Đó là mùa của những ước mơ
Những dục vọng muôn đời không kể xiết
Gió bão hòa, mưa thành sông thành bể
Một thoáng nhìn có thể hóa tình yêu
Đó là mùa của những buổi chiều
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa
Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết
Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.
(Trích “Mùa hạ”, Xuân Quỳnh, Thơ Xuân Quỳnh,
NXB Kim Đồng 2020, tr.122-123)
Chú thích:
(1) “Mùa hạ” là một bài thơ được Xuân Quỳnh sáng tác năm 1986, khi tuổi trẻ đã đi qua. Lúc đó,chị đã là một phụ nữ từng trải và đứng tuổi, nhưng cái rực cháy, cái khát khao của một thời tuổi trẻvẫn rạo rực qua từng câu thơ
(2) Xuân Quỳnh: là nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn giàu trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Bài thơ viết về đề tài gì?
Câu 2. Trong bài thơ, mùa hạ được hiện lên qua những hình ảnh nào?
Câu 3. Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ trong ý thơ sau:
Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
Câu 4. Em hiểu như thế nào về hình ảnh “Bước chân người bỗng mở những đường đi”?
Câu 5. Với Xuân Quỳnh, mùa hạ là mùa của tuổi trẻ với những say mê, khao khát. Mùa hạ cũng là mùa để học sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng. Còn mùa hạ của riêng em như thế nào?
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích tám câu thơ cuối văn bản “Mùa hạ” của Xuân Quỳnh được trích ở phần đọc hiểu.
Câu 2.
Khát khao tuổi trẻ luôn giục giã con người cháy hết mình với những đam mê…

Theo em, tuổi trẻ có nên cháy hết mình với đam mê để đạt thành công hay sự thành công nhờ con đường mà người khác “vạch sẵn”? Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày ý kiến của em.

GỢI Ý:
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Bài thơ viết về đề tài: mùa hạ và tuổi trẻ.
Câu 2. Trong bài thơ, mùa hạ hiện lên qua những hình ảnh:

  • tiếng chim reo
  • trời xanh biếc
  • nắng tràn
  • mật trào lên vị quả
  • vạn vật phơi trần dưới nắng
  • biển xanh thẳm
  • cánh buồm lồng lộng trắng
  • cánh diều giấy nghiêng
  • vòm trời cao vút…
    Câu 3.
  • Câu hỏi tu từ: Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
  • Tác dụng:
  • Câu hỏi tu từ góp phần tăng sự gợi hình gợi cảm.
  • Ý thơ thể hiện sự ngỡ ngàng của một “cái tôi” âu lo trước dòng chảy của tháng năm và mùa hạ…
  • Câu hỏi tu từ thể hiện sự băn khoăn trước những khao khát của tuổi trẻ.
    Câu 4. HS đưa ra ý hiểu cá nhân: “Bước chân người bỗng mở những đường đi”.
  • Mùa hạ mở ra cho con người những chân trời mới ..
  • Một mùa hè thật tuyệt, đong đầy và đẹp đẽ, để lại trong lòng người đọc những cảm xúc khó phai..
    Câu 5. Học sinh đưa ra quan điểm mùa hạ của riêng mình:
  • Mùa hạ gợi nhớ về một tuổi thơ tràn ngập màu sắc, âm thanh, tràn ngập niềm vui..
  • Mùa hạ ấy cũng gắn với biết bao kỉ niệm về tuổi thơ với gia đình, bạn bè,…
  • ………
    II. VIẾT
    Câu 1. Đoạn văn
    a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn phân tích một đoạn thơ: Mở đoạn giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ và nội dung chủ đề, đặc sắc nghệ thuật; thân đoạn làm rõ được nội dung chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ; kết đoạn khái quát, tổng hợp lại.
    b) Xác định đúng yêu cầu phân tích: phân tích nội dung, chủ đề, đặc sắc nghệ thuật và hiệu quả thẩm mĩ của một số yếu tố nghệ thuật trong đoạn thơ.
    c) Phân tích làm rõ được:
    -Nội dung chủ đề: Mùa hạ của những ước mơ tuổi thơ và khát vọng tuổi trẻ.
  • Mùa hạ với những hình ảnh thân thuộc: cánh diều…, những tiếng dế, tiếng cuốc dồn…
  • Những ưu tư, của một người đã đi qua những thăng trầm, vui buồn trong cuộc sống với những khát khao…
    -Đặc sắc nghệ thuật
    +Cách sử dụng từ ngữ hình ảnh thơ giản dị, biểu cảm gây ấn tượng
    +Liệt kê, câu hỏi tu từ…
    d) Chính tả, ngữ pháp
    Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp tiếng Việt
    e) Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về đoạn thơ, có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ.
    Câu 2.
    a) Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận xã hội:
    Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề
    b) xác định được vấn đề nghị luận: cháy hết mình với đam mê để thành công hay thành công nhờ con đường mà người khác vạch sẵn
    c) Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
    HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác, lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng đảm bảo các yêu cầu sau.
  • Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề.
    *Triển khai vấn đề nghị luận.
  • Nêu ý hiểu của cá nhân về vấn đề nghị luận (giải thích vấn đề).
  • Thể hiện quan điểm của người viết, có thể lựa chọn một trong 2 cách để trưởng thành..
  • Lựa chọn cháy hết mình với đam mê để trưởng thành: Nuôi dưỡng những niềm đam mê sẽ tạo ra động lực để con người vượt qua những khó khăn, chông gai trong cuộc sống. Nuôi dưỡng đam mê sẽ giúp con người luôn sống có lý tưởng, cuộc sống trở nên có ý nghĩa…
  • Hoặc chờ người khác vạch sẵn: bản thân sẽ nhàn vì có định hướng sẵn, ít gặp khó khăn….
    *Phản biện – đối thoại – Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân
    -Trong hành trình phát triển, mỗi người đều có những đam mê nhất định.
    -Tuy nhiên mỗi người cũng cần xác lập cho mình những đam mê có ý nghĩa, phù hợp, có thể làm được và đạt được giá trị, mục đích để phát triển bản thân…
    -Cần có bản lĩnh và nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử trách trên hành trình trưởng thành để đạt được thành công từ những đam mê của bản thân…
    d) Chính tả, ngữ pháp
    Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp tiếng Việt
    e) Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang