I. ĐỌC – HIỂU (4,0 điểm).
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
ĐÔI GIÀY TẶNG BỐ
Giữa phố xá, đêm đến bật đèn xanh đỏ và người qua lại mua sắm có những tiệm giày. Những đôi giày bày biện trong tiệm cũng thật đẹp và bóng loáng, như thể nó sẽ làm cho đôi chân người mang vào trở nên xinh đẹp hơn.
…Tại sao tôi lại nói chuyện về những đôi giày? Bởi tôi mơ ước mình sẽ có tiền để mua tặng bố tôi một đôi. Hàng ngày, bố tôi phụ mẹ làm bắp rang. Những hạt bắp bé xíu, nở tung ra như những bông tuyết ấy được phân vào từng bao, rồi đem đi phân các chợ là miếng cơm manh áo của gia đình tôi. Nhà có tới ba đứa con, công việc của bố càng vất vả hơn lên. Mờ sáng, bố đã thức dậy, cho bắp vào chiếc máy “bùm”( chiếc máy áp suất làm cho bắp nở bung ra). Tôi sửa soạn đi học thì bố đã chất đầy những xâu bắp phía trước, phía sau xe đạp để đi bỏ mối. Mỗi ngày của bố đều thấm những giọt mồ hôi. Hai bố con tôi rất ít thì giờ để trò chuyện với nhau. Mà có trò chuyện thì mẹ lại hối thúc bố vào làm công việc. Không phải mẹ tôi khó khăn gì đâu, chẳng qua phải tất tả ngược xuôi cùng bố, mẹ tôi phải tính toán cả thời gian và tiền bạc để lo cho gia đình. Bố tôi không quyết định được điều gì về tiền bạc, nhưng tôi biết bố rất thích mua một đôi giày da nâu.
Đó là một buổi trưa, …tôi định ra sau vườn, nơi có cây trứng cá tỏa mát ngồi hóng gió. Ở cạnh gốc cây trứng cá, bố tôi có đặt một chiếc ghế bằng gốc cây do bố cưa ra. Chẳng có công việc khó khăn nào trong nhà lại không qua tay bố, vì có thời gian dài bố từng là lính ở chiến trường Campuchia. Tôi mới vừa tới gần gốc cây thì đã thấy bố và mẹ đã ngồi đó tự bao giờ. Giọng của mẹ lúc nào cũng lớn như là sắp cãi nhau với ai đó:
– Nếu em không biết sắp đặt chi tiêu gia đình thì mình cũng bị hụt trước hụt sau.
– Anh biết mà.
– Vài năm nữa con Ngoan vào đại học, nghe nói đại học tốn kém dữ lắm. Mình phải bỏ tiền vào tiết kiệm ngay từ bây giờ. Còn anh, cả ngày quanh quẩn ở trong nhà, rồi đi bỏ hàng, anh mua giày làm chi?
– Hôm nọ đi đám cưới ở nhà bác Bảy, em có thấy. Ai cũng mang giày không. Trong khi chồng em lại cứ mang đôi dép lẹt xẹt.
– Ai nhìn xuống chân người khác làm gì? Ui dào, có giày hay không có giày thì giàu có thêm được đồng nào?
– Sắp tới mình cũng đi đây đi đó giao tiếp, mà đôi giày có hơn trăm ngàn chứ bao nhiêu?
Mẹ tôi ngắt ngang:
– Thôi để em tính toán đã. Mấy chục năm nay anh không mang giày thì có sao đâu?
Câu chuyện của bố và mẹ tới đó thì kết thúc. Lúc đó tôi mới phát hiện ra là bố tôi không hề có đôi giày nào để mang vào chân. Mỗi người dù lớn hay nhỏ cũng đều có ước mơ có phải không? Ước mơ của bố tôi là một đôi giày. Nhưng dù là ước mơ của bố, bố cũng không thể thực hiện được vì việc buôn bán những hạt bắp nổ, đồng lời không hề dư ra.
Từ hôm đó, tôi lại hay nhìn lén xuống đất, gặp đôi chân của bố. Đôi chân ấy đang mang một đôi dép bình thường. Tôi lại tưởng tượng khi đôi chân của bố mang vào một đôi giày thì ắt hẳn sẽ đẹp và dễ thương biết bao…Tôi lại bỗng thích ngắm những đôi giày trong tủ kính trong tiệm khi đi ngang qua đó.
– Một trăm hai mươi lăm ngàn.
Người chủ tiệm giày cho tôi biết giá tiền của đôi giày. Ông lại tò mò nhìn tôi:
– Cháu mua giày cho anh trai à?
Tôi ấp úng:
– Dạ… dạ… cháu mua tặng bố.
Người chủ tiệm cười mỉm, gật gật đầu ra vẻ hiểu biết:
– À, chắc cháu mua nhân dịp sinh nhật của bố?
Sinh nhật? Điều này tôi không nghĩ ra, thực ra thì từ ngày tôi lớn khôn đến giờ, gia đình tôi chưa hề có lệ ăn sinh nhật hoặc tặng quà sinh nhật…
Mỗi buổi chiều, tôi đã dành ra một giờ để cắt chỉ những bộ quần áo may sẵn cho bác Hai cạnh nhà. Thời gian này bố và mẹ đều bận rộn. Công việc hơn một tháng tôi vẫn chỉ gom được 100 ngàn. Đôi giày định mua cho bố lên tới 125 ngàn.
Thấy tôi cứ cầm nắm tiền trên tay, ngần ngừ, người chủ tiệm nói:
– Không đủ tiền hả? Cháu có bao nhiêu?
– Dạ, một trăm.
– Được, bác cho thiếu 25 ngàn. Vậy chân bố cháu ” sai” bao nhiêu?
Mua giày rắc rối thật. Tôi cứ nghĩ đơn giản là đôi giày nào cũng như đôi giày nào. Rồi tôi phải tả vóc dáng, bàn chân của bố cho ông chủ tiệm để ông chọn cỡ giày cho bố.
… Hôm ấy bố và mẹ về muộn, tôi đợi đến sốt ruột. Bình thường thì tôi đã ngồi ở bàn học của mình, học bài để tối đến khỏi phải mất thời gian. Nhưng hôm nay không cách gì tôi có thể học bài được.
Cuối cùng thì bố và mẹ cũng về một lượt. Tôi ùa chạy ra. Mẹ ngạc nhiên:
– Chà, hôm nay con Ngoan đón bố mẹ à?
Tôi níu tay bố:
– Con có một bí mật. Hôm nay sinh nhật bố.
Bố xoa tóc tôi:
– Sinh nhật bố à, ghê gớm vậy sao?
– Thì bố cứ vào đây. Con có món quà tặng bố.
Bố chưa kịp nói tiếng nào thì tôi đã lấy đôi giày đưa cho bố. Bố cầm trên tay ngạc nhiên:
– Tiền đâu mà con mua?
– Con cắt chỉ phụ bên nhà bác Hai. Bố mang vào đi.
Bố xiết chặt tôi vào lòng, hôn lên mái tóc tôi. Bố nói:
– Cảm ơn con, bố không ngờ sinh nhật bố có tới hai đôi giày. Mẹ cũng vừa tặng bố một đôi.
Lúc ấy tôi mới nhìn thấy đôi giày bố mang trong chân, đôi giày màu nâu. Thì ra mẹ cũng đâu có vô tình.
(Khuê Việt Trường, Mười tám giỏ trái cây, tập truyện, 2000- NXB Kim Đồng)
Câu 1 (0,5 điểm): Văn bản trên thuộc thể loại gì? Văn bản được viết theo trình tự nào?
Câu 2 (0,5 điểm): Nêu đề tài của văn bản trên.
Câu 3 (1,0 điểm): Hãy xác định và nêu tác dụng của phép liên kết trong đoạn văn sau:
“Mỗi người dù lớn hay nhỏ cũng đều có ước mơ có phải không? Ước mơ của bố tôi là một đôi giày. Nhưng dù là ước mơ của bố, bố cũng không thể thực hiện được vì việc buôn bán những hạt bắp nổ, đồng lời không hề dư ra”.
Câu 4 (1,0 điểm): Hãy ghi lại hai chi tiết khắc họa hình ảnh người bố trong đoạn văn in đậm. Qua những chi tiết đó, người bố hiện lên là người như thế nào?
Câu 5 (1,0 điểm): Vì sao kết thúc văn bản khiến người đọc bất ngờ? Qua đó, nhà văn gửi đến chúng ta thông điệp gì?
II. LÀM VĂN (6,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích chủ đề của truyện ngắn trên.
Câu 2 (4,0 điểm): Viết bài văn (khoảng 400 chữ) bàn về giá trị của sự đồng cảm trong cuộc sống.