Đề số 88 (Tuyển sinh 10): Đọc hiểu văn bản: Đánh thức khát vọng (Văn bản nghị luận); Nghị luận: Mục đích tron học tập

de-so-88-doc-hieu-van-ban-danh-thuc-khat-vong-van-ban-nghi-luan-nghi-luan
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

(1) Để trưởng thành, tất cả chúng ta đều phải trải qua hai cuộc đấu tranh: một cuộc đấu tranh bên ngoài và một cuộc đấu tranh ngay trong tâm trí mỗi người. Nhưng cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất chính là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại những thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo…. Những cuộc đấu tranh như thế diễn ra liên tục và thật sự rất gian khó, nhưng lại là điều kiện giúp bạn nhận ra cảnh giới cao nhất của mình.

(2) Hãy luôn cẩn trọng và can đảm. Hãy tiếp thu ý kiến những người xung quanh nhưng đừng để họ chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn. Hãy giải quyết những bất đồng trong khả năng của mình nhưng đừng quên đấu tranh đến cùng để hoàn thành mục tiêu đề ra. Đừng để bóng đen của nỗi lo sợ bao trùm đến cuộc sống của bạn.

(3) Bạn phải hiếu rằng, dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được điều gì đó bổ ích cho mình. Vì vậy, hãy tin tưởng vào con đường mình đang đi và vững vàng trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả.

(4) Với sự hi sinh, lòng kiên trì, quyết tâm nỗ lực không mệt mỏi và tính tự chủ của mình, nhất định bạn sẽ thành công. Bạn chính là người làm chủ số phận của mình…”

(Trích “Đánh thức khát vọng”, nhiều tác giả, First News tổng hợp NXB Hồng Đức, 2017, tr.67,78)

Câu 1: Anh/chị hãy chỉ ra những bằng chứng để làm sáng tỏ lí lẽ về “cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người”? ở đoạn (1) là gì?

Câu 2: Từ những luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, tác giả nhằm khẳng định vấn đề gì?

Câu 3: Xác định và phân tích hiệu quả của biện pháp điệp từ/điệp ngữ trong những câu văn:

“Hãy luôn cẩn trọng và can đảm. Hãy tiếp thu ý kiến những người xung quanh nhưng đừng để họ chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn. Hãy giải quyết những bất đồng trong khả năng của mình nhưng đừng quên đấu tranh đến cùng để hoàn thành mục tiêu đề ra”.

Câu 4: Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được một điều gì đó bổ ích cho mình”.

Câu 5. Từ những chia sẻ trong đoạn trích, anh/chị tâm đắc nhất điều gì? Vì sao?.

II. PHẦN LÀM VĂN (6.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề: “Là học sinh, anh.chị nghĩ làm thế nào để xác định đúng mục tiêu trong học tập và cuộc sống?”

Câu 2. (4.0 điểm). Viết bài văn phân tích truyện ngắn “Bố tôi” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần.

BỐ TÔI

Tôi đi học dưới đồng bằng. Còn bố tôi, từ một vùng núi cao xa xôi, luôn dõi theo tôi.

Cuối mỗi tuần, bao giờ ông cũng mặc chiếc áo phẳng phiu nhất, đi chân đất xuống núi, rẽ vào bưu điện để nhận lá thư tôi gửi. Lặng lẽ vụng về, ông mở lá thư, xem từng con chữ, chạm tay vào nó, ép nó vào khuôn mặt đầy râu. Rồi cũng lặng lẽ như lúc mở ra, ông gấp nó lại, nhét vào bao thư, mỉm cười rồi đi về núi.

Về đến nhà, ông nói với mẹ tôi:“Con vừa gửi thư về.”. Mẹ tôi hỏi:“Thư đâu?”. Ông trao thư cho bà. Bà cẩn thận mở nó ra, khen:“Con mình viết chữ đẹp quá! Chữ thật tròn, những cái móc rất bén. Chỉ tiếc là không biết nó viết gì. Sao ông không nhờ ai đó ở bưu điện đọc giùm?”. Như mọi lần, bố tôi luôn bảo: “Chuyện bố con tôi chẳng lẽ để cho người ta đọc vanh vách lên? Nó là con tôi, nó viết gì tôi biết cả.”. Rồi ông lấy lại lá thư, xếp vào trong tủ cùng những lá thư trước, những lá thư được bóc ra nhìn ngắm, chạm vào mặt rồi cất đi, không thiếu một lá, ngay cả những lá thư đầu tiên nét chữ còn non nớt. […]

Hôm nay là ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường đại học – ngày khai trường đầu tiên không có bố. Bố tôi đã mất. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng bố sẽ đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả cuộc đời.

(Theo Nguyễn Ngọc Thuần in trong “Tuyển tập truyện ngắn hay viết cho thiếu nhi” – Nxb Giáo dục Việt Nam.)


Chú thích: Nguyễn Ngọc Thuần (1972) quê ở Tân Thiện – Hàm Tân, Bình Thuận, là một nhà văn trẻ đầy triển vọng ở thể loại văn xuôi đương đại, là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam.

………Hết…….

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang