Đề số 85 (Tuyển sinh 10): Đọc hiểu văn bản thông tin; Nghị luận văn học: Bàn giao (Vũ Quần Phương); Nghị luận xã hội: giữ bản sắc văn hoá dân tộc

de-so-85-doc-hieu-van-ban-thong-tin-nghi-luan-van-hoc-ban-giao-vu-quan-phuong-nghi-luan-xa-hoi-giu-ban-sac-van-hoa-dan-toc
ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây:

NON NƯỚC HẠ LONG
(Trích)

Đảo đá Hạ Long dưới bàn tay sắp xếp thần kì của tạo hoá không chỉ tạo nên những tác phẩm điêu khắc hoành tráng mà còn tạo nên những công trình kiến trúc tự nhiên, mĩ lệ. Các đảo này hoặc đứng đơn độc giữa luồng lạch (hòn Đũa, hòn Gà Trọi,…) hoặc dựa vào sườn một dãy đá lớn khác (hòn Yên Ngựa, hòn Bướm,…). Có hòn bề thế bốn mặt phẳng lì, bóng nhẵn như những khối gỗ mun (hòn Âm, hòn Đỉnh Hương). Có hòn uốn lượn, càng lên cao càng thon nhỏ, sắc nhọn. Trên đó các loài dây leo, cây dại, các loài cây thân gỗ như chổi, sâm, thông đá… phủ lên một màu xanh mượt. Vào mùa hạ, lớp dây leo, cây dại đua nhau nở hoa muôn màu rực rỡ vàng, đỏ, xanh, tím,…, nổi lên giữa màu xanh bất tận giữa biển trời bao la. Lúc này, Hạ Long vào mùa gió nồm nam. Ngọn gió vô tận thổi từ đại dương vượt qua lớp đảo đá mang vào đất liền cái mát lạnh của biển cả. Những sớm hè, khi vì sao mai còn thắp sáng đỉnh núi Bài Thơ, dọc bờ Bãi Cháy ta đã bắt gặp hàng nghìn du khách ngồi đón gió và ngắm mặt trời đằng đông. Ánh nắng mặt trời trải lên mặt vịnh những dải màu đan xen xanh tím. Bóng các đảo đá in xuống mặt nước lung linh nhiều hình thù xanh đen ngoằn ngoèo kì dị. Ấy cũng là lúc buồm trắng, buồm nâu từ nhiều cửa biển như những chú bướm chập chờn, lách lượn qua rừng đảo ùa vào bến nhộn nhịp. Chiều tà, khi nắng tắt, mặt biển chuyển từ xanh lục sang màu huyết dụ, đảo đá từ màu lam ngả dần sang màu tím. Giữa mùa hè, khi gió đại dương bỗng dưng ngừng thổi và cái nóng oi bức trùm lên bãi bờ, ấy là lúc báo hiệu một trận mưa rào, hay một cơn bão dữ dội đang xuất hiện nơi nào đó trên Thái Bình Dương.

Mùa thu đem đến cho Hạ Long những đêm trăng huyền ảo. Ánh trăng thu vàng dịu chiếu xuống mặt vịnh lung linh. Mặt nước như được dát một lớp thuỷ ngân lóng lánh. Dưới ánh trăng mờ ảo, đảo đá im lìm hiện lên trong cảnh tranh tối tranh sáng. Đảo quen thuộc, giờ bỗng trở nên xa lạ, huyền bí trong đêm trăng thu.

Mùa xuân, khi rừng táo, rừng mơ quanh bờ vịnh nở rộ là lúc Hạ Long mở ra một thế giới thiên nhiên huyền ảo. Buổi sớm xuân, đảo Hạ Long chập chờn trong màn sương bạc mung lung.

Những ngày sương đi giữa Hạ Long ta cảm thấy đảo đá vừa lạ vừa quen, mờ mờ, ảo ảo. Xung quanh ta sương buông trắng xoá. Thuyền đi trong sương ta ngỡ như đi trong mây bồng bềnh. Tiếng sóng vỗ lộp bộp trên mạn thuyền, tiếng gõ thuyền lộc cộc của các bạn chài gần lắm, mà ngỡ là xa vời vợi.

(Mạnh Thường, Theo Almanach – những nền văn minh thế giới, NXB Văn hoá – Thông tin Hà Nội, 1999)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên cung cấp thông tin gì?

Câu 2. Thông tin trong đoạn trích được trình bày ở những phương diện nào? Theo trình tự nào?

Câu 3. Phân tích hiệu quả phép tu từ so sánh trong câu văn sau:

“Ấy cũng là lúc buồm trắng, buồm nâu từ nhiều cửa biên như những chú bướm chập chờn, lách lượn qua rừng đảo ùa vào bến nhộn nhịp”.

Câu 4. Đoạn trích cho thấy tình cảm gì của tác giả đối với Hạ Long?

Câu 5. Giả sử, đọc xong văn bản, em dự định rủ bạn bè đi tham quan Hạ Long, em sẽ chọn thời điểm mùa nào trong năm để đến Hạ Long? Thông tin nào trong văn bản và trong hiểu biết của em giúp em có quyết định đó? Trình bày trong khoảng 5 – 7 dòng.

VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm) Trong một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc.

Câu 2. (4,0 điểm) Viết bài văn phân tích bài thơ dưới đây của Vũ Quần Phương:

BÀN GIAO
(Vũ Quần Phương)

Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu
Bàn giao gió heo may
Bàn giao góc phố
Có mùi ngô nướng bay

Ông sẽ chẳng bàn giao những tháng ngày vất vả
Sương muối đêm bay lạnh mặt người
Đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc
Ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi

Ông bàn giao tháng giêng hương bưởi
Cỏ mùa xuân xanh dưới gót giầy
Bàn giao những mặt người đẫm nắng
Đẫm yêu thương trên Trái đất này

Ông chỉ bàn giao một chút buồn
Ngậm ngùi một chút, chút cô đơn
Câu thơ vững gót làm người ấy(1)
Ông cũng bàn giao cho cháu luôn.

(Theo Vũ Quần Phương(2), Văn nghệ quân đội Xuân Giáp Ngọ 2014, tr.86)


Chú thích:

(1) Câu thơ “Cắn răng mà chịu thiệt, vững gót để làm người.”

(2) Vũ Quần Phương (sinh năm 1940) tên thật là Vũ Ngọc Chúc, quê cha ở Nam Định nhưng ông hầu như sinh sống và gắn bó cả đời với mảnh đất Hà Nội quê mẹ. Ông là một bác sĩ nhưng yêu thích văn chương, ông sáng tác thơ và viết phê bình văn học. Thơ ông giản dị, sâu sắc mà hóm hỉnh, khoa học, suy tưởng mà ăm ắp trữ tình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang