Đề số 79: Đọc hiểu văn bản: “Tiếng ve ran” (Vũ Tú Nam); NLXH: Lối sống vô ơn.

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

TIẾNG VE RAN

(Lược: Sáng sớm chủ nhật, sau trận mưa rào đêm trước, đám trẻ con tụ họp chơi đá cầu trên bãi cỏ vườn hoa. Chúng trông thấy một con ve bay mệt mỏi và bắt được nó thật dễ dàng. Khi cầm nó trên tay, lũ trẻ nhận ra nó không có đuôi…)

Lũ trẻ ồn ào tranh cãi, chẳng đứa nào chịu đứa nào. Tôi cầm con ve trên tay. Đó là một con ve cái, không biết kêu. Cánh nó xơ xác, râu đã xoăn, mệt mỏi đến độ không buồn cựa quậy khi tôi nhấc một bên càng nó. Cái đốt đuôi cuối cùng của con ve đã rụng đâu mất. Bụng nó rỗng không, quanh thành bụng chỉ là một màng da mỏng trong veo.

Thật lạ lùng, mấy ngày sau, lũ trẻ liên tiếp bắt được những con ve như thế, “những con ve cuối mùa” chậm chạp, im lặng bay chuyền rất thấp từ gốc cây này sang gốc cây kia, đến đứa trẻ lên ba cũng có thể chộp được dễ dàng.
Tôi không sao hiểu nổi về loại ve cụt đuôi ấy. Tôi quyết định đi hỏi bác Tư già coi vườn. Bác trông nom vườn hoa này đã hàng chục năm nay, chuyên tỉa cây, xén cỏ, điều gì mà bác chẳng biết.

Thoạt nhìn thấy con ve tôi chìa ra, bác đã chép miệng:

– Tội nghiệp, con ve rạc! Chú đặt xuống cỏ cho kiến nó rước đi… Ve rạc là sắp sang thu đấy!
Rồi bác giảng giải:

– Đây là con ve mẹ, chú hiểu chửa? Sau những ngày hè quần tụ, ve đực chết hết, những con ve cái nặng bụng trứng bay đi tìm chỗ đẻ. Chúng thường chọn những lúc mới tạnh mưa, tìm chỗ đất mềm gần các gốc cây, dùng mũi nhọn ở cuối đuôi đào lỗ, đẻ trứng xuống đó. Mấy ngày liền chúng không ăn không uống, chỉ bay quấn bay quanh lo đẻ trứng. Đẻ hết bụng trứng thì người cũng rạc hết, đốt đuôi rụng theo với lứa trứng cuối cùng. Thế là ve mẹ đã làm xong phận sự. Đến mùa hè sang năm, ve con lột ra hàng đàn, các chú lại tha hồ nghe tiếng ve ngân.

Tôi ngẫm nghĩ mãi về câu chuyện con ve mẹ của bác Tư. Thế ra con ve thầm lặng hi sinh ấy là mẹ của những tiếng ve ran, mẹ của những tiếng ca rạng rỡ suốt cả các mùa hè! Khác nào im lặng là mẹ các âm thanh diệu kì.

Quả là tôi dốt nát và vô tình quá! Tôi đã bắt và chơi đủ thứ ve: ve kim, cồ cộ, ve giọng trầm, ve tí xíu mình đỏ cánh đen, vòi voi, ve cánh lụa đốm hoa… Thế nhưng đây là lần đầu tôi hiểu về con ve rạc.

Vâng, nhất định như thế, chắc chắn là như thế, các bạn cứ lắng nghe mà xem. Những đêm hè thật yên tĩnh, trong lành, tiếng bầy ve đồng thanh cất lên trang nghiêm và xúc động – chúng tưởng nhớ tới mẹ ve đã sinh ra chúng cùng giọng hát đầy tài năng của chúng đấy.

Tháng 12/1976

(Trích “Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Vũ Tú Nam”, tác giả Vũ Tú Nam, NXB Kim Đồng, tr226 – 228)

* Chú thích: Nhà văn Vũ Tú Nam (1929 – 2020) quê tại Vụ Bản, Nam Định. Ông rất thành công trong việc sáng tác cho thiếu nhi với hai đề tài chính là thiên nhiên và con người. Giọng văn của ông trong trẻo, dịu dàng, giàu tình cảm, có khả năng gợi mở trí tưởng tượng của con người và có tính giáo dục cao.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định ngôi kể của người kể chuyện. Căn cứ vào dấu hiệu nào em xác định như thế?

Câu 2 (0,5 điểm). Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh miêu tả con ve rạc trong văn bản.

Câu 3 (1,0 điểm). Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu văn: “Thế ra con ve thầm lặng hi sinh ấy là mẹ của những tiếng ve ran, mẹ của những tiếng ca rạng rỡ suốt cả các mùa hè!”

Câu 4 (1,0 điểm). Em có đồng tình với quan điểm của tác giả: “im lặng là mẹ các âm thanh diệu kì” không? Vì sao?

Câu 5 (1,0 điểm). Theo em, hình ảnh “con ve mẹ” trong văn bản là biểu trưng cho đức tính nào của con người? Trong xã hội hiện đại, đức tính đó còn cần thiết không? Vì sao? (trả lời bằng đoạn văn khoảng 3 – 5 câu)

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm). Em hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích đặc điểm của nhân vật “tôi” trong văn bản “Tiếng ve ran” của tác giả Vũ Tú Nam.

Câu 2 (4,0 điểm). Từ xưa đến nay, “lòng biết ơn” luôn là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại lại xuất hiện không ít bạn trẻ đi ngược với truyền thống đó.

Em hãy viết một bài văn nghị luận về thực trạng trên, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục và xây dựng lối sống biết trân trọng, biết ơn trong xã hội hiện đại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang