I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
(1) Giới trẻ ngày nay thích chạy theo xu hướng thời trang không giống ai và hành động theo những trào lưu đi ngược với truyền thống, họ cho rằng như thế mới “đỉnh”, nhưng thực tế không phải vậy, cùng lắm chỉ có thể nói đó là một chút cá tính mà thôi.
(2) Đối với tôi mà nói, cái gọi là “đỉnh” thật sự là khi bạn phát huy hết tài năng của mình. Giống như nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey thể hiện tài năng đối thoại đáng kinh ngạc của mình; Colin Firth giành giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất lần thứ 83 nhờ tài năng diễn xuất tuyệt vời của ông; Warren Buffett đã phát huy tài năng của mình trong lĩnh vực đầu tư tài chính để trở thành tỉ phú thế giới. Có thể thấy rằng, những nhân vật kiệt xuất trên thế giới đều là những người biết sử dụng tốt tài năng của mình.
(3) Vận dụng tài năng của bản thân trong công việc sẽ khiến chúng ta thuận lợi hơn, chỉ mất một ít thời gian mà lại đạt hiệu quả cao hơn, đây mới thực sự gọi là “đỉnh”.
(4) Không nghi ngờ gì nữa, mỗi chúng ta đều được trời phú cho tài năng ở một lĩnh vực nào đó. Ralph Waldo Emerson đã từng nói: “Con người khi sinh ra đã sở hữu một tài năng nhất định”. Tài năng là chỉ khả năng đặc biệt của một cá nhân có sẵn từ khi còn nhỏ đối với một sự vật hoặc trong một lĩnh vực đặc thù.
(5) Người có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó thường thành công vượt trội hơn so với người khác dù có cùng kinh nghiệm như nhau hoặc thậm chí ngay cả khi họ không có kinh nghiệm. Do vậy, khám phá tài năng của bản thân và phát huy tài năng là rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi người. Tài năng giúp chúng ta tiết kiệm thời gian để tìm đến vinh quang, tránh việc mất công đi đường vòng…
(Trích Khi bạn đang mơ thì người khác đang nỗ lực, Hân Ngọc dịch, NXB Văn học năm 2022, tr. 393 – 394)
Và thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định luận đề của đoạn trích.
Câu 2 (0,75 điểm). Chỉ ra hai ý kiến theo tác giả đó mới gọi là “đỉnh”.
Câu 3 (0,75 điểm). Tìm và nêu đặc điểm của lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích.
Câu 4 (0,75 điểm) Việc dẫn ra dẫn chứng ở đoạn văn (2) có tác dụng gì cho lập luận?
Câu 5 (0,75 điểm). Em có đồng tình với ý kiến Tài năng giúp chúng ta tiết kiệm thời gian để tìm đến vinh quang, tránh việc mất công đi đường vòng hay không? Vì sao?
Câu 6 (0,5 điểm). Theo em, cần phải làm gì để khám phá và phát huy tài năng của bản thân?
II. PHẦN 2: VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần ĐỌC HIỂU và trải nghiệm thực tế, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cách phát triển năng lực tự học ở các bạn học sinh hiện nay.
Câu 2. (4,0 điểm)
Em hãy viết bài văn phân tích dòng cảm xúc của tác giả Bình Nguyên Trang trong bài thơ:
THÁNG TƯ HOÀI NIỆM
Bắt đầu từ con tu hú(1) kêu
Lúa căng sữa và trời đang nhen nắng
Hoa gạo đỏ(3) chỗ nẻo đường đất vắng
Sấm chuyển mùa. Tháng Tư.
Nước trôi hiên như là đang mùa thu
Bà mừng lắm, rét nàng Bân(3) đã hết
Tháng Tư mở đầu, tháng Tư kết thúc
Xuân xuống thuyền sang hạ phía bờ kia.
Ta nhớ tháng Tư vì có một miền quê
Mẹ hoài thai(4) ta giữa mùa hoa rất đỏ
Bạc phếch áo cha những ngày nắng gió
Ta sinh ra lúc lúa trổ đòng đòng(5).
Đã tắm bốn mùa trên một dòng sông
Đã lớn theo con nước ròng nước cạn
Đã trót nhận con bướm vàng làm bạn
Đã viết nốt trầm giai điệu Tháng Tư
Nên trở về không phải khách lãng du
Là máu thịt thứ tình quê không mất
Bà đã đi xa. Tháng Tư giờ tất bật
Cây lúa gù lưng cõng nắng qua mùa.
(In trong tập thơ Bài hát ngày trở về, NXB Văn học năm 2024)
* Chú thích:
Bình Nguyên Trang tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang, sinh năm 1977, quê ở Nam Định; từng công tác tại các báo Tiền phong, Hoa học trò, Công an nhân dân, hiện làm việc tại Báo Nhân dân. Chị đoạt giải Nhất Tác phẩm tuổi xanh Báo Tiền phong (1997); Giải B Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ Những bông hoa đang thiền (2012),… “Thơ Bình Nguyên Trang ý vị, đậm nữ tính, giàu nội tâm, đôi khi man mác nỗi u hoài xa vắng. Chị sống chân thành, viết chân thành, thơ như chính con người chị, tinh khôi mà da diết nỗi người, nỗi đời.” (Dẫn lời nhà thơ Trần Anh Thái)
* Hoài niệm: nhớ về, nghĩ về những gì đã qua.
(1) Tu hú: loài chim lông màu đen (con mái lông đen có đốm trắng), lớn hơn chim sáo, thường kêu vào đầu mùa hè.
(2) Hoa gạo: còn có tên gọi là hoa mộc miên, năm cánh, màu đỏ rực, thường nở vào mùa xuân, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch.
(3) Rét nàng Bân: một hiện tượng thời tiết đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam để chỉ về đợt rét cuối cùng của mùa đông xảy ra vào tháng 3 âm lịch hay nói chung là cơn rét muộn.
(4) Hoài thai: mang thai (chín tháng hoài thai).
(5) Đòng đòng: bông lúa non vừa hình thành, khi đã trổ bông sẽ có màu xanh như thân cây lúa, còn vẫn nằm trong bẹ lá sẽ có màu trắng pha xanh.
* GỢI Ý TRẢ LỜI:
I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Câu 1. Luận đề của đoạn trích là: Bàn về ý nghĩa của phát huy tài năng bản thân
Câu 2. Hai ý kiến theo tác giả đó mới gọi là “đỉnh” là:
– cái gọi là “đỉnh” thật sự là khi bạn phát huy hết tài năng của mình.
– Vận dụng tài năng của bản thân trong công việc sẽ khiến chúng ta thuận lợi hơn, chỉ mất một ít thời gian mà lại đạt hiệu quả cao hơn, đây mới thực sự gọi là “đỉnh”.
Câu 3.
– Lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích: Con người khi sinh ra đã sở hữu một tài năng nhất định
– Đặc điểm của lời dẫn trực tiếp:
+ Dẫn lại nguyên văn lời của Ralph Waldo Emerson
+ Đặt sau dấu hai chấm và trong dấu ngoặc kép
Câu 4.
– Dẫn chứng:
+ Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey thể hiện tài năng đối thoại đáng kinh ngạc của mình;
+ Colin Firth giành giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất lần thứ 83 nhờ tài năng diễn xuất tuyệt vời của ông;
+ Warren Buffett đã phát huy tài năng của mình trong lĩnh vực đầu tư tài chính để trở thành tỉ phú thế giới.
– Tác dụng:
+ Nhấn mạnh chỉ khi con người ta phát huy tài năng của mình mới thực sự là đỉnh, nhờ đó mà có được thành công và trở thành những cá nhân kiệt xuất được mọi người ngưỡng mộ, yêu mến.
+ Khuyên con người ta phải biết khám phá và phát huy tài năng của mình để có được thành công trong cuộc sống.
+ Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, tăng độ tin cậy.
Câu 5.
– Đồng tình.
– Vì:
+ Trong cuộc sống, trên con đường đi đến thành công luôn chứa đựng nhiều khó khăn, thử thách.
+ Việc chúng ta sử dụng tốt tài năng của bản thân sẽ giúp ta tránh khỏi những sai lầm không đáng có, rút ngắn được con đường đi đến vinh quang.
– HS có thể không đồng tình, lý giải hợp lý vẫn cho điểm tối đa
Câu 6. HS đưa ra những việc cần làm để phát huy tài năng của bản thân. Có thể như sau:
– Khám phá/ Tìm hiểu điểm mạnh của bản thân
– Không ngừng học hỏi
– Xây dựng mục tiêu, kế hoạch hành động cụ thể
– …………
II. PHẦN II: VIẾT
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức đoạn văn:
Bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Giải pháp để phát triển năng lực tự học ở các bạn học sinh hiện nay
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu: HS lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để đề xuất những giải pháp hợp lý, thiết thực, có ý nghĩa. Có thể như sau:
– Bản thân học sinh xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch học tập cụ thể…
– Cha mẹ khuyến khích, động viên, tránh tạo áp lực cho con…
– Nhà trường xây dựng phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh chủ động khám phá kiến thức…
– ………
* HS đưa ra giải pháp, vận dụng lý lẽ và bằng chứng hợp lý để phân tích tính khả thi của giải pháp.
d. Diễn đạt: Bảo đảm chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
đ. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Đảm bảo bố cục của bài văn nghị luận:
– Bảo đảm yêu cầu về bố cục của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:
– Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
c. Viết được bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng, trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:
* Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
* Thân bài:
– Nội dung: Trong dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình, tháng tư đến mang theo những dấu hiệu rất riêng của mùa hạ. Đó là mùa của những âm thanh khắc khoải, náo nức đến nao lòng, mùa của nắng vàng, hoa gạo đỏ, của những cánh đồng căng tràn sức sống… Những sắc âm của thời khắc giao mùa từ xuân sang hạ được ghi lại bởi tình yêu, sự gắn bó tha thiết và tâm hồn tinh tế . Thời khắc luyến giao ấy khiến lòng người bâng khuâng, xao xuyến đến lạ thường. Tháng tư với nhân vật trữ tình có bóng dáng tảo tần đầy yêu thương của những người thân yêu. Những năm tháng tuổi thơ cũng đong đầy cảm xúc và in dấu trong hoài niệm tháng tư. Thời gian trôi đi, có cái còn cái mất nhưng những hoài niệm đẹp đẽ về tháng tư, về tuổi thơ, về những người thân yêu luôn in đậm trong trái tim nhân vật trữ tình.
– Nghệ thuật: Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do, nhịp thơ, cách gieo vần rất linh hoạt theo mạch cảm xúc, giọng điệu tâm tình, tha thiết, ngôn ngữ trong sáng mà ý nghĩa, hình ảnh thơ gần gũi, giản dị mà giàu sức gợi; các biện pháp tu từ biện pháp nhân hoá, so sánh, điệp ngữ…
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
đ. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.