I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc bài thơ sau:
MIỀN TRUNG
(Hoàng Trần Cương)
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam
Miền Trung
Tấm lưng trần đen sạm
Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn
Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng
Những đứa con văng như mảnh đạn
Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi
Miền Trung
Đã bao đời núi với bể kề đôi
Ôi! Biển Đông – giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ
Nóng hổi như vừa lăn xuống
Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm
Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm
Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong
(Một trăm bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỉ XX, NXB Giáo dục, 2007)
* Hoàng Trần Cương (1948 – 2020) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đạt Giải Nhất cuộc thì thơ báo Văn nghệ (1989 – 1990). Một số tác phẩm chính: Dấu vết tháng ngày (tập thơ, 1991), Trầm tích (trường ca, 1999)…
————-
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1 (0,5 điểm): Kể tên các địa danh được nhắc đến trong bài thơ.
Câu 2 (0,5 điểm): Ghi lại dòng thơ chứa thành phần biệt lập trong đoạn thứ ba của bài thơ?
Câu 3 (1.0 điểm): Cách dùng từ xưng hô “anh”, “em” tạo ra âm hưởng như thế nào cho bài thơ?
Câu 4 (1.0 điểm): Em hiểu như thế nào về dòng thơ:
“Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong”
Câu 5 (1,0 điểm): Nêu và giải thích điều em ấn tượng nhất về miền Trung sau khi đọc bài thơ trên.
II. PHẦN II: VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các dòng thơ trích từ bài thơ “Miền Trung” sau đây:
“Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người”
Câu 2 (4,0 điểm).
“Em gắng về
Đừng để mẹ già mong”
Vì sao mỗi người nên “gắng về” quê hương, đừng để quê hương chờ mong?
Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trả lời cho câu hỏi trên?
————————
* GỢI Ý TRẢ LỜI:
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Các địa danh trong bài thơ: Miền Trung, sông Lam, Trường Sơn, Biển Đông.
Câu 2. Dòng thơ chứa thành phần biệt lập:
“Biển Đông – giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ.”
Câu 3. Cách dùng từ xưng hô “anh”, “em” khiến cho bài thơ mang âm hưởng trữ tình, trầm lắng. Mỗi lời thơ như một lời tâm sự dạt dào tình cảm trìu mến, thiết tha.
Câu 4.
– “Thắt đáy lưng ong” là thành ngữ chỉ vóc dáng người phụ nữ trong quan niệm về cái đẹp chuẩn mực xưa: người có thân hình tròn trịa, đầy đặn nhưng vòng eo nhỏ nhắn, thất bé lại.
– Trên bản đồ Việt Nam, khu vực miền Trung nhỏ hẹp, dường như thắt lại giữa hai đầu Bắc – Nam Tổ quốc. Dùng “thắt đáy lưng ong” để nói về eo đất miền Trung vừa chính xác, lại vừa gợi cảm, giúp người đọc dễ hình dung, tưởng tượng, khiến eo đất địa lí trở nên sinh động, có hồn hơn.
Câu 5. Học sinh nêu và lí giải điều ấn tượng nhất về miền Trung sau khi đọc bài thơ. Ví dụ: Miền Trung là mảnh đất nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt, một thời hứng trọn bom đạn chiến tranh. Tuy thế, trong cái nghèo nàn mà vẫn thấy “tình người đọng mật”, đầy ắp nghĩa tình; dù “một thời ngún lửa” mà vẫn mang trong mình “dải lụa sông Lam”, giữ trọn vẹn “eo đất này thắt đáy lưng ong”… đủ để nhớ thương và trân trọng.
II. VIẾT
Câu 1.
* Hình thức: Đảm bảo bố cục 03 phần (mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn) và dung lượng; diễn đạt mạch lạc, đúng chuẩn chính tà, ngữ pháp tiếng Việt.
* Nội dung:
– Mở đoạn: Nêu được vấn đề cần bàn luận (hiệu quả của sử dụng biện pháp nghệ thuật chơi chữ, so sánh, ẩn du).
– Thân đoạn:
+ Các biện pháp nghệ thuật:
- Chơi chữ: nghèo mùng tơi không kịp rớt.
- So sánh: Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ.
- Ẩn dụ: Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ.
+ Hiệu quả:
- Tô đậm hình ảnh miền Trung nghèo nàn (mồng tơi không kịp rớt), khắc nghiệt (lúa con gái gầy còm úa đỏ, gió bão tốt tươi) đầy chân thực, nghiệt ngã đến xót xa.
- Cho thấy sự hiểu và cảm sâu sắc của nhà thơ về quê hương: khắc nghiệt là thế nhưng vẫn có lời mời gọi “em về thăm” quê hương.
– Kết đoạn: Khẳng định giá trị của các biện pháp nghệ thuật trong việc khắc hoạ hình ảnh miền Trung và cảm xúc của nhân vật trữ tình.
Câu 2:
* Hình thức: Đảm bảo bố cục 03 phần (mở bài, thân bài, kết bài) và dung lượng; diễn đạt mạch lạc, đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
* Nội dung:
-️ Mở bài: Dẫn dắt, nêu được ý kiến bàn luận: Mỗi người hãy luôn hướng lòng mình về quê hương, biết trở về quê hương, đừng để quê hương chờ mong.
– Thân bài:
+ Giải thích được nội dung của ý kiến: khẳng định quê hương là trái ngọt ai cũng nên hướng về; không nên lãng quên quê hương, để quê hương đợi chờ mình từ một phía.
+ Phân tích, bình luận về ý kiến:
- Ý kiến trên thể hiện quan điểm tích cực, đúng đắn: mỗi người sinh ra đều thuộc về một quê hương nào đó. Chính quê hương đã vun đắp nên phẩm cách tốt đẹp, nuôi dưỡng hồn người. Vì thế, hãy luôn “gắng về” dù có khoảng cách, khó khăn. Hành động của con người với quê hương cũng cần thiết thực và chủ động, xuất phát từ tấm lòng chân thành, ân nghĩa. Đừng lãng quên nơi mình sinh ra, cũng đừng để quê hương chờ đợi. (Dẫn chứng)
- Trao đổi: “gắng về” quê hương là lời khuyên nhủ, cũng là đòi hỏi ở mỗi người tình yêu, nghị lực, mong muốn cống hiến để quê hương mình giàu đẹp hơn…
* Lưu ý: Thí sinh cần thể hiện được chính kiến của cá nhân, có thể trình bày khác đáp án nhưng phải lí giải thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và bối cảnh thời đại.
– Kết bài:
+ Khẳng định lại ý nghĩa của quê hương với mỗi người và trách nhiệm của mỗi người với quê hương.
+ Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.