Đề số 41: Đọc hiểu văn bản Bốn mùa mơ ước (Nguyễn Lãm Thắng. NLXH: Vai trò của niềm tin đối với thành công trong cuộc sống

doc-hieu-van-ban-bon-mua-mo-uoc-nguyen-lam-thang-nlxh-vai-tro-cua-niem-tin-doi-voi-thanh-cong-trong-cuoc-song

PHẦN I. Đọc – hiểu (4,0 điểm)

BỐN MÙA MƠ ƯỚC

Em mơ mình là cánh én
Gọi nắng xuân về muôn nơi
Trong veo nỗi niềm thương mến
Hoà trong rộn rã tiếng cười.

Em mơ mình là cơn gió
Giữa ngày nắng hạ nồng oi
Cùng mây bay đi đây đó
Đem mưa dịu mát muôn nơi.

Em mơ là vầng trăng tỏ
Lung linh giữa trời thu xanh
Vui cùng những ngôi sao nhỏ
Như ngàn đôi mắt long lanh.

Em mơ mình là ngọn lửa
Xua tan giá lạnh mùa đông
Đàn chim vui bay về tổ
Bữa cơm chiều quê ấm nồng…

Yêu từng dặm dài đất nước
Em mơ về con đường xa
Bốn mùa còn bao mơ ước
Ở phía chân trời bao la.

(Nguyễn Lãm Thắng, Giấc mơ buổi sáng, NXB Văn học, 2/2017)

Câu 1 (1,0 điểm). Bài thơ Bốn mùa mơ ước được viết theo thể thơ nào? Chỉ ra hai dấu hiệu để nhận biết thể thơ đó.

Câu 2 (1,0 điểm). Trong bài thơ, nhân vật trữ tình đã có những ước mơ nào? Qua những ước mơ đó, em có cảm nhận gì về nhân vật “em”?

Câu 3 (1,0 điểm). Xuyên suốt bốn khổ thơ đầu, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã sử dụng biện pháp tu từ tiêu biểu nào? Việc sử dụng biện pháp tu từ đó đem lại hiệu quả nghệ thuật gì?

Câu 4 (1,0 điểm). Ẩn sau những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp và ước mơ hồn nhiên của nhân vật “em” là những thông điệp ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm. Em hãy nêu thông điệp mà mình cảm nhận được từ bài thơ.

PHẦN II. Viết (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm).

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về “mơ ước” của nhân vật trữ tình trong bài thơ Bốn mùa mơ ước của tác giả Nguyễn Lãm Thắng.

Câu 2 (4,0 điểm).

Bất kỳ điều gì con người tưởng tượng ra và tin tưởng sẽ đạt được đều có khả năng trở thành hiện thực. Niềm tin là nền tảng của mọi thành công. Chỉ cần có niềm tin, bạn nhất định sẽ chiến thắng (George Matthew Adams)

Hãy viết một bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về vai trò của niềm tin đối với thành công trong cuộc sống.

* GỢI Ý TRẢ LỜI:

Phần I. Đọc – hiểu

Câu 1:

– Thể thơ: 6 chữ (0,5 điểm)

– Hai dấu hiệu nhận biết thể thơ: số chữ/ dòng, vần (hoặc nhịp)…(0,5 điểm)

Câu 2:

– Ước mơ: là cánh én, cơn gió, trăng tỏ, ngọn lửa, con đường xa (0,5 điểm)

– Cảm nhận về nhân vật “em”: Nhân vật trữ tình là người có những ước mơ hồn nhiên, trong sáng; có khao khát mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống (0,5 điểm).

Câu 3:

– Biện pháp tu từ điệp ngữ. Cụm từ “em mơ” được lặp lại bốn lần, mở đầu cho bốn khổ thơ 1, 2, 3, 4 (0,25 điểm).

– Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu, liên kết các khổ thơ, giúp tác giả bộc lộ cảm xúc được liền mạch (0,25 điểm).

+ Nhấn mạnh những ước mơ trong trẻo, tha thiết của nhân vật trữ tình (0,25 điểm).

+ Qua đó cho thấy tâm hồn trong sáng, khát vọng cống hiến và tình yêu quê hương, yêu cuộc sống của nhân vật trữ tình (0,25 điểm).

Câu 4:

HS rút ra được ít nhất hai thông điệp khác nhau (Mỗi thông điệp được 0,5 điểm)

– Hãy nuôi dưỡng những ước mơ đẹp để làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

– Hãy yêu thương, trân trọng thiên nhiên và sống chan hòa với vạn vật xung quanh.

– Hãy thể hiện tình yêu quê hương, đất nước bằng những hành động thiết thực, dù nhỏ bé nhưng ý nghĩa…

Phần II. Viết

Câu 1: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về “mơ ước” của nhân vật trữ tình trong bài thơ Bốn mùa mơ ước của tác giả Nguyễn Lãm Thắng.

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận:

– Mở đoạn: giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

– Thân đoạn: phân tích làm rõ vấn đề nghị luận

– Kết đoạn: khẳng định lại giá trị, ý nghĩa của vấn đề nghị luận

b. Xác định đúng yêu cầu nghị luận: suy nghĩ của em về “mơ ước” của nhân vật trữ tình trong bài thơ Bốn mùa mơ ước của tác giả Nguyễn Lãm Thắng.

c. Phân tích làm rõ:

– Ước mơ đẹp đẽ của nhân vật trữ tình, gắn liền với hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, ý nghĩa:

+ Ước mơ là cánh én mùa xuân mang đến không khí rộn ràng, ấm áp; mang đến niềm vui…

+ Ước mơ là cơn gió mùa hạ bay khắp nơi, mang theo hơi mát và những cơn mưa dịu lành…

+ Ước mơ là vầng trăng sáng mùa thu, gợi lên không gian yên bình, thơ mộng…

+ Ước mơ là ngọn lửa mùa đông mang lại sự ấm áp, sum vầy:

→ Ước mơ sống có ích, mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

→ Thể hiện lẽ sống cao đẹp, đáng được trân trọng, ngợi ca…

(Trong quá trình phân tích, học sinh cần phân tích từ ngữ đặc sắc, biện pháp tu từ… => Tránh diễn xuôi)

– Đặc sắc nghệ thuật:

+ Thể thơ 6 chữ tạo nhịp điệu nhẹ nhàng, phù hợp với nội dung của bài thơ.

+ Hình ảnh giàu sức gợi: “cánh én”, “cơn gió”, “vầng trăng”, “ngọn lửa” đều là những hình ảnh quen thuộc, mang tính biểu tượng giàu ý nghĩa…

+ Biện pháp nhân hóa, ẩn dụ: Cánh én “gọi” nắng xuân, gió “đem” mưa mát lành, trăng “vui” cùng sao nhỏ, lửa “xua tan” giá lạnh giúp thiên nhiên trở nên gần gũi, có hồn.

+ Giọng điệu trong sáng, tha thiết, thể hiện những khát khao hồn nhiên, đẹp đẽ của nhân vật trữ tình…
(Trong quá trình phân tích, học sinh cần phân tích nghệ thuật. Nếu diễn xuôi, giáo viên cho tối đa 0,5 điểm nội dung)

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về đoạn thơ, có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ.

Câu 2: 

– Dạng bài: Nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ)

– Yêu cầu: Trình bày suy nghĩ về vai trò của niềm tin đối với thành công trong cuộc sống.

– Vấn đề trọng tâm: Niềm tin là nền tảng, động lực dẫn đến thành công.

* Dàn ý chi tiết:

1. Mở bài:

– Dẫn dắt bằng một câu nói hoặc thực tế cuộc sống để làm nổi bật vai trò của niềm tin.

– Giới thiệu câu nói của George Matthew Adams.

– Nêu vấn đề nghị luận: Niềm tin có vai trò quan trọng như thế nào đối với thành công trong cuộc sống?

2. Thân bài:

a) Giải thích ý kiến:

– Niềm tin là sự tin tưởng vào chính mình, vào mục tiêu, lý tưởng, hoặc khả năng thành công của một điều gì đó.

-Câu nói nhấn mạnh: Khi ta dám tưởng tượng và thật sự tin vào điều mình đang hướng tới, thì điều đó có thể trở thành hiện thực nếu ta kiên trì và hành động.

b) Phân tích vai trò của niềm tin đối với thành công:

– Niềm tin là động lực nội tại giúp con người không bỏ cuộc trước khó khăn.

– Niềm tin duy trì sự kiên trì, giúp con người vượt qua thất bại, tiếp tục nỗ lực.

– Niềm tin tạo ra tư duy tích cực, giúp con người nhìn nhận vấn đề lạc quan hơn, từ đó sáng tạo và phát triển.

– Niềm tin truyền cảm hứng, không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh.

c) Dẫn chứng:

– Thomas Edison kiên trì với phát minh bóng đèn điện vì tin rằng mình sẽ thành công.

– Nick Vujicic sinh ra không có tay chân nhưng đã trở thành diễn giả nổi tiếng nhờ tin vào giá trị sống.

– Nhiều học sinh nghèo vẫn ngày ngày vượt núi đến trường với niềm tin vào tương lai đổi đời nhờ tri thức.

d) Phản đề

– Thiếu niềm tin khiến con người dễ chán nản, buông xuôi, mất phương hướng.

– Niềm tin mù quáng, không đi kèm hành động thực tế có thể dẫn đến thất bại, ảo tưởng.

e) Bài học nhận thức và hành động

– Cần xây dựng niềm tin vào bản thân một cách đúng đắn.

– Phải kết hợp niềm tin với hành động, rèn luyện, và học hỏi.

Nuôi dưỡng tư duy tích cực, tránh bi quan, tự ti.

3. Kết bài:

– Khẳng định lại: Niềm tin là nền tảng cho mọi thành công.

– Mỗi người cần nuôi dưỡng và giữ vững niềm tin trong cuộc sống để không ngừng vươn lên và chiến thắng chính mình.

* Lưu ý khi làm bài:

– Viết đúng cấu trúc 3 phần: Mở bài – Thân bài – Kết bài.

– Diễn đạt rõ ràng, có lập luận và dẫn chứng cụ thể.

– Giữ bài viết trong phạm vi khoảng 600 chữ.

– Không lan man, tránh lặp ý.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang