Đề bài Đọc hiểu văn bản thông tin: Mùi của Kí ức (Nguyễn Quang Thiều) – Cuốn sách với những chỉ dẫn trở về nguồn cội

de-bai-doc-hieu-van-ban-thong-tin-mui-cua-ki-uc-nguyen-quang-thieu-cuon-sach-voi-nhung-chi-dan-tro-ve-nguon-coi

MÙI CỦA KÝ ỨC – CUỐN SÁCH VỚI NHỮNG CHỈ DẪN TRỞ VỀ NGUỒN CỘI

Có những khi đọc một cuốn sách, ta sẽ thấy hiểu đời, thấy yêu quê mình hơn. Hơn nữa còn là sự thấy thôi thúc, thấy muốn được trở về ngay chính mảnh đất nơi mình sinh ra. Đó chính là cảm xúc của tôi khi đọc cuốn tản văn “Mùi của ký ức” của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2017.

          Tập sách gồm 18 câu chuyện ghi lại những ấn tượng của nhà văn về những món ăn làm nên hương vị làng Chùa – quê hương của nhà văn, hương vị tuổi thơ, hương vị văn hóa… từ món bánh khúc, bánh đúc riêu cua, cà dầm tương, các món gỏi đến món xáo chuối, các món bánh, món tráng miệng của làng Chùa… Gắn với những món ăn đó là hình ảnh của bà, của mẹ, của cô, của dì, của các chị hàng xóm. Tất cả tạo nên những vẻ đẹp thiêng liêng và vô giá.

          Từ những chất liệu có sẵn, cộng với niềm tự hào, tình yêu sâu thẳm, da diết và những hiểu biết sâu sắc về đời sống, về làng quê đã khiến cho Nguyễn Quang Thiều có những trang văn chan chứa cảm hứng hoài niệm.

          Trước hết, là những dòng hoài niệm về làng Chùa. Ngôi làng ấy nằm ven bờ sông Đáy, trở thành “không gian thiêng ” trong sáng tác của Nguyễn Quang Thiều. Trong cuộc đời, mỗi người đều có một con đường ra đi khác nhau nhưng đều có một con đường trở về giống nhau. Đó là con đường trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Tiếng gọi của quê hương lúc nào cũng là tiếng gọi da diết nhất và uy lực nhất. Khi con người quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, khi họ không còn nhớ về nơi chốn ấy thì cũng có nghĩa là họ không còn ý nghĩa gì đích thực trong cuộc đời mình nữa. Trong cuốn “Mùi của ký ức”, tác giả đưa người đọc về với Sông Đáy mênh mang, về với những đầm sen, những cánh đồng rau khúc, những mùa hoa cải vàng bên bến sông… hay nói một cách khác là về với làng quê trong lành, hoang sơ của mình. Chính nó làm nên một tuổi thơ vừa êm đềm, vừa dữ dội, đủ mọi cảm giác, cảm xúc và vì thế nó không thể mất đi. Nhất là khi nhớ về bà, về mẹ, về cha với những câu chuyện đầy xúc động

          Không chỉ nhớ về những người thân, tác giả còn miên man trong vùng hoài niệm khi nhớ về những mùi vị của làng quê, từ những bữa cơm gia đình đến những món ăn chơi. Những bữa cơm được tác giả ghi lại theo dọc dài thời gian từ lúc ông bà còn sống đến khi ông bà trở về cõi thiên thu, từ ngày mẹ cha còn trẻ đến lúc mãi đầu đã điểm hoa râm. Tất cả được tác giả gói ghém trong trí nhớ một cách đầy đủ. Đó chủ yếu là các món ăn sẽ xuất hiện trong các bữa cơm của gia đình, từ món mặn đến món nhạt, từ món xào đến món canh, từ món nướng đến món kho… tất cả được thể hiện một các khéo léo, tỉ mỉ. Từ món chả hến được “bọc bằng lá xương xông và lấy lá chuối bọc lớp ngoài để cho bụi than không dính vào miếng chả và để cho lớp lá xương xông không bị cháy đen và cũng để cho món chả hến được nướng kỹ” (Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại) đến món gỏi cua. Một món ăn mà mỗi lần nhắc đến là “như nói về một câu chuyện cổ tích”. Một món gỏi như tác giả đánh giá : “Mâm cỗ có món gỏi cua thì đó là món chính. Và đã có gỏi cua rồi thì tất cả những món khác đều trở nên vô vị… Bởi thế gỏi cua được gọi là món gỏi Lý trưởng theo cách gọi của người làng Chùa. Nghĩa là món gỏi đứng đầu. Món gỏi quyền uy nhất trong các món gỏi và trong mọi mâm cỗ” (Món gỏi độc nhất vô nhị). Đó là món xáo chuối – một món ăn dân dã nhưng nó đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa làng Chùa. Để rồi có lần giữa nước Nga xa xôi những người làng Chùa vẫn nhận ra nhau bởi món xáo chuối. Vậy là, chỉ một món ăn thôi người ta có thể nhận ra quê hương gốc gác của mình.

          Ngoài ra còn có các món làm nên giá trị ẩm thực làng Chùa như: cà dầm tương, món mắm cua, món cua muối, món gỏi cá diếc, gỏi tép đỏ, các món cá kho, món da trâu hầm tương và đu đủ xanh, món trứng rán với bột mì trong những ngày đói rét, món bánh khúc, bánh đúc, bánh khoai đốm… tất cả được làm một cách tỉ mỉ, khéo léo bởi những người nông dân sinh ra từ làng.

          Các món ăn ấy được Nguyễn Quang Thiều nhớ về và ghi lại một cách kĩ lưỡng. Điều đặc biệt là nhà văn đã ghi lại tất cả những điều ấy bằng niềm yêu thương, tự hào, xúc động và chất chứa niềm tri ân. Bởi niềm vui, niềm hạnh phúc có được khi thưởng thức những món ăn khiến tác giả thao thức đến tận bây giờ: “Mùi thơm ngậy của rau khúc đồ chín, mùi của gạo nếp, mùi của nhân đậu xanh hòa quyện với mùi hành mỡ tỏa ravà làm nên một thứ ẩm thực chứa đầy hạnh phúc lạ lùng trong tâm khảm tôi. Không phải hạnh phúc của một kẻ đói khát được ăn. Một thứ hạnh phúc của ẩm thực nhưng thiêng liêng và da diết mơ hồ” (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc).

          Rõ ràng với tác giả, việc thưởng thức những thức quà quê đã trở thành một niềm hạnh phúc vô ngần, có lúc tác giả còn nâng nó lên như là một yếu tố của đức tin, của những giá trị không gì có thể thay thế “Tôi nâng chiếc bánh khúc lên như nâng một báu vật” (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc). Ở đó, là sự nâng niu vị ngon của bánh – nó là sự kết tinh của một số hương vị đồng quê, nâng niu cái tâm của người làm bánh, nâng niu những giá trị văn hóa của những cái gì thuộc về xưa cũ.

          Có thể nói những món quà quê ấy đã nuôi nấng bao đứa trẻ lớn khôn và tất nhiên nó cũng khiến tâm hồn của những đứa trẻ ấy ngày một rộng rãi, thênh thang. Nguyễn Quang Thiều là một trong những đứa trẻ thơ ngày ấy. Để rồi bây giờ với ông, ăn quà không đơn thuần là nếm những sản vật trong trời đất mà là sự cảm nhận những tinh hoa, là thần thái, cũng như bộc lộ nét văn hóa trong cách thưởng thức khi “Ăn quà cũng là một nghệ thuật.” Hơn nữa, những thức quà quê chính là những chỉ dẫn văn hóa để mọi người có thể về với gốc gác của mình. Nhờ đó mà mọi người có thể thức nhận về quê hương một cách bừng ngộ nhất, thiêng liêng nhất và chân thành nhất. Đây chính là một trong những giá trị nổi bật mà cuốn sách “Mùi của ký ức” đưa lại cho độc giả.

(Nguyễn Thị Hương – https://www.nxbtre.com.vn/diem-tin/mui-cua-ky-uc-cuon-sach-voi-nhung-chi-dan-tro-ve-nguon-coi-33607.html)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Mục đích viết của văn bản này là gì?

Câu 3: Xác định Sapo và cho biết nội dung của phần sapo đó.

Câu 4: Chỉ ra mối quan hệ giữa thông tin cơ bản và thông tin chi tiết trong đoạn: “Không chỉ nhớ về những người thân, tác giả còn miên man trong vùng hoài niệm khi nhớ về những mùi vị của làng quê, từ những bữa cơm gia đình đến những món ăn chơi. Những bữa cơm được tác giả ghi lại theo dọc dài thời gian từ lúc ông bà còn sống đến khi ông bà trở về cõi thiên thu, từ ngày mẹ cha còn trẻ đến lúc mãi đầu đã điểm hoa râm. Tất cả được tác giả gói ghém trong trí nhớ một cách đầy đủ. Đó chủ yếu là các món ăn sẽ xuất hiện trong các bữa cơm của gia đình, từ món mặn đến món nhạt, từ món xào đến món canh, từ món nướng đến món kho… tất cả được thể hiện một các khéo léo, tỉ mỉ. Từ món chả hến được “bọc bằng lá xương xông và lấy lá chuối bọc lớp ngoài để cho bụi than không dính vào miếng chả và để cho lớp lá xương xông không bị cháy đen và cũng để cho món chả hến được nướng kỹ” (Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại) đến món gỏi cua. Một món ăn mà mỗi lần nhắc đến là “như nói về một câu chuyện cổ tích”. Một món gỏi như tác giả đánh giá : “Mâm cỗ có món gỏi cua thì đó là món chính. Và đã có gỏi cua rồi thì tất cả những món khác đều trở nên vô vị… Bởi thế gỏi cua được gọi là món gỏi Lý trưởng theo cách gọi của người làng Chùa”

Câu 5: Chỉ ra và nêu tác dụng của phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.

Câu 6: Chỉ ra và nêu tác dụng của thành phần biệt lập trong câu “Món gỏi quyền uy nhất trong các món gỏi và trong mọi mâm cỗ” (Món gỏi độc nhất vô nhị)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang