Thuyết minh về Nguyễn Du và Truyện Kiều
Nguyễn Du là thiên tài văn học, danh nhân văn hóa thế giới, nhà nhân đạo chủ nghĩa, có đóng góp to lớn đối với nền văn học nước nhà. Với kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mở ra một kỉ nguyên mới của tiếng nói dân tộc, khẳng định mạnh mẽ sức sống của tiếng Việt và khả năng biểu đạt của thể thơ lục bát.
I. Tác giả Nguyễn Du
Cuộc đời Nguyễn Du
Nguyễn Du (1765-1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Nghệ Tĩnh).
Cha ông là Nguyễn Nghiễm (1708-1775), từng làm đến chức tể tướng triều đình. Mẹ ông là bà Trần Thị Tần (1740-1778), quê Bắc Ninh, vốn là người hát hay, thuộc nhiều làn diệu dân ca. Nguyễn Du may mắn được tiếp nhận truyền thống văn hóa của nhiều vùng quê khác nhau.
Thời thơ ấu và niên thiếu, Nguyễn Du sống tại Thăng Long. Gia đình ông lúc này hết sức cao sang quyền quý. Ông thường theo cha vào cung, học tập và vui chơi cùng công chúa, hoàng tử và các công nương, quý tử của các đại thần.
Năm 10 tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mất mẹ, Nguyễn Du đến sống nhờ ở nhà người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản (1734-1786). Nguyễn Khản từng làm quan tới chức Tham tụng, sau lên đến chức thượng thư. Trong thời gian này, Nguyễn Du có điều kiện dùi mài kinh sử và hiểu biết nhiều về đời sống phong lưu, xa hoa của giới quý tộc phong kiến. Tuy mồ côi cha mẹ nhưng lúc này cuộc sống của Nguyễn Du vẫn còn sung túc.
Năm 1783, Nguyễn Du thi Hương đỗ Tam trường và tập ấm nhận một chức quan võ nhỏ ở Thái Nguyên. Năm 1789, khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, Nguyễn Du bị bắt rồi được thả. Ông lẩn trốn về quê vơi ở Thái Bình. Nguyễn Du rơi vào cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ hơn 10 năm.
Sau khi nhà Tây Sơn bị diệt, triều Nguyễn phục hưng, năm 1802, Nguyễn Du miễn cưỡng ra làm quan triều Nguyễn, hoạn lộ khá thuận lợi. Dù chưa hài lòng với chính sách của nhà Nguyễn nhưng Nguyễn Du cũng đem hết tài năng và sức lực ra giúp dân giúp nước. Bởi thế, ông được nhân dân yêu mến, triều đình tin tưởng. Từ Tri huyện tại huyện Phù Dung (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) đối sang Tri phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Tây). Từ 1805 – 1809 làm Đông Các điện học sĩ. Năm 1809 lên Cai bạ dinh Quảng Bình. Năm 1813 vào làm cần Chánh điện học sĩ và giữ chức Chánh sứ đi Trung Quốc. Năm 1820, được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc lần thứ hai nhưng chưa kịp lên đường thì đã mất.
Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới và quyết định kỉ niệm trọng thể 200 năm năm sinh Nguyễn Du.
Sinh ra trong một thời đại đầy biến động, triều đại thay đổi, xã hội loạn lạc khiến cho cuộc đời của Nguyễn Du ngập chìm trong phong ba bão táp. Tuổi thơ sung túc chưa được bao lâu đã phải bước chân vào biển khổ. Hết làm quan rồi đến lưu lạc khắp nơi. Sau trở lại làm quan nhưng không đắc chí, miễn cưỡng mà làm cho tròn phận sự. Thấu hiểu lẽ đời, Nguyễn Du dành tất cả trang viết cho những số phận đầy bi kịch đau thương. Tiếng thơ của Nguyễn Du vì thế mà mãi với đời đời.
Sự nghiệp văn học đồ sộ của Nguyễn Du
Nguyễn Du là một thiên tài văn học, mọt một Nho xuất chúng. Ông sáng tác liên tục trong suốt cuộc đời, trên nhiều thể loại, phân làm hai lĩnh vực: tác phẩm chữ Hán và tác phẩm chữ Nôm.
Sáng tác bằng chữ Hán có 243 bài gồm các tập: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục,…
Sáng tác bằng chữ Nôm gồm có Văn chiêu hồn và Đoạn trường tân thanh (còn gọi là Truyện Kiều). Truyện Kiều là kiệt tác văn học, kết tinh giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của văn học dân tộc.
Có thể khẳng định, sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du là người đã ưu ái dành tình cảm lớn cho tiếng Việt ta và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ nhất. Bên cạnh các tác phẩm chữ Hán, Nguyễn Du có một số lượng lớn các tác phẩm chữ Nôm. Đặc biệt, ông thành công hơn với văn học chữ Nôm. Giá trị bất hủ của Truyện Kiều khẳng định sức sống của chữ Nôm trong nhiệm vụ biểu đạt tinh tế, đầy đủ và trọn vẹn tư tưởng, tình cảm và đời sống của con người Việt Nam ta.
→ Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu của văn học Việt Nam trung đại. Ông có đóng góp to lớn với văn học dân tộc về nhiều phương diện nội dung và nghệ thuật, xứng đáng được ca tụng là thiên tài văn học, nhà văn hoá xuất chúng.
II. Truyện kiều
Hoàn cảnh sáng tác.
Truyện Kiều có tên gốc là Đoạn Trường Tân Thanh, được Nguyễn Du sáng tác vào khoảng đầu thế kỷ XIX, dưới triều đại nhà Nguyễn. Tác phẩm được viết dựa trên cốt truyện của tiểu thuyết Trung Quốc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng Nguyễn Du đã sáng tạo và biến nó thành một kiệt tác văn học mang đậm tinh thần dân tộc và tư tưởng nhân văn sâu sắc.
Nội dung Truyện Kiều.
Truyện Kiều kể về cuộc đời đầy bi kịch của Thúy Kiều – một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng phải chịu nhiều oan trái. Vì chữ hiếu, nàng chấp nhận bán mình để cứu cha và em trai, từ đó rơi vào vòng xoáy đau khổ suốt 15 năm lưu lạc. Trải qua nhiều biến cố: bị lừa vào lầu xanh, làm vợ lẽ, bị phản bội, sống cảnh tủi nhục, cuối cùng Thúy Kiều được đoàn tụ với gia đình nhưng tình yêu với Kim Trọng đã không còn trọn vẹn.
Giá trị Truyện Kiều.
– Giá trị hiện thực: Truyện Kiều phản ánh sâu sắc xã hội phong kiến bất công, nơi đồng tiền có thể chi phối công lý và số phận con người, đặc biệt là số phận bi thảm của người phụ nữ.
– Giá trị nhân đạo: Nguyễn Du bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc với những con người tài hoa bạc mệnh, đặc biệt là người phụ nữ. Đồng thời, ông cũng đề cao khát vọng tự do, hạnh phúc và sự đấu tranh chống lại cường quyền.
– Giá trị nghệ thuật: Truyện Kiều là đỉnh cao của ngôn ngữ và nghệ thuật thơ lục bát, với ngôn từ tinh tế, hình ảnh giàu sức gợi, điển tích sâu sắc, và hệ thống nhân vật vô cùng sống động.
Ý nghĩa và tầm ảnh hưởng
Truyện Kiều không chỉ là kiệt tác văn học Việt Nam mà còn được đánh giá cao trên thế giới. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa Việt Nam. Những câu thơ trong Truyện Kiều đã đi vào đời sống, trở thành triết lý, tục ngữ, và nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật.
→ Với giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc, Truyện Kiều xứng đáng là kiệt tác bất hủ của văn học Việt Nam. Tác phẩm không chỉ phản ánh số phận con người trong xã hội phong kiến mà còn gửi gắm triết lý sâu sắc về cuộc đời, tình yêu, số phận và nhân sinh quan của Nguyễn Du.