I. Khái niệm kí văn học
Ký văn học là thể loại cơ động, linh hoạt, nhạy bén trong việc phản ánh hiện thực ở cái thế trực tiếp nhất, ở những nét sinh động và tươi mới nhất. Tác phẩm ký vừa có khả năng đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của thời đại, đồng thời vẫn giữ được tiếng nói vang xa sâu sắc của nghệ thuật.
Tìm hiểu chi tiết về Kí văn học: https://lophocnguvan.com/ki-van-hoc/
II. Đặc trưng của thể loại kí văn học
1. Kí là sự can dự trực tiếp của nghệ thuật vào đời sống xã hội
Nghệ thuật là hoạt động nhằm thỏa mãn những tình cảm thẩm mĩ của con người. Nó có những yếu tố của trò diễn giúp con người giải trí, vui chơi. Văn học nghệ thuật chính là trò diễn bằng ngôn từ. Dĩ nhiên, sự giải trí mà nghệ thuật mang đến cho con người không phải lad sự tiêu khiển vô mục đích. Nghệ thuật là trò diễn nhằm chiếm lĩnh những giá trị tinh thần mang ý nghĩa nhân sinh. Cho nên ý thức thẩm mĩ trong nghệ thuật bao giờ cũng mang tính vô tư, không gắn liền với những mục đích vụ lợi trực tiếp.
Cũng chính vì thế, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ngôn từ thường hướng tới những đề tài, chủ đề chứa đựng bên trong những triết lí sâu xa mang ý nghãi vĩnh hằng đối với thế sự nhân sinh. Đây là chỗ khác nhau cơ bản giữa văn học nghệ thuật với khoa học, với báo chí và các loại văn bản hành chính, công vụ hoặc văn bản nhật dụng. Đây cũng là chỗ khác nhau cơ bản giữa văn học nghệ thuật và kí văn học.
Kí là một loại hình nghệ thuật, một hình thức hoạt động thực tiễn – tinh thần có tham vọng can dự trực tiếp vào mọi lĩnh vực của đời sống. Những người mới vào nghề thường tìm tới kí hoặc truyện ngắn. Nhưng các nhà văn chuyên nghiệp viết kí không phải là để thử bút, luyện nghề mà là do sự thôi thúc của đời sống buộc họ phải góp một tiếng nói kịp thời, phải phát biểu ngay một ý kiến nhằm thúc đẩy các hoạt động của xã hội.
Lê Minh đã khẳng định một đặc điểm nổi bật, thuộc loại quan trọng nhất của kí mà từ lâu đã được mọi người thừa nhận. Tìm mọi cách can dự trực tiếp vào đời sống, kí trở thành loại hình văn học thời sự, một thể loại văn xung kích theo sát các vấn đề nóng hổi, cấp bách của hiện thực mang ý nghĩa xã hội rộng lớn. Khi văn học nghệ thuật trở thành một lĩnh vực hoạt động xã họi mang tính đặc thù, kí càng theo sát những vấn đề thời sự. Ta hiểu vì sao, trên phạm vi thế giới, hễ khi nào khuynh hướng văn học hiện thực thắng thế, thì đó cũng là lúc kí văn học phát triển cực thịnh. Để can dự trực tiếp vào tiến trình đời sống, người viết kí chẳng những phải nhập cuộc, mà nhiều khi còn phải “dấn thân” với tinh thần chiến đấu cao và tính khuynh hướng rõ ràng. Sau năm 1975, nhất là từ những năm 80 của thế kỉ trước, nhiều nhà văn Việt Nam đã có tinh thần “dấn thân” như thế. Những bài kí nảy lửa như Tiếng đất của Hoàng Hữu Cát,…đã góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước. Do bám sát những vấn đề thời sự mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, kí hiện đại thường mang tính chính luận và luôn luôn gắn chặt với đời sống báo chí.
2. Kí là sự thông tin về sự thực của các giá trị nhân sinh
Trong tư duy lí thuyết, quan điểm thể loại thường bộc lộ ngay ở cách gọi tên cho “thể” và “loại” của tác phẩm văn học, vì đặc điểm cơ bản của một thể loại thường gắn liền với nghĩa gốc của từ được sử dụng làm tên gọi cho thể loại ấy. Nét nghĩa chính của động từ “kí” là ghi chép một sự việc gì đó. Hình như tư duy lí thuyết không bao gườ quên nét nghĩa này, nên nó thường dựa vào đó để xác định quan điểm thể loại về kí. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu thường gộp chung vào kí một phạm vi rất rộng rãi, bao gồm vô số những thể văn được gọi tên bằng những chữ có nét nghĩa là ghi chép sự việc, như: lục, thực lục, ngữ lục,…
Do kí là ghi chép sự việc, nên tính xác thực của việc ghi chép được xem là đặc trưng quan trọng nhất của thể loại. Có tư liệu để chứng minh, ở các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, quan điểm thể loại về kí được xác lập chủ yếu vào thời kì mà tư tưởng lí luận rất đề cao việc sáng tác văn nghệ theo cách ghi chép sự thực đời sống, cho nên, yêu cầu về tính xác thực của kí càng được nhấn mạnh, gần như tuyệt đối hóa. Nó được xem là nhà tri thức, là quan điểm nền tảng mà khi biên soạn từ điển tra cứu phổ thông hay viết sách giáo khoa, giáo trình dùng trong nhà trường, tư duy lí thuyết phải dựa vào đó để xác định nội hàm khái niệm. Trong kí, các sự kiện diễn ra trong đời sống hiện thực đều được phản ánh một cách chính xác, những người tham gia vào các sự kiện ấy đều là những người có thật, trong khi đó, ví như viết truyện, sau khi nghiên cứu để lựa chọn, sàng lọc lấy cái cơ bản, điển hình, nhà văn dựa vào hư cấu, tưởng tượng mà sáng tạo ra một bức tranh khái quát, tức là nhà văn có thể phản ánh những sự kiện không bao giờ xảy ra trong thực tế, hoặc không xảy ra giống như anh ta đã phản ánh.
Quan điểm thể loại được nhắc tới ở trên chắc chắn có ảnh hưởng to lớn, giống như là một sự định hướng đối với hoạt động sáng tác và tâm lí tiếp nhận văn học. Nhưng lịch sử văn học chứng tỏ, quan điểm thể loại trong tư duy lí thuyết không phải bao giờ cũng đồng nhất với bản chất thể loại trong thực tiễn sáng tác.
Thế là đã rõ, “ghi việc” để “thông tin sự thực” không phải là nội dung cơ bản của kí. Nội dung cơ bản của kí, ngay ở hình thức sơ khai của nó, là thông tin về ý nghĩa, về giá trị nhân sinh của sự việc được ghi. Khuynh hướng ưu tiên cho sự thông tin những giá trị nhân sinh có ý nghĩa xã hội rộng lớn thể hiện ngay ở nhan đề hàng loạt tác phẩm kí thời đánh Mĩ.
Việc thông tin giá trị khiến cho các sự việc được ghi chép trong kí trở thành sự thực của tư tưởng. Thông tin sự thực, kí đồng thời truyền cho người đọc những quan niệm về sự thực. Trong kí có quan niệm về sự thực của các thời đại, của những tư tưởng hệ khác nhau. Có sự thực của thời đại thì cũng có sự thực của cá nhân. Nhưng cá nhân lại tồn tại trong xã hội, và xã hội thì bao giờ cũng đòi hỏi con người tuân thủ những lễ nghi. Cho nên, có sự thực của những chuẩn mực, của các phong cách và cũng có sự thực của những thể loại văn học khác nhau. Có sự thực của sử thi, sự thực của thế sự, và cũng có những sự thực của tiểu thuyết. Kí sử thi thường nói tới những sự thực liên quan tới vận mệnh quốc gia, sự sống còn của dân tộc. Nó ngợi ca sự thực của những cái cao cả, lí tưởng, sự thực nói lên sự hợp lí tuyệt đối của tồn tại. Kí thế sự thường nói tới sự thực của phong hóa, đạo đức. Nó thường vạch trần cái ác, cái xấu và những cái thực nói lên sự phi lí của cuộc đời.
Sự thực trong kí sử thi và kí thế sự hướng tới cái chuẩn mực của cộng đồng. Sự thực trong tiểu thuyết lại gợi dậy khát vọng tự do vô hạn độ của con người cá nhân. Tóm lại, kí văn học là sự can dự trực tiếp của nghệ thuật vào hiện thực đời
sống. Đó là những sáng tác văn học theo sát các vấn đề thời sự nóng hổi mang ý nghĩa xã hội rộng lớn. Mặt khác, kí văn học còn là sự biểu hiện của những giá trị nhân sinh, là sự thông tin về sự thực những quan niệm, sự thực của tư tưởng.
Nội dung đặc thù của kí đã chứa đựng trong bản thân nó cơ sở để “thông tin sự thực” chuyển thành “thông tin thẩm mĩ”, và những dòng chữ ghi việc có thể phát triển thành tác phẩm văn chương. Nhưng cũng chính vì thế mà kí đúng là ghi chép sự việc, nhưng không phải ai cũng có thể viết kí. Muốn viết kí, người sáng tác phải vừa là nhà hoạt động xã hội năng nổ, xông xóa, vừa là nhà nghệ sĩ tài hoa và là nhà văn hóa có tư tưởng rộng lớn với vốn tri thức uyên thâm.
3. Kí có cách xử lí riêng về khoảng cách giữa thời gian sự kiện và thời gian trần thuật
Kí là sự can dự trực tiếp của nghệ thuật vào hiện thực xã hội. Để tạo ra những tác phẩm có khả năng tác động mạnh mẽ tới con người và đời sống, kí điều chỉnh tối đa khoảng cách giữa thời gian sự kiện và thời gian trần thuật. Và để xóa bỏ tối đa khoảng cách giữa thời gian trần thuật và thời gian sự kiện, kí văn học sử dụng rất nhiều thủ pháp kết cấu. Có thể thường xuyên bắt gặp bốn thủ pháp cơ bản:
- Một: dựa vào cái đơn nhất, xác thực để xây dựng hình tượng
- Hai: tôn trọng trật tự biên niên của thời gian sự kiện
- Ba: lược bỏ ngôn ngữ trần thuật, sử dụng kĩ thuật “lắp ráp” điện ảnh
- Bốn: làm nổi bật hình tượng tác giả, người chứng kiến, tham gia.
Kí trung đại (Thượng kinh kí sự – Lê Hữu Trác, Vũ Trung tùy bút – Phạm Đình Hổ,…) không chỉ ghi chép chuyện con người, mà còn ghi chép cả những chuyện thần linh, ma quái. Kí hiện đại (Người lái đò sông Đà” – Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông?” – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” – Nguyễn Tuân, Nhật kí ở rừng – Nam Cao,…) nhiều khi sử dụng hư cấu một cách rộng rãi chỉ là tiếng reo vui, mà nhiều khi còn là tiếng kêu của những nỗi đau. Lắng nghe kĩ, ta sẽ nhận ra, bên trong những bài kí nảy lửa, như Lời khai của bị can của Trần Huy Quang,… có cả một cảm giác man mác, tái tê thể hiện một nỗi buồn âm thầm mà mênh mang thấm đẫm trong mạch trữ tình, sâu lắng.
Kí không chỉ kết hợp linh hoạt các phương thức nghị luận, trữ tình, tự sự mà còn kết hợp một cách tự nhiên tư duy nghệ thuật với tư duy khoa học. Việc kết hợp linh hoạt tư duy khoa học và tư duy nghệ thuật đã giúp Nguyễn Tuân sáng tạo những trang kí vừa giàu giá trị nghệ thuật, lại vừa giàu giá trị thông tin.
III. Phân tích qua một tác phẩm phóng sự “Cơm thầy cơm cô” (Vũ Trọng Phụng
1. Phóng sự
a. Khái niệm phóng sự
– Phóng sự là một thể loại ký, là trung gian giữa văn học và báo chí, phóng sự với thông tấn ở chỗ nó không chỉ đưa tin mà còn có nhiệm vụ dựng lại hiện trường cho mọi người quan sát, phán xét.
– Do vậy, phóng sự nghiêng hẳn về phía tự sự, miêu tả, tái hiện sự thật nhưng nội dung tự sự thường không dựa vào một cốt truyện hoàn chỉnh.
b. Đặc trưng phóng sự
– Tính thời sự: Là những vấn đề nóng hổi, bức xúc nằm trong mạch thời sự chủ lưu đang được dư luận quan tâm. Khi đọc phóng sự, người đọc sẽ có cảm giác sát gần với cuộc sống, hít thở bầu không khí thời sự.
– Tính xác thực: Sự chính xác của phóng sự thể hiện qua những sự việc, chi tiết, địa chỉ, con số… đều là một phiên bản của cuộc sống. Là tiêu chí để nhận diện thể loại phóng sự với một số thể loại khác (truyện ngắn, tiểu thuyết,..)
– Bút pháp Thuật – Tả – Bình:
+ Tả và Thuật: Là cụ thể hoá đối tượng.
- Thuật: Trong sự kiện, tác giả làm người kể chuyện, kết nối tư liệu, tái hiện sự kiện.
- Tả: Để sự dụng bút pháp hiệu quả, chọn cảnh nào, nhân vật vào để quay cận cảnh tuỳ theo kinh nghiệm của người viết để lột tả bản chất của sự kiện. Bút pháp tả luôn đồng hành với mạch sáng tạo, nhưng cũng không nên quên điểm xuất phát là từ hiện thực.
+ Bình: là yếu tố mang tính trội quy định sắc diện thể loại. Tham gia bình bàn, thẩm định, đánh giá sự kiện. Cũng như tả và bình, bình đậm chất văn học, chất văn trong phóng sự cũng phải có chừng mực, không được lạm dụng văn chương để múa bút trong phóng sự.
Theo Huỳnh Dũng Nhân, chất văn nên nếm vào phóng sự cũng giống như muối nêm vào canh, cái mặn của văn học sẽ tạo nên vị ngọt của phóng sự nhưng cũng có thể làm hỏng nồi canh nếu nêm quá tay.
2. “Ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng
a. Tiểu sử nhà văn Vũ Trọng phụng
– Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
– Năm 1936 đây là giai đoạn ngòi bút tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng bắt đầu nở rộ, trong vòng một năm 4 cuốn tiểu thuyết Giông tố, Làm đĩ, Số đỏ và Vỡ đê của ông xuất hiện trên các báo, thu hút đông đảo độc giả.
– Nhắc đến cái tên Vũ Trọng Phụng là nhắc đến giọng văn trào phúng, châm chiếm được thể hiện qua các tác phẩm nổi tiếng của ông. Những tác phẩm ấy đều đi sâu vào hiện thực đời sống, mỉa mai bộ mặt giả tạo của nhiều người sống trong xã hội lúc bấy giờ với giọng văn của ông có chút pha hài dí dỏm, đó là tiếng cười của sự châm biếm.
b. Sự nghiệp văn học của Vũ Trọng Phụng
– Năm 1930 Vũ Trọng Phụng đã có tác phẩm truyện ngắn đầu tay mang tên Chống nạng lên đường được đăng trên tờ Ngọ Báo. Lúc này, ông bắt đầu viết truyện ngắn thế nhưng không được chú ý đến. Năm 1931, khi viết vở kịch Không một tiếng vang thì sự nghiệp cầm bút của Vũ Trọng Phụng có bước tiến mới.
– Tác phẩm tiêu biểu:
- Đời cạo giấy,
- Cạm bẫy người,
- Kỹ nghệ lấy Tây,
- Hải Phòng,
- Dân biểu và dân biểu,
- Cơm thầy cơm cô,
- Vẽ nhọ bôi hề,
- Lục xì,
- Một huyện ăn Tết,
- Dứt tình,
- Giông tố,
- Vỡ đê,
- Số đỏ,
- Làm đĩ,
- Lấy nhau vì tình,
- Trúng số độc đắc,
- Quý phái,
- Người tù được tha,…
c. Đặc điểm phóng sự
– Ông vua phóng sự, là cách gọi theo cách nói của một số nhà báo, nhà văn tiền bối cùng thời với nhà văn Vũ Trọng Phụng, như: Vũ Bằng, Nguyên Hồng, Tam Lang, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân…
– Năm 1934, cùng với việc cho ra đời thiên phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây nổi tiếng ngòi bút của ông mang sự tinh nhạy nắm bắt một cách mau lẹ các vấn đề thời sự nóng hổi, sự sắc sảo trong quan sát, miêu tả người thực, việc thực; đồng thời có năng lực khái quát tổng hợp, xử lý những tư liệu để xây dựng những bức tranh cuộc sống và khả năng hư cấu, sáng tạo ra những hình tượng, điển hình.
– Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, đồng thời là một nhà báo. Đúng là nghề làm báo buộc ông phải gắn bó với thời thế, phải cập nhật những vấn đề chính trị, xã hội theo cách nhìn riêng của mình.
– Các tư liệu mang chất phóng sự đi vào tác phẩm đã được xử lý một cách nghệ thuật, được sắp đặt đúng vị trí khiến chúng trở thành những yếu tố hữu cơ của chỉnh thể nghệ thuật, ta có thể thấy những sự kiện thời sự, những tư liệu được “đóng đinh” bằng những con số năm, tháng cụ thể đều được tác giả khéo léo cài lồng vào các biến cố của cốt truyện.
– Ngòi bút phóng sự của Vũ Trọng Phụng lại có sở trường trong việc “đeo bám” những hiện tượng vận động, những đối tượng đang nhảy nhót, lẩn quất … và từ những nguyên mẫu, những tư liệu sống động ấy của cuộc đời, ông đã nhào nặn, hư cấu được những điển hình có tầm khái quát cao. Những hình tượng điển hình được xây dựng trên những tư liệu nguyên mẫu có thật đã phơi bày ra sự thật xấu xa, bản chất tàn bạo, kệch cỡm .. của cái xã hội thuộc địa.
– Nhịp điệu thời gian, tốc độ vận động mau lẹ của lịch sử xã hội được thể hiện trong cây bút phóng sự, không chỉ tạo nên nhịp điệu gấp gáp của thời gian nghệ thuật mà đã đem lại cách mô tả, diễn tả thời gian theo lối hiện đại của ông, rõ ràng là do ảnh hưởng của lối văn tư liệu, báo chí. Sự mô tả thời gian như vậy đã mở rộng thời gian, không gian cho sự linh hoạt, biến hoá trong nghệ thuật trần thuật, kể chuyện …
3. Phân tích “Cơm thầy cơm cô” – Phóng sự về kiếp ô sin của Vũ Trọng Phụng
a. Tóm tắt:
Những năm 1930, dưới hậu quả thâm độc trong chính sách cai trị bóc lột của thực dân Pháp, người nông dân nghèo không biết làm gì cho có cái ăn cái mặc, buộc phải di dân, rời mảnh đất ruộng đồng đi theo cám dỗ của “ánh sáng kinh thành”. Kết cục là bị biến thành những vú em, những con sen thằng ở, những thằng bồi thằng xe… Họ bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng tình dục, bị buôn đi bán lại, không ít người biến thành trộm cắp, đĩ điếm, làm gia tăng các tệ nạn xã hội. Không nhiễu nhại, không khoa trương, nhưng mang nét bi hài trên nền hiện thực – Cơm thầy cơm cô chính là phóng sự chân thực về xã hội lúc bấy giờ.
b. Phân tích:
* Cách tiếp cận hiện thực độc đáo:
– Phóng sự Cơm thầy cơm cô được đánh giá là phóng sự tiêu biểu nhất. Làm nên điều đó, trước hết bằng cách tiếp cận sự thật một các đặc biệt. Cách tiếp cận này đã giúp tác giả thu thập được những tư liệu có giá trị hiện thực sâu sắc
– Vũ Trọng Phụng không di vào cửa tiền của các gia đình thị dân để quan sát tình trạng của các thằng ở con sen mà đi vào cổng hậu của Hà Nội, với những khu chợ bán người và những nơi chứa “hàng tươi sống” tồn kho bên những cống rãnh hôi thối. Con người ở đây trở thành một thứ hàng hóa rẻ mạt, lại còn ế ẩm Nghĩa là có khi không bằng giá súc vật” .
– Có một câu như sau: “Mười sáu người đủ hàng lớn bé, trẻ già này, mỗi người chỉ cầu như một con chó, nhiều khi kém một con chó, mà lại còn đem chân tay ra làm nhiều việc có ích, rất nặng nhọc, mà vẫn không kiếm được việc”. Con người nghèo đói chốn thôn quê lên thành phố bị biến thành món hàng mua bán một cách lạnh lùng. Đã có một số tác phẩm trước và sau Vũ Trọng Phụng viết lên vấn nạn bán người. Thúy kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du bán mình chuộc cha. Cái Tý trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố bị bán để cứu bố khỏi nhà giam. Nhưng ở tác phẩm Cơm thầy cơm cô viết về cả một cái chợ buôn bán người, nhiều cảnh ngộ hết sức thương tâm. chẳng hạn cảnh chị vú em “vạch yếm để hở cái ngực trắng nõn vắt sữa vào lòng một bên bàn tay” cho khách hàng xem
– Chỉ khi tiếp cận sục thẳng vào “cổng hậu” của Hà Thành thì mới có thể phanh phui, bóc trần sự thật của biết bao thảm cảnh của những kiếp cơm thầy cơm cô đang ngất ngưởng đằng sau cái “ánh sáng kinh thành”, cũng như biết bao tấm bi
kịch bi hài ghê sợ của xã hội thị dân ngày trước. Cách tiếp cận thông minh, độc đáo này vừa phơi bày được bản chất xấu xa của chế độ thực dân phong kiến thối nát, vừa thể hiện chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc
– Cái giá rẻ mạt của những kiếp “Cơm thầy cơm cô” – Vũ Trọng Phụng hướng ống kính đến tận thân phận của những kiếp con đòi, con ở, một hàng người dưới đáy của xã hội. Với thân phận con sen, thằng ở, họ chỉ mong sao “như một con chó, nhiều khi kém một con chó”, đem sức trâu bò của mình ra để “làm nhiều công việc nặng nhọc”, khấn cầu trời đất nhà chủ “đãi mình cho vừa phải, đừng bắt mình làm việc quá sức, đừng đánh mình, chửi mình”. Nhưng rồi đó cũng chỉ là những mong ước hão huyền, cuộc đời họ vẫn rơi vào thảm cảnh “ăn đói làm no”. Thậm chí còn ế ẩm không có việc làm, kết thúc bằng một thảm kịch bi thương “đàn bà sẽ đến thần Bạch Mi, đàn ông đến Hình Phạt. Ống kính phóng sự quay cận cảnh, làm sống lại những bức chân dung đầm đìa nước mắt của những nạn nhân như: cơn sen Đũi, thằng bé ho lao, con ở bị điện giật”.
– Những khám phá bất ngờ từ trong gan ruột của các gia đình thị dân.
– Với cách tiếp cận từ cổng hậu Hà Thành, Vũ Trọng Phụng đưa ra ba hạng người trong giới Cơm thầy cơm cô: “Có những đầy tớ bị chủ nhà đánh chết”, “Có những con sen bị ông chủ hãm hiếp,..” nhưng cũng có những thành phần phản ứng lại như: có những thằng nhỏ bỏ độc định giết cả chủ nhà, có những anh bếp nhổ đờm nào nồi cá kho, có những vú già quyền hành như “cậu mợ”,…
– Tuy nhiên, ông cũng không hề che giấu phương diện biến chất, tha hóa của những con sen, thằng ở. Ví dụ như con sen Đũi là một ví dụ: Sen Đũi trả thù một cách độc ác. Nó khoét sâu vào tâm lý, làm hư cả hai đứa con của mụ chủ.
– Đối lập với cuộc đời khốn nạn, bần cùng của các hạng cơm thầy cơm cô là những bộ mặt lì lớn, khả ố, tâm địa đen tối của những ông chủ, bà chủ, những mụ đưa người. Chẳng hạn như cảnh đạo lý bố con bị lật nhào. Trong một gia đình ăn
chung mâm nhưng chẳng may bố chồng ăn cơm trước đã đụng đũa vào địa chả rươi nàng dâu để cho chồng, anh con trai đi làm về chửi um lên khi thấy móm mỹ vị của mình bị thất tiết. Mặc dầu bố đã nhận lỗi như người có tội nhưng ông con vẫn không buông, bồi thêm cho bố đẻ mấy cú đấm vào óc, vào tim “Nhầm … thằng thuê gác trong, thằng thuê gác ngoài, mà vợ người ta để phần cơm người ta, mà lại nhầm! Nhầm kể cũng lạ!. Hay một gia đình khác thì cho chó ăn toàn thịt bò với súp nhưng nuối bố thì không bằng con chó. Ông cụ mặc lôi thôi lếch thếch, làm vườn suốt ngày, còn bị chửi “tiên sư” ông cụ
– Thành công của tác phẩm có nhiều yếu tố, không chỉ là dựa trên cách tiếp cận độc đáo bằng cửa hậu Hà Thành mà còn ở các nghệ thuật trần thuật, chất tiểu thuyết, nhân vật “tôi” – người kể chuyện
* Nghệ thuật trần thuật hấp dẫn
– Trước tiên, Vũ Trọng Phụng không bao giờ thuật kể một cách trừu tượng mà để gắn liền với tả. Nhà văn có biệt tài tả người, vẽ người. Mỗi nhân vật có một chất riêng, thể hiện rõ nghề nghiệp và thói quen sinh hoạt.
+ Chẳng hạn như mụ chủ hàng cơm “luôn nắm trong tay cái quạt nan, cởi trần trùng trục và thỉnh thoảng lại cao hứng vén quần lên đến bẹn gãi sồn sột, tự nhiên như đàn ông”.
+ Hay mụ chủ nhà con sen Đũi “ăn mặc trông đến nực cười Chân thì đi giầy đầm, đầu thì để tóc đuôi gà mà quần áo thì là áo khách! Trông thấy anh Tây đen là con mẹ chủ tôi liếc mắt đưa tình, giở trò gạ gẫm ngay thôi”.
+ Vũ Trọng Phụng còn có biệt tài tả những đám đông láo nháo, ồn ào, không thua kém ngoid bút của Nguyên Hồng: đây là những “mặt hàng tươi sống đang bày bán trong cái chợ bán người”, ví dụ như trong đoạn “Cả đám người ngồi tản mạn thành từng tốp nho nhỏ. Trẻ với trẻ, già với già, đàn bà với đàn bà, con trai với con trai. Mà mụ đưa người thì không ngồi, chỉ đi đi lại lại, nhìn người này, nhìn người nọ như một viên võ quan lúc điểm binh và mấp máy cái mồm, không hiểu là đếm hay là đánh giá những kẻ chịu lụy mụ. Người ta nói chuyện rầm rì, luyên thuyên lên, cái đó là cố nhiên. Người ta lại chửi nhau cho vui, và bắt chấy cho nhau cắn đỡ đói”
– Hai là, sử dụng đối thoại đúng lúc, đúng chỗ để làm bộc lộ tính cách nhân vật và làm câu chuyện trở nên sinh động, tự nhiên hấp dẫn. Phóng sự Cơm thầy cơm cô gồm có 54 trang, trong đó có 16 trang không có câu văn đối thoại, 38 trang có đối thoại chiếm hơn 70%. Ngoài ra, các biến cố và tình tiết được nối kết chặt chẽ xuyên suốt 10 chương được Vũ Trọng Phụng sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật đầy dụng ý
– Ba là, dẫn dắt câu chuyện đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác – tiền văn không đoán được hậu văn
– Một ví dụ trong chương “Đêm mấy, tại hàng cơm”. Người đọc cứ tưởng hàng cơm là hàng cơm, chỉ có chuyện mua, bán cơm canh, ăn uống ồn ào tấp nập. Té ra lại là một trại nhốt người, chứa “hàng tươi sống” tồn kho để sớm hôm sau đưa ra chợ bán người
– Bốn là, trần thuật với nhiều giọng điệu. Khi thì lạnh lùng, khi thì thương cảm não nùng, khi thì giận giữ căm hờn muốn thét to lên, khi thì triết lí xã hội nhân sinh. Có lúc thì hòa vào giọng điệu chua chát cay đắng của Nam Cao, Ngô Tất Tố, có khi hòa vào giọng điệu châm biếm của Nguyễn Công Hoan, đôi lúc lại mãnh liệt thống thiết như giọng văn của Nguyên Hồng
* Chất tiểu thuyết
– Đây là một đặc điểm chung phóng sự Vũ Trọng Phụng: viết tiểu thuyết thường pha phóng sự và viết phóng sự thường pha chất tiểu thuyết.Đặc điểm này nổi bật rõ trong phóng sự Cơm thầy cơm cô. Ở tác phẩm này, nhiều sự việc, nhiều tư liệu đã được tác giải viết dưới dạng những thiên truyện. Như truyện con sen Đũi ở chương V hay chuyện con bé bị điện giật trong chương VIII. Mỗi chuyện đều được tác giả kể có đầu có đuôi với những tình tiết li kì. Con sen Đũi có những cá tính, hành vi sắc nét, có tâm trạng, có thần thái. Từ những dòng đầu tiên, phóng sự tóm tắt chân dung nhân vật: “Năm lên mười tuổi bố nó là một bác Nhiêu gai gạch trong làng…. tự tóm tắt
– Nhân vật con sen Đũi khá hoàn chỉnh như moitj nhân vật tiểu thuyết với tất cả mọi khổ đau, tủi nhục, căm tức, bị tha hóa đến mức liều mạng, bất chấp tất cả để trả thù.
* Nhân vật “tôi” – người kể chuyện
– Nhân vật xưng tôi đóng vai trò người trong cuộc, trực tiếp quan sát và ghi chép tại chỗ, trực tiếp trò chuyện với các đối tượng trong diện điều tra của phóng sự
– Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thì nhân vật tôi là do ông hư cấu nên mà thôi. Giáo sự không tin Vũ TRọng Phụng đích thân vào bên trong đóng vai thằng nhỏ trà trộm vào cùng sống với bọn Cơm thầy cơm cô. Bởi trong xã hội ngày xưa nhà văn làm sao có chuyện “ba cùng” với nhân dân, đặc biệt là lớp người dưới đáy của xã hội
– Ở phóng sự Cơm thầy cơm cô, nhân vật này thực sự tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm. Tác giả đã xây dựng nhân vật tôi có một tính cách linh hoạt hết sức sống động, có lúc đứng ra ngoài cuộc với một thái độ khách quan, có lúc là nhân chứng trực tiếp hòa đồng với các nhân vật khác trò chuyện với họ như một Cơm thầy cơm cô thực sự
– Nhân vật này có vai trò quan trọng. Nó làm cho phóng sự có vẻ rất xác thực bởi nó đã được điểm nhìn từ bên trong, bao nhiều khuất tất, đầy tính bi hài được phơi bày cho bàn dân thiên hạ. Đồng thời có có nhiệm vụ tổ chức, dẫn dắt các tình tiết của phóng sự, làm cho các chương của phóng sự gắn kết với nhau
– Chẳng hạn trong chương V, nhân vật đã thành “bạn tâm giao” với cái Đũi để làm nổi bật câu chuyện của nó, khơi lên những tâm sự và nổi bật tính cách đáo để của con sen đáo để này. Hay trong chương Bi hài kịch, nhờ có nhân vật tôi mà một đám đông Cơm thầy cơm cô được họp lại đủ các loại khác nhau. Và nhờ cso nhân vật này mà câu chuyện con bé bị điện giật trở nên hấp dẫn, li kì hơn
c. Tổng kết:
– Vũ Trọng Phụng không sợ cũng không ngại đào sâu vào những u uất của xã hội đương thời, những cái điều mà nhà văn khác e ngại nói ra. Với “Cơm thầy cơm cô”, nhà văn đã phát hiện những hệ lụy tha hóa, phi nhân hóa gây ra bởi di dân và nhập cư, cùng hậu quả ghê rợn của nó dưới thời Pháp thuộc. Ngày nay, khi đất nước ta bước sang thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, thì ảnh hưởng bởi hiện tượng này vẫn còn, tuy nhiên dưới sự quan tâm và quản lý của nhà nước Việt Nam, dù là di cư thì cuộc sống nhân dân vẫn có nhiều ổn định.
– Vũ Trọng Phụng đã chứng minh cái tài của người cầm bút được tôn vinh là “ông vua phóng sự đất Bắc”, mang đôi mắt tỏ tường trước xã hội dù nơi ánh đèn soi rực rỡ hay nơi tối tăm hôi hám, mang lòng can đảm dám viết thực theo lối tả chân. Bởi vậy mà văn Vũ Trọng Phụng vẫn sống và đang sống căng tràn trên diễn đàn văn học cả trong và ngoài nước