I. Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học (5,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
CỦA ĐỂ DÀNH
[…] Bà Vy có ba con, hai trai, một gái. Đều học hành đến nơi đến chốn, sáng sủa, xinh đẹp cả. Thằng cả làm giám đốc công ty may. Thằng hai làm kế toán trong một nhà máy. Còn cô út là diễn viên của một đoàn kịch. […] Hàng ngày, bà Vy làm lụng từ năm giờ sáng đến mười giờ đêm. […]
Bà Vy bị ngã. […] Tỉnh dậy bà thấy như ở một cõi xa xôi nào đó trở về. Mê mê. Tỉnh tỉnh. Đến hôm sau bà mới nhớ ra tại sao mình lại nằm ì ra thế này. Bác sĩ bảo: “Bà bị rạn xương chậu, tụ máu một bên đầu, có khả năng bị chảy máu trong”.
Anh con cả đưa ra đề nghị:
– Ăn cơm bụi, vừa tiện, vừa rẻ mà vẫn đủ chất.
Anh con thứ:
– Cơm bụi muôn năm.
Cô út thì phụng phịu:
– Em chịu thôi. Ai lại diễn viên như em, lên sân khấu toàn vai Vương phi Công chúa, rồi Trợ lý giám đốc, bây giờ lê la đầu đường xó chợ để ăn vài nghìn cơm […]
Cả ba đều quên mất một điều, khi họ xông ra chén cơm bụi thì bà Vy ăn gì vì nằm liệt? Lúc đấy. Nằm nghe các con bàn bạc sôi nổi như trong một cuộc hội thảo nâng cao chất lượng một đề tài cấp Bộ, bà lén thở dài. […]
Bà Vy nằm bất động sáu ngày. Không được tắm, không được rửa mặt mũi như trước. Tóc bà bết lại vì mồ hôi và quần áo dù ngày nào cũng thay nhưng luôn phảng phất mùi gì khó tả lắm. Bà Mộc sang chơi, trách:
– Tại bà. Bà chiều chúng nó quá. Bà hầu chúng nó tận răng, giờ chúng nó phải làm thì chẳng đứa nào chịu đâu? Mà có muốn cũng chẳng biết cách mà làm. Bà có dạy chúng đâu?
Ba Vy sụt sùi:
– Là mẹ mà bà. Chúng nó có đến bốn, năm mươi tuổi với tôi vẫn chỉ lên mười.
Hai bà đang rủ rỉ, rù rì thì anh cả phanh xe đến kịt. Và đằng sau là một bà già chừng 60- 70 tuổi ngồi ngất ngưởng thò chân chống xuống theo.
Anh cả cười vang từ ngoài đường:
– Chào Bác Mộc. Chào mẹ. Con đã tìm được giải pháp hữu hiệu tuyệt vời rồi. Đây là người giúp việc của mẹ. Mẹ cần gì, đã có bà. Anh cả quay lại:
– Bà tên là gì?
Bà già nhìn mọi người, cười vu vơ ra chiều nịnh bợ, rõ ràng là mừng rỡ.
Anh cả nói to hơn:
– Bà tên là gì?
Bà già nghiêng nghiêng đầu, vẫn cười, rồi gật đầu tỏ ý hiểu biết và đi về phía bếp.
Anh cả chạy theo kéo bà già lại, hét vào tai:
– Bà tên là gì?
Bà già giật mình đánh đùng vì màng nhĩ đã được thông. Móm mém:
– Tên là gì á? Tôi tên là Đất. […]
Từ ngày có bà Đất, bà Vy xem ra ốm hơn. Cô út dặn bà Vy cần cái gì cứ sai bà Đất rồi biến thẳng đi để làm nữ tì công chúa, trợ lí giám đốc trên sân khấu. […]
Ba tháng sau. Một hôm. Đêm. Cô út trở về sau đêm là hoa hậu ngành trồng sắn trong một tiểu phẩm hài phục vụ một đám nhậu được trả thù lao 150 nghìn đồng. Cô xốn xang trước một đêm diễn hoàn hảo cả về vật chất lẫn tinh thần. Mở cửa, cô út vào nhà, chưa kịp khoe chiến công với mẹ thì cô đá phải bà Vy nằm sõng soài. Cô bật điện.
Bà Vy đã chết. Ông bác sĩ bảo:
– Tôi đã nói rồi. Con người ta giống như cái chai nước suối kia, khi bị ngã giống như cầm chai xóc lên. Muốn yên phải để cho ổn định lại. Trẻ tuổi hồi lại nhanh. Người già lâu lắm. Mẹ cô già, lại ngã mạnh. Mọi thứ chưa đâu vào đâu đã tự đi. Sức khỏe bệnh tật không đốt cháy giai đoạn được. Đã thế lại còn tham việc.
Cô khóc:
– Thì mẹ cháu đã mang cái nạng sắt chắc thế rồi. Ai ngờ.
Ông bác sĩ lắc đầu:
– Nạng sắt đâu có đỡ được mãi. Mẹ cháu chỉ có thể dựa vào các cháu thôi. Các cháu không cho dựa thì mới ra nông nỗi này.
(Nguyễn Thị Thu Huệ, Tuyển tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2018, trang 278-290).
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (3.0 điểm)
a (0,5 điểm). Đoạn truyện trên có những nhân vật nào?
b (0,75 điểm): Xác định lời người kể chuyện và lời nhân vật trong các câu văn sau:
“- Là mẹ mà bà. Chúng nó có đến bốn, năm mươi tuổi với tôi vẫn chỉ lên mười.
Hai bà đang rủ rỉ, rù rì thì anh cả phanh xe đến kịt. Và đằng sau là một bà già chừng 60- 70 tuổi ngồi ngất ngưởng thò chân chống xuống theo”
c (0,75 điểm): Vì sao ở cuối truyện, ông bác sĩ lại nói “- Nạng sắt đâu có đỡ được mãi. Mẹ cháu chỉ có thể dựa vào các cháu thôi. Các cháu không cho dựa thì mới ra nông nỗi này.”?
d (1,0 điểm): Em tiếp nhận được thông điệp nào từ đoạn trích trên? Thông điệp đó có ý nghĩa gì với cuộc sống của em?
Câu 2 (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận văn học (khoảng 200 chữ) phân tích chủ đề truyện CỦA ĐỂ DÀNH (Nguyễn Thị Thu Huệ).
II. Đọc hiểu văn bản nghị luận và viết bài văn nghị luận (,50 ĐIỂM)
[…]
Bạn thân mến, nếu bạn có lúc nào đó nghĩ rằng mình là người đặc biệt, rằng mình khác thường thì đừng dập tắt ý nghĩ đó. Hãy tin vào lời thì thầm bên trong của mình, hãy trân trọng sự khác biệt, nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân mình. Âm thầm rèn luyện, tìm kiếm đam mê và theo đuổi con đường riêng của mình. Rồi một lúc nào đó, bạn sẽ thấy mình đang sống đúng như cách mà bạn từng mơ ước.
Hãy luôn tin rằng: bạn là một ngôi sao chờ ngày tỏa sáng.
(Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn, trang 245-246)
Câu 1 (1,0 điểm)
Qua đoạn trích, tác giả khuyên chúng ta điều gì?
Câu 2 (4,0 điểm)
Em hãy viết một bài văn nghị luận xã hội (khoảng 400 chữ) bàn về ý kiến sau: Hãy luôn tin rằng: Bạn là ngôi sao chờ ngày tỏa sáng.