Hướng dẫn phân tích chủ đề một bài thơ/đoạn thơ

I. Khái niệm

Chủ đề là những vấn đề cơ bản, vấn đề trung tâm được đặt ra trong tác phẩm văn học

– Phân tích chủ đề một bài thơ/ đoạn thơ là quá trình khám phá và giải thích những ý tưởng, cảm xúc, và thông điệp chính mà tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ/ đoạn thơ.

– Việc phân tích chủ đề của bài thơ/ đoạn thơ thường hướng đến phân tích nhan đề, bố cục, mạch cảm xúc, hình ảnh trung tâm, các từ ngữ chủ đề, tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

II. Tìm ý

Để tìm ý cho dạng đoạn văn phân tích chủ đề 1 bài thơ/ đoạn thơ, HS có thể đặt ra những câu hỏi sau:

+ Chủ đề chính của bài thơ/ đoạn thơ là gì?

+ Nhan đề của bài thơ có ý nghĩa như thế nào và có hướng vào chủ đề không?

+ Bài thơ/ đoạn thơ được chia làm mấy phần? Mỗi phần thể hiện khía cạnh nào của chủ đề chính?

+ Hình ảnh nào là hình ảnh trung tâm của bài thơ/ đoạn thơ ? Qua bài thơ/ đoạn thơ, hình ảnh ấy hiện lên như thế nào?

+ Tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình được bộc lộ như thế nào trong bài thơ/ đoạn thơ ?

+ Bài thơ/ đoạn thơ khơi gợi trong em những tình cảm, trách nhiệm gì?

III. Dàn ý:

1. Mở đoạn:

– Giới thiệu xuất xứ đoạn thơ/ bài thơ

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Chủ đề của bài thơ.

2. Thân đoạn: Phân tích chủ đề của đoạn thơ/ bài thơ dựa vào các yếu tố sau:

– Nhan đề

– Bố cục, mạch cảm xúc

– Hình ảnh trung tâm của bài thơ/ đoạn thơ

– Tình cảm – cảm xúc của nhân vật trữ tình

3. Kết đoạn:

– Khẳng định lại chủ đề và thông điệp của đoạn thơ

– Đoạn thơ khơi gợi trong em những tình cảm, cảm xúc nào?

– Em nhận thức được trách nhiệm gì khi đọc đoạn thơ?


Đề số 1: Viết đoạn văn phân tích chủ đề của bài thơ sau:

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
….ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

(Đỗ Trung Quân, Mẹ, 1986)

Mở đoạn:

+ “Mẹ” là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Đỗ Trung Quân.

+ Chủ đề chính của bài thơ là sự trân trọng và yêu thương dành cho mẹ, cũng như những cảm xúc ăn năn và hối hận khi nhận ra sự vô tình của mình trước sự già nua và hy sinh thầm lặng của mẹ.

Thân đoạn:

– Bài thơ có một nhan đề rất đặc biệt: “Mẹ”. Nhan đề “Mẹ” ngắn gọn chỉ vỏn vẹn một từ duy nhất nhưng chứa đựng tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn vô bờ bến của nhà thơ đối với người mẹ của mình.

– Bố cục bài thơ khá rõ ràng, mạch cảm xúc chảy liên tục từ sự nhận thức về thời gian và tuổi già của mẹ đến sự hối hận của người con khi nhận ra mình đã thờ ơ với mẹ. Hình ảnh trung tâm của bài thơ là người mẹ luôn dõi theo từng bước đi của con – người sẵn sàng vì con mà hi sinh tất cả.

– Trong bài thơ, nhà thơ có nhắc đến hàng loạt những hình ảnh, từ ngữ gợi sự hi sinh thầm lặng của mẹ. Hình ảnh “ mẹ già nua” “mẹ mỗi ngày thêm già cỗi” “thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ” hay các câu thơ “ Sao mẹ già ở cách xa đến vậy/ trái tim âu lo đã giục giã đi tìm” đã khắc hoạ thành công hình ảnh người mẹ già nua, khắc khổ. Nhưng dù tuổi có già, dù cuộc đời có nhiều vất vả thì mẹ vẫn luôn hướng về con với tình yêu trọn vẹn.

– Cả bài thơ đều là sự hối hận và cảm giác ăn năn của nhân vật trữ tình (người con) khi nhận ra sự vô tình của mình trước sự già nua của mẹ. Những câu thơ như “con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt”, “ta mê mải trên bàn chân rong ruổi” thể hiện sự hối hận muộn màng của người con khi nhận ra rằng mình đã không trân trọng những khoảnh khắc bên mẹ. Mỗi lời thơ đều như một lời nhắc nhở chính mình về sự trân trọng và yêu thương mà chúng ta cần dành cho mẹ khi còn có thể.

Kết đoạn:

– Bài thơ là lời nhắc nhở người đọc về tình yêu thương, sự kính trọng và lòng biết ơn đối với mẹ.

– Nó khiến ta nhận ra rằng mình cần phải trân trọng từng khoảnh khắc bên mẹ, thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với mẹ hàng ngày.

– Đọc đoạn thơ này, tôi nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc và yêu thương mẹ, để không bao giờ phải hối hận vì đã bỏ lỡ những giây phút quý giá bên người mẹ thân yêu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang