ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Đọc đoạn thơ sau: Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ,
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua. Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà
Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp
Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt,
Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao… Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà. [… ] Những lúc hiếm hoi, mưa tạnh, trời trăng,
Mẹ hể hả ngắm con hồng sắc mặt
Con ra ngõ, núi chập chùng xanh ngắt
Lại tần ngần nói với mẹ ngày đi. Mẹ cười xoà, nước mắt ứa trên mi:
– “Đi đánh Mỹ, khi nào tau có giữ!
Súng đạn đó, ba lô còn treo đó,
Bộ mi chừ đeo đã vững hay chăng?” …Ôi mẹ già trên bản vắng xa xăm
Con đã đi rồi, mấy khi trở lại?
Dằng dặc Trường Sơn những mùa gió trái
Những mùa mưa bạc trắng cả cây rừng! Con qua đâu thấy mái lá, cây vườn,
Cũng đất nước, phơ phơ đầu tóc mẹ…
Từng giọt máu trong người con đập khẽ,
Máu bây giờ đâu có của riêng con? 1972 (Trích “Mẹ”, Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà Văn, tr.124)
* Chú thích:
– Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, ông sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành từ thời chống Mĩ. Thơ Bằng Việt thường thể hiện những cảm xúc nhẹ nhàng, sâu sắc, không ồn ào mà đằm thắm, tinh tế.
– Bài thơ Mẹ được Bằng Việt sáng tác vào năm 1972, vào thời điểm ông tham gia công tác ở chiến trường Bình Trị Thiên, với tư cách là một phóng viên chiến trường. Bài thơ xuất phát từ một chuyện có thật của tác giả. Khi hành quân ở phía tây Quảng Trị, ông đã bị một trận sốt rừng quật ngã. Không thể đi tiếp, nhưng không có binh trạm hoặc Quân y gần đó, đồng chí lái xe đã gửi ông vào nhà một bà mẹ Vân Kiều. Người mẹ Vân Kiều có ba người con trai cũng là quân giải phóng chiến đầu nơi xa, mẹ sống với đứa con gái út vì chồng mẹ đã qua đời từ lâu. Bà mẹ Vân Kiều ít nói, suốt ngày lặng lẽ chăm sóc ông, để một tháng sau, ông lành bệnh và tiếp tục hành quân tiếp vào phía Nam. Cảm động trước tình cảm ấy, ông đã sáng tác bài thơ “Mẹ” như một lời tri ân sâu sắc đến người “Mẹ” đặc biệt này. (Xuất phát từ chuyện có thực của mình, nhưng “nhân vật” trong bài thơ đã có phần khác với nguyện mẫu, đó là người lính bị thương chứ không phải là nhà báo bị sốt rét).
– “Nói mớ”: nói trong lúc đang ngủ, mà người nói không ý thức được mình đang nói gì. Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1 (0.5 điểm). Xác định thể thơ của đoạn thơ trên. Chỉ ra 2 dấu hiệu nhận biết thể thơ vừa xác định được. Câu 2 (0.5 điểm). Tìm trong đoạn thơ những hình ảnh người con đã nhớ đến khi bị thương nằm lại mùa mưa. Câu 3 (1.0 điểm). Nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng ở khổ thơ sau: “Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà
Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp
Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt,
Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao…” Câu 4 (1.0 điểm). Em hãy nêu ý nghĩa ý nghĩa của hai câu thơ: “Con nói mớ những núi rừng xa lạ
Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê!” Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với người mẹ được thể hiện trong đoạn trích. Từ đó rút ra một thông điệp có ý nghĩa nhất với em sau khi đọc đoạn thơ. PHẦN II. VIẾT (6.0 điểm) Câu 1 (2.0 điểm). Em hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ trích trong bài “Mẹ” của Bằng Việt (phần Đọc hiểu). Câu 2 (4.0 điểm): Trong không khí trang trọng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025), ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã lay động trái tim người nghe bằng giai điệu hào sảng và những ca từ chất chứa niềm biết ơn, tự hào qua giọng hát của hai ca sĩ Đông Hùng, Võ Hạ Trâm: “Tạ ơn những người gìn giữ nước non Đại Việt nghìn năm trước
Tạ ơn người Cha già của chúng ta trên con đường cứu nước
Để cho đất nước yên vui từ đó
Để cho đỏ thắm màu cờ tự do
Để những tiếng cười vang khắp nơi từ ngày chiến thắng” Lời ca ấy nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay, trong đó có em, cần biết trân trọng quá khứ, trân trọng sự hy sinh của các thế hệ cha ông để đổi lấy hòa bình, độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, thực tế không ít các bạn trẻ lại có thái độ vô cảm, vô ơn với những hy sinh lớn lao ấy. Từ thực trạng một bộ phận giới trẻ thờ ơ, vô cảm trước những hy sinh của cha ông trong quá khứ, em hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của mình và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm khơi dậy tinh thần biết ơn, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. |