I. Khái niệm
– Đoạn văn phân tích một đoạn thơ/bài thơ là đoạn văn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, nhận xét, đánh giá của người đọc về ý nghĩa nội dung và đặc sắc nghệ thuật một đoạn thơ/bài thơ.
II. Yêu cầu đối với đoạn văn phân tích một đoạn thơ/bài thơ
• Trình bày được suy nghĩ, cảm xúc, nhận xét, cách đánh giá của người viết về một đoạn thơ/bài thơ.
• Cấu trúc gồm ba phần:
– Mở đoạn: giới thiệu nhan đề bài thơ, tác giả và cảm nghĩ chung của người viết về đoạn thơ/bài thơ bằng một câu (câu chủ đề).
– Thân đoạn: trình bày cảm xúc, suy nghĩ, nhận xét, cách đánh giá của bản thân về một hoặc vài nét đặc sắc trong nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ; làm rõ cảm xúc, suy nghĩ về những hình ảnh, từ ngữ được trích từ bài thơ.
– Kết đoạn: khẳng định lại suy nghĩ về đoạn thơ/bài thơ và ý nghĩa của đoạn thơ/bài thơ đối với bản thân
III. Hướng dẫn quy trình viết
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích một đoạn thơ/bài thơ
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
Em hãy trả lời các câu hỏi sau:
– Đoạn thơ/bài thơ được sáng tác theo thể thơ gì?
– Đoạn văn chia sẻ suy nghĩ về một đoạn thơ/bài thơ có đặc điểm gì về hình thức và nội dung?
– Mục đích viết đoạn văn này là gì? Người đọc có thể là ai? Với mục đích và người đọc đó, nên lựa chọn nội dung và cách viết như thế nào?
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
– Đọc diễn cảm đoạn thơ/bài thơ vài lần để cảm nhận nhạc điệu được thể hiện qua cách gieo vẫn, ngắt nhịp… và hiểu ý nghĩa nội dung của đoạn thơ/bài thơ.
– Xác định một vài nét độc đáo về hình thức nghệ thuật của đoạn thơ/bài thơ (cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, nhạc điệu, cách sắp xếp bố cục,…), vai trò của các hình thức nghệ thuật đó trong việc thể hiện nội dung bài thơ.
– Ghi lại những cảm xúc mà bài thơ gợi cho em bằng một vài cụm từ.
– Sắp xếp các ý đã ghi theo sơ đồ tham khảo dưới đây:
+ Mở đoạn: Giới thiệu nhan đề bài thơ, tên tác giả, nêu cảm nghĩ chung về bài thơ
+ Thân đoạn: Nếu các ý thể hiện cảm xúc, suy nghĩ về một hoặc vài nét độc đáo của bài thơ (nội dung, hình thức nghệ thuật)
+ Kết đoạn: Khẳng định lại cảm nghĩ về bài thơ và ý nghĩa của nó đối với bản thân
Bước 3: Viết đoạn
– Triển khai đoạn văn dựa trên dàn ý. Khi viết, cần chú ý đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
– Sau khi viết xong, hãy dùng bảng kiểm sau để tự chỉnh sửa đoạn văn:
– Bảng kiểm kĩ năng viết đoạn văn ghi lại cảm nhận về một bài thơ tám chữ
Bảng kiểm kĩ năng viết đoạn văn ghi lại cảm nhận về một bài thơ tám chữ
Tiêu chí | Đạt | Chưa đạt | |
Mở đoạn: | – Mở đoạn bằng chữ viết hoa lùi vào đầu dòng | ||
– Dùng ngôi thứ nhất để trình bày cảm nghĩ về bài thơ | |||
– Có câu chủ đề nêu tên bài thơ, tên tác giả và cảm nghĩ chung về bài thơ | |||
Thân đoạn: | – Trình bày cảm xúc, suy nghĩ về một hoặc một vài độc đáo của bài thơ. | ||
– Làm rõ tác dụng của những biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ. | |||
Kết đoạn: | – Khẳng định lại cảm nghĩ và ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân | ||
– Dùng dấu câu phù hợp để kết thúc đoạn văn | |||
Diễn đạt: | – Sử dụng một vài phép liên kết phù hợp | ||
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu |
Đọc lại đoạn văn từ vai người đọc và trả lời hai câu hỏi sau:
– Điều gì của đoạn văn này làm em thích nhất?
– Người viết nên điều chỉnh những gì để đoạn văn hấp dẫn hơn?
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách viết một đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích ý nghĩa nội dung và đặc sắc nghệ thuật của một đoạn thơ hoặc bài thơ:
* Dàn bài chi tiết.I. Mở đoạn (1–2 câu): Giới thiệu khái quát – Giới thiệu tác giả và tác phẩm: Nêu vài nét cơ bản về tác giả (thời đại, phong cách sáng tác tiêu biểu) và giới thiệu bài thơ/đoạn thơ cần phân tích (vị trí trong tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác nếu có). – Nêu khái quát nội dung hoặc cảm nhận chung: Tóm lược ngắn gọn nội dung chính hoặc ấn tượng chung về đoạn thơ (thể hiện tình cảm gì, nói về vấn đề gì…). II. Thân đoạn (khoảng 10–12 câu): Phân tích chi tiết 1. Nêu nội dung chủ đề của đoạn thơ/bài thơ (1–2 câu) – Trình bày chủ đề trọng tâm hoặc nội dung khái quát mà đoạn thơ/bài thơ thể hiện (ví dụ: tình yêu quê hương, lòng biết ơn, nỗi nhớ, khát vọng sống, tinh thần chiến đấu…). 2. Phân tích ý nghĩa nội dung (5–6 câu) – Làm rõ ý nghĩa các hình ảnh, chi tiết, ngôn từ tiêu biểu thể hiện cảm xúc, suy tư, thông điệp mà bài thơ muốn truyền tải. – Phân tích diễn biến cảm xúc hoặc tư tưởng trong đoạn thơ (nếu có sự chuyển biến). – Chỉ ra cách tác giả thể hiện tình cảm sâu sắc, chân thành như thế nào qua từ ngữ, giọng điệu. – Nhận xét về chiều sâu tư tưởng: Tác giả đang hướng người đọc đến giá trị nào trong cuộc sống? 3. Phân tích một vài đặc sắc nghệ thuật (4–5 câu) – Nhận xét về hình ảnh thơ: có giàu tính biểu cảm, gợi hình, gợi cảm không? – Ngôn ngữ thơ: giản dị hay trau chuốt, bình dị hay trang trọng? – Biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, điệp từ, nhân hóa, câu hỏi tu từ… được sử dụng như thế nào? – Thể thơ, nhịp thơ, cách gieo vần, giọng điệu góp phần ra sao vào việc thể hiện nội dung? – Chỉ ra hiệu quả của các yếu tố nghệ thuật trong việc khắc sâu cảm xúc và làm nổi bật tư tưởng của bài thơ. 4. Nhận xét về tình cảm, tư tưởng của tác giả qua bài thơ (2–3 câu) – Khẳng định tình cảm chủ đạo mà tác giả thể hiện: yêu thương, biết ơn, tự hào, xúc động, trăn trở, lạc quan… – Làm rõ tư tưởng, quan niệm sống của tác giả: có nhân văn không, có thể hiện cái nhìn yêu thương và trân trọng con người không? – Nhận xét về cái tôi trữ tình: gần gũi, sâu sắc, có sự đồng điệu với người đọc không? – Nêu được bài học, thông điệp nhân văn sâu sắc rút ra từ nội dung của bài thơ. III. Kết đoạn (1–2 câu): Đánh giá và liên hệ – Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ/bài thơ: Đoạn thơ/Bài thơ không chỉ giàu giá trị nội dung với những cảm xúc chân thành, sâu lắng, mà còn đặc sắc về nghệ thuật nhờ vào hình ảnh gợi cảm, ngôn ngữ tinh tế và giọng điệu biểu cảm. Chính sự kết hợp hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật đã làm nên sức sống lâu bền cho đoạn thơ trong lòng người đọc. – Liên hệ cá nhân (nếu phù hợp): Trình bày cảm nhận, bài học hoặc suy ngẫm ngắn gọn mà bản thân rút ra từ việc đọc bài thơ. |
* Triển khai dàn bài cụ thể.I. Mở đoạn: – Giới thiệu tác giả, tác phẩm, xuất xứ đoạn thơ/bài thơ: Đoạn thơ (hoặc bài thơ) [tên tác phẩm] được trích từ bài thơ cùng tên của nhà thơ [tên tác giả], viết về [nội dung chính hoặc chủ đề của bài thơ]. – Nêu cảm nhận khái quát về hình ảnh thơ: Trong đoạn thơ, hình ảnh [tên hình ảnh] hiện lên [rõ nét như thế nào?], để lại ấn tượng sâu sắc về [ý nghĩa chung của hình ảnh]. II. Thân đoạn (chứng minh rõ cảm nhận về hình ảnh thơ) – Phân tích từng ý thơ, khổ thơ, câu thơ để làm rõ những nhận xét của mình về hình ảnh đề bài yêu cầu + Trong câu thơ thứ nhất, tác giả đã khắc hoạ hình ảnh… (phân tích chi tiết ý thơ/câu thơ cụ thể). + Tiếp đến, nhà thơ đã sử dụng các hình ảnh, từ ngữ… để cho thấy rõ hơn… (tiếp tục phân tích ý thơ tiếp theo). + Đặc biệt, qua những câu thơ [trích dẫn thơ cụ thể], người đọc nhận thấy rõ hình ảnh… hiện lên thật rõ nét… – Qua hình ảnh đó, tác giả muốn cho người đọc thấy được điều gì? → Qua hình ảnh [tên hình ảnh], nhà thơ muốn cho người đọc thấy được [thông điệp, ý nghĩa sâu sắc nào]. – Qua hình ảnh đó, nhà thơ muốn thể hiện tình cảm, cảm xúc gì? → Với hình ảnh [tên hình ảnh], nhà thơ muốn thể hiện tình cảm [lòng yêu nước, tình yêu quê hương, sự biết ơn, sự tiếc thương…] sâu sắc của mình. III. Kết đoạn (khái quát và nêu cảm xúc) – Khái quát lại về hình ảnh thơ: Hình ảnh [tên hình ảnh] trong đoạn thơ không chỉ là [ý nghĩa nổi bật, biểu tượng…] mà còn [gợi nhắc, thức tỉnh điều gì…]. – Nêu cảm xúc của bản thân khi cảm nhận về hình ảnh đó: Cảm nhận hình ảnh này, bản thân em cảm thấy [xúc động, tự hào, biết ơn…], bởi vì… |
* Bài tập minh họa:
Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của em về hình ảnh “cô gái mở đường” trong đoạn thơ sau:
Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù, hứng lấy những luồng bom…
Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên…
(Trích “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ)
* Mở đoạn:
+ “Khoảng trời hố bom” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Lâm Thị Mĩ Dạ
+ Trong bài thơ này, hình ảnh “cô gái mở đường” hiện như một biểu tượng đẹp đẽ của lòng yêu nước và sự hy sinh anh dũng. Hình ảnh ấy đã cho thấy tinh thần chiến đấu và cống hiến của người phụ nữ Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.
* Thân đoạn:
+ Cô gái không chỉ là người mở đường, mà còn là người bảo vệ con đường và đồng đội bằng chính mạng sống của mình. Hình ảnh của cô chính là biểu tượng cho lòng yêu nước mãnh liệt và sự hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Đặc biệt, khi cô gái dùng “tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa” để đánh lạc hướng kẻ thù, ta thấy rõ sự hy sinh dũng cảm của cô. Cô gái đã chấp nhận hứng chịu những luồng bom, hi sinh bản thân để bảo vệ đoàn xe ra trận, giúp những người lính kịp thời lên đường. Một chi hành động thôi nhưng cũng đủ thể hiện một tinh thần quên mình vì Tổ quốc, một lòng trung kiên và một tình yêu quê hương sâu sắc.
+ Giờ đây khi “đơn vị tôi hành quân qua đường mòn” hình ảnh cô gái mở đường đã trở thành một nấm mộ “nắng ngời bao sắc đá”. Hình ảnh “Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá” không chỉ gợi lên sự mất mát mà còn tôn vinh sự hy sinh của cô như một biểu tượng bất diệt của tình yêu nước.
+ Em gái mở đường đã nằm mãi tại nơi đây – nơi con đường mòn chi viện cho tiền tuyến. Và em cũng còn sống mãi trong lòng người dân, như tình yêu thương bồi đắp không ngừng.
+ Qua hình ảnh cô gái mở đường trong đoạn thơ, tác giả không chỉ muốn tôn vinh sự hy sinh của những cô gái thanh niên xung phong mà còn nhắc nhở mọi người về giá trị của hòa bình, về những mất mát mà chiến tranh mang lại. Cảm nhận về hình ảnh này, ta không thể không xúc động và biết ơn trước sự hy sinh thầm lặng nhưng cao cả của những người con gái Việt Nam trong lịch sử.
* Kết đoạn:
+ Hình ảnh “cô gái mở đường” trong đoạn thơ không chỉ là một lời nhắc nhở về quá khứ đau thương mà còn là nguồn cảm hứng về lòng yêu nước và tinh thần bất khuất.
+ Cảm nhận về hình ảnh này, tôi không khỏi cảm thấy xúc động và biết ơn đối với những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của tổ quốc.
+ Hình ảnh cô gái mở đường là một tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm và tình yêu đất nước, khiến tôi càng thêm trân trọng và tự hào về quê hương Việt Nam.
* Một số lưu ý khi viết đoạn văn.
– Viết theo kiểu diễn dịch hoặc tổng – phân – hợp.
– Dẫn chứng thơ ngắn gọn, không trích dẫn dài dòng.
– Dùng từ ngữ chính xác, biểu cảm và tránh lan man.
– Đảm bảo khoảng 200–250 chữ.
* Đoạn văn minh họa:
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh.
Bài làm:
Bài thơ Quê hương là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ Tế Hanh. Tác phẩm là một khúc ca ngọt ngào, tha thiết về vùng quê ven biển, nơi gắn bó sâu nặng với tuổi thơ của nhà thơ. Với tình cảm chân thành, tác giả đã tái hiện đầy sinh động hình ảnh làng chài cùng cuộc sống lao động cần mẫn, khỏe khoắn của người dân quê mình. Những chàng trai “bơi thuyền đi đánh cá” được khắc họa với dáng vẻ rắn rỏi, tràn đầy sức sống. Hình ảnh “chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã”, “cánh buồm to như mảnh hồn làng” không chỉ cho thấy vẻ đẹp mạnh mẽ của con người trong lao động mà còn thể hiện tình cảm gắn bó thiêng liêng giữa con người với quê hương. Không gian làng biển hiện lên vừa sôi động, nhộn nhịp, vừa bình dị, thân thương. Về nghệ thuật, bài thơ nổi bật với thể thơ bảy chữ biến hóa linh hoạt, ngôn ngữ trong sáng, giản dị mà giàu sức gợi hình, gợi cảm. Giọng điệu thơ trữ tình, tha thiết, kết hợp nhuần nhuyễn với hình ảnh đặc sắc đã khắc sâu nỗi nhớ quê hương trong lòng người đọc. Đặc biệt, câu kết “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!” là lời tâm tình đầy xúc động, đọng lại dư âm da diết của tình yêu quê sâu nặng, chân thật và cảm động đến nao lòng. Đọc bài thơ Quê hương của Tế Hanh, tôi càng thấm thía hơn tình yêu tha thiết mà nhà thơ dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra. Những hình ảnh con thuyền, cánh buồm, mùi vị nồng mặn của biển khơi gợi nhắc tôi nhớ về quê hương mình – nơi có dòng sông xanh, cánh đồng lúa chín và giọng nói thân quen của mẹ. Quê hương không chỉ là nơi chốn, mà là một phần máu thịt trong tim tôi. Dù đi đâu, làm gì, tình yêu quê hương luôn là ngọn lửa ấm áp dẫn lối tôi trở về.
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận vẻ đẹp quê hương được thể hiện trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh
Bài làm:
Bài thơ Quê hương là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ Tế Hanh. Tác phẩm đã vẽ nên một bức tranh sống động và đậm đà hương vị của làng chài ven biển, qua đó thể hiện sâu sắc vẻ đẹp bình dị mà thiêng liêng của quê hương. Quê hương trong bài thơ không chỉ là không gian sinh sống mà còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ, là miền ký ức gắn bó máu thịt. Hình ảnh những người dân chài khỏe khoắn, rắn rỏi, “làn da ngăm rám nắng”, miệt mài lao động giữa biển trời mênh mông hiện lên đầy sức sống. Con thuyền ra khơi được ví như “con tuấn mã”, cánh buồm căng gió là “mảnh hồn làng” – những hình ảnh ẩn dụ độc đáo cho thấy sự hòa quyện giữa con người và quê hương, giữa lao động và vẻ đẹp tâm hồn. Hình ảnh con thuyền căng buồm ra khơi không chỉ là biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, tinh thần lao động hăng say của người dân làng chài, mà còn gợi nhắc đến hình ảnh quê hương thân thương luôn căng tràn nhựa sống, thức tỉnh trong lòng mỗi người con xa xứ tình yêu quê hương sâu nặng và nỗi nhớ cội nguồn da diết, không nguôi. Tất cả hòa quyện trong khung cảnh trời trong, gió nhẹ, biển êm đềm, tạo nên một quê hương trù phú, bình dị mà giàu chất thơ. Về nghệ thuật, bài thơ giàu chất trữ tình với ngôn ngữ trong sáng, hình ảnh giàu sức gợi, cách ví von độc đáo và giọng điệu tha thiết, sâu lắng. Đặc biệt, câu thơ cuối “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!” như một tiếng gọi thầm đầy xúc động, khẳng định tình yêu quê hương thiết tha, sâu sắc và bất tận trong tâm hồn người con xa xứ, làm rung động trái tim người đọc bởi tình cảm chân thành, tha thiết dành cho quê hương của nhà thơ. Đọc bài thơ Quê hương của Tế Hanh, tôi càng thấm thía hơn tình yêu tha thiết mà nhà thơ dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra. Những hình ảnh con thuyền, cánh buồm, mùi vị nồng mặn của biển khơi gợi nhắc tôi nhớ về quê hương mình – nơi có dòng sông xanh, cánh đồng lúa chín và giọng nói thân quen của mẹ. Quê hương không chỉ là nơi chốn, mà là một phần máu thịt trong tim tôi. Dù đi đâu, làm gì, tình yêu quê hương luôn là ngọn lửa ấm áp dẫn lối tôi trở về.
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận tình cảm sâu đậm của tác giả đối với quê hương được thể hiện trong bài thơ Quê hương
Bài thơ Quê hương là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ Tế Hanh. Trong bài thơ, tác giả đã dồn nén biết bao yêu thương để thể hiện tình cảm sâu nặng, tha thiết với mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Xa quê, sống nơi đất khách quê người, nhưng hình ảnh làng chài ven biển vẫn sống động, nguyên vẹn trong tâm trí ông như một miền ký ức không bao giờ phai nhòa. Ông nhớ những chàng trai cường tráng hăng hái bơi thuyền ra khơi, nhớ con thuyền lướt sóng mạnh mẽ như “con tuấn mã”, nhớ tiếng sóng rì rào, nhớ màu nước xanh biếc, nhớ cả mùi vị mặn mòi của biển cả quê hương. Những chi tiết bình dị ấy, qua ngòi bút giàu cảm xúc, trở thành những biểu tượng thân thương và thiêng liêng. Câu thơ cuối “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!” vang lên như một tiếng gọi từ đáy lòng, đầy xao xuyến và thổn thức, làm người đọc chợt thấy cay nơi khóe mắt. Đó không chỉ là nỗi nhớ về không gian, con người mà còn là nỗi nhớ về một phần đời đã gắn bó sâu sắc. Qua bài thơ, Tế Hanh đã gửi gắm tình yêu quê hương thiết tha, sâu đậm – thứ tình cảm trong trẻo, chân thành và luôn sống mãi trong trái tim người con xa xứ. Đọc bài thơ Quê hương của Tế Hanh, tôi càng thấm thía hơn tình yêu tha thiết mà nhà thơ dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra. Những hình ảnh con thuyền, cánh buồm, mùi vị nồng mặn của biển khơi gợi nhắc tôi nhớ về quê hương mình – nơi có dòng sông xanh, cánh đồng lúa chín và giọng nói thân quen của mẹ. Quê hương không chỉ là nơi chốn, mà là một phần máu thịt trong tim tôi. Dù đi đâu, làm gì, tình yêu quê hương luôn là ngọn lửa ấm áp dẫn lối tôi trở về.