Đề số 87 (Tuyển sinh 10): Đọc hiểu văn bản nghị luận; Nghị luận văn học: Áo cũ (Lưu Quang Vũ); Nghị luận xã hội: Rèn luyện thói quen tốt

de-so-87-doc-hieu-van-ban-nghi-luan-nghi-luan-van-hoc-ao-cu-luu-quang-vu-nghi-luan-xa-hoi-ren-luyen-thoi-quen-tot
Phần I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

(1) “Từ xưa, cha ông ta quan niệm “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con” chứng tỏ sách quý hơn gia tài, hay chính sách là một gia tài khổng lồ. Sách là công cụ lưu giữ văn minh nhân loại, người đọc sách nâng cao hiểu biết, có cơ hội đưa mình về với lịch sử tìm lại quá khứ hoặc khám phá tương lai. Người đọc sách hoàn toàn có thể chu du đến mọi vùng đất mới mà điều kiện chưa cho phép khám phá thực tế, đồng thời, với sách, con người có thể đi thật sâu vào thế giới tâm hồn người khác để yêu thương, đồng cảm. Chính sách sẽ bồi đắp tâm hồn, “gây cho ta những gì ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có” (lời của Hoài Thanh). Cũng từ sách ta tìm kiếm cho mình cơ hội mới, nâng cao kĩ năng sống. Và không thể phủ nhận, sách giúp chúng ta đặc biệt là học sinh thực hành luyện từ và câu, nâng cao khả năng giao tiếp, hạn chế lỗi diễn đạt và chính tả. Quả thật, như M.Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới.”

(2) Sách tuyệt vời là thế, người Việt Nam ta yêu sách là thế, nhưng tuổi trẻ bây giờ, nhất là lứa tuổi học sinh có còn yêu thích sách không? Ngày nay, công nghệ phát triển mạnh mẽ, chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh kết nối Internet, con người tìm kiếm thông tin bằng kênh chữ, kênh hình một cách dễ dàng. Những hấp dẫn đó thu hút giới trẻ, nhất là học sinh, lứa tuổi mà nhận thức chưa chín chắn khiến các em chưa hào hứng với sách, chưa có thói quen đọc sách. Đó là tất yếu. Nhưng giữa muôn vàn thông tin thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội, những quyển sách giấy với nội dung được kiểm duyệt vẫn là một lựa chọn tối ưu để bậc cha mẹ, thầy cô hướng học sinh vào đọc sách. Vì vậy, rất cần thiết phải hình thành thói quen đọc sách trong toàn xã hội, nhất là học sinh.

(Theo Lại Thị Linh, Rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, Báo Giáo dục và Thời đại, số 97, Thứ hai, ngày 22/4/2024)

Câu 1 (0.5 điểm). Đoạn trích trên bàn luận về vấn đề gì?

Câu 2 (0.5 điểm). Trong đoạn văn (1), người viết đã dùng những lời dẫn trực tiếp nào?

Câu 3 (1.0 điểm). Vì sao tác giả lại cho rằng: “Người đọc sách hoàn toàn có thể chu du đến mọi vùng đất mới mà điều kiện chưa cho phép khám phá thực tế, đồng thời, với sách, con người có thể đi thật sâu vào thế giới tâm hồn người khác để yêu thương, đồng cảm.”

Câu 4 (1.0 điểm). Việc trích dẫn câu nói nổi tiếng của M.Gorki : “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới.” trong đoạn (1) có tác dụng gì?

Câu 5 (1,0 điểm). Từ nội dung đoạn trích, em rút ra được bài học gì đối với bản thân?

Phần II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm) Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết phải rèn luyện những thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày.

Câu 2. (4,0 điểm) Hãy viết bài văn phân tích bài thơ “Áo cũ” của nhà thơ Lưu Quang Vũ

ÁO CŨ
(Lưu Quang Vũ)

Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Thương áo cũ như là thương kí ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay.

Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn
Mẹ không còn nhìn rõ chỉ để xâu kim
Áo con có đường khâu tay mẹ vá
Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm.

Áo đã ở với con qua mùa qua tháng
Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương
Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới
Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn.

Hãy biết thương lấy những manh áo cũ
Để càng thương lấy mẹ của ta
Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống
Những gì trong năm tháng trôi qua…

1963, lớp 9H

(Áo cũ – Lưu Quang Vũ, Thơ tình, NXB Văn học, 2002)


* Chú thích:

– Lưu Quang Vũ (1948-1988) quê gốc ở Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Một số tác phẩm kịch nổi tiếng của ông: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita, v.v. Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Rất nhiều bài thơ của ông được bạn đọc yêu thích như: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu…. Ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn mang đậm phong cách riêng.

– Bài thơ “Áo cũ” được Lưu Quang Vũ viết khi vẫn còn là cậu học trò lớp 9. Thông qua bài thơ, tác giả thể hiện tình cảm yêu thương, trân quý dành cho người mẹ của mình, xót xa khi mẹ ngày càng già đi; đồng thời thể hiện tình cảm trân trọng, nâng niu, cất giữ những kí ức, kỉ niệm trong quá khứ.

.……Hết……

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang