Đề số 89 (Tuyển sinh 10) : Đọc hiểu và nghị luận văn bản: Mẹ và cánh đồng (Trần Văn Lợi); Nghị luận xã hội: Tôn trọng sự khác biệt

de-so-89-doc-hieu-va-nghi-luan-van-ban-me-va-canh-dong-tran-van-loi-nghi-luan-xa-hoi-ton-trong-su-khac-biet
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Khi tôi vun trồng xanh những ước mơ
Mẹ gánh mùa đông xuống đồng chiêm mặn
Lội dòng sông tát ánh trăng chống hạn
Cây lúa gầy nhễ nhại giọt phù sa

Có một thời xuân sắc mẹ đi qua
Để cánh đồng xanh bao thì con gái
Mẹ tính tuổi bằng hai lần gặt hái
Bằng nhọc nhằn nắng hạn lại mưa giông

Gửi dấu tay khắp thửa ruộng xứ đồng
Thương cái vạc cái cò ngày giáp hạt [1]
Mẹ giữ dành hạt giống sau mùa gặt
Cái chum sành truyền lại sự ấm no

Cơn gió Lào cho mắt mẹ âu lo
Cỏ dại mọc tràn bờ xôi, ruộng mật
Đám lá lúa cứa nóng bừng da mặt
Ngọn cỏ gừng đâm nhói những bước chân
[…]
Và tôi như hát thóc vàng bé nhỏ
Mẹ đã gieo hi vọng ở trên đồng
Chợt lo sợ ngày cuối mùa, hết vụ
Hạnh phúc mẹ chờ chẳng kịp trổ bông.

(Trích “Mẹ và cánh đồng”, Trần Văn Lợi [2] , in trong tập Miền gió cát, NXB Thanh Niên, 2000)

[1] Giáp hạt: Thời kỳ lúa cũ ăn đã hết, lúa mới chưa chín.
[2]Nhà giáo, nhà thơ Trần Văn Lợi sinh năm 1976 tại tỉnh Nam Định. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, uỷ viên BCH Hội VHNT tỉnh Nam Định, biên tập viên Tạp chí Văn nhân. Thơ Trần Văn Lợi giản dị, trầm lắng mà đằm sâu, tha thiết. Những tác phẩm thơ của anh thiên về hoài cổ, nuối tiếc những vẻ đẹp đã qua; thể hiện một tâm hồn phong phú, luôn gắn bó sâu sắc với làng quê, với những con người thân thuộc trong cuộc sống. Những tập thơ của anh như “Miền gió cát” (2000), “Lật mùa” (2005), “Bàn tay châu thổ” (2010) “Đã như là hóa thạch những mồ hôi” (2019)…

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,75 điểm): Xác định thể thơ của đoạn trích? Dựa vào dấu hiệu nào em xác định thể thơ đó?

Câu 2 (0,75 điểm): Chỉ ra những hình ảnh, từ ngữ gợi lên sự vất vả, tảo tần của “mẹ” trong khổ thơ thứ nhất.

Câu 3 (1,0 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong hai dòng thơ sau:

“Đám lá lúa cứa nóng bừng da mặt
Ngọn cỏ gừng đâm nhói những bước chân”

Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra mối quan hệ giữa hình ảnh “cánh đồng” và hình ảnh “mẹ” trong đoạn trích.

Câu 5 (0,5 điểm): Từ đoạn thơ trên, em hãy nêu thông điệp mà tác giả muốn gửi tới chúng ta.

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích hai khổ thơ sau:

“Gửi dấu tay khắp thửa ruộng xứ đồng
Thương cái vạc cái cò ngày giáp hạt
Mẹ giữ dành hạt giống sau mùa gặt
Cái chum sành truyền lại sự ấm no

Cơn gió Lào cho mắt mẹ âu lo
Cỏ dại mọc tràn bờ xôi, ruộng mật
Đám lá lúa cứa nóng bừng da mặt
Ngọn cỏ gừng đâm nhói những bước chân”

(Trích “Mẹ và cánh đồng”, Trần Văn Lợi [2] , in trong tập Miền gió cát, NXB Thanh Niên, 2000)

Câu 2 (4,0 điểm):

“Tôn trọng sự khác biệt không phải là một giá trị đạo đức xa vời, mà là một cách sống. Nó giúp chúng ta xây dựng những mối quan hệ sâu sắc, vững bền và trên hết, làm cho thế giới này trở thành nơi đáng sống hơn”

(Trích “Tôn trọng sự khác biệt”, Diệu Linh, dẫn theo: Báo Quân đội nhân dân, 01/02/2024)

Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình: học sinh cần làm gì để học cách tôn trọng sự khác biệt?

——HẾT——

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang