I. Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học (5,0 điểm)
KHÁT VỌNG
Ngày còn bé ta mơ trăng tháng tám
Giữa đêm rằm bầy cỗ, vui chơi
Cùng bạn nhỏ rước đèn múa hát
Trống ếch lùng tùng náo nức trăng vui
Khi lớn khôn ước mơ càng cháy bỏng
Vai kề vai nghe rộn tiếng tim yêu
Trải tâm tư dưới trời trăng sáng
Cuộc đời ơi, đẹp biết bao nhiêu!
Chỉ thế thôi ư? Ta còn mơ ước
Thành nhà thơ ca ngợi cuộc đời
Những vần thơ cùng du hành vũ trụ
Sưởi ấm vừng trăng lạnh niềm vui
Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp
Theo những con tàu cập bến các vì sao
Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng
Biết bay rồi, ta lại muốn bay cao
(Xuân Quỳnh, “Khát vọng”, in trong tập thơ Tơ tằm – Chồi biếc, NXB Văn học, 1963)
Câu 1. Đọc hiểu văn bản
a (0,5 điểm) Xác định thể thơ của bì thơ. Căn cứ vào dấu hiệu nào em xác định như vậy?
b (0,5 điểm) Trong khổ thơ đầu tiên, những từ ngữ và hình ảnh nào cho thấy những ước mơ thời thơ ấu của nhân vật “ta”?
c (1,0 điểm) Xác định và nêu tác dụng của thành phần biệt lập có trong đoạn thơ sau:
“Trải tâm tư dưới trời trăng sáng
Cuộc đời ơi, đẹp biết bao nhiêu!”
d (1,0 điểm) Qua bài thơ, Xuân Quỳnh muốn truyền tải đến người đọc thông điệp gì? Thông điệp ấy có ý nghĩa gì đối với em trong cuộc sống hôm nay?
Câu 2. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), cảm nghĩ về ý nghĩa nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Khát vọng (Xuân Quỳnh)
II. Đọc hiểu văn bản nghị luận và viết bài văn nghị luận xã hội (5,0 điểm)
NGƯỜI TRẺ SẼ THÍCH ỨNG RA SAO TRONG THỜI ĐẠI TRÍ TUỆ NHÂN TẠO LÊN NGÔI
[.. ] Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, giới hạn của AI nằm ở cảm xúc và biểu cảm của con người. Kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp chính là một điểm khiến chúng ta khác biệt so với phần mềm trí tuệ nhân tạo. Giới hạn về biểu cảm, cảm xúc của con người là điều AI không thể làm được.
Khi bạn đặt ra một câu hỏi với hàng ngàn người, bạn sẽ có thể thu về được hàng ngàn câu trả lời khác nhau. AI cũng có khả năng làm điều tương tự khi nó có thể tổng hợp trí tuệ của con người và đưa ra câu trả lời ngay lập tức.
Nhưng sự giao tiếp của bạn với hàng nghìn người đó, mỗi một người sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm về tình cảm khác nhau mà AI không thể có. Dù phát triển đến đâu, máy móc không thể thay thế con người, bởi vì con người có biểu cảm.
AI kỳ diệu bởi nó có thể tổng hợp tất cả trí tuệ của nhân loại, sự ra đời của các loại máy móc cũng chính là để tạo ra một bản sao bất kỳ từ một bộ phận của chúng ta và thế giới xung quanh với sức mạnh vượt trội hơn, sở hữu suy nghĩ nhanh và giải quyết hàng tỷ phép tính trong 1 giây để phản ứng.
Vì vậy, giới trẻ cần nắm bắt công nghệ và sử dụng nó, nhưng không phụ thuộc vào nó, không nên vì thế mà lười suy nghĩ. Phải tranh thủ phát triển nhiều biểu cảm trong giao tiếp để không bị thay thế.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người trẻ hiện nay cần sống gần gũi với thế giới thực hơn thay vì chỉ giao tiếp với nhau thông qua màn hình điện thoại, máy tính. Cần quan tâm nhiều hơn đến mọi người xung quanh và quan sát họ, đặt nhiều tình cảm hơn vào cuộc sống để tránh để bản thân trở nên vô cảm, lười suy nghĩ và giống như một sản phẩm AI.
(Theo Báo Dân Trí điên tử, https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nguoi-tre-se-thich-ung-ra-sao-trong-thoi-dai-tri-tue-nhan-tao-len-ngoi-20230210171809030.htm)
Câu 1. Theo văn bản, kỹ năng nào của con người khiến chúng ta khác biệt so với phần mềm trí tuệ nhân tạo ?
Câu 2:
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể xử lý hàng tỷ phép tính trong một giây và tổng hợp tri thức của cả nhân loại, nhưng vẫn không thể thay thế được con người ở cảm xúc và biểu cảm. Kỹ năng giao tiếp, khả năng đồng cảm và sự gần gũi trong đời sống thực chính là điều khiến con người trở nên đặc biệt và khác biệt với máy móc.
Từ những nhận định trên, hãy viết một bài văn nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về vai trò của cảm xúc, giao tiếp và kỹ năng sống trong thời đại trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ.
Trong bài viết, hãy nêu rõ những hành động cụ thể mà giới trẻ cần thực hiện để vừa làm chủ công nghệ, vừa giữ gìn những giá trị cốt lõi của con người.