ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!
Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!
Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay…
[…]
(Tố Hữu, “Bác ơi!”, tập thơ “Ra Trận”, NXB Văn Học 1972)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của đoạn thơ trên? Căn cứ vào dấu hiệu nào em xác định được như vậy?
Câu 2 (0,5 điểm). Qua những hình ảnh như “Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa”, “Con lại lần theo lối sỏi quen”, “Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn”, anh/chị hiểu tâm trạng của người viết khi đến thăm nơi ở của Bác Hồ là gì?
Câu 3 (1,0 điểm). Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nói giảm nói tránh được sử dụng trong câu thơ: “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!?”
Câu 4 ( 1,0 điểm). Đoạn thơ giúp anh/chị cảm nhận được những tình cảm nào của tác giả dành cho Bác?
Câu 5 ( 1,0 điểm). Từ cảm xúc đau thương và hình ảnh quen thuộc trong đoạn thơ, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (5 – 7 câu) thể hiện tình cảm của bản thân đối với Bác Hồ, đồng thời nêu suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong việc tiếp nối lý tưởng và tình yêu nước của Người.
PHẦN VIẾT: (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ đoạn thơ của phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của mình về đoạn thơ.
Câu 2 (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết: “Là học sinh, em làm thế nào để rèn luyện được sự tự tin cho bản thân?”
……HẾT……