Phân tích, đánh giá nghệ thuật bài thơ Hội Tây của Nguyễn Khuyến

Bài thơ Hội Tây được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường – một thể thơ truyền thống với cấu trúc chặt chẽ, quy phạm nghiêm ngặt về số câu, số chữ, cách gieo vần và đối ý, đối thanh. Nhờ đó, bài thơ có bố cục rõ ràng, mạch lạc, mỗi phần đều đảm nhận một chức năng biểu đạt nhất định. Dù chỉ gói gọn trong tám câu, bài thơ vẫn chuyển tải được nhiều tầng ý nghĩa, vừa phác họa sinh động bức tranh lễ hội Tây hóa, vừa thể hiện thái độ mỉa mai sâu sắc của tác giả. Chính sự cô đọng, hàm súc của thể thơ đã giúp Nguyễn Khuyến “ít lời mà nhiều ý”, tạo nên một bài thơ trào phúng giàu sức gợi và liên tưởng.

Ngôn ngữ và hình ảnh mộc mạc, mang đậm tính dân gian, giản dị nhưng giàu sức gợi hình, gợi cảm và góp phần làm nổi bật chất trào phúng sâu sắc của tác phẩm.

Biện pháp đối lập tương phản (hình ảnh “bà quan tênh nghếch” đối lập với hình ảnh “thằng bé lom khom”: Hai từ “tênh nghếch”, “lom khom” đã miêu tả tư thế nực cười của bà quan (bà đầm Tây) đối lập với dáng vẻ đáng thương của đứa bé. Qua đó lột trần thực tại xót xa của cảnh đất nước trong nô lệ, dưới gót giày của lũ xâm lược. Đau xót hơn, những con người nô lệ ấy không nhận thức được nỗi nhục mất nước lại còn cuốn vào những trò chơi mà bọn thực dân Pháp bày ra để mị dân.

Điệp từ “vui thế” thể hiện nỗi đắng cay, chua chát của nhà thơ trước cuộc đời. “Vui thế” tưởng chừng như là một lời tán thưởng thật lòng, nhưng trong ngữ cảnh bài thơ, đó là lời châm biếm đầy ý nhị thói a du, xu nịnh, niềm vui giả tạo,… “Vui thế” còn nhấn mạnh sự đối lập gay gắt giữa sự ồn ào, náo nhiệt của lễ hội và sự trống rỗng trong lòng người. Nhờ thủ pháp điệp từ này, tiếng cười trong bài thơ vừa mang tính giải trí, vừa mang tính phản kháng sâu sắc.

Nghệ thuật trào phúng: vừa chế giễu thực trạng đáng buồn của con người vừa thể hiện sự cay đắng, xót sa, bất lực trước thời cuộc. Bài thơ không hề gay gắt hay lên án một cách trực diện, mà dùng giọng điệu giễu cợt nhẹ nhàng, hài hước, tạo nên tiếng cười sâu cay mà thấm thía. Đó là tiếng cười của một nhà nho yêu nước, bất lực trước thời cuộc, phải chứng kiến những thay đổi dị dạng của xã hội. Tiếng cười trong bài thơ vừa mang tính giải trí, vừa mang tính phản kháng, phê phán sâu sắc xã hội thực dân nửa mùa và những con người đang tự đánh mất bản sắc dân tộc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang