TỰ TRÀO
(Nguyễn Khuyến)
Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ,
Mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng.
I. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Tự trào là một bài thơ trào phúng tiêu biểu của Nguyễn Khuyến.
– Giới thiệu nội dung, chủ đề bài thơ: là lời tự trào đầy hài hước, châm biếm nhẹ nhàng chính bản thân, đồng thời phản ánh tâm trạng và nhân cách của tác giả.
II. Thân bài:
Phân tích nội dung:
1. Hai câu thực: Hình ảnh con người “làng nhàng”, bình dị, không nổi bật.
Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.
– “Chẳng giàu”, “chẳng sang”: không giàu sang, phú quý → Lối nói phủ định liên tiếp tạo cảm giác bông đùa, tự giễu.
– “Làng nhàng” thể hiện sự mờ nhạt, không đặc biệt, một kiểu sống dung dị, không bon chen.
→ Tự nói về bản thân mình → Phủ định những ý nghĩ của người khác về mình → Tự cười mình (có sự đối lập giữa thực tế và những gì ông từng có và người khác từng nghĩ) → Tự giải thích về thực tại của mình trong nụ cười hóm hỉnh.
→ Phản ánh tâm thế sống ẩn dật, an phận của tác giả sau khi cáo quan về quê → Chấp nhận cuộc sống thực tại: tầm thường, nhỏ bé,… không có một khát vọng gì lớn lao.
2. Hai câu thực: Hình ảnh đời sống và tâm trạng chán nản, bất lực của Nguyễn Khuyến trước thời cuộc.
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
– Phép ẩn dụ “cờ” và “bạc”: chỉ những thói hư tật xấu, trò chơi tầm thường của cuộc đời, tượng trưng cho sự bất lực trước thời cuộc.
– “Dở cuộc”, “chạy làng” → thất bại, bỏ cuộc giữa chừng → tâm thế mệt mỏi, chán chường.
→ Say mê những thú vui tầm thường, sa ngã vào những thú vui của cuộc sống → Bất lực trước thời cuộc, đành phải tìm thú vui trong cờ bạc → Đánh mất những chuẩn mực làm người, đặc biệt là chuẩn mực của nhà Nho – người gương mẫu của xã hội.
→ Thể hiện nỗi chán chường, mệt mỏi trước cuộc đời đầy những trái ngang và sự tha hóa bản chất của con người.
3. Hai câu luận: Sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang (thương).
– “Gàn bát sách”: lời nói khuôn sáo, rập khuôn kiểu Nho giáo
– “Mềm môi chén mãi tít cung thang”: say sưa trong rượu ngon và đàn hát.
→ Thể hiện sự mâu thuẫn nội tâm giữa lý tưởng và thực tại: đề cao sách vở nhưng thực tại lại sa đọa vào rượu chè, đàn hát.
– Vi phạm nguyên tắc về chuẩn mực làm người, đặc biệt là chuẩn mực của nhà Nho. Vi phạm nguyên tắc của chính mình mà bản thân ông hằng theo đuổi.
→ Phê phán nhẹ nhàng chính bản thân và thói đời trí thức “nửa mùa” → Tự cười chính mình. Thấy cuộc đời mình đầy những mâu thuẫn không giải quyết được → Từ việc cười mình, ông cười cuộc đời đáng cười:
+ Hiện thực mà kẻ vô học lại giàu, sang, được nhiều người trọng vọng.
+ Cuộc đời đầy giả dối.
+ Bất lực lực trước thời cuộc.
→ Đó chính là lý do để ông từ quan về quê ở ẩn để giữ trọn phẩm hạnh của nhà Nho, không bị danh lợi làm hoen ố cuộc đời → khí tiết của nhà Nho.
4. Hai câu kết: Tự ý thức và phản tỉnh.
Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ,
Mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng.
– “Ngán cho mình”: chán nản, thất vọng về bản thân.
– “Xanh bia”, “bảng vàng”: từng đỗ đạt, vẻ vang nhưng cuối cùng lại thấy đời mình vô vị.
– Phản tỉnh sâu sắc: cuộc đời giả dối và việc từ quan là đúng đắn.
→ Cho thấy sự phản tỉnh sâu sắc, ý thức rõ về giá trị bản thân trong xã hội đầy biến động.
2. Phân tích nghệ thuật:
– Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật: ngắn gọn, sức tích, giàu nhạc tính, giàu hình tượng, nói ít nhưng gợi nhiều.
– Ngôn ngữ: bình dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người bình dân, đậm sắc thái dân gian.
– Hình ảnh: giàu sức gợi.
– Biện pháp tu từ: ẩn dụ, đối lập tương phản
– Nghệ thuật trào phúng: châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu cay, đi kèm tự giễu tinh tế.
III. Kết bài:
– Khẳng định giá trị nội dung, nghệ thuật:
+ Bài thơ là tiếng cười tự giễu nhưng chất chứa nỗi niềm của một trí thức sống trong thời loạn, đầy mâu thuẫn và trăn trở.
+ Giọng điệu trào phúng nhẹ nhàng, ngôn ngữ bình dị, cấu tứ chặt chẽ, mang đậm sắc dân gian.
-Đánh giá về bài thơ/tác giả: Nguyễn Khuyến không chỉ là “nhà thơ của làng quê” mà còn là một nhà thơ trào phúng tài ba, biết cười mình để phản ánh cuộc đời.
Bài văn tham khảo:
Phân tích bài thơ “Tự trào” của Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến (1835–1909) là một trong những cây bút lớn của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Ông nổi tiếng với những bài thơ trữ tình sâu sắc, đậm tình quê hương và đồng thời cũng là một nhà thơ trào phúng tài ba. Trong số những bài thơ trào phúng của ông, “Tự trào” là một tác phẩm tiêu biểu. Bài thơ vừa mang tính tự trào hài hước, vừa phản ánh tâm trạng buồn bã, bất lực của một trí thức phong kiến trước thời cuộc suy tàn. Qua bài thơ, Nguyễn Khuyến không chỉ tự cười mình mà còn kín đáo cười đời, thể hiện nhân cách cao đẹp và tâm thế của một nhà Nho chân chính.
Ngay từ hai câu thơ đầu tiên, Nguyễn Khuyến đã tự họa một chân dung giản dị, khiêm nhường:
Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.
Tác giả sử dụng liên tiếp những từ phủ định “chẳng… mà cũng chẳng…” nhằm nhấn mạnh sự mờ nhạt, tầm thường của bản thân. Từ “làng nhàng” – một từ ngữ dân gian mang nghĩa không nổi bật, không đặc sắc — đã tô đậm thêm hình ảnh một con người sống lặng lẽ, an phận.
Ẩn sau giọng điệu tự giễu ấy là tâm thế của một trí thức cáo quan về ở ẩn, chọn cuộc sống nhàn tản thay vì chen chúc giữa chốn quan trường đầy bon chen, giả dối. Bằng cách tự phủ định mình, Nguyễn Khuyến cũng gián tiếp phản ánh một thực tại: ông từng là người có danh vọng, từng được xã hội kính trọng nhưng nay chấp nhận một cuộc sống “làng nhàng”, bình thường.
Tiếp đến, Nguyễn Khuyến chuyển sang thể hiện nỗi chán nản và tâm trạng bất lực của mình qua hình ảnh:
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Hình ảnh “cờ” và “bạc” ở đây là những ẩn dụ rất khéo léo cho cuộc đời và sự nghiệp. “Dở cuộc”, “không còn nước”, “chạy làng” đều gợi cảm giác thất bại, lỡ dở. Người chơi cờ nhưng thế cờ đã bí, người đánh bạc nhưng chưa hết đêm đã phải chạy trốn – tất cả đều hàm ý về sự bất lực, chán ngán trước cuộc đời đầy biến động. Qua đó, Nguyễn Khuyến thừa nhận mình cũng từng sa vào những thú vui tầm thường, từng có lúc đánh mất chữ tín – những chuẩn mực đạo đức mà một nhà Nho chính trực phải giữ gìn. Đây là nỗi đau lớn nhất của ông: không chỉ thất bại trước thời cuộc mà còn thất bại với chính bản thân mình.
Hai câu luận tiếp theo tiếp tục đào sâu vào sự mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tại:
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang (thương).
“Gàn bát sách” ám chỉ lời nói khuôn sáo, rập khuôn, giáo điều sáo rỗng của Nho giáo, trong khi “mềm môi” vì rượu lại cho thấy sự sa đọa, buông thả. Một bên là lý tưởng cao đẹp, một bên là thực tại buông xuôi; một bên là những lời lẽ khuôn sáo, đạo mạo, một bên là cơn say sưa trác táng. Sự đối lập ấy phản ánh những mâu thuẫn không thể hóa giải trong tâm hồn Nguyễn Khuyến, đồng thời phơi bày hiện thực: kẻ giữ đạo lý lại không thể giữ mình trước những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Từ việc tự giễu mình, Nguyễn Khuyến gián tiếp phê phán một xã hội đảo điên, nơi kẻ ngu dốt lại được trọng vọng, kẻ sĩ chân chính lại bị đẩy vào cảnh sống cô đơn, thất thế.
Hai câu kết của bài thơ khép lại bằng một tiếng thở dài ngậm ngùi:
Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ,
Mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng.
Trong nỗi “ngán cho mình” ấy, Nguyễn Khuyến không chỉ thất vọng về bản thân mà còn đau xót nhận ra sự vô nghĩa của những danh vọng từng có. “Bia xanh” và “bảng vàng” vốn tượng trưng cho vinh quang và sự nghiệp của kẻ sĩ thời xưa, giờ đây chỉ còn là những thứ hư danh vô nghĩa. Sự phản tỉnh sâu sắc này cho thấy Nguyễn Khuyến rất rõ ràng trong việc tự đánh giá giá trị bản thân: ông ý thức được rằng mình có tài học, từng đỗ đạt, nhưng không thể làm gì để xoay chuyển thời cuộc. Sự từ quan về quê của ông không phải vì thất bại đơn thuần, mà là để bảo toàn nhân cách, giữ trọn khí tiết của một nhà Nho chính trực.
Bài thơ “Tự trào” thể hiện tài năng xuất sắc của Nguyễn Khuyến trong thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Kết cấu bài thơ chặt chẽ, ngôn ngữ giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói dân gian, giàu sắc thái trào phúng nhẹ nhàng mà sâu cay. Nghệ thuật đối lập, ẩn dụ được sử dụng tài tình, góp phần làm nổi bật tâm trạng chán ngán, mệt mỏi của tác giả. Giọng điệu bài thơ pha trộn giữa tiếng cười tự giễu và nỗi buồn nhân thế, tạo nên nét riêng đầy sâu sắc trong phong cách trào phúng của Nguyễn Khuyến.
Tóm lại, “Tự trào” là tiếng cười tự giễu nhưng ẩn chứa biết bao nỗi niềm trăn trở của một trí thức thời loạn. Qua bài thơ, người đọc thấy được nhân cách cao đẹp của nhà thơ: dám tự nhìn nhận, dám tự cười mình để vui trước cuộc sống và cũng là để bảo vệ nhân phẩm, khí tiết trong một thời đại đầy biến động. Nguyễn Khuyến không chỉ là nhà thơ của làng quê Việt Nam mà còn là một nhà thơ trào phúng tài ba, biết dùng tiếng cười tự trào để phản ánh nỗi đau và sự bất lực trước cuộc đời.