Suy nghĩ về hiện tượng một số học sinh không vâng lời cha mẹ, thầy cô
I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề: Gia đình và nhà trường là hai môi trường quan trọng trong việc giáo dục con người.
– Dẫn dắt vào hiện tượng: Hiện nay, có không ít học sinh có thái độ không vâng lời cha mẹ, thầy cô, thể hiện sự chống đối, vô lễ, thiếu tôn trọng.
– Nêu vấn đề nghị luận: Thái độ không biết vâng lời cha mẹ, thầy cô của học sinh là biểu hiện của việc suy thoái đạo đức. Điều này khiến gia đình, nhà trường và xã hội vô cùng lo ngại.
II. Thân bài:
1. Giải thích hiện tượng học sinh không vâng lời là gì?
– Không nghe theo lời khuyên, dạy bảo của cha mẹ, thầy cô.
– Có thái độ chống đối, cãi lời, vô lễ, hoặc thờ ơ trước những lời nhắc nhở.
– Vi phạm nội quy trường lớp, gia đình dù đã được nhắc nhở.
2. Nguyên nhân của hiện tượng học sinh không biết vâng lời cha mẹ, thầy cô
– Học sinh đang ở lứa tuổi mới lớn có tâm lí muốn thể hiện cái tôi, không thích bị ràng buộc, hành vi bốc đồng, thiếu suy nghĩ. Mặt khác, do ảnh hưởng bởi bạn bè xấu, môi trường tiêu cực, say mê game, mạng xã hội, dễ bị tiêm nhiễm những lối sống lệch lạc.
– Cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá nghiêm khắc, tạo ra phản ứng tiêu cực từ con cái; không có thời gian quan tâm, lắng nghe con cái dẫn đến khoảng cách trong giao tiếp. Một số phụ huynh thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, thường có lời lẽ cộc cằn, thô lỗ đối với con,…
– Một số thầy cô giáo chưa thực sự thấu hiểu tâm lý học sinh, chỉ áp đặt kỷ luật khiến học sinh không tôn trọng. Xã hội đề cao quyền tự do cá nhân, khiến học sinh dễ hiểu sai về sự tôn trọng và trách nhiệm.
3. Hậu quả của hiện tượng
– Ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của học sinh; làm suy giảm tình cảm gia đình, gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.
– Môi trường học tập bị ảnh hưởng khi học sinh thiếu tôn trọng giáo viên. Học sinh dễ sa vào những thói quen xấu, lối sống tiêu cực, khó phát triển tốt trong tương lai.
4. Giải pháp khắc phục
– Bản than học sinh cần rèn luyện ý thức trách nhiệm, học cách lắng nghe, biết tôn trọng cha mẹ, thầy cô; xây dựng thái độ đúng đắn trong giao tiếp và ứng xử; hạn chế chơi game và mạng xã hội, tránh tiếp xúc với những video, clip có nội dung thô tục.
– Cha mẹ cần gần gũi, lắng nghe con cái nhiều hơn, dùng phương pháp giáo dục mềm mỏng nhưng có nguyên tắc, kỷ luật, mẫu mực trong giao tiếp để làm gương cho con.
– Nhà trường cần tạo môi trường học tập thân thiện, giúp học sinh cảm thấy được tôn trọng; kết hợp giáo dục đạo đức và kỹ năng sống để định hướng tốt cho học sinh.
III. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề: Hiện tượng học sinh không vâng lời cha mẹ, thầy cô là một vấn đề đáng lo ngại, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội.
– Rút ra bài học: Mỗi học sinh cần tự nhận thức và thay đổi để trở thành người có trách nhiệm, biết tôn trọng cha mẹ, thầy cô, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Bài văn tham khảo:
- Mở bài:
Trong cuộc sống, gia đình và nhà trường là hai môi trường quan trọng góp phần hình thành nhân cách và tri thức của mỗi con người. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số học sinh có xu hướng không vâng lời cha mẹ, thầy cô. Hiện tượng này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong tư duy của giới trẻ mà còn đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về giáo dục và đạo đức xã hội.
- Thân bài:
Trước hết, cần hiểu rằng việc học sinh không vâng lời cha mẹ, thầy cô là biểu hiện của sự suy giảm ý thức tôn trọng và trách nhiệm đối với những người có công nuôi dạy mình. Hành vi này có thể thể hiện qua việc cãi lời, không tuân theo những lời khuyên dạy, thậm chí có những hành động chống đối, vô lễ. Một số học sinh tỏ ra thờ ơ với sự nhắc nhở của cha mẹ về việc học tập, sinh hoạt cá nhân, hoặc thiếu kính trọng, không tuân theo nội quy trường lớp, lời giảng dạy của thầy cô.
Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ nhiều phía. Trước hết, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy và hành vi của học sinh. Việc tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin trái chiều khiến các em dễ dàng bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, đề cao cái tôi cá nhân mà xem nhẹ giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, cách giáo dục trong gia đình cũng đóng vai trò quan trọng. Một số bậc phụ huynh quá nuông chiều con cái, không nghiêm khắc trong việc dạy dỗ, khiến trẻ thiếu ý thức kỷ luật. Ngược lại, có những gia đình áp đặt quá mức, không lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, dẫn đến sự phản kháng.
Môi trường học đường cũng có tác động lớn. Một số học sinh chịu ảnh hưởng từ bạn bè xấu, bị lôi kéo vào những thói quen tiêu cực như lười học, vi phạm nội quy trường lớp. Bên cạnh đó, áp lực học tập quá lớn đôi khi cũng khiến các em trở nên căng thẳng, mất đi sự kiên nhẫn và dần hình thành thái độ chống đối.
Hậu quả của hiện tượng này vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, học sinh không vâng lời cha mẹ, thầy cô dễ rơi vào con đường sai lầm, mất đi cơ hội rèn luyện bản thân. Những hành vi thiếu tôn trọng người lớn có thể dần trở thành thói quen xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách và tương lai. Hơn nữa, sự bất hòa giữa học sinh với cha mẹ, thầy cô còn làm suy giảm tình cảm gia đình, phá vỡ mối quan hệ giữa người dạy và người học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Để khắc phục tình trạng này, cần có sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, dành thời gian lắng nghe, đồng hành và định hướng đúng đắn thay vì chỉ áp đặt. Thầy cô cần đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo môi trường học tập thân thiện, gần gũi để học sinh cảm thấy được tôn trọng và sẵn sàng chia sẻ. Bản thân học sinh cũng cần tự ý thức được trách nhiệm của mình, rèn luyện lòng kính trọng, lễ phép với người lớn và biết lắng nghe để hoàn thiện bản thân.
- Kết bài:
Tóm lại, hiện tượng học sinh không vâng lời cha mẹ, thầy cô là một vấn đề đáng báo động trong xã hội hiện nay. Mỗi cá nhân cần có ý thức nhìn nhận lại bản thân, mỗi gia đình và nhà trường cần có những giải pháp tích cực để giáo dục học sinh theo hướng toàn diện hơn. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, chúng ta mới có thể xây dựng một thế hệ trẻ văn minh, có đạo đức và trách nhiệm với cuộc sống.
Pingback: Suy nghĩ về ý thức biết vâng lời cha mẹ, thầy cô của học sinh hiện nay - Lớp học Ngữ văn