Phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ “Về thăm nhà cảm tác” của Quách Tấn (Lớp 8)

Phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ “Về thăm nhà cảm tác” – Quách Tấn (Lớp 8)

VỀ THĂM NHÀ CẢM TÁC

Quê người rong ruổi bấy nhiêu lâu
Vườn cũ về thăm cảnh dãi dầu!
Trống trải ba gian nhà nhện choán
Ngửa nghiêng bốn mặt dậu bìm leo!
Cội tùng bóng ngả sương rơi lệ!
Ngõ trúc mây che cuốc giục sầu
Lẳng lặng bên thềm ôn chuyện cũ…
… Giật mình ngỡ đến chốn nào đâu?

(Một tấm lòng (1939), Quách Tấn)

  • Mở bài:

Quách Tấn là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới nhưng mang phong cách cổ điển, chịu ảnh hưởng sâu sắc của thơ Đường luật. Bài thơ “Về thăm nhà cảm tác” trích từ tập thơ “Một tấm lòng” (1939) thể hiện nỗi lòng của người con xa quê trở về chốn cũ, đối diện với sự đổi thay của cảnh vật và lòng người. Tác phẩm chứa đựng nỗi buồn man mác, sự tiếc nuối trước những gì đã phai mờ theo thời gian.

  • Thân bài:

1. Phân tích nội dung bài thơ

Bài thơ thể hiện tâm trạng bồi hồi, xúc động của nhân vật trữ tình khi trở về thăm lại ngôi nhà cũ sau một thời gian dài xa cách. Hình ảnh ngôi nhà hoang vắng, tàn tạ, tiêu điều đã gợi lên nỗi buồn man mác, sự tiếc nuối và cảm giác xa lạ với chính nơi từng thân thuộc.

a. Nỗi xót xa khi trở về chốn cũ:

“Quê người rong ruổi bấy nhiêu lâu
Vườn cũ về thăm cảnh dãi dầu”

– Câu thơ đầu tiên “Quê người rong ruổi bấy nhiêu lâu” nhấn mạnh thời gian xa cách, gợi cảm giác lưu lạc, tha hương. Ai cũng mong muốn được sống và gắn bó với quê hương thân thuộc. Phải lưu lạc phương xa xứ lạ, xa cách quê hương là một mất mát không thể bù đắp được.

“Vườn cũ về thăm cảnh dãi dầu!”: Người trở về mong được kết nối bản thân với quê nhà, với người thân và dòng chảy lịch sử. Thế nhưng, không gian xưa giờ đã nhuốm màu thời gian, đầy vẻ hoang sơ, tàn tạ và im lặng. Tất cả chỉ còn là hoài niệm xưa cũ.

b. Hình ảnh hoang phế của ngôi nhà – nơi chứa đựng biết bao kỉ niệm:

“Trống trải ba gian nhà nhện choán
Ngửa nghiêng bốn mặt dậu bìm leo!”

“Trống trải ba gian nhà nhện choán”:  Ngôi nhà cũ kỹ, vắng vẻ đến mức mạng nhện giăng đầy.

“Ngửa nghiêng bốn mặt dậu bìm leo!”:  Hàng rào siêu vẹo, cây bìm bám đầy thể hiện sự xuống cấp, tiêu điều.

→ Không gian thiếu vắng bàn tây chăm sóc của con người.

c. Cảnh vật nhuốm màu tâm trạng:

“Cội tùng bóng ngả sương rơi lệ!
Ngõ trúc mây che cuốc giục sầu”

“Cội tùng bóng ngả sương rơi lệ!”:  Cây tùng xưa cũ như cũng mang tâm trạng buồn bã, hình ảnh “sương rơi lệ” gợi nỗi cô đơn. “Cội tùng bóng ngả” không chỉ là cảnh vật mà còn ẩn dụ cho con người đã già nua theo năm tháng.

“Ngõ trúc mây che cuốc giục sầu”:  Hình ảnh  “Ngõ trúc mây che” thể hiện sự cách biệt giữa hiện tại và quá khứ, như một tấm màn che mờ kỷ niệm xưa. Hình ảnh “Cuốc giục sầu” gợi liên tưởng đến sự tiếc nuối, nỗi buồn không nguôi. Tiếng chim cuốc kêu khắc khoải càng làm tăng thêm nỗi buồn man mác, khiến cho lòng người càng thêm não nề.

Hai câu thơ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp cổ kính, u tịch, phản ánh tâm trạng buồn thương, cô đơn và trầm tư của nhân vật trữ tình. Các hình ảnh như “cội tùng”, “sương rơi”, “ngõ trúc”, “mây che”, “chim cuốc” đều mang tính biểu tượng, giúp truyền tải nỗi lòng sâu kín, có thể là sự nhớ nhung, tiếc nuối hoặc nỗi sầu nhân thế.

d. Người trở về hụt hẫng, xa lạ ngay chính trong ngôi nhà cũ của mình:

“Lẳng lặng bên thềm ôn chuyện cũ…
… Giật mình ngỡ đến chốn nào đâu?”

–  Nhân vật trữ tình hoài niệm về quá khứ, nhưng rồi chợt nhận ra nơi chốn quen thuộc nay đã trở nên xa lạ, không còn như xưa. Thực tại đã khác xa với quá khứ.

Hai câu thơ vẽ nên một bức tranh tâm trạng đầy cảm xúc: nhân vật trữ tình lặng lẽ hồi tưởng chuyện xưa, chìm vào ký ức, rồi bất giác bừng tỉnh, cảm thấy mình như đang lạc trong một không gian mơ hồ giữa thực tại và quá khứ. Điều này gợi lên nỗi buồn man mác, sự tiếc nuối và cảm giác lạc lõng khi nhận ra thời gian đã trôi qua không thể quay trở lại.

Nhận xét, đánh giá: Bài thơ không chỉ là lời cảm thán trước sự thay đổi của cảnh vật, mà còn hàm chứa nỗi buồn nhân sinh về sự đổi thay của thời gian, sự mất mát, cô đơn khi chứng kiến quê nhà không còn như thuở trước.

2. Phân tích nghệ thuật bài thơ

– Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật: Giữ đúng quy tắc luật bằng – trắc, gieo vần và đối câu chặt chẽ, tạo nhịp điệu trang trọng, cổ kính.

– Sử dụng từ ngữ gợi tả giàu cảm xúc: Các từ như “trống trải”, “ngửa nghiêng”, “rơi lệ”, “giục sầu” gợi lên sự hoang vắng, tàn phai và cảm xúc bâng khuâng, xót xa.

– Sự kết hợp giữa tả cảnh và tả tình (thủ pháp tat cảnh ngụ tình): Cảnh vật được miêu tả theo cái nhìn chủ quan của nhân vật trữ tình, thể hiện rõ tâm trạng buồn bã, tiếc nuối.

  • Kết luận:

– Bài thơ “Về thăm nhà cảm tác” của Quách Tấn là một bức tranh tâm trạng đầy xúc động về nỗi buồn hoài cổ, sự nuối tiếc quá khứ. Qua hình ảnh thiên nhiên và ngôi nhà hoang phế, tác giả bộc lộ cảm giác cô đơn, lạc lõng của con người khi đứng trước sự đổi thay của thời gian. Với nghệ thuật thơ Đường luật tinh tế và ngôn từ gợi cảm, bài thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc về tâm trạng của một người trở về quê hương mà không còn cảm thấy thân thuộc như xưa.

Bài văn tham khảo:

Phân tích bài thơ “Về thăm nhà cảm tác” của Quách Tấn

  • Mở bài:

Quách Tấn là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới nhưng mang phong cách cổ điển, chịu ảnh hưởng sâu sắc của thơ Đường luật. Bài thơ “Về thăm nhà cảm tác” trích từ tập thơ “Một tấm lòng” (1939) thể hiện nỗi lòng của người con xa quê trở về chốn cũ, đối diện với sự đổi thay của cảnh vật và lòng người. Tác phẩm chứa đựng nỗi buồn man mác, sự tiếc nuối trước những gì đã phai mờ theo thời gian.

  • Thân bài:

Bài thơ mở đầu bằng tâm trạng của nhân vật trữ tình khi trở về quê hương sau một thời gian dài xa cách:

“Quê người rong ruổi bấy nhiêu lâu
Vườn cũ về thăm cảnh dãi dầu!”

Câu thơ đầu tiên nhấn mạnh thời gian xa cách, thể hiện nỗi nhớ quê hương và sự trăn trở của người con xa xứ. “Quê người rong ruổi” gợi cảm giác phiêu bạt, không có điểm dừng chân, trong khi “vườn cũ về thăm” lại chất chứa niềm mong mỏi được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Tuy nhiên, cảnh vật trước mắt đã không còn như xưa mà trở nên hoang vắng, tiêu điều.

“Trống trải ba gian nhà nhện choán
Ngửa nghiêng bốn mặt dậu bìm leo!”

Hình ảnh ngôi nhà trống trải, mạng nhện giăng đầy, hàng rào xiêu vẹo, cỏ dại mọc um tùm gợi lên sự hoang phế, tàn tạ. Ngôi nhà từng là tổ ấm giờ đây chỉ còn là dấu tích của một thời quá vãng. Không gian hoang vắng, thiếu bóng dáng của con người. Niềm vui lớn nhất của người ở xa là khi trở về được gặp lại người thân nay trong ngôi nhà chứa đầy kỷ niệm. Ngồi lại với nhau hàn huyên tâm sự, kể lại chuyện cũ, vui đùa,… Cảnh cũ còn đây nhưng người xưa không thấy. Hoàn cảnh ấy khiến con người không khỏi chạnh lòng:

“Cội tùng bóng ngả sương rơi lệ!
Ngõ trúc mây che cuốc giục sầu”

Cảnh vật xung quanh cũng nhuốm màu tang thương. Cây tùng, biểu tượng của sự kiên cường và gắn bó với quê hương, giờ đây cũng “bóng ngả” như đang héo tàn theo năm tháng. Hình ảnh “sương rơi lệ” như nhân cách hóa thiên nhiên, khiến cảnh vật dường như cũng mang nỗi buồn nhân thế. Đặc biệt, âm thanh “cuốc giục sầu” gợi lên sự cô đơn, lẻ loi, nhấn mạnh tâm trạng thổn thức, bâng khuâng của nhân vật trữ tình khi đối diện với sự đổi thay của quê hương.

“Lẳng lặng bên thềm ôn chuyện cũ…
… Giật mình ngỡ đến chốn nào đâu?”

Hai câu kết thể hiện cao trào cảm xúc. Nhân vật trữ tình ngồi lặng lẽ hồi tưởng những kỷ niệm xưa nhưng rồi chợt giật mình nhận ra nơi đây đã không còn như trước. Chính sự thay đổi của cảnh vật khiến con người cảm thấy xa lạ, bơ vơ, dù đó là nơi mình từng gắn bó. Câu thơ kết đầy xót xa, thể hiện nỗi niềm tiếc nuối và cảm giác lạc lõng của con người trước sự bào mòn của thời gian.

Tác giả sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật truyền thống với kết cấu chặt chẽ, đối ngẫu cân xứng, góp phần tạo nên âm điệu trang trọng, cổ kính. Ngôn từ giàu tính gợi tả, giàu cảm xúc: Những từ ngữ như “trống trải”, “ngửa nghiêng”, “rơi lệ”, “giục sầu” không chỉ miêu tả hiện thực mà còn khắc họa nỗi buồn sâu thẳm của nhân vật trữ tình. Hình ảnh thơ mang tính biểu tượng cao: Cây tùng, ngõ trúc, tiếng cuốc không chỉ là những hình ảnh thiên nhiên mà còn tượng trưng cho sự đổi thay của thời gian, sự xa cách của lòng người.

Bút pháp tả cảnh ngụ tình của thơ cổ được vận dụng nhuần nhuyễn. Cảnh vật được miêu tả qua lăng kính tâm trạng của nhân vật trữ tình, góp phần làm nổi bật nỗi xót xa, tiếc nuối trước những đổi thay của quê hương.

  • Kết bài:

Bài thơ “Về thăm nhà cảm tác” của Quách Tấn không chỉ là bức tranh hoài niệm về quê hương mà còn chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc. Qua việc khắc họa hình ảnh ngôi nhà xưa cũ và cảnh vật tiêu điều, tác giả thể hiện nỗi buồn trước sự thay đổi của thời gian, sự phôi pha của ký ức. Với nghệ thuật thơ Đường luật tinh tế, ngôn ngữ gợi cảm và hình ảnh giàu sức biểu đạt, bài thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc về tâm trạng của con người khi trở về chốn cũ mà lòng đầy nuối tiếc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang