Suy nghĩ về hiện tượng nghiện game của một số học sinh hiện nay

Suy nghĩ về hiện tượng nghiện game của một số học sinh hiện nay

  • Mở bài:

Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão, các trò chơi điện tử (game online, game offline) đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giải trí của con người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, thay vì coi game là một công cụ giải trí lành mạnh, không ít học sinh lại rơi vào tình trạng nghiện game, ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập, sức khỏe và tâm lý. Hiện tượng nghiện game của học sinh đang trở thành một vấn đề nhức nhối, cần được quan tâm và giải quyết kịp thời.

  • Thân bài:

Nghiện game là gì?

Nghiện game là trạng thái một người chơi game quá mức, mất kiểm soát và không thể ngừng chơi dù biết rằng nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống. Người nghiện game thường dành phần lớn thời gian và tâm trí vào trò chơi, dẫn đến hậu quả như giảm sút kết quả học tập, suy yếu sức khỏe, rối loạn tâm lý và hạn chế các mối quan hệ xã hội.

Thực trạng của hiện tượng nghiện game

Hiện nay, tình trạng học sinh dành quá nhiều thời gian cho việc chơi game không còn là điều hiếm gặp. Nhiều em có thể ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính hoặc điện thoại để đắm chìm trong thế giới ảo, quên ăn, quên ngủ và thậm chí bỏ bê việc học tập. Game online với tính năng hấp dẫn, đồ họa sinh động, khả năng kết nối với nhiều người chơi khác đã thu hút sự quan tâm lớn từ các em học sinh. Một số trò chơi có tính gây nghiện cao như Liên Quân Mobile, Free Fire, PUBG, Minecraft… đã khiến nhiều em mê mẩn đến mức không kiểm soát được bản thân.

Không ít trường hợp học sinh bỏ học, nói dối bố mẹ để có thời gian chơi game. Thậm chí, có những em còn trộm tiền của gia đình để nạp thẻ, mua vật phẩm trong game. Tình trạng nghiện game không chỉ xảy ra ở thành phố mà còn lan rộng ra các vùng nông thôn, nơi internet ngày càng phổ biến.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nghiện game

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh nghiện game, trong đó có thể kể đến:

Trước hết, do sự hấp dẫn của game. Các trò chơi điện tử được thiết kế với đồ họa đẹp mắt, âm thanh sống động, nội dung phong phú và đặc biệt là khả năng cạnh tranh, thử thách. Điều này khiến học sinh dễ bị cuốn vào thế giới ảo.

Do nhiệm vụ học tập và cuộc sống hiện đại có nhiều áp lực. Học sinh ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử, kỳ vọng của gia đình. Nhiều em coi game là nơi giải tỏa căng thẳng, quên đi những áp lực thực tế.

Do sự quản lý lỏng lẻo của gia đình. Một số phụ huynh do bận rộn công việc nên không kiểm soát chặt chẽ con cái, để các em sử dụng điện thoại, máy tính một cách tự do mà không có giới hạn.

Do ảnh hưởng từ bạn bè. Khi bạn bè xung quanh đều chơi game, các em cũng dễ bị lôi kéo tham gia để không bị “lạc lõng”.

So sự phát triển của công nghệ và internet. Ngày nay, việc tiếp cận game rất dễ dàng với sự phổ biến của điện thoại thông minh và mạng internet. Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối mạng, học sinh có thể chơi game ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Hậu quả của việc nghiện game

Nghiện game để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với học sinh, ảnh hưởng đến cả thể chất, tinh thần và tương lai:

Nghiện game làm suy giảm kết quả học tập. Khi dành quá nhiều thời gian cho game, học sinh không còn đủ thời gian và tinh thần để học tập. Việc lơ là bài vở, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến kết quả sa sút nghiêm trọng.

Nghiện game làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Chơi game quá nhiều khiến học sinh bị mỏi mắt, suy giảm thị lực, đau lưng, rối loạn giấc ngủ, mất cảm giác thèm ăn. Việc ngồi lâu trước màn hình cũng ảnh hưởng đến hệ xương khớp và thần kinh.

Nghiện game tác động tiêu cực đến tâm lý. Nghiện game khiến học sinh dần trở nên thụ động, ít giao tiếp với gia đình và bạn bè. Một số em có thể trở nên nóng nảy, dễ cáu gắt khi bị cấm chơi game, thậm chí có những trường hợp dẫn đến trầm cảm hoặc hành vi bạo lực.

Nghiện game làm hình thành thói quen xấu và hành vi lệch lạc. Một số game có nội dung bạo lực, cờ bạc trá hình, khiến học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực về nhân cách. Một số em còn nói dối, trộm cắp tiền để chơi game, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức.

Giải pháp khắc phục hiện tượng nghiện game

Để hạn chế tình trạng học sinh nghiện game, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội:

Trước hết, gia đình cần quan tâm, giám sát con cái. Cha mẹ cần theo dõi thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con, đưa ra những quy định cụ thể về thời gian chơi game. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, học kỹ năng sống để giảm sự phụ thuộc vào game.

Nhà trường cần tăng cường giáo dục ý thức về mạng xã hội, game. Các trường học nên tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của nghiện game, hướng dẫn học sinh cách sử dụng internet và game một cách lành mạnh. Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa để học sinh có thêm sân chơi bổ ích.

Quan trọng hơn hết, bản thân học sinh cần tự ý thức. Học sinh cần nhận thức được tác hại của việc chơi game quá đà và có kế hoạch cân bằng giữa giải trí và học tập. Cần rèn luyện ý chí, tự kiểm soát thời gian chơi game và tìm kiếm những thú vui lành mạnh khác.

Cộng đồng và xã hội cần chung tay. Các nhà phát hành game cần có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát nội dung game, hạn chế những trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc. Đồng thời, cần có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn đối với việc truy cập game của học sinh.

  • Kết bài:

Tóm lại, hiện tượng nghiện game của học sinh là một vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập, sức khỏe và tâm lý. Game không xấu, nhưng việc lạm dụng và thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Do đó, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội để giúp học sinh sử dụng game một cách hợp lý, hướng đến một cuộc sống lành mạnh và cân bằng hơn. Mỗi học sinh cần tự giác nâng cao ý thức, biết cách quản lý thời gian hợp lý để tránh xa cám dỗ của game và phát triển bản thân một cách toàn diện.

Bài văn tham khảo:

SUY NGHĨ VỀ HIỆN TƯỢNG NGHIỆN GAME CỦA MỘT SỐ HỌC SINH HIỆN NAY

Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, các thiết bị điện tử và trò chơi trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận. Đối với giới trẻ, đặc biệt là học sinh, trò chơi điện tử (game online và offline) không chỉ là phương tiện giải trí mà còn trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, thay vì sử dụng game một cách điều độ, không ít học sinh rơi vào trạng thái lạm dụng, lệ thuộc – hay còn gọi là nghiện game. Đây là một hiện tượng ngày càng phổ biến và để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, sức khỏe cũng như sự phát triển nhân cách của học sinh.

Nghiện game được hiểu là trạng thái người chơi bị cuốn vào trò chơi điện tử đến mức mất kiểm soát, không thể ngừng chơi dù nhận thức được những hậu quả tiêu cực mà nó mang lại. Người nghiện game thường dành phần lớn thời gian cho việc chơi, nghĩ về game ngay cả khi không chơi, và dần xa rời các hoạt động học tập, sinh hoạt bình thường. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống và tương lai của các em học sinh.

Thực tế cho thấy, hiện tượng học sinh nghiện game đang diễn ra khá phổ biến, không chỉ ở thành phố mà cả ở nông thôn. Nhiều học sinh dành hàng giờ liền trước màn hình để chơi game, quên ăn, quên ngủ, thậm chí bỏ bê việc học. Có em nói dối cha mẹ, trốn học, hoặc thậm chí lấy trộm tiền để nạp thẻ game. Việc học hành sa sút, các mối quan hệ xã hội dần mai một, thể chất suy giảm – tất cả là những dấu hiệu cảnh báo của một cơn nghiện đang ăn mòn cuộc sống của các em.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nghiện game ở học sinh đến từ nhiều phía. Trước hết là sự hấp dẫn của trò chơi điện tử. Các nhà phát hành đã khéo léo thiết kế game với âm thanh sống động, hình ảnh bắt mắt, nội dung phong phú và luôn có yếu tố gây hứng thú, kích thích sự tò mò, chinh phục của người chơi. Game vừa là giải trí, vừa là “sân chơi ảo” cho phép người chơi thể hiện bản thân, giao lưu, cạnh tranh, từ đó tạo ra sự lôi cuốn mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, áp lực học tập, kỳ vọng từ gia đình và xã hội cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh tìm đến game như một cách để giải tỏa. Khi không tìm được niềm vui từ học hành hay cuộc sống thực tại, các em dễ bị cuốn vào thế giới ảo – nơi có cảm giác được làm chủ, được công nhận.

Một số bậc phụ huynh do bận rộn, thiếu quan tâm con cái, đã để các em tự do sử dụng thiết bị điện tử mà không có sự giám sát. Trong khi đó, nhà trường lại chưa có biện pháp giáo dục rõ ràng về tác hại của nghiện game, chưa tổ chức đủ hoạt động lành mạnh để thu hút học sinh tham gia và phát triển bản thân. Việc kiểm soát kinh doanh game của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ. Học sinh ảnh hưởng từ bạn bè và môi trường game tràn lan ở xung quanh. Khi bạn bè đều chơi game, một học sinh dễ bị lôi kéo để “không bị lạc lõng” hoặc để khẳng định mình trong một cộng đồng ảo.

Hậu quả của việc nghiện game là vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, nghiện game làm anhtr hưởng đến việc học tập của học sinh. Học sinh nghiện game thường bỏ bê bài vở, mất tập trung trong giờ học, chểnh mảng làm bài tập, dẫn đến điểm số giảm sút, thậm chí mất gốc kiến thức. Chơi game nhiều giờ liên tục gây ra các vấn đề về sức khỏe như: đau mắt, xương khớp, rối loạn giấc ngủ, suy giảm thể lực.

Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, nghiện game còn gây rối loạn tâm lý và hành vi. Nhiều học sinh trở nên cáu gắt, nóng nảy khi bị ngăn cản chơi game; một số em có biểu hiện trầm cảm, sống thu mình, ít giao tiếp với người thân và bạn bè. Đặc biệt, nếu tiếp xúc với các trò chơi có yếu tố bạo lực, cờ bạc, học sinh dễ bị ảnh hưởng tiêu cực, hình thành thói quen xấu và lệch chuẩn đạo đức. Không ít trường hợp đã phải can thiệp y tế hoặc giáo dục đặc biệt để điều trị hậu quả do nghiện game gây ra.

Để khắc phục tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và bản thân học sinh. Trước hết, cha mẹ cần quan tâm, lắng nghe và dành thời gian nhiều hơn cho con, đặc biệt là kiểm soát thời lượng sử dụng thiết bị điện tử. Nên khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoài trời, thể thao, nghệ thuật, học kỹ năng sống để lấp đầy thời gian rảnh một cách tích cực. Đồng thời, cần giáo dục con về những hậu quả nghiêm trọng của việc nghiện game.

Nhà trường cũng cần chủ động hơn trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ học sinh, sân chơi trí tuệ, thể thao, nghệ thuật để học sinh được phát triển toàn diện, từ đó hạn chế thời gian tiếp xúc với game. Bên cạnh đó, giáo viên cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ số một cách an toàn, hiệu quả.

Quan trọng hơn hết, bản thân học sinh cũng cần tự ý thức tự giác, biết phân bổ thời gian hợp lý, xây dựng kế hoạch học tập – nghỉ ngơi khoa học. Cần hiểu rằng game chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống, không thể thay thế những giá trị thực như tri thức, kỹ năng sống, tình cảm gia đình, tình bạn…

Cuối cùng, xã hội và các đơn vị phát hành game cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát nội dung, hạn chế những game có yếu tố bạo lực, gây nghiện; đồng thời phát triển các sản phẩm mang tính giáo dục, lành mạnh hơn cho giới trẻ.

Tóm lại, hiện tượng nghiện game ở học sinh là một vấn đề nhức nhối, cần được nhìn nhận nghiêm túc và xử lý kịp thời. Trò chơi điện tử (game) không hoàn toàn xấu nếu được sử dụng đúng cách, hợp lý và có giới hạn nhưng nếu lạm dụng, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của cả một thế hệ. Mỗi học sinh cần tỉnh táo, tự điều chỉnh bản thân để không bị cuốn vào thế giới ảo, mà thay vào đó là biết sống tích cực, rèn luyện toàn diện, chăm chỉ học tập để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang