Viết bài văn trình bày suy nghĩ về hiện tượng lười học của học sinh hiện nay

TRÌNH BÀY SUY NGHĨ VỀ HIỆN TƯỢNG LƯỜI HỌC CỦA MỘT SỐ HỌC SINH HIỆN NAY

DÀN BÀI:

I. Mở bài:

– Giới thiệu chủ đề/đề tài: “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức, người đó có sức mạnh” (Lê-nin). Chỉ có học tập chăm chỉ, chúng ta mới có được tri thức.

– Dẫn vào vấn đề nghị luận: Thế nhưng, hiện nay, có một số học lại lười biếng trong học tập, sa đà vào các trò chơi điện tử hoặc mạng xã hội.

– Nhận xét chung về vấn đề: Lười biếng trong học tập không những có hại đối với bản thân học sinh mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn xã hội.

II. Thân bài:

Hiện tượng học sinh lười học là gì?

Lười học là trạng thái học sinh không có tinh thần, động lực hoặc ý thức tự giác trong học tập, không hoàn thành nhiệm vụ học tập, luôn bị thầy cô, cha mẹ nhắc nhở. Đây là biểu hiện của sự chểnh mảng, thiếu trách nhiệm đối với nhiệm vụ học tập, dẫn đến việc không tiếp thu đầy đủ kiến thức và rèn luyện được những kỹ năng cần thiết.

Biểu hiện của việc lười học

– Học sinh thiếu sự tập trung khi nghe giảng, không chủ động tìm hiểu bài học.

– Học sinh thường không hoàn thành bài tập, nhiệm vụ học tập hoặc làm qua loa, đối phó.

– Học sinh thường xuyên nghỉ học, không tham gia các hoạt động học tập khác.

– Học sinh thường xuyên sử dụng điện thoại, xem tivi, chơi game, mạng xã hội,…

Hậu quả của việc lười học

– Học sinh không có kiến thức và kỹ năng.

– Kết quả học tập yếu kém.

– Có thái độ và hành động chống đối với cha mẹ, thầy cô.

– Mất ý chí, nghị lực và khát vọng trong học tập, buông bỏ việc học; dễ bị lôi cuốn vào game, mạng xã hội và tệ nạn xã hội.

Nguyên nhân khiến học sinh lười học

– Do học sinh thiếu ý thức và tinh thần trách nhiệm trong học tập. Không có ý chí, ước mơ, khát vọng lớn lao.

– Do áp lực nặng nề từ chương trình học tập, phương pháp dạy học của một số thầy cô chưa thực sự lôi cuốn, hấp dẫn, gây hứng thú.

– Do áp lực từ gia đình và xã hội. Gia đình luôn muốn con mình phải học giỏi. Xã hội yêu cầu lực lượng lao động có trình độ cao, xem trọng bằng cấp.

– Do thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội ngày càng thu hút học sinh tham gia.

Giải pháp khắc phục tình trạng lười học

– Bản thân học sinh phải nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm trong học tập.

– Gia đình cần thường xuyên nhắc nhở học sinh học tập và làm tốt nhiệm vụ học tập. Hạn chế cho các em sử dụng điện thoại và tham gia mạng xã hội.

– Nhà trường cần hạn chế áp lực về chương trình học tập và điểm số. Vận dụng các phương pháp dạy học gây hứng thú, mới mẻ, có sức lôi cuốn. Xã hội cần đề cao năng lực thực tế, hạn chế việc xem trọng bằng cấp.

Bàn luận mở rộng, đề xuất ý kiến

– Học tập là con đường quan trọng nhất để phát triển bản thân và thành công trong cuộc sống. Thế nhưng, một số học sinh chưa nhận rõ tầm quan trọng ấy. Thay vì chủ động tìm tòi, tích cực học tập, nhiều học sinh ngày nay lại thiếu ý thức tự giác, học đối phó, chỉ học khi bị ép buộc hoặc vì sợ bị điểm kém, gian lận trong thi cử,… Những người như thế thật đáng chê trách.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề: Những gì chúng ta đã biết chỉ là giọt nước. Những gì chúng ta chưa biết là cả đại dương mênh mông. Vì thế, phải chăm chỉ học tập, không được lười biếng.

– Rút ra bài học/liên hệ bản thân: Là học sinh, chúng ta không nên lười biếng mà phải chăm chỉ học tập, tự giác trong học tập, sống có tinh thần trách để hoàn thiện bản thân, mai này đem sức mình xây dựng cuộc sống hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

 Bài văn tham khảo:

Suy nghĩ về hiện tượng lười học của học sinh hiện nay

  • Mở bài:

Học tập vốn là nhiệm vụ quan trọng của mỗi học sinh. Thế nhưng, ngày càng nhiều học sinh tỏ ra lười học, thiếu động lực trong học tập. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập cá nhân mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.

  • Thân bài:

Có thể nói, học sinh lười học là một thực trạng phổ biến, diễn ra ở nhiều cấp học, đặc biệt là ở lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nhiều học sinh đến lớp với thái độ thụ động, không chú ý nghe giảng, không làm bài tập về nhà và chỉ học đối phó khi có kiểm tra. Một bộ phận học sinh còn tìm cách gian lận trong thi cử thay vì tự giác học tập.

Bên cạnh đó, không ít học sinh dành phần lớn thời gian vào các hoạt động giải trí như chơi game, xem phim, lướt mạng xã hội thay vì tập trung vào việc học. Theo thống kê từ một số cuộc khảo sát giáo dục, tỷ lệ học sinh lười học, thiếu ý thức tự học ngày càng tăng, việc học trực tuyến khiến nhiều học sinh mất đi thói quen siêng năng, tự giác và kỷ luật trong học tập.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng lười học là sự phát triển của các thiết bị công nghệ và mạng xã hội. Học sinh hiện nay dành quá nhiều thời gian vào các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính để chơi game, lướt mạng xã hội thay vì tập trung vào việc học. Theo một số nghiên cứu, trung bình một học sinh có thể dành từ 3-5 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại, điều này làm giảm khả năng tập trung và hiệu suất học tập.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục ngày càng nặng nề, phương pháp giảng dạy chưa thực sự thu hút cũng là một nguyên nhân khiến học sinh mất hứng thú trong học tập. Nhiều giáo viên vẫn áp dụng phương pháp truyền thống, thiên về lý thuyết, ít thực hành, khiến học sinh cảm thấy nhàm chán. Học sinh không thấy được ứng dụng thực tiễn của kiến thức, từ đó sinh ra tâm lý chán học, học đối phó để qua môn.

Ngoài ra, áp lực từ gia đình và xã hội cũng là một yếu tố quan trọng. Nhiều bậc phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao, ép con cái học tập một cách cứng nhắc mà không quan tâm đến sở thích, năng lực của con. Điều này dẫn đến việc học sinh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, mất động lực học tập.

Hậu quả của hiện tượng lười học là vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, học sinh lười học sẽ không có đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của xã hội, từ đó ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, lười học còn dẫn đến những hệ lụy tiêu cực khác như sa đà vào các tệ nạn xã hội, đánh mất định hướng trong cuộc sống.

Ngoài ra, lười học còn tác động tiêu cực đến nhân cách và đạo đức của học sinh. Khi thiếu kiến thức và kỹ năng, các học sinh dễ bị lôi kéo vào những thói quen xấu như gian lận trong học tập, dối trá để đạt thành tích, hoặc thậm chí sa ngã vào các tệ nạn xã hội như nghiện game, cờ bạc, vi phạm pháp luật.

Không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, hiện tượng lười học còn tác động đến sự phát triển của đất nước. Một thế hệ trẻ thiếu kiến thức, thiếu tư duy sáng tạo sẽ làm chậm tiến trình phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ. Đất nước sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập với thế giới.

Để khắc phục tình trạng này, cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Nhà trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo môi trường học tập hấp dẫn, giúp học sinh thấy được giá trị của kiến thức. Gia đình cần quan tâm, động viên con cái đúng cách, không nên tạo áp lực quá lớn. Bản thân học sinh cũng cần ý thức được trách nhiệm của mình, rèn luyện tính tự giác, tăng cường ý thức tuân thủ kỉ luật, nỗ lực tìm ra phương pháp học phù hợp để đạt kết quả tốt hơn.

  • Kết bài:

Tóm lại, học sinh lười học, thiếu tinh thần trách nhiệm và động lực trong học tập là một hiện tượng đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cá nhân và xã hội. Chỉ khi có sự chung tay của gia đình, nhà trường và bản thân học sinh, chúng ta mới có thể cải thiện được tình trạng này, hướng tới một thế hệ trẻ tri thức, sáng tạo và có trách nhiệm.

»»»Xem thêm: Nghị luận về tính tự giác trong học tập của học sinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang